Thuyết minh về phố cổ Hội An

Nội dung bài văn mẫu dưới đây giúp các em nắm được những đặc trưng riêng của phố cổ Hội An. Đồng thời giúp các em rèn luyện kĩ năng viết một bài văn thuyết minh hay. eLib mời các em tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Thuyết minh về phố cổ Hội An

1. Lập dàn ý thuyết minh phố cổ Hội An

a. Mở bài

Giới thiệu và nêu cảm nhận chung của bản thân về Phố cổ Hội An.

b. Thân bài

- Vị trí địa lý và lịch sử hình thành của Phố cổ Hội An

+ Vị trí địa lý: Nằm ở hạ nguồn của dòng sông Thu Bồn, nằm cách xa thành phố Đà Nẵng khoảng 30 ki-lô-mét về phía Nam.

+ Lịch sử hình thành và phát triển:

+ Thế kỷ 17 và 18, Phố cổ Hội An là một trong số những trung tâm buôn bán sầm uất nhất cả nước.

+ Trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây may mắn không bị chiến tranh tàn phá.

+ Thế kỉ 20, không phải chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa.

+ Từ năm 1980, các học giả cũng như du khách trong và ngoài nước chú ý đến những nét đẹp của kiến trúc, văn hóa ở Phố cổ Hội An, dần dần, nơi đây đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn ở nước ta.

- Giới thiệu những nét đặc sắc của Phố cổ Hội An

+ Phố cổ Hội An có những công trình kiến trúc, những địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn và thú vị:

+ Phố cổ Hội An là nơi có những mái rêu phong cũ kỹ và cổ kính, những ngôi nhà gỗ từ xa xưa và đặc biệt là những chiếc đèn hoa đăng trên những cây cao và cả ở mỗi ngôi nhà.

+ Phố cổ Hội An nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp với kiến trúc độc đáo: chùa Cầu, hội quán, các nhà thờ tộc, những ngôi đền miếu,...

- Ẩm thực:

+ Cao lầu

+ Mì Quảng

+ Bánh bao và bánh vạc

- Lễ hội và các trò chơi dân gian

+ Phố cổ Hội An vẫn còn được lưu giữ được nhiều lễ hội truyền thống từ xưa, đó chính là lễ hội kính ngưỡng thành hoàng làng, lễ hội tưởng niệm những vị tổ sư trong các ngành nghề, lễ hội kỷ niệm các bậc thánh nhân, lễ hội tín ngưỡng tôn giáo và có lẽ đặc biệt hơn cả lễ hội đêm rằm phố cổ.

+ Các trò chơi dân gian: đánh bài chòi, hò khoan, hò giã gạo, thi đấu cờ tướng và nhất là thả đèn hoa đăng.

- Ý nghĩa và những giá trị văn hóa, lịch sử của Phố cổ Hội An

+ Trước thế kỉ 20, nơi đây là một trong số những địa điểm buôn bán sầm uất nhất cả nước.

+ Ngày nay, Phố cổ Hội An là địa điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng triệu hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước về thăm.

+ Phố cổ Hội An còn là nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa.

c. Kết bài

- Nêu cảm nghĩ, ấn tượng của em về Phố cổ Hội An.

2. Thuyết minh phố cổ Hội An

Thị xã Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam trên dải đất miền Trung. Ngày 4/12/1999, cùng với tháp Chàm-Mỹ Sơn, phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Từ thế kỉ 17, 18 có hàng trăm hàng nghìn người Hoa từ Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam ... đến đôi bờ con sông Hoài sinh cơ lập nghiệp. Phố Hội An ngày một mở mang, đông vui. Ở đây hiện có những ngôi chùa cổ trên mấy trăm tuổi như: chùa Phúc Kiến, chùa Long Tuyển, chùa Triều Châu, chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm,... Những lễ hội, những tập tục văn hoá xa xưa được lưu giữ mãi trong hồn người. Những chiếc áo vạt hò, quần chân quê, nón mê, guốc gỗ... của những người bán hàng rong như gợi nhớ gợi thương. Đặc biệt chiếc đèn lồng đủ mọi kích cỡ, dáng hình, màu sắc treo dọc phố, treo trước cửa nhà, treo hai bên bàn thờ tổ tiên đã ăn sâu vào kí ức và làm nên một Hội An cổ kính, hưng thịnh và tấp nập xưa nay.

Đúng 17 giờ 14 âm lịch hàng tháng, có hàng trăm hàng nghìn đèn lồng được thắp sáng lung linh như sao sa. Dọc theo các phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Nguyễn Thị Minh Khai,... Hãy tản bộ dọc bờ sông Hoài, ai cũng cảm thấy tâm hồn mình thảnh thơi kì lạ. Hãy đến với một gánh hàng rong nhấm nháp một bát chè bắp Cẩm Nam thơm mát, nếm một bát mì Quảng béo ngậy, thưởng thức một tô Cao lầu đặc sản thơm đậm, ngọt ngào... Hương vị, sắc màu Hội An đó.

Hãy đến thăm Chùa Long Tuyền, Chùa Gầu, thắp lên một nén nhang, ngắm hàng trăm tượng Phật, câu đối, hoành phi sơn son thếp vàng. Những chiếc áo lam của bà con đi lễ hội chùa Cầu trong ánh đèn lồng, dưới bóng trăng rằm gợi lên bao cảm xúc dạt dào, lồng lộng trăng nước.

Phố cổ Hội An, một không gian cổ kính, thanh bình. Con sông Hoài thơ mộng. Chùa Cầu tráng lê, trang nghiêm. Màu thời gian nơi phố cổ gợi cho du khách tìm về giấc mộng ngàn xưa.

3. Giới thiệu về phố cổ Hội An

Cơn mưa lạnh đầu mùa trút xuống những mái hiên cổ kính khiến cho phố cổ Hội An nhỏ nhắn dường như co mình lại. Đâu đó tiếng rao đêm vang lên lanh lảnh làm xao động cả một khoảng trời: “Ai bánh chưng, bánh dày không?”.

Có lẽ, người dân trong nước cũng như nước ngoài không ai không biết đến Hội An: một khu phố cổ, đơn sơ, mộc mạc, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng ba mươi ki-lô-mét. Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999.

Bước chân vào phố cổ, du khách sẽ thực sự ngạc nhiên trước một thế giới biệt lập. Không một tiếng gầm rú của xe cộ, tiếng ồn phát ra từ các nhà máy, xí nghiệp, hay ánh đèn ne-on rực rỡ sắc màu. Tất cả đã lùi xa, không gian và thời gian dường như lắng động trên mái ngói rêu phong cũ kĩ, những căn nhà gỗ từ xa xưa, chùa Cầu, quán hội Phúc Kiến, Quảng Đông, đang âm thầm, lặng lẽ tồn tại để người ta nhớ về một quá khứ đã qua. Ở đây, khách du lịch còn có thể thưởng thức những món ăn dân dã và đi thăm các làng nghề truyền thống, được gặp các con người “cổ”. Không những thế, du khách còn có thể tự tay làm cho mình một cái bình, ly, tách, bằng gốm để làm quà cho người thân.

Có lẽ, thời điểm phố cổ Hội An đẹp nhất là vào ban đêm. Khu phố nhỏ nhắn này trở nên lãng mạn và sâu lắng hơn, mang một nỗi niềm hoài cổ, khó có thể diễn tả được. Sáng kiến khôi phục đèn lồng vào mùa thu năm 1998 đã đem lại hiệu quả bất ngờ. Vào buổi tối, khoảng sau hai mươi giờ, mọi người dân trong phố cổ quay lại đời sống vào ba trăm năm trước. Họ tự nguyện tắt hết đèn ne-on, thay vào đó là ánh sáng mập mờ huyền ảo phát ra từ những chiếc đèn lồng. Những chiếc đèn tròn, lục lăng theo kiểu Trung Hoa treo ở cửa ra vào, đèn quả trám hay ống dài của Nhật Bản phất giấy trắng treo lơ lửng ở mái hiên. Vào đêm hội hoa đăng, tất cả mọi người phải tắt hết tất cả các thiết bị điện. Tuy nhiên họ không hề cảm thấy bất tiện vì việc này.

Cường độ ánh sáng có giảm đi, song ngọn lửa nhiệt huyết của mỗi con người vẫn bốc mạnh khi đi ngang phố cổ. Nhìn những mái nhà cũ kĩ, những người phụ nữ trong tà áo dài trắng đang cặm cụi làm việc dưới ánh đèn lồng, hay hai cụ già râu tóc bạc phờ so tài cờ tướng, nhâm nhi tách trà, cũng dưới ánh đèn lung linh, huyền ảo đó. Dường như con người đang đi ngược lại dòng thời gian để sống với những thứ đã từng hiện hữu.

Vào những đêm lễ hội, người ta thường tổ chức chơi đập niêu, kéo co, và nhiều trò chơi dân gian khác nữa. Khách du lịch cũng như người dân phố cổ tham gia rất hào hứng và nhiệt tình, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp và sức sống tràn đầy cho thành phố. Những câu hò giã gạo, hò khoan, vang lên trên những chiếc thuyền trong đêm khuya thanh vắng. Các cô gái mặc áo bà ba, dịu dàng, thanh thoát làm rung động trái tim bao chàng lữ khách.

Hội An đã trở thành một huyền thoại, một dấu ấn khó phai nhòa của lịch sử, của những ai đã từng đặt chân đến nơi đây. Hội An sẽ mãi tồn tại trong tâm trí của chúng ta, để con người được sống với những cái đã qua, những vẻ đẹp giản dị của quá khứ.4. Viết đoạn văn ngắn thuyết minh về phố cổ Hội An

4. Viết đoạn văn ngắn thuyết minh về phố cổ Hội An

Có lẽ, người dân trong nước cũng như nước ngoài không ai không biết đến Hội An: một khu phố cổ, đơn sơ, mộc mạc, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng ba mươi ki-lô-mét. Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999. Vào những đêm lễ hội, người ta thường tổ chức chơi đập niêu, kéo co, và nhiều trò chơi dân gian khác nữa. Khách du lịch cũng như người dân phố cổ tham gia rất hào hứng và nhiệt tình, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp và sức sống tràn đầy cho thành phố. Những câu hò giã gạo, hò khoan, vang lên trên những chiếc thuyền trong đêm khuya thanh vắng. Các cô gái mặc áo bà ba, dịu dàng, thanh thoát làm rung động trái tim bao chàng lữ khách. Phố cổ Hội An, một không gian cổ kính, thanh bình. Con sông Hoài thơ mộng. Chùa Cầu tráng lê, trang nghiêm. Màu thời gian nơi phố cổ gợi cho du khách tìm về giấc mộng ngàn xưa.

Ngày:11/11/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM