Phân tích thân phận và con đường đến với hạnh phúc của Tấm trong truyện Tấm Cám

Tài liệu dưới đây sẽ giúp các em hiểu hơn về con đường tìm đến hạnh phúc của Tấm vất vả, gian nan ra sao, từ đó các em sẽ cảm nhận được khát vọng hạnh phúc của con người trong xã hội xưa. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích thân phận và con đường đến với hạnh phúc của Tấm trong truyện Tấm Cám

1. Dàn ý ngắn gọn phân tích thân phận và con đường đến với hạnh phúc của Tấm

- Mở bài:

+ Giới thiệu khái quát truyện cổ tích Tấm Cám.

+ Đánh giá chung về thân phận và con đường đến với hạnh phúc của Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám.

- Thân bài:

+ Thân phận của nhân vật Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám:

  • Thuộc kiểu nhân vật mồ côi.
  • Số phận chịu nhiều cay đắng, bất hạnh.
  • Qua số phận của Tấm, thấy được mâu thuẫn "Mẹ ghẻ - con chồng", "cái thiện - cái ác" trong xã hội.

+ Con đường đến với hạnh phúc của Tấm:

  • Ban đầu, những hạnh phúc mà Tấm có được là nhờ ông Bụt ban phép lạ.
  • Sau đó, cô Tấm cam chịu ngày nào chỉ biết bưng mặt khóc nức nở đã chủ động đứng lên giành lại hạnh phúc qua những lần hóa thân, mạnh mẽ vạch tội mẹ con Cám.
  • Ý nghĩa của những lần hóa thân: Thể hiện sự thay đổi trong hành trình từ cam chịu đến mạnh mẽ hơn, nhận thức được những âm mưu cùng tâm địa độc ác của mẹ con Cám và đấu tranh quyết liệt hơn.

+ Ý nghĩa của mối quan hệ giữa thân phận và con đường đến với hạnh phúc của Tấm:

  • Thể hiện rõ ước mơ của nhân dân ta về một xã hội công bằng, tốt đẹp: Sự chiến thắng của cái thiện, cái tốt đẹp trước cái xấu, cái ác.
  • Thể hiện đặc trưng của thể loại cổ tích về kết thúc có hậu: "ở hiền gặp lành", "Gieo gió gặt bão".

- Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa của số phận con đường đến với hạnh phúc của Tấm trong truyện "Tấm Cám".

2. Dàn ý chi tiết phân tích thân phận và con đường đến với hạnh phúc của Tấm

a. Mở bài:

- Tấm Cám là truyện cổ tích thuộc kiểu truyện về người mồ côi, có mang yếu tố thần kì. Truyện phản ánh số phận của cô gái mồ côi bất hạnh cùng mơ ước đổi đời và công lí xã hội của người lao động.

- Số phận của nhân vật trung tâm là cô Tấm gắn liền với cuộc đấu tranh chống lại cái ác qua hai chặng đời đấu tranh: người con mồ côi bị ức hiếp và sau khi trở thành vợ vua.

b. Thân bài:

- Chặng đời thứ nhất:

+ Cô Tấm mồ côi vốn hiền lành, chăm chỉ, luôn luôn bị mẹ con Cám chà đạp:

  • Đầu tiên là việc đi bắt tép để được thưởng cái yếm đỏ, Tấm bị Cám lừa trút hết tôm tép vào giỏ Cám.
  • Nhịn bát cơm để nuôi cá bống trong giếng cũng bị mẹ con Cám bắt ăn thịt. Khi được tin nhà vua mở hội, Tấm lại bị mẹ ghẻ hành hạ bằng cách bắt nhặt thóc gạo trộn lẫn.
  • Mỗi lần bị hà hiếp, Tấm chỉ biết khóc: Tấm bưng mặt khóc nức nở, (…) bưng mặt khóc òa, (…) tủi thân òa lên khóc, (…) tủi thân muốn khóc. Những tiếng khóc trên chứng tỏ Tấm ý thức được nỗi khổ của mình. Đó là thái độ phản kháng mang tính thụ động, chịu đựng, mềm yếu.

- Chặng đời thứ hai:

+ Tấm trở thành hoàng hậu nhưng vẫn bị cái ác tiêu diệt, cô Tấm hiền lành, lương thiện vừa bị giết chết, một cô Tấm mạnh mẽ và quyết liệt sống dậy, trở về với cuộc đời để đòi hạnh phúc.

+ Tấm hóa vàng anh, báo hiệu sự có mặt của mình thì bị giết chết. Tấm hóa cây xoan đào (khung cửi), tuyên chiến với kẻ thù thì bị đốt cháy. Tấm hóa cây thị (quả thị) trở về với đời… Cái thiện không chịu chết một cách oan ức trong im lặng đã vùng dậy, còn cái ác cũng tìm mọi cách tiêu diệt cái thiện. Những lần chết đi sống lại của Tấm phản ánh tính chất gay gắt, quyết liệt của cuộc chiến đấu giữa cái thiện với cái ác, đồng thời thể hiện sức sống mãnh liệt, không thế bị tiêu diệt của cái thiện.

+ Chim vàng anh, cây xoan đào (khung cửi), cây thị (quả thị) là những vật cô Tấm gửi gắm linh hồn, cũng là những vật bình dị thân thương trong cuộc sống dân dã. Đó là những hình ảnh đẹp, tạo ấn tượng thẩm mĩ cho câu chuyện.

+ Sau bao lần hóa thân chiến đấu chống kẻ thù. Tấm trở lại với cuộc đời. Dường như Tấm hiểu rằng không thể có hạnh phúc trọn vẹn nếu cái ác còn tồn tại. Cô lừa Cám để tự nó sai người đào hố, dội nước sôi, tự kết thúc đời mình. Cuối cùng Tấm đã giành lại và hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Kết thúc đó nêu triết lí dân gian, “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” phù hợp với mong ước của nhân dân về sự trừng phạt kẻ thù.

+ Tóm lại, cuộc chiến đấu của Tấm với mẹ con dì ghẻ thật gian nan, quyết liệt nhưng cuối cùng Tấm đã chiến thắng. Đó là chiến thắng tất yếu của cái thiện, của lòng nhân đạo và tinh thần lạc quan theo quan niệm của nhân dân.

+ Mấy lần hóa thân của Tấm trong chặng đời này cũng có sự trợ giúp của yếu tố kì ảo. Nếu ở phần một của truyện, Bụt hiện lên ban tặng vật thần kì mỗi lần Tấm khóc, thì ở phần hai, cuộc đấu tranh quyết liệt hơn nhưng ta không còn thấy Tấm khóc, cũng hoàn toàn không thấy sự xuất hiện của Bụt. Nhân dân gợi vào nhân vật Tấm ý thức phải tự mình giành và giữ hạnh phúc. Khác với phần một, yếu tố kì ảo (chim vàng anh, xoan đào, quả thị) không thay Tấm trong cuộc chiến đấu mà chỉ là nơi Tấm hóa thân để lại đấu tranh với cái ác quyết liệt hơn.

+ Sau bao đau khổ, chết đi sống lại nhiều lần, cuối cùng Tấm đã trở về với cuộc đời, hương hạnh phúc có thực và dài lâu trên trần thế. Kết thúc đó cho thấy quan niệm về hạnh phúc của nhân dân xưa. Điều này thể hiện lòng yêu đời và gắn bó với cuộc sống của nhân dân lao động xưa.

c. Kết bài:

- Cô Tấm nghèo hèn, bị bắt nạt, bị giết, cuối cùng đã gặp lại chồng, trở về làm hoàng hậu bên những người dân hiền lành tử tế. Kết thúc đó cũng mang mơ ước đổi đời của những người lao động nghèo. Đó là bức tranh về một xã hội lí tưởng có “vua sáng, tôi hiền”. Trong xã hội mơ ước đó, họ không phải là loại người bần cùng mà ở địa vị tối cao.

- Những mơ ước trên biểu hiện tâm hồn lãng mạn, tinh thần lạc quan yêu đời và niềm khát khao vươn tới cái đẹp, cái thánh thiện của nhân dân lao động.

3. Phân tích thân phận và con đường đến với hạnh phúc của Tấm

Truyện cổ tích Tấm Cám rất đặc biệt với người Việt Nam, đó là tác phẩm mang những ý nghĩa nhân văn đáng trân trọng, trong thời thơ ấu của mình có mấy ai không từng được nghe kể chuyện Tấm Cám và hình ảnh cô Tấm mồ côi ao ước chiếc yếm đào, ngồi khóc bên giếng vì mất bống, bị hắt hủi tội nghiệp đã làm lay động bao trái tim nhân hậu. Kiểu truyện Người mồ côi rất quen thuộc trong truyện cổ tích Việt Nam và nước ngoài, trong đó Tấm Cám là kiểu truyện phổ biến. Ở Pháp có truyện Lọ Lem, Đức có Cò Tro Bếp, Trung Quốc có Nàng Diệp Hạn, Thái Lan có Con cá vàng, Mianma có Truyện con rùa, Cam-pu-chia có Nẽang-Cantóc... Nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng có những truyện tương tự Tấm Cám: Tua Gia Tua Nhi (Tày), Ý Ưởi Ý Noọng (Thái), Gầu Nà - Gầu Rềnh (Mông), Đôi giày vàng (Chăm), ứ và Cao (Hơ-rê), Gơ liu- Gơ lát (Xơ-rê)... khác với những truyện tương tự Tấm Cám ở phương Tây, thường kể về cô gái mồ côi bất hạnh, chăm chỉ hiền lành được vào hoàng cung, lấy chồng hoàng tử và kết thúc ở đó. Truyện Tấm Cám còn có phần thứ hai, phản ánh cuộc đấu tranh gian nan và quyết liệt đế giành và giữ hạnh phúc của Tấm. Cả hai phần của truyện đều thể hiện mơ ước thiện thắng ác và mơ ước về hạnh phúc của nhân dân lao động Việt Nam xưa. Thân phận và con đường đến với hạnh phúc của cô gái mồ côi.

Qua những trang truyện, độc giả có thể thấy được Tấm hiện lên với thân phận bất hạnh. Trước hết, đó là một cô gái mồ côi mẹ, sau đó người cha cũng qua đời. Sống chung với dì ghẻ và Cám, cô Tấm đã phải trải qua rất đắng cay, khổ cực. Đặt thân phận Tấm trong mối quan hệ "dì ghẻ - con chồng", chúng ta mới thấy hết những thiệt thòi, bất hạnh. Ông cha ta đã từng nói:

"Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng"

Có thể khẳng định câu ca trên đã thể hiện rất rõ mâu thuẫn giữa mối quan hệ "mẹ ghẻ - con chồng" tồn tại trong xã hội lúc bấy giờ. Bởi vậy, trong khi Cám được tận hưởng những điều tốt đẹp, nhận được sự yêu thương, chiều chuộng thì Tấm phải chịu đựng sự cay nghiệt, ghẻ lạnh của người dì. Tấm phải làm việc quần quật suốt ngày đêm, bị bóc lột về thể xác cũng như tinh thần. Để ngăn không cho Tấm đi dự hội, mẹ con Cám đã bày mưu trộn lẫn thóc và gạo. Khi thấy Tấm ngày ngày chăm sóc cá Bống như một niềm an ủi, mẹ con Cám đã giết chết cá Bống, thậm chí là nhẫn tâm chặt đứt cây cau, để đạt được tham vọng xấu xa của bản thân mà tước đoạt sinh mạng của Tấm.

Nhân vật Tấm được xây dựng với thân phận đầy bất hạnh, đau khổ. Thân phận đầy đau khổ này của cô Tấm trong truyện cổ cũng là thân phận chung của những người nghèo, người mồ côi lương thiện trong xã hội xưa. Mâu thuẫn giữa Tấm với mẹ con dì ghẻ không chỉ là mâu thuẫn dì ghẻ - con chồng mà còn là biểu hiện cụ thể của xung đột thiện - ác trong cuộc đời. Tấm đại diện cho nhân vật thiện chăm chỉ, lương thiện, đôn hậu (bắt được đầy giỏ tép, đi chăn trâu đồng xa, nhịn cơm dành nuôi bông...). Cái ác hiện hình trong mẹ con mụ dì ghẻ qua hành động: lừa gạt lấy mất giỏ tép để tước đoạt ước mơ bé nhỏ của Tấm là cái yếm đào, lén lút giết chết con bống là giết chết người bạn bé nhỏ của Tấm, trắng trợn trộn thóc với gạo nhằm dập tắt niềm vui được đi hội làng, được giao cảm với đời của cô. Tiếng khóc tội nghiệp của Tấm mỗi lần bị chèn ép, áp bức có sức lay động mọi trái tim nhân hậu, gợi dậy niềm cảm thông, chia sẻ của mọi người.

Nhưng đến cuối cùng, Tấm đã giành lại và bảo vệ được hạnh phúc của chính mình. Vậy con đường đến với hạnh phúc của Tấm đã diễn ra như thế nào? Trước hết, hạnh phúc đến với Tấm là bởi sự hiền lành, lương thiện, chăm chỉ nên được Bụt giúp đỡ. Khi bị mẹ con Cám hành hạ, Tấm chỉ biết ôm mặt khóc nức nở, thể hiện sự đuối thế, yếu đuối trước những điều xấu xa, độc ác. Những lúc như vậy, ông Bụt đột nhiên hiện ra, đem theo phép màu giúp đỡ cô gái mồ côi hiền lành, bất hạnh như gọi đàn chim sẻ xuống giúp đỡ và ban cho Tấm những món quà tốt đẹp như quần áo đi dự hội,...

Câu chuyện Tấm Cám đã thể hiện những ý nghĩa bài học sâu sắc. Trước hết, hành trình đó đã thể hiện rõ ước mơ của nhân dân ta về một xã hội công bằng, tốt đẹp. Đó là sự kiến thiết, hiện thực hóa giấc mơ của nhân dân lao động về sự chiến thắng của cái thiện trước cái xấu, cái ác. Đồng thời, kết thúc có hậu của câu chuyện còn thể hiện rõ đặc trưng tư duy của thể loại cổ tích về quan điểm "Ở hiền gặp lành", "Gieo gió gặt bão".

Mặc dù thời đại của những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích đã lùi xa nhưng những bài học giáo dục mà nó thể hiện vẫn vẹn nguyên giá trị. Tuy trang truyện đã được gấp lại nhưng hành trình đến với hạnh phúc của cô Tấm từ cam chịu đến chủ động đứng lên đấu tranh vẫn hiện hiện trước mắt người đọc hấp dẫn biết bao thế hệ, đồng thời để lại những ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

Ngày:19/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM