Cây vị thuốc chữa bệnh giun sán

Nhiễm giun sán là một trong những bệnh nhiễm kí sinh trùng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Ngoài sử dụng thuốc Tây y để điều trị bệnh thì việc dùng cây thuốc thảo dược đễ chữa giun sán là cách mà nhân dân ta đã sử dụng từ lâu trong dân gian, khi mà thuốc Tây chưa được phổ biến như ngày nay. Cùng eLib.VN tìm hiểu sơ lược về bệnh giun sán, nguyên nhân gây bệnh, cách phòng bệnh và đặc biệt là các cây thuốc Đông y được sử dụng để chữa bệnh nhé.

1. Tổng quan về bệnh giun sán

Tên gọi khác: giun ký sinh, sán ký sinh, sán lãi

Giun sán là thuật ngữ chỉ về những sinh vật đa bào lớn, mà khi trưởng thành thường có thể được nhìn thấy bằng mắt thường, sống ký sinh trong cơ thể con người và động vật (gia súc, gia cầm, vật nuôi).

Giun sán có thể ký sinh ở nhiều cơ quan nhưng chủ yếu là ruột. Các loại giun sán khác nhau có sự nhạy cảm với thuốc khác nhau. Vì vậy cần xét nghiệm xem cơ thể nhiễm giun sán nào để lựa chọn thuốc điều trị phù hợp.

2. Nguyên nhân mắc bệnh giun sán

Thường do thói quen ăn uống: ăn nhiều rau sống, hải sản, thịt tái, ăn thức ăn không sạch hay nấu chưa chín, uống nước chưa đun sôi, ăn các loại rau quả chưa được rửa sạch

Môi trường ô nhiễm, nguồn nước không vệ sinh, sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất, nguồn không khí bị ô nhiễm, tay bẩn.

Nuôi thú cưng (chó, mèo) dẫn đến bị nhiễm ấu trùng giun sán từ vật nuôi, đặc biệt là ấu trùng giun đũa chó (sán chó).

Không giữ vệ sinh cho trẻ: hay đưa đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn, không rửa tay sau khi đi vệ sinh

Tùy theo vùng miền dễ gặp các loại giun sán khác nhau, ở miền Bắc, do thói quen ăn tiết canh nên thường bị sán gạo lợn.

3. Tác hại của bệnh giun sán

Giun sán gây ra suy giảm dinh dưỡng đối với những người bị lây nhiễm theo nhiều cách:

  • Giun ăn các mô chủ, bao gồm cả máu, dẫn đến mất chất sắt và protein.
  • Giun móc còn gây mất máu đường ruột mãn tính có thể dẫn đến thiếu máu.
  • Giun gây ra kém hấp thu các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, giun đũa còn dành vitamin A trong ruột.
  • Một số giun sán truyền qua đất cũng gây mất cảm giác ngon miệng và do đó, làm giảm lượng dinh dưỡng và thể lực. Đặc biệt, T. trichiura có thể gây tiêu chảy và kiết lỵ.

4. Phòng bệnh giun sán

Tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng ở trẻ em và người lớn. Sử dụng các loại thuốc tẩy giun theo hướng dẫn của bác sĩ.

Giữ vệ sinh cá nhân như cắt móng tay, móng chân ngắn, sạch sẽ. Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh môi trường xung quanh, không phóng uế bừa bãi

Nên ăn chín, uống sôi, rau sống cần rửa thật kỹ và sạch trước khi ăn.

Khi tiếp xúc với đất ẩm cần đi giày, dép, găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp

5. Một số cây thuốc Đông y thường dùng

Cây mặc nưa: chứa chất diospyron, người ta ăn hạt mặc nưa để trừ giun.

Cây sử quân tử: nghiền hạt quả sử quân tử thành bột rồi dùng bột và hoà với nước sôi để nguội sau đó uống để trừ giun.

Bí ngô: người ta dùng hạt rang lên ăn để tẩy giun đũa, nghiền với hạt cau thành bộ pha nước uống để tẩy giun móc, giã nát uống với nước để tẩy giun kim, nghiền nát thêm nước trộn với mật hoặc đường để uống tẩy giun sán.

Cây rùm nao: có vị hơi đắng, hơi chát, tính mát; rễ có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, dùng bột Rùm nao trộn với ít bột gạo rang uống để tẩy sán và giun mỏ.

Cây thùn mũn: dùng bột hạt thùn mũn pha nước uống để tẩy giun đũa, giun kim (giun tóc), giun móc, sán xơ mít.

Hạt cau có vị đắng, chát, tính ôn, vào các kinh tỳ, vị, đại tràng có tác dụng diệt trùng, tiêu tích, hành khí, lợi thủy. Hạt cau và hoạt chất arecolin (hoạt chất chính trong hạt cau) thường được dùng làm thuốc trị bệnh giun. Nước hạt cau dùng phối hợp với hạt bí ngô làm thuốc diệt sán rất tốt.

....

Trên đây là một số thông tin về bệnh giun sán, nguyên nhân mắc bệnh, cách phòng bệnh và một số cây thuốc Đông y thường được sử dụng để chữa giun sán. Để hiểu thêm về đặc điểm, công dụng và cách dùng các cây thuốc này, mời bạn đọc tham khảo các bài viết trong chuyên mục Cây vị thuốc chữa bệnh giun sán nhé.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM