Phân tích bài thơ Cáo bệnh bảo mọi người (Cáo tật thị chúng)

eLib xin gửi đến các em tài liệu dưới đây nhằm giúp các em nắm được nội dung và ý nghĩa của bài thơ "Cáo bệnh, bảo mọi người". Từ đó, các em sẽ có cơ sở phân tích bài thơ "Cáo bệnh, bảo mọi người". Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích bài thơ Cáo bệnh bảo mọi người (Cáo tật thị chúng)

1. Dàn ý phân tích bài thơ "Cáo bệnh, bảo mọi người"

a. Mở bài:

- Khái quát tác giả: Mãn Giác Thiền Sư là một cao tăng đức cao, đạo trọng và cũng là một vị thiền sư có tâm hồn và tài hoa của một nhà thi sĩ.

- Giới thiệu bài thơ: Cáo bệnh bảo mọi người vốn là một bài thi kệ, một thể loại kinh kệ của Phật giáo, được sáng tác bằng chữ Hán (Cáo tật thị chúng).

b. Thân bài:

- Hoàn cảnh ra đời cũng như mục đích sáng tác của bài thơ: Bài thơ đã được Thiền Sư đọc cho đệ tử nghe khi ông lâm bệnh.

- Qua bài thơ người đọc có thể hiểu được một triết lí sâu sắc của Thiền môn, một quan niệm nhân sinh tích cực của tác giả.

- Phân tích hai câu thơ đầu: Quy luật của tự nhiên:

+ Hai câu ngũ ngôn có nhịp điệu nhẹ nhàng, bình thản như bước đi muôn thuở của thời gian.

+ Muôn đời, muôn thuở, xuân đến rồi đi, hoa nở hoa tàn thành một vòng tuần hoàn bất tận.

- Phân tích hai câu giữa: Quy luật của cuộc đời:

+ Dòng thời gian trôi là bất biến, mọi việc trong đời cũng theo dòng thời gian mà trôi qua mãi.

+ Hai câu thơ vẫn với âm điệu nhẹ nhàng của thể ngũ ngôn nhưng nghe phảng phất một chút tâm tình của một vị cao niên.

- Phân tích hai câu cuối: Tư tưởng của nhà thơ:

+ Từ thể ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn một cách uyển chuyển, nhịp nhàng bộc lộ một tình cảm yêu đời thiết tha, một tư tưởng lạc quan đáng khâm phục.

+ Thiền sư khái quát thành tư tưởng sống tích cực, sống có ích, sống đẹp dù đang ở bất kì mùa nào của tuổi tác.

c. Kết bài:

- Tổng kết giá trị của bài thơ.

- Cảm nghĩ của người viết.

2. Viết đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ về "Cáo bệnh, bảo mọi người"

Bài thơ "Cáo bệnh, bảo mọi người" thể hiện rất rõ cái nhìn lạc quan yêu đời mà tác giả thể hiện qua từng câu thơ, cái nhìn đó được tác giả khẳng định qua hình tượng của tự nhiên mang vẻ đẹp tươi tắn gợi lên sức sống mãnh liệt, sự sinh sôi vô tận và bất diệt, cùng với đó là quy luật sinh tử mà bất cứ ai cũng phải trải qua, mở đầu bằng hình ảnh mùa xuân và kết thúc bằng hình ảnh một cành mai như điểm nhấn cho chính cuộc đời của tác giả, những câu thơ được viết trong khi đang mang bệnh nhưng cái nhìn về cuộc sống của bản thân, về thiên nhiên đã thể hiện bản lĩnh, tinh thần khỏe mạnh đạt đến độ ung dung không phải suy nghĩ. Qua bài thơ cho người đọc thấy được sự mạnh mẽ bên trong tác giả, là một bậc tu hành giác ngộ được những đạo lí trong cuộc sống, có thể vượt ra được vòng luẩn quẩn để cho bản thân cái nhìn theo chiều hướng đẹp nhất, tích cực nhất.

3. Viết bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người"

Thơ văn Lí - Trần là một đỉnh cao rực rỡ của nền văn học trung đại Việt Nam. Trong dòng văn học đậm chất Thiền đó, Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) là một tên tuổi tiêu biểu dù ông sáng tác không nhiều. Ông là một cao tăng đức cao, đạo trọng và cũng là một vị thiền sư có tâm hồn và tài hoa của một nhà thi sĩ. Với bài thi kệ "Cáo bệnh bảo mọi người" (Cáo tật thị chúng), Mãn Giác Thiền Sư được xem như là một nhà thơ có công đặt nền móng cho dòng thơ thiền thời Lí.

Trong số đó, Mãn Giác Thiền sư (1052 - 1096) là một vị cao tăng mang tâm hồn thi sĩ tuyệt đẹp. Bài "Cáo bệnh bảo mọi người" (Cáo tật thị chúng) được vị Thiền sư đọc cho các đệ tử nghe khi ông lâm bệnh trọng, trước lúc qua đời. Vốn là một bài kệ (kinh kệ) hàm chứa triết lí đạo Phật cao sâu, nhưng lại tươi mát, gợi cảm, đầy thi vị. Nguyên tác bằng chữ Hán, đây là bản dịch thơ:

"Xuân qua, trăm hoa rụng,

Xuân tới, trăm hoa cười.

Trước mắt, việc đi mãi,

Trên đầu, già đến rồi.

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua, sân trước, một cành mai"

Bài kệ - thơ đã nói lên quy luật của sự sống và thiên nhiên, biểu lộ tâm thế của nhà sư trước quy luật sinh, tử ở cõi nhân gian, cái tịch diệt và cái vĩnh hằng trong vũ trụ. "Cáo bệnh bảo mọi người" gồm 6 câu, hai câu kết thành một liên đăng đối, hài hoà để lại nhiều ấn tượng thú vị.

Hai câu đầu nói lên sự tuần hoàn của bốn mùa, tiêu biểu là sự chuyển vần của mùa xuân. Mỗi độ xuân về, trăm hoa nở (bách hoa khai) đua sắc khoe hương. Ở trong hai câu thơ này, Mãn Giác Thiền sư đã nói về sự tàn úa của những bông hoa trước khi nói về sự tươi đẹp, bung nở của những bông hoa. Hai câu thơ đã thể hiện được quy luật của tự nhiên: Xuân đi trăm hoa sẽ tàn úa, phôi pha theo, xuân đến mang đến sự sống cho trăm hoa. Tác giả đã lựa chọn cách nói trái ngược như để nhắn nhủ đến mọi người: xuân đến rồi cũng sẽ đi, đây là quy luật của tự nhiên không thể thay đổi, do vậy con người cần giữ cho mình tâm thế bình thản để đối mặt với nhiều biến động trong cuộc sống.

Thời gian vẫn luôn vận động mà không đợi bất cứ ai, không đợi bất cứ điều gì, thời gian trôi kéo theo biết bao sự việc không kể lớn nhỏ trong đó có cả con người. Con người theo năm tháng rồi cũng già đi, lớn lên theo thời gian để rồi giật mình nhận ra bản thân đã già thật rồi, biểu hiện rõ nét nhất đó chính là sự đổi màu trên mái tóc. Nhưng điều đáng nói nhất ở đây là con người không giống với tự nhiên, tự nhiên trải qua những vòng lặp nhất định nhưng con người thì không, chẳng biểu hiện rõ nét nhưng mỗi người đều sống một cuộc sống, và khi về già thì ai cũng sẽ phải dừng lại tại điểm cuối của quãng đường đời, chỉ có sự khác biệt là mỗi người có một quãng đường dài ngắn khác nhau mà thôi. Dù có hoàn hảo thế nào, dù không thể thay đổi quá nhiều nhưng vẫn luôn tồn tại một sức sống mãnh liệt trong thiên nhiên và trong con người.

Từ thể ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn một cách uyển chuyển, nhịp nhàng bộc lộ một tình cảm yêu đời thiết tha, một tư tưởng lạc quan đáng khâm phục. Đáng nói là trong mạch cảm xúc của bài thơ thì hai câu cuối này thật sự gây một ấn tượng mạnh mẽ. Nếu bốn câu trước như một lời tri nhận những quy luật bất biến của thiên nhiên và cuộc sống thì hai câu cuối này lại như đảo dòng quy luật ấy. Đảo dòng nhưng không hề phi lí mà vẫn thuyết phục người đọc một cách tài tình. Ai cũng hiểu, xuân tàn hoa sẽ rụng nhưng ai cũng sẽ vui mừng khi đâu đó chợt bắt gặp một cành mai nở muộn cuối mùa. Điều đó đặc biệt như một món quà của thiên nhiên và từ đó khái quát thành tư tưởng sống tích cực, sống có ích, sống đẹp dù đang ở bất kì mùa nào của tuổi tác. Càng đáng quý hơn khi đó là lời khuyên của một bậc Thiền sư đang trong những ngày đau ốm, bệnh tật.

Bài kệ "Cáo bệnh, bảo mọi người" thể hiện một cốt cách, một quan niệm sống đẹp của vị Thiền sư đức trọng tài cao. Tư tưởng Phật giáo hoà quyện với chất thơ, tầm cao sâu triết lí đạo Phật được trang phục bằng lời thơ đẹp, giàu hình tượng và cảm xúc.

  • Tham khảo thêm

Ngày:07/11/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM