Bệnh nội tiết, đường máu

Bệnh nội tiết là bệnh liên quan tới việc rối loạn chức năng của các cơ quan nội tiết trong cơ thể. Bệnh này nếu không được chuẩn đoán và điều trị kịp thời thường có biến chứng rất nguy hiểm. Chính vì thế, việc tìm hiểu về các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị một số bệnh nội tiết là điều hết sức cần thiết. Nhận thấy tầm quan trọng này, eLib.VN đã tổng hợp một số bệnh lý nội tiết, đường máu phổ biến. Mời các bạn đọc tham khảo!

1. Bệnh nội tiết là gì?

Hệ thống nội tiết điều hòa chức năng giữa các cơ quan khác nhau thông qua các hormon, là các chất hóa học được giải phóng vào máu từ các loại tế bào đặc biệt trong các tuyến nội tiết (không có ống dẫn). Khi lưu hành trong máu, các hormon ảnh hưởng tới chức năng của các cơ quan đích, đó có thể là 1 tuyến nội tiết hay 1 cơ quan khác.

Các tuyến nội tiết chính trong cơ thể gồm: vùng hạ đồi, tuyến yên, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến tụy, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục.

Bình thường, hệ thống thông tin phản hồi của các tuyến nội tiết giúp kiểm soát sự cân bằng hormon trong máu. Nếu cơ thể có quá nhiều hoặc ít hormon nào đó, hệ thống này sẽ phát tín hiệu để các tuyến nội tiết khắc phục sự cố. Mất cân bằng nội tiết tố có thể xảy ra nếu hệ thống thông tin phản hồi gặp vấn đề.

Bệnh lý nội tiết là những bất thường xảy ra ở các tuyến nội tiết của cơ thể. Thường gặp nhất là ưu năng và thiểu năng các tuyến nội tiết. Ưu năng hình thành khi có sự bài tiết quá mức một loại hormon, còn thiểu năng là khi có sự giảm hoặc không bài tiết nữa.

Các nguyên nhân gây ưu năng và thiểu năng bao gồm: thần kinh (rối loạn chức năng hạ khâu não), chấn thương (tổn thương tại tuyến hay vùng hạ đồi), viêm nhiễm (hoại tử các tế bào tiết), ngộ độc, đói hoặc thiếu nguyên liệu sản xuất, bệnh di truyền,...

2. Tác hại của bệnh lý ở hệ nội tiết

Nếu bệnh ở mức độ nhẹ thì không gây tử vong, nhưng có thể làm người bệnh kém phát triển trí tuệ, cơ thể không phát triển bình thường. Nếu ở mức độ nặng, bệnh nhân cũng khó tránh khỏi tử vong.

Nhẹ nhất là chỉ làm giảm trí thông minh và ảnh hưởng phần nào đến tâm lý của người bệnh về mặt thẩm mỹ, khiến họ cảm thấy mất tự tin, ngại giao tiếp. Nặng hơn là bệnh đần độn do thiếu i - ốt. Nếu không được chữa trị sớm, hệ thần kinh tâm thần của trẻ không thể phát triển, trẻ có nguy cơ bị đần độn mãi mãi. Kèm theo đó là những hệ lụy như cơ thể kém phát triển, thấp bé nên không hoạt động thể lực được; dậy thì rất muộn hoặc không dậy thì, chất lượng sinh sản bị giảm sút nghiêm trọng.

Nguy hiểm nhất là bệnh nhược năng tuyến cận giáp vì làm cho nồng độ canci trong máu hạ thấp, khiến cơ thể hay mệt mỏi, cơ bắp hay bị chuột rút. Nồng độ calci trong máu hạ thấp đến một mức độ nào đó thì làm co cứng cơ ở một vùng cơ thể (thường là bàn tay, bàn chân), hạ quá thấp sẽ gây ra co thắt cơ hô hấp và dẫn đến tử vong.

3. Các bệnh nội tiết thường gặp

Phần lớn các bệnh lý nội tiết sẽ không có biểu hiện rõ ràng ngay từ giai đoạn đầu, vì thế việc thăm khám là điều kiện khiên quyết để phát hiện và điều trị bệnh sớm, tránh các biến chứng nặng nề sau này.

Tiểu đường

Tiểu đường là căn bệnh khá phổ biến, tuy nhiên đa số người mắc lại không hề biết mình có bệnh. Bệnh tiểu đường, còn gọi là Đái tháo đường hay Bệnh dư đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hormon insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao; trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước.

Nhiều yếu tố quyết định bệnh tiểu đường như gen, môi trường, ăn uống, vận động thể lực, stress… Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc cơ thể giảm đáp ứng với tác dụng của insulin (đề kháng với insulin).

Biến chứng bệnh tiểu đường gây nên rất nguy hiểm như suy thận, mù mắt, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hoại tử và có nguy cơ tử vong... Ngoài ra, người bệnh tiểu đường cũng giảm khả năng chăn gối một cách rõ rệt.

Cường giáp

Là tình trạng dư thừa quá nhiều hormon tuyến giáp trong máu, làm tăng chuyển hóa và tăng nguy cơ bị những bệnh khác như bệnh tim, loãng xương, và những rối loạn chuyển hóa khác. Ngoài ra sự dư thừa hormon giáp còn gây ra những rối loạn về tâm, thần kinh; rối loạn tiêu hóa và các rối loạn tình dục (lãnh đạm tình dục, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ; giảm ham muốn, rối loạn cương dương ở nam giới...).

Khi bị cường giáp, có các biểu hiện: căng thẳng và kích thích; đánh trống ngực và tim đập nhanh; run giật; sụt cân hoặc tăng cân; tăng số lần đi cầu hoặc bị tiêu chảy; phù nề phần thấp ở chân/bị liệt đột ngột; khó thở khi gắng sức; rối loạn giấc ngủ; thay đổi thị giác, sợ ánh sáng hoặc nhạy cảm với ánh sang, kích ứng mắt kèm với tăng tiết nước mắt, nhìn đôi, lồi mắt; mệt mỏi và yếu cơ…

Cường giáp nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hậu qua nặng nề về tim mạch như: rung nhĩ; rối loạn chức năng tâm trương, giảm phân suất tống máu; dày thất trái, co thắt cơ tim, loãng xương.

Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là một căn bệnh ác tính, khi những tế bào tuyến giáp bình thường bị biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển ngoài sự quy luật kiểm soát vốn có của cơ thể, khi đạt đến số lượng đủ, chúng sẽ hình thành một khối u, đó là u tuyến giáp.

Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh ung thư tuyến giáp: Rối loạn hệ miễn dịch, nhiễm chất phóng xạ, yếu tố di truyền, yếu tố tuổi tác, thay đổi hormone, mắc bệnh tuyến giáp.

....

4. Cách phòng tránh bệnh nội tiết, đường máu

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng, ổn định nội tiết trong cơ thể. Vì vậy cần điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày một cách hợp lý:

  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ, đa dạng các loại dưỡng chất cho cơ thể;
  • Ăn nhiều thực phẩm chứa các vi chất mà cơ thể đang thiếu hụt: I - Ốt (có trong dâu tây, sữa, khoai tây, cá thu, hải sản, muối biển không tinh chế, tảo biển, muối có bổ sung i - ốt) hay magiê (có trong ngũ cốc toàn phần, đậu đen, đậu phộng, sữa đậu nành, chuối) chẳng hạn.
  • Nếu bị suy giảm hệ nội tiết tố sinh dục nữ, bạn có thể tăng cường ăn: đậu nành và các sản phẩm được chế biến từ đậu nành (đậu phụ, sữa đậu nành), cà rốt, khoai tây, rau xanh, bí ngô, chuối, mè đen, đậu đen, các loại cá…

Thể dục thể thao

Việc tập luyện thể dục thể thao cũng giúp đẩy lùi nguy cơ mắc các bệnh lý nội tiết. Hãy lựa chọn cho mình một bài tập thể dục phù hợp và tập luyện đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày/ tuần.

Giảm stress

Stress cũng là một trong những nguyên nhân mắc bệnh. Vì vậy, hãy tạo cho mình tâm lý thoải mái, thư giãn, luôn lạc quan, vui vẻ, tránh xa các suy nghĩ tiêu cực. Hãy đọc truyện cười, xem phim hài, suy nghĩ đến những điều tốt đẹp mỗi ngày để tâm hồn luôn thoải mái.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến các bệnh nội tiết đường máu, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn đọc trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Để có cái nhìn cụ thể và chi tiết hơn, mời các bạn tham khảo mục Bệnh nội tiết đường máu mà eLib đã tổng hợp. Chúc các bạn đọc nhiều sức khỏe!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM