Dự thảo số 01 thông tư bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y

 Thông tư này quy định về bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định tại khoản 1 Điều 59, 64 Luật Hóa chất năm 2007; điểm d khoản 3 Điều 7 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013; khoản 1, điểm a, c, d khoản 2 Điều 75, Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; khoản 10 Điều 8 Luật Thú y năm 2015. Mời các bạn cùng tham khảo 

Dự thảo số 01 thông tư bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số:         /2017/TT-BTNMT Hà Nội, ngày       tháng     năm 2017

DỰ THẢO SỐ 01

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HÓA CHẤT, THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT, THUỐC THÚ Y

Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Xét đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định tại khoản 1 Điều 59, 64 Luật Hóa chất năm 2007; điểm d khoản 3 Điều 7 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013; khoản 1, điểm a, c, d khoản 2 Điều 75, Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; khoản 10 Điều 8 Luật Thú y năm 2015.

2. Thông tư này quy định các nội dung cụ thể như sau:

a) Bảo vệ môi trường trong xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất và nguyên liệu, hàng hóa, thiết bị có chứa hóa chất cần kiểm soát về môi trường;

b) Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, chuyển giao, thải bỏ và xử lý hóa chất cần kiểm soát về môi trường;

c) Đăng ký, kiểm kê, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro môi trường đối với hóa chất có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người;

d) Bảo vệ môi trường trong xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, chuyển giao và xử lý chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và vật liệu, hàng hóa, thiết bị có chứa các chất này theo quy định của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy;

đ) Quản lý an toàn PCB và các thiết bị, vật liệu và chất thải có PCB;

e) Bảo vệ môi trường trong hoạt động đăng ký, xuất nhập khẩu, khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh, sử dụng và xử lý thuốc bảo vệ thực vật; quản lý rủi ro môi trường đối với thuốc bảo vệ thực vật;

g) Bảo vệ môi trường trong hoạt động đăng ký, xuất nhập khẩu, vận chuyển, thực nghiệm, khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh, sử dụng, chuyển giao và xử lýthuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Hóa chất cần kiểm soát về môi trường: Là hóa chất có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người cần được kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ môi trường

2. Đăng ký phát thải và chuyển giao chất ô nhiễm: Là hoạt động báo cáo của cơ sở về chủng loại và kết quả tính toán khối lượng chất ô nhiễm phát thải vào các thành phần môi trường không khí, nước, đất và chuyển ra ngoài cơ sở để quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro môi trường, trong đó:

a) Chất ô nhiễm phải đăng ký phát thải và chuyển giao: Là hóa chất mà dạng đơn chất hoặc hợp chất của nó có rủi ro cao về môi trường và được thực hiện tính toán lượng phát thải và chuyển giao chất ô nhiễm để báo cáo và quản lý theo quy định tại Thông tư này;

b) Phát thải chất ô nhiễm: Là việc đưa chất ô nhiễm vào các thành phần môi trường không khí, nước, đất do các hoạt động của con người một cách có chủ ý hoặc do sự cố, thường xuyên hoặc đột xuất, bao gồm cả tràn, đổ, bốc, tỏa, bơm, chôn lấp, thải bỏ hoặc đưa vào hệ thống nước thải mà không qua xử lý;

c) Chuyển giao chất ô nhiễm: Là việc chuyển chất thải rắn, nước thải có chứa chất ô nhiễm ra khỏi phạm vi quản lý của cơ sở để tái chế, xử lý, tiêu hủy.

3. Nguồn phân tán: Là các nguồn nhỏ, lẻ hoặc phân tán mà từ đó các chất ô nhiễm có thể phát thải vào các thành phần môi trường không khí, nước, đất, có tác động đến môi trường

4. Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (sau đây gọi là Công ước Stockholm): Là hiệp ước toàn cầu về quản lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy mà Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn.

5. Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (tên tiếng Anh là Persistant Organic Pollutants - gọi tắt là các chất POP): Là các chất cần quản lý theo quy định của Công ước Stockholm, đáp ứng các tính chất sau: (1) Là chất hữu cơ và khó phân hủy trong các điều kiện tự nhiên; (2) Độc hại cho người, động vật, thực vật và đời sống thủy sinh; (3) Có khả năng lan truyền trên phạm vi rộng; và (4) Tích lũy sinh học trong con người và động vật.

6. Miễn trừ riêng biệt: Là hoạt động đăng ký sử dụng hóa chất, vật liệu, thiết bị có chứa các chất POP theo quy định của Công ước Stockholm.

7. PCB: Là tên chung của nhóm hóa chất hữu cơ có cấu trúc gồm 2 vòng benzen liên kết với nhau bởi một liên kết cacbon đơn, trong đó các nguyên tử hydro (từ 1 đến 10 nguyên tử) được thay thế bởi các nguyên tử clo. Công thức phân tử của PCB là C12H10-nCln (trong đó n = 1÷10). PCB có tất cả 209 chất đồng loại, trong đó khoảng 100 chất đồng loại có mặt trong các loại hỗn hợp kỹ thuật được sản xuất thương mại. PCB là một trong các nhóm chất POP phải quản lý theo quy định của Công ước Stockholm.

8. Dầu có PCB: Là các loại dầu có nồng độ PCB từ 50 mg/kg trở lên.

9. Vật liệu lỏng có PCB: Là các loại vật liệu lỏng có nồng độ PCB từ 50mg/kg trở lên.

10. Vật liệu rắn, rắn xốp có PCB: Là các loại vật liệu rắn có nồng độ PCB từ 50 mg/kg trở lên.

11. Vật liệu rắn không thấm hút có PCB: Là vật liệu rắn, có bề mặt trơ, không thẩm thấu PCB vào bên dưới bề mặt, có nồng độ PCB trên bề mặt từ 10µg/100cm2 trở lên.

12. Chất thải có PCB: Là chất thải có nồng độ PCB từ 50 mg/kg trở lên hoặc nồng độ PCB trên bề mặt rắn không thấm hút từ 10 µg/100cm2 trở lên.

13. Thiết bị có PCB: Là thiết bị đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Chứa dầu hoặc vật liệu lỏng có PCB từ 50mg/kg trở lên;

b) Bề mặt vật liệu rắn không thấm hút có tiếp xúc với PCB của thiết bị có nồng độ PCB trên bề mặt từ 10µg/100cm2 trở lên.

14. Chủ sở hữu thiết bị, vật liệucó PCB: Là tổ chức, cá nhân sở hữu dầu, thiết bị, vật liệu có PCB với nồng độ từ 50 mg/kg hoặc nồng độ PCB trên bề mặt rắn không thấm hút từ 10µg/100cm2 trở lên.

15. Khối lượng PCB tuyệt đối: Là khối lượng PCB được tính theo công thức:

a) Đối với dầu, vật liệu lỏng hoặc rắn có PCB:

m = C x Q

Trong đó:

m là khối lượng PCB tuyệt đối (mg);

C là nồng độ (mg/kg);

Q là tổng khối lượng vật liệu (kg).

b) Đối với thiết bị hoặc vật liệu rắn không thấm hút có PCB bám dính trên bề mặt:

m =  C x S

Trong đó:

m là khối lượng PCB tuyệt đối (µg);

C là nồng độ (µg/cm2);

S là diện tích tiếp xúc với PCB (cm2).

16. Thiết bị, vật liệu, chất thải có thể có PCB: Là những thiết bị, vật liệu, chất thải được xác định là có thể có PCB nhưng chưa có đủ thông tin để xác định chính xác nồng độ PCB trong thiết bị, vật liệu, chất thải này.

17. Tái sử dụng thiết bị có PCB: Là quá trình sử dụng lại các thiết bị này theo đúng mục đích sử dụng ban đầu của thiết bị đó mà không qua bất kỳ khâu xử lý hay sơ chế nào.

18. Tái chế thiết bị, vật liệu, chất thải có PCB: Là quá trình loại bỏ PCB trong các thiết bị, vật liệu, chất thải này đến dưới nồng độ cho phép để có thể sử dụng lại các thiết bị, vật liệu này.

19. Lây nhiễm chéo PCB: Là việc chuyển PCB từ thiết bị, vật liệu, chất thải này sang thiết bị, vật liệu, chất thải khác không có PCB.

20. Xử lý thiết bị, vật liệu, chất thải có PCB: Là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật nhằm biến đổi, loại bỏ, cách ly, tiêu hủy hoặc phá hủy tính chất của PCB với mục đích cuối cùng là không gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.

21. Thuốc bảo vệ thực vật nguy hại: Là thuốc bảo vệ thực vật có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người và cần được kiểm soát để bảo vệ môi trường.

22. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: Là một hoặc nhiều chất có mặt trong hoặc trên thực vật hoặc sản phẩm thực vật, sản phẩm động vật, nước uống hay trong các thành phần môi trường khác do hệ quả từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm cả các chất là sản phẩm chuyển hóa, phân giải hoặc phản ứng của các chất trong các thuốc này.

23. Hoạt chất cần kiểm soát: Là bất kỳ chất nào có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến con người, động vật hoặc môi trường và có mặt hoặc được sản xuất trong một sản phẩm bảo vệ thực vật ở nồng độ đủ để tạo ra rủi ro đối với môi trường và sức khỏe con người.

24. Tạp chất trong thuốc bảo vệ thực vật: Là bất kỳ thành phần nào không phải là hoạt chất hoặc biến thể xuất hiện trong các thuốc kỹ thuật, bao gồm các thành phần có nguồn gốc từ quá trình sản xuất hoặc phân hủy trong quá trình bảo quản thuốc bảo vệ thực vật.

25. Thuốc thú y nguy hại: Là thuốc thú y, hóa chất dùng trong thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người và cần được kiểm soát để bảo vệ môi trường.

26. Dư lượng thuốc thú y: Là một hoặc nhiều chất có mặt trong hoặc trên động vật hoặc sản phẩm động vật, nước uống hay trong các thành phần môi trường khác do hệ quả từ việc sử dụng thuốc thú y, bao gồm cả các chất là sản phẩm chuyển hóa, phân giải hoặc phản ứng của các chất trong các thuốc này.

Điều 4. Các danh mục hóa chất, hàng hóa, thiết bị có chứa hóa chất nguy hại cần kiểm soát về môi trường

1. Hóa chất cần kiểm soát về môi trường phải là các hoá chất trong danh mục được quy định theo khoản 3, Điều 14, khoản 3, Điều 15, khoản 1, Điều 19 Luật Hoá chất 2007 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất.

2. Danh mục chất ô nhiễm phải đăng ký phát thải, chuyển giao được quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này.

3. Danh mục hóa chất dạng POP cấm sản xuất, kinh doanh phải quản lý theo quy định tại Phụ lục A của Công ước Stockholm - Hóa chất POP phải loại trừ trong sản xuất và sử dụng, được quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này.

4. Danh mục hóa chất dạng POP cần hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phải quản lý theo quy định tại Phụ lục B của Công ước Stockholm - Hóa chất POP phải hạn chế sản xuất và sử dụng, được quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này.

5. Danh mục hóa chất dạng POP hình thành và phát thải không chủ định phải quản lý theo quy định tại Phụ lục C của Công ước Stockholm - Hóa chất POP phát sinh không chủ định, được quy định tại Phụ lục 4 Thông tư này.

6. Danh mục hóa chất dạng POP sử dụng trong công nghiệp và ngưỡng nguy hại trong chất thải được quy định tại Phụ lục 5 Thông tư này.

7. Danh mục vật liệu, sản phẩm, thiết bị có thể chứa chất POP và ngưỡng phải kiểm soát được quy định tại Phụ lục 6 Thông tư này.

8. Danh mục tên thương mại của PCB; danh sách các nhà sản xuất máy biến áp có PCB; tên hãng sản xuất hoặc tên thương mại các tụ điện có PCB; danh mục cơ sở có thể sử dụng PCB được quy định tại Phụ lục 7 Thông tư này.

9. Danh mục thiết bị, vật liệu có khả năng có PCB cao; thiết bị, vật liệu  có thể có PCB; nguồn có thể phát sinh chất thải có PCB được quy định tại Phụ lục 8 Thông tư này.

10. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật nguy hại cần kiểm soát để bảo vệ môi trường tại Việt Nam được quy định tại Phụ lục 9 Thông tư này.

11. Danh mục các hoạt chất bảo vệ thực vật nguy hại gây rủi ro cao về môi trường và sức khỏe con người và cần kiểm soát để bảo vệ môi trường tại Việt Nam được quy định tại Phụ lục 10 Thông tư này.

12. Danh mục các hoá chất nguy hại sử dụng làm phụ gia, dung môi trong sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và cần kiểm soát để bảo vệ môi trường tại Việt Namđược quy định tại Phụ lục 11 Thông tư này.

13. Danh mục thuốc thú y cần kiểm soát để bảo vệ môi trường tại Việt Nam được quy định tại Phụ lục 12 Thông tư này.

Chương II

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG, VẬN CHUYỂN, LƯU GIỮ, CHUYỂN GIAO VÀ XỬ LÝ HÓA CHẤT

Điều 5. Yêu cầu về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu hóa chất

1. Cơ sở nhập khẩu các hóa chất cần kiểm soát về môi trường được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này để sản xuất, sử dụng phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các Điều 9, 11, 12 Thông tư này.

2. Cơ sở nhập khẩu ủy thác các hóa chất cần kiểm soát về môi trường phải có hợp đồng ủy thác nhập khẩu hóa chất với cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đáp ứng yêu cầu tại Khoản 1 Điều này, trong đó nêu rõ trách nhiệm giữa các bên, bao gồm cả các nội dung về vận chuyển hóa chất và xử lý, khắc phục sự cố môi trường, đền bù thiệt hại do sự cố môi trường trong quá trình nhập khẩu.

3. Cơ sở nhập khẩu các hóa chất cần kiểm soát về môi trường để sản xuất, sử dụng, kinh doanh phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật thông qua các hình thức trích lập quỹ dự phòng rủi ro hoặc bảo hiểm về môi trường trước khi nhập khẩu, theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

4. Cửa khẩu, kho ngoại quan, cảng nhập khẩu, khu chế xuất (sau đây gọi tắt là cửa khẩu) có hoạt động tiếp nhận, lưu giữ, vận chuyển các hóa chất cần kiểm soát về môi trường phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại Điều 9 Thông tư này;

b) Đơn vị quản lý cửa khẩu có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin về hoá chất nhập khẩu để có kế hoạch bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường phù hợp với hóa chất tiếp nhận.

5. Cơ sở nhập khẩu các hóa chất cần kiểm soát về môi trường để sản xuất, sử dụng, kinh doanh phải có các tài liệu về môi trường theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

Điều 6. Xử lý tiêu hủy hóa chất nhập khẩu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường

1. Trường hợp có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình nhập khẩu, các hóa chất cần kiểm soát về môi trường phải được tái xuất về nước xuất khẩu hoặc sang các nước khác theo quy định hiện hành của Việt Nam và quốc tế.

2. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình nhập khẩu các hóa chất cần kiểm soát về môi trường mà chưa thể quyết định thông quan hoặc buộc tái xuất, cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá sự tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường đối với lô hàng hóa chất nhập khẩu và quyết định việc xử lý theo quy định của Luật Hải quan.

3. Trong trường hợp không thể tái xuất lô hàng hóa chất cần kiểm soát về môi trường vi phạm các quy định về nhập khẩu, việc tái chế, xử lý, tiêu hủy phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 7. Báo cáo và quản lý thông tin đối với hóa chất nhập khẩu

1. Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, cơ sở nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát về môi trường được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này với tổng khối lượng hoá chất nhập khẩu lớn hơn 1 tấn có trách nhiệm báo cáo về công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu hóa chất của năm trước gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát về môi trường thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 Thông tư này, bao gồm các nội dung sau:

a) Khối lượng, chủng loại hóa chất đã nhập khẩu trong năm;

b) Các biện pháp bảo vệ môi trường đã thực hiện trong quá trình nhập khẩu hóa chất;

c) Các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường đã thực hiện trong quá trình nhập khẩu hóa chất.

3. Báo cáo của cơ sở được thực hiện theo một trong các hình thức sau:

a) Đối với các cơ sở phải thực hiện báo cáo quản lý môi trường, thì báo cáo về công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu hóa chất được ghép chung với báo cáo quản lý môi trường của cơ sở;

b) Đối với cơ sở không phải thực hiện báo cáo quản lý môi trường thì phải lập báo cáo riêng gửi cơ quan có thẩm quyền.

Điều 8. Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, sử dụng,  vận chuyển, chuyển giao và xử lý hóa chất

1. Cơ sở sản xuất, sử dụng hóa chất quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này phải đảm bảo cơ sở hạ tầng đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Các công trình giao thông trong khuôn viên của cơ sở phải đảm bảo thuận lợi cho công tác vận chuyển hóa chất, phòng cháy, chữa cháy và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tại cơ sở và khu vực xung quanh;

b) Tại các khu vực băng chuyền, đường ống dẫn, đường vận chuyển hóa chất nội bộ của cơ sở phải có các hệ thống thu hồi hóa chất để hạn chế phát thải chất ô nhiễm hoặc các hệ thống kỹ thuật được thiết kế phù hợp để thu gom hóa chất khi bị tràn đổ, rò rỉ;

c) Phương tiện vận chuyển hóa chất phải đáp ứng các quy phạm, quy chuẩn, tiêu chuẩn về vận chuyển hóa chất nguy hiểm hoặc hàng nguy hiểm, các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật và thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật.

d) Khu vực bốc dỡ, chuyển giao hóa chất ra bên ngoài phải được che phủ và có hệ thống bờ bao, hố thu gom hạn chế sự phát thải, lan truyền do hóa chất bị tràn đổ, rò rỉ; có các hệ thống thu hồi hơi hóa chất hoặc hóa chất tràn đổ, rò rỉ khi thực hiện các hoạt động bơm, bốc, dỡ hóa chất dễ bay hơi;

đ) Các khu vực thực hiện đóng gói, sang chiết hóa chất phải có các thiết bị, hệ thống thông hơi tự nhiên, thông hơi cơ khí hoặc lọc khí phù hợp để giảm thiểu ô nhiễm không khí;

e) Kho lưu giữ và thiết bị lưu giữ hóa chất phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1, 2 Điều 9 Thông tư này.

2. Năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của cơ sở sản xuất, sử dụng hóa chất quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này phải đáp ứng các yêu cầu như sau:

a) Có các thiết bị, công trình, quy trình phù hợp trong khu vực lưu giữ, sản xuất để đảm bảo cảnh báo ô nhiễm do hóa chất rò rỉ, tràn đổ, phát thải;

b) Đảm bảo đầy đủ và sẵn sàng các trang thiết bị và nhân lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và các trang bị bảo hộ cá nhân;

c) Có quy trình thường xuyên kiểm tra rò rỉ tại bồn chứa, hệ thống chuyền dẫn và nạp liệu để hạn chế rò rỉ, phát thải hóa chất gây ô nhiễm môi trường;

d) Có biện pháp giám sát, quan trắc môi trường đối với các hóa chất nguy hại phát thải ra môi trường;

đ) Nhân viên phải được đào tạo, tập huấn về các biện pháp ứng phó với tình huống hóa chất rò rỉ, tràn đổ, phát thải;

e) Có kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường phù hợp với loại hoá chất sản xuất, sử dụng, vận chuyển, chuyển giao tại cơ sở.

Điều 9. Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với cơ sở kinh doanh, lưu giữ hóa chất

1. Kho lưu giữ hóa chất được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường như sau:

a) Kho lưu giữ hóa chất phải có mái che ngăn nước mưa thấm, dột và phải được bảo vệ chống xâm nhập trái phép;

b) Gờ ngăn hóa chất trong từng khu vực phải đảm bảo đủ khả năng lưu giữ toàn bộ lượng hóa chất trong trường hợp hóa chất bị tràn đổ, rò rỉ; trong mỗi khu vực lưu giữ phải bố trí đường dẫn và hố thu gom hóa chất tràn đổ, rò rỉ; vật liệu làm nền kho, đường dẫn, hố thu gom phải đảm bảo không thấm hóa chất xuống đất và nước ngầm;

c) Có trang bị hệ thống thông gió tự nhiên, cơ khí cưỡng bức hoặc sử dụng hệ thống lọc để giảm thiểu nồng độ hóa chất trong và ngoài kho lưu giữ.

2. Thiết bị ngoài trời để lưu giữ hóa chất phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường như sau:

a) Có ranh giới và biện pháp bảo vệ an toàn về môi trường; đối với các hóa chất có nguy cơ cháy nổ cao, phải đặt xa khu vực có nguồn nhiệt, đánh lửa;

b) Sử dụng vỏ bằng vật liệu chịu ăn mòn và có các biện pháp kỹ thuật để giảm khả năng bay hơi của hóa chất vào môi trường;

c) Đảm bảo kết nối kín với các hệ thống chuyền dẫn và nạp liệu bằng các van đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật để giảm thiểu phát thải hóa chất vào môi trường;

d) Có trang bị hệ thống báo đầy tự động hoặc chỉ báo mức độ hóa chất lưu giữ; có hệ thống cảnh báo, xả áp để đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố;

đ) Xung quanh bồn, bể lưu giữ hóa chất phải bố trí đê bao ngăn tràn đổ với vật liệu có khả năng chống ăn mòn và kết cấu vững chắc, có khả năng lưu giữ toàn bộ lượng hóa chất trong trong trường hợp hóa chất bị tràn đổ, rò rỉ.

3. Vị trí các kho, khu vực lưu giữ hóa chất phải được xác định rõ trong các tài liệu về môi trường. Tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng hóa chất không được tự ý thay đổi vị trí các công trình nêu trên khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Điều 10. Quản lý bao bì chứa hóa chất để tái sử dụng

1. Khu vực lưu giữ bao bì chứa hóa chất phải có mái che, tường bao và biện pháp bảo vệ an toàn; có hệ thống thông gió phù hợp và nền không bị thẩm thấu hóa chất.

2. Hệ thống thu gom nước mưa phải dẫn ra khỏi khu vực lưu giữ, tái chế bao bì, chất thải chứa hóa chất; phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ các khu vực rửa, tái chế bao bì chứa hóa chất đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường.

3. Các bao bì chứa hóa chất sau sử dụng, đặc biệt đối với các hóa chất dạng lỏng, dễ bay hơi phải được che, đậy kín để giảm ô nhiễm không khí.

4. Các nhãn trên bao bì, thùng chứa hóa chất cần được giữ lại cho đến khi  chuyển đi rửa, tráng hoặc xử lý.

5. Các bao bì, thùng chứa không tái sử dụng thì phải được sắp xếp, lưu giữ an toàn; khi lưu giữ có thể chọc thủng, gấp, nghiền theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

6. Cơ sở có trách nhiệm lưu giữ đầy đủ các tài liệu, thông tin về bao bì được lưu giữ trong kho để thực hiện việc xử lý kịp thời và an toàn.

7. Việc chuyển giao bao bì chứa hóa chất sau sử dụng ra ngoài cơ sở để hoàn trả nhà sản xuất hoặc tái sử dụng phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và thể hiện rõ trong các tài liệu về môi trường của cơ sở.

8. Các cán bộ, nhân viên của cơ sở phải được thông báo, tập huấn đầy đủ về các biện pháp kiểm soát ô nhiễm hóa chất trong quá trình quản lý, xử lý bao bì để tái sử dụng.

Điều 11. Kiểm kê hóa chất tồn dư trong quá trình sản xuất, kinh doanh, lưu giữ của cơ sở

1. Cơ sở có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý môi trường địa phương các thông tin về chủng loại và khối lượng tồn dư, các biện pháp quản lý, xử lý an toàn các hóa chất được quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 Thông tư này trong các trường hợp sau:

a) Khi phát hiện các hóa chất tồn dư, không còn sử dụng được;

b) Khi dừng hoạt động sản xuất, sử dụng, kinh doanh, lưu giữ các hóa chất này trong thời gian quá 12 tháng hoặc kết thúc hoạt động;

c) Khi bị thu hồi Giấy phép sản xuất, kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất đối với các hóa chất tương ứng theo quy định;

d) Khi bị đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh có liên quan đến các hóa chất này theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có thẩm quyền.

2. Cơ sở sở hữu hóa chất tồn dư thuộc Phụ lục 1 Thông tư này có trách nhiệm tiến hành xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại, khắc phục ô nhiễm tại khu vực lưu giữ và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương khi kết thúc quá trình xử lý.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương có trách nhiệm tổng hợp thông tin, báo cáo từ các cơ sở có hóa chất tồn dư; tiến hành kiểm kê, xác định nguy cơ ô nhiễm do hóa chất tồn dư trên địa bàn quản lý và gửi báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết hợp trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ của đơn vị.

4. Trên cơ sở kết quả kiểm kê hóa chất tồn dư và khu vực ô nhiễm do hóa chất tồn dư tại địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét các phương án, chi phí, kết quả dự kiến và lợi ích kèm theo để lập kế hoạch xử lý hóa chất tồn dư không xác định được chủ thể chịu trách nhiệm để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc xử lý.

Trong trường hợp không xác định được chủ thể chịu trách nhiệm, việc huy động và sử dụng kinh phí để quan trắc, xử lý, khắc phục ô nhiễm tại các khu vực bị ô nhiễm hóa chất được thực hiện theo quy định về ô nhiễm tồn lưu và các địa điểm công cộng.

5. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, sử dụng, kinh doanh, lưu giữ hóa chất thực hiện trách nhiệm xã hội và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất thông qua việc tổ chức, tham gia thu gom và xử lý hóa chất tồn dư và bao bì chứa hóa chất sau sử dụng.

Điều 12. Các tài liệu môi trường của cơ sở nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, lưu giữ hóa chất

1. Cơ sở nhập khẩu, sản xuất, sử dụng, kinh doanh, lưu giữ hóa chất quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này phải tập hợp các tài liệu về môi trường để theo dõi, quản lý rủi ro và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, trong đó có các tài liệu sau:

a) Phương án bảo vệ môi trường của cơ sở được cập nhật phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường đối với chủng loại, khối lượng hóa chất của cơ sở;

b) Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm hoặc thỏa thuận về vận chuyển hàng nguy hiểm với tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện về vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định;

c) Bản sao báo cáo Giám sát môi trường định kỳ gần nhất trong đó có hoạt động quan trắc giám sát đối với các chỉ tiêu hoá chất phát thải đã được cơ quan có thẩm quyền quy định; báo cáo định kỳ Quản lý chất thải nguy hại gần nhất;

d) Bản Đăng ký phát thải và chuyển giao chất ô nhiễm theo mẫu quy định tại Phụ lục 15 Thông tư này (nếu có);

2. Cơ sở nhập khẩu, sản xuất, sử dụng, kinh doanh, lưu giữ hóa chất phải lập báo cáo tài chính chứng minh việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong hoạt động sản xuất, sử dụng, kinh doanh, lưu giữ hóa chất hoặc hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, lưu giữ hóa chất theo quy định (nếu có).

--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của Dự thảo ----

Ngày:17/09/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM