Suy nghĩ về tình mẫu tử Trong lòng mẹ - Nguyên Hồng

Tình mẫu tử luôn là một trong những đề tài phong phú , sâu sắc mà các nhà văn, nhà thơ trên thế giới hướng ngòi bút của mình vào sáng tác. Cũng bởi thứ tình cảm đã thấm nhuần trong tiềm thức của mỗi người, các tác phẩm được viết ra luôn mang sự chân thật, đầy cảm xúc. eLib xin mời các em tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây. Chúc các em học tập tốt.

Suy nghĩ về tình mẫu tử Trong lòng mẹ - Nguyên Hồng

1. Dàn ý suy nghĩ về tình mẫu tử trong lòng mẹ

a. Mở bài 

  • Khái quát về Nguyên Hồng và tác phẩm hồi kí " Những ngày thơ ấu ". 
  • Nêu lên tình mẫu tử trong đoạn trích " Trong lòng mẹ " và suy nghĩ của bản thân. 

Tình mẫu tử luôn là tình cảm thiêng liêng nhất, đáng quý nhất. Và thật là đáng thương cho những người mẹ, người con vì cuộc sống mưu sinh mà phải rời xa vòng tay nhau. Để rồi khi gặp lại, niềm vui sướng như được vỡ òa. Tất cả những cảm xúc đó đã được nhà văn Nguyên Hồng làm nổi bật trong đoạn trích "Trong lòng mẹ", từ đó ta thấu hiểu hơn tình cảm thiêng liêng, đáng kính này.

b. Thân bài

1, Khái quát

Cậu bé Hồng sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc. Cha sớm tối sống với bàn đèn thuốc phiện , còn mẹ - một người phụ nữ với trái tim khao khát yêu thương, phải chôn vùi tuổi thanh xuân bên người chồng nghiện ngập. Rồi khi  mất, mẹ cậu vì cùng túng và chịu qúa nhiều lời cay nghiệt của họ hàng mà đã phải bỏ lại anh em cậu để đi tha hương cầu thực. Cậu phải sống nương nhờ họ hàng bên nội, nhưng luôn phải nghe những lời dè bỉu, những thành kiến về mẹ mình. Người cô ruột vì ghét mẹ cậu mà luôn lấy cậu ra để dày vò cho hả giận. Một đứa trẻ mười tuổi phải sống bơ vơ một mình, không có lấy một vòng tay yêu thương quan tâm, một sự chở che mà một đứa trẻ đáng ra được nhận, đó thật sự là nỗi bất hạnh lớn nhất trong tuổi thơ của một đứa bé. Nhưng cậu vẫn kiên cường vượt qua tất cả, luôn yêu thương mẹ hết lòng. Tất cả là nhờ tình mẫu tử thiêng liêng cao đẹp giữa Hồng và mẹ mình, từ đó ta thấm thía hơn giá trị của tình mẹ con trong cuộc sống. 

2, Phân tích

  • Tình mẫu tử trước hết được thể hiện qua diễn biến tâm trạng của cậu bé Hồng khi mẹ đi xa 
  •     Khi nói chuyện với cô ruột, cậu lựa chọn cách im lặng để bảo vệ mẹ mình khỏi những lời nói cay nghiệt của bà cô. ( " cúi đầu không đáp " )
  •     Khi cô hỏi có muốn vào Thanh Hóa với mẹ hay không , cậu đã nhận ra những ý nghĩ cay nghiệt trong lời nói của cô nên cậu đã nói dối rằng không muốn vào. Mặc dù sau câu nói ấy là cả một sự tủi cực , nhớ thương mẹ da diết khiến " lòng tôi càng thắt lại , khóe mắt tôi đã cay cay ". 
  •      Đó còn là sự căm ghét của Hồng đối với những hủ tục lạc hậu đã đày đọa mẹ cậu , khiến mẹ cậu phải rời bỏ hai anh em cậu để đi tha hương cầu thực. ( Hình ảnh ẩn dụ so sánh : " Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh , đầu mẩu gỗ , tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn mà nhai mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi.")
  • Tình mẫu tử còn được thể hiện thông qua tâm trạng của Hồng khi gặp lại mẹ sau bao ngày xa cách
  •       Nỗi nhớ mẹ đã từng ngày từng giờ gặm nhấm tâm hồn nhỏ bé của Hồng. Để rồi khi qúa nhớ nhung , nó đã khiến cậu phát ra thành lời nói " Mợ ơi ! Mợ ơi ! Mợ ơi !... ". Khi chỉ " thoáng thấy một bóng người " giống mẹ mình cậu cũng " đuổi theo " và gọi những tiếng tha thiết như sợ chậm một chút thôi là bóng hình ấy sẽ tan biến. Đó chẳng phải là nỗi nhớ mẹ da diết của cậu hay sao. 
  •       Rồi khi đã được mẹ kéo vào lòng , thì cậu òa khóc nức nở. Như đã tìm được cho mình một vòng tay ấm áp , an toàn , bao nỗi buồn tủi , đau đớn trong những ngày tháng qua đều trào ra theo dòng nước mắt. 
  •       Khi cậu chăm chú ngắm mẹ mình , thấy mẹ vẫn xinh đẹp như thủơ còn sung túc. Đó là những giây phút hạnh phúc thần tiên nhất , hiếm hoi nhất trong cuộc đời của Hồng. Hay vì hạnh phúc được gặp mẹ mà khiến cậu nhìn đâu cũng thấy đẹp đẽ. 
  • Đó còn là tình yêu con tha thiết của mẹ Hồng
  •      Dám đối mặt với bao thành kiến, ruồng rẫy của họ hàng để trở về trong ngày gĩô đầu của chồng mình để được gặp lại các con của mình. 
  •      Ôm con vào lòng và sụt sùi theo con. 
  • Suy nghĩ về tình mẫu tử
  •      Đó là tình cảm thiêng liêng cao đẹp, không gì có thể xâm phạm, vấy bẩn. Đó là tình cảm chân thành, mãnh liệt nhất, không gì hủy diệt được. 
  •      Tình mẫu tử càng mãnh liệt, sâu nặng hơn qua những thử thách của thời gian. 
  •      Chỉ có tình máu mủ ruột thịt mới giúp con người mạnh mẽ hơn, cũng khiến con người cảm thấy an toàn vad ấm áp hơn hết. 

3, Đánh giá

  •     Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn trích. 
  •     Liên hệ tới các tác phẩm cùng nói về tình mẫu tử " Con cò ", " Tôi đi học " ...

c. Kết bài 

  •     Nêu suy nghĩ về tình mẫu tử, hành động bản thân. 

Tình mẫu tử trong đoạn trích thật đẹp đẽ, thiêng liêng, xúc động. Nguyên Hồng đã mở ra trước mắt chúng ta một thế giới tâm hồn phong phú. Thế giới ấy luôn làm chúng ta ngạc nhiên vì ánh sáng nhân đạo lấp lánh của tình người. Trong lòng mẹ chính là lời khẳng định chân thành đầy cảm động về sự bất diệt của tình mẫu tử thiêng liêng.

2. Suy nghĩ về tình mẫu tử trong lòng mẹ

Nguyên Hồng là nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm viết về người khốn khổ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Văn Nguyên Hồng cũng như con người của ông, không giấu nổi những cảm xúc rưng rưng chỉ chực trào ra đầu bút. Hồi kí "Những ngày thơ ấu" là tác phẩm tiêu biểu của ông. Đoạn trích "Trong lòng mẹ" làm xúc động người đọc bởi tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp. 

"Trong lòng mẹ" thuộc chương IV của hồi kí kể về những cay đắng, tủi nhục của chú bé Hồng trong cuộc đối thoại với bà cô bà niềm vui sướng hạnh phúc khi được gặp mẹ qua đó làm nổi bật tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt. 

Bé Hồng sống trong hoàn cảnh mồ côi cha, xa rời tình yêu thương của mẹ nhưng trái tim cậu luôn dành cho mẹ tình yêu thương mãnh liệt. Cuộc trò chuyện với bà cô là một kỉ niệm không thể quên về một nỗi đau uất nghẹn mà tuổi thơ Nguyên Hồng đã phải trải qua. Những lời nói cay nghiệt của bảo cô chính là những nhát dao cứa sâu và trái tim trẻ thơ của chú bé. Đầu tiên bà cô gợi ý cho bé Hồng vào thăm mẹ. Nỗi nhớ mẹ của một đứa trẻ từ nhiều phen "rớt nước mắt vì thiếu thốn một tình yêu thương ấp ủ" lại được khơi dậy. Em chỉ yên lặng cúi đầu không đáp. Không phải vì Hồng không nhớ mẹ mà hơn ai hết chú bé cảm nhận ra ý cay độc trong giọng nói rất kịch bà cô để rồi đáp lại lời khơi dậy tình yêu thương ấy là sự im lặng. Khi nghe bà cô nhắc đến địa danh "Thanh Hóa" ngay lập tức hình ảnh của mẹ hiện về với "vẻ mặt rầu rầu và hiền từ". Chỉ cần một tác động nhỏ là hình ảnh người mẹ lại tràn đầy trong ký ức. Không những thế em luôn vững tin ở mẹ "mặc dầu non một năm ròng mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà". Tình yêu thương mẹ đối với Hồng đủ mạnh giúp em vượt qua những cám dỗ về vật chất, những khoảng cách về không gian và thời gian.

Khi nghe bà cô nhắc đến hai từ "phát tài" và "em bé", trong lòng Hồng đã nảy sinh những trạng thái tình cảm: "khoé mắt cay cay, nước mắt ròng ròng, cười dài trong tiếng khóc, cổ họng nghẹn ứ không khóc ra tiếng". Nếu lúc trước nỗi đau có thể kìm nén để rưng rưng nơi khóe mắt thì giờ đây những giọt nước mắt đã vỡ òa. Trong khi bà cô cứ tươi cười kể chuyện thì nỗi đau của Hồng đã bị dồn nén trở thành nỗi uất hận, lòng căm thù: " Giá những cổ tục đã đày dọa mẹ tôi là 1 vật nư hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẫu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi..." Đây là câu văn dài liên tiếp phép liệt kê giúp người đọc hình dung ra sự tức giận của Hồng khi muốn phá tùng tất cả. Biện pháp so sánh cái trừu tượng với cái cụ thể làm cho những cổ tục dường như có hình khối. Bằng một loạt các động từ mạnh: "vồ, cắn, nhai, nghiến" đã thể hiện lòng căm thù, quyết tâm muốn phá hủy cái đã đầy đọa mẹ cho dù là khó khăn với chú bé. Điều đó bắt nguồn từ sâu thẳm trái tim từ tình yêu thương mẹ, từ lòng nhân hậu, bao dung của chú bé Hồng đối với mẹ. Như vậy, trong trái tim bé Hồng là hình ảnh người mẹ hiền từ nhân hậu. Phải là người có cái nhìn tiến bộ, bênh vực và bảo vệ mẹ thì chú bé Hồng mới không bị những rắp tâm tanh bẩn của bà cô khuất phục. 

Phần cuối tác phẩm thuật lại cảnh bé Hồng bất ngờ gặp được mẹ. Niềm vui, niềm hạnh phúc tuyệt vời được trở về trong lòng mẹ của đứa trẻ thiếu thốn tình thương ấp ủ là kỉ niệm sâu sắc, ngọt ngào nhất của cuộc gặp gỡ ấy. Bằng linh cảm của một đứa con xa mẹ gần một năm nay, không gặp mẹ nên chỉ thoáng thấy một người giống mẹ, Hồng đã gọi: "Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!" Tiếng gọi ấy xuất phát từ trái tim, nó bật ra từ nỗi khao khát gặp mẹ bấy lâu. Vì thế "nếu người quay lại là người khác, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần tạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa xa mạc”. Biện pháp so sánh giữa cái lầm của bé Hồng với cái lầm của người khách bộ hành trên sa mạc khát nước đã cực tả nỗi tuyệt vọng của đứa trẻ. Trạng thái tuyệt vọng ấy có thể giết chết trái tim nhỏ bé của Hồng. Đồng thời qua biện pháp so sánh, ta cũng thấy được nỗi khát khao mình mẹ của đứa trẻ. Hồng khao khát gặp mẹ như người khách bộ hành trên sa mạc khao khát nguồn nước mát. Mẹ chính là nguồn sống, là dòng nước mát làm dịu đi cái sa mạc nhân tâm giúp con tồn tại. Vì thế khi nhận ra đó là mẹ, Hồng đã có một loạt những hành động, trạng thái: "thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, ríu cả chân lại, òa lên khóc". Đó là trạng, hành động của niềm hạnh phúc. 

Khi ngồi trong lòng mẹ, Hòng mới có dịp quan sát mẹ nhiều hơn. Em nhận ra "mẹ không còn còm cõi, xơ xác như lời người ta đồn thổi. Mẹ vẫn trẻ trung và tràn đầy sức sống", "gương mặt tươi sáng và đôi mắt trong, nước da mịn". Hồng đã cảm nhận được cảm giác mơn man khắp da thịt. Chú bé như đi vào thế giới hồi sinh. Bằng tất cả các giác quan, chú bé khẳng định người mẹ có một sự êm dịu vô cùng. Ngồi trong lòng mẹ, Hồng không còn nhớ mẹ đã hỏi và mình đã trả lời những gì, cả câu nói hiểm ác của bà cô cũng bị chìm ngay đi. Trở về với mẹ, Hồng đã trở về với thế giới đích thực của tình thương. Thế giới ấy làm cho thời gian ngừng trôi, có thể cảm hóa và hồi sinh tâm hồn con người.

Nhà văn đã thành công trong việc miêu tả tâm lí, tâm trạng nhân vật trong nhiều tình huống. Và dù ở tình huống nào thì ngòi bút phân tích cảm giác, cảm xúc của tác giả cũng đạt tới sự sâu sắc, tinh tế và hiếm có. Bút pháp giàu chất trữ tình. Cả chương truyện tràn đầy cảm xúc. "Nguyên Hồng đã lắng nghe được những âm thanh sâu lắng trong tâm hồn, cảm nhận được những cảm giác tinh tế ở bên trong, có khả năng làm khơi dậy mọi giác quan của người đọc". Lối viết văn tự truyện tạo cho người đọc sự cảm động, đồng cảm, gần gũi và tin cậy, một xúc động sâu lắng với những ấn tượng mạnh mẽ, nhà văn đem phần trong sáng nhất của tâm hồn ra giãi bày trước công chúng. Qua sự chọn lọc và đào thải của thời gian, những kỉ niệm, những cảm giác về thời thơ ấu phải là những gì thật lắng đọng, mạnh mẽ và sâu sắc đến mức có thể đi với chúng ta suốt cuộc đời. Chúng ta trân trọng tài năng bẩm sinh của người nghệ sĩ. Chương truyện thật sự hấp dẫn, gây ấn tượng với người đọc bởi có lẽ sau từng câu chữ đều thấm đẫm tình cảm chân thành và tâm huyết của ông.

Đoạn trích "Trong lòng mẹ" đã kể lại những cay đắng tủi cực và tình yêu thương mẹ cháy bỏng của nhà văn Nguyên Hồng thời thơ ấu. Đoạn trích là bài học chân thành về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt, qua đó nhắc nhở mỗi người trân trọng và gìn giữ thứ tình cảm đáng quý ấy. 

3. Cảm nhận về tình mẫu tử trong lòng mẹ

Tình cảm gia đình, đặc biệt là tình mẫu tử lại có ý nghĩa thiêng liêng, cao cả hơn bao giờ hết. Nói đến tình mẹ, con người ta thường nhắc đến một thứ tình cảm rất đỗi dung dị mà lớn lao vô cùng. Mẹ, là nguồn sống soi sáng cho con đêm tối. Xuất phát từ điều này, đã có rất nhiều tác giả có những tác phẩm vô cùng ý nghĩa về tình mẫu tử. Một trong số đó là Nguyên Hồng với tác phẩm “Trong lòng mẹ”, đọc đoạn trích ấy, người đọc không thể không xót xa, xúc động trước tình cảm cao cả, thiêng liêng vô cùng của chú bé Hồng với mẹ.

Chú bé Hồng có hoàn cảnh sống vô cùng khổ cực. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu đã phải sống trong sự ghẻ lạnh của mọi người xung quanh. Cha mất sớm, mẹ cậu vì thế bỏ đi tha hương cầu thực. Họ hàng đều quay lưng lại với cậu bé khốn khổ ấy. Những thiếu thốn về tình cảm, tinh thần khiến cậu bé Hồng không có một tuổi thơ ý nghĩa và trọn vẹn như những bè bạn cùng trang lứa. Điều đau đớn hơn khi cậu phải lắng nghe những lời bàn tán không hay về mẹ của mình.

Trong tâm hồn của một cậu bé, hình ảnh mẹ luôn là một hình ảnh vô cùng đẹp, với tất cả những hình dung đẹp đẽ nhất dành cho người mẹ của mình, cậu bé Hồng luôn tin mẹ mình là một người mẹ tốt, một người mẹ luôn yêu thương cậu. Cậu không muốn ai nghĩ xấu về mẹ của mình “…đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến…”. Chính vì thế, bé Hồng quyết tâm bảo vệ mẹ đến cùng trước những lời lẽ cay nghiệt của bà cô.

Sự độc ác, cay nghiệt của bà cô còn thể hiện rõ khi rắp tâm lừa gạt đứa cháu bé bỏng về việc vào thăm mẹ. Hồng cứ ngỡ những lời người cô nói là thật, Hồng mơ ước mong muốn được gặp mẹ biết bao nhiêu, nhưng đắng cay thay, đằng sau lời nói ấy là sự lừa dối tráo trở nhằm làm trò mua vui cho bà cô. Trong thâm tâm Hồng luôn giữ hình bóng mẹ, một người mẹ hiền từ, nhân hậu và luôn có một niềm tin mãnh liệt vào mẹ. Cậu tin rằng chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc mà mẹ cậu mới phải bỏ đi. Còn nhỏ nhưng cậu hiểu rằng chính những hủ tục thời phong kiến đã khiến mẹ cậu phải chịu cảnh tha hương. Tình cảm ấy cứ ngày một lớn dần, lớn dần lên.

Cậu vẫn ao ước và luôn hi vọng, tin tưởng vào một ngày sẽ được gặp lại mẹ của mình. Điều này được thể hiện rõ khi thấy bóng dáng một người rất giống với mẹ cậu, cậu liền chạy đuổi theo và gọi to: “Mợ ơi!Mợ ơi!Mợ…ơi!”. Tiếng gọi trong thổn thức, tiếng gọi với sự chất chứa, đong đầy tình yêu thương được dồn nén từ bấy lâu nay. Tất cả sự giải tỏa trong em đã được thực hiện, em sà vào lòng mẹ khi gặp lại.

Đôi bàn tay mẹ xoa đầu em dịu hiền. Cậu bé Hồng òa khóc nức nở. Tất cả những tủi hờn, những thiếu thốn, những lời cay nghiệt của bà cô, của họ hàng với cậu giờ đây không còn nghĩa lí gì nữa. Cậu bé đã được thực hiện ước mơ từ lâu của mình, được ở trong lòng mẹ. Đó không chỉ là mong muốn của riêng Hồng mà chắc chắn còn là mong muốn chung của rất rất nhiều những trẻ nhỏ khác khi không may mắn được sống trong vòng tay của mẹ.

Tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ quả thật vô cùng thiêng liêng, cao đẹp. Chính điều này đã làm nên giá trị nhân đạo vô cùng lớn lao của tác phẩm. Qua câu chuyện, chúng ta càng cảm nhận chân thực hơn về tình cảm mẫu tử, đặc biệt là tình cảm của những đứa con thơ dành cho mẹ.

Đối với mỗi người con, mẹ luôn là điều tuyệt vời nhất. Trong tâm trí của những đứa trẻ ấy, mẹ hiện lên như một vì sao sáng trên bầu trời. Đó cũng chính là lời khẳng định về tình mẫu tử không bao giờ có thể dập tắt trong lòng mỗi con người. Nguyên Hồng đã rất thành công khi truyền tải được thông điệp đầy ý nghĩa về tình mẫu tử đến với mọi người.

Ngày:31/10/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM