Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ

Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do bộ trưởng ban hành ngày 15 tháng 04 năm 2017. Mời các bạn cùng tham khảo.

Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 12/2017/TT-BGTVT Hà Nội, ngày 15 tháng 04 năm 2017

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH, CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe; tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ trong phạm vi cả nước.

2. Thông tư này không áp dụng đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của ngành công an, quân đội làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xe ô tô tải, xe ô tô tải chuyên dùng, xe ô tô chuyên dùng là loại xe ô tô được định nghĩa tại các tiêu chuẩn TCVN 6211:2003, TCVN 7271:2003.

2. Máy kéo là loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ, có bốn bánh xe dùng để kéo một rơ moóc chở hàng.

3. Máy kéo nhỏ là loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ, được liên kết với thùng chở hàng qua khớp nối, lái bằng càng hoặc vô lăng lái, có bốn bánh xe (hai bánh của đầu kéo và hai bánh của thùng hàng).

4. Trọng tải của xe ô tô tải sử dụng để tập lái được hiểu là khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế của xe nguyên thủy do nhà sản xuất quy định.

5. Trọng tải thiết kế của xe ô tô tải chuyên dùng, xe ô tô chuyên dùng được hiểu là khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế của xe ô tô tải cùng kiểu loại hoặc tương đương.

6. Thời gian hành nghề lái xe là thời gian người có giấy phép lái xe đã lái loại xe ghi trong giấy phép lái xe.

7. Người hành nghề lái xe là người sinh sống bằng nghề lái xe.

8. Số phôi giấy phép lái xe là mã số do nhà sản xuất phôi quy định, ghi ở mặt sau của giấy phép lái xe, bao gồm 02 chữ cái và các số phía sau nhằm nhận diện giấy phép lái xe.

Phần II

ĐÀO TẠO LÁI XE CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

Chương I

QUẢN LÝ ĐÀO TẠO LÁI XE

Mục 1. TIÊU CHUẨN, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CƠ SỞ ĐÀO TẠO LÁI XE

Điều 4. Quản lý hoạt động của cơ sở đào tạo

1. Cơ sở thực hiện chức năng đào tạo và sát hạch lái xe có thể sử dụng sân sát hạch để đào tạo lái xe.

2. Giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô phải qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.

3. Trên cơ sở bảo đảm các điều kiện về phòng học, sân tập lái, đội ngũ giáo viên theo quy định tại Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (sau đây viết tắt là Nghị định số 65/2016/NĐ-CP), lưu lượng đào tạo mỗi hạng giấy phép lái xe ô tô được xác định bằng số lượng xe tập lái hạng đó (bao gồm cả xe số tự động) nhân với số lượng học viên quy định trên một xe và nhân với hệ số 02 (hai), số lượng học viên học thực hành không được vượt quá khả năng đáp ứng số xe tập lái từng hạng của cơ sở đào tạo.

4. Cơ sở đào tạo lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 phải thông báo phương án hoạt động đào tạo với Sở Giao thông vận tải địa phương, nơi tổ chức đào tạo để thực hiện việc giám sát, quản lý.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở đào tạo lái xe

1. Tổ chức tuyển sinh đào tạo bảo đảm các điều kiện đối với người học theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

2. Ký hợp đồng đào tạo với người học lái xe ô tô theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

3. Công khai quy chế tuyển sinh và quản lý đào tạo của cơ sở đào tạo lái xe.

4. Cơ sở đào tạo lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 phải duy trì cơ sở vật chất, kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn theo quy định tại Tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.

5. Tổ chức đào tạo mới và đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe ô tô theo lưu lượng, thời hạn, địa điểm, hạng giấy phép lái xe ghi trong giấy phép đào tạo lái xe.

6. Tổ chức đào tạo các hạng A1, A2, A3, A4 đúng phương án hoạt động đào tạo đã đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Được tổ chức đào tạo vào ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính cho người có nhu cầu, nhưng phải bảo đảm nội dung, chương trình và thời gian quy định.

8. Đăng ký kỳ sát hạch theo quy định.

9. Duy trì, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe.

10. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan của khóa đào tạo.

11. Bảo đảm giáo viên khi dạy thực hành lái xe phải đeo phù hiệu "Giáo viên dạy lái xe", học viên tập lái xe trên đường phải đeo phù hiệu "Học viên tập lái xe". Phù hiệu do cơ sở đào tạo lái xe cấp, quản lý theo mẫu quy định tại Phụ lục 1a và Phụ lục 1b ban hành kèm theo Thông tư này.

12. Tổ chức kiểm tra, cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo cho người học lái xe ô tô và máy kéo hạng A4.

13. Thu và sử dụng học phí đào tạo lái xe theo quy định hiện hành.

14. Tuyển dụng, quản lý, tổ chức tập huấn nghiệp vụ giáo viên dạy thực hành lái xe cho đội ngũ giáo viên bảo đảm tiêu chuẩn và báo cáo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo quy định.

15. Báo cáo đăng ký sát hạch

a) Đào tạo lái xe các hạng A1, A2: cơ sở đào tạo lập báo cáo đăng ký sát hạch theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này; báo cáo phải có dấu giáp lai của cơ sở đào tạo;

b) Đào tạo lái xe các hạng A3, A4, B1, B2, C, D, E và F: cơ sở đào tạo lập báo cáo đăng ký sát hạch lái xe, danh sách học sinh (báo cáo 1), danh sách đề nghị xác minh giấy phép lái xe đã cấp (đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe), kế hoạch đào tạo của khóa học theo mẫu quy định tại Phụ lục 3a, Phụ lục 3b, Phụ lục 3c và Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này gửi cơ quan quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe; báo cáo phải có dấu giáp lai của cơ sở đào tạo;

c) Báo cáo 1 gửi bằng đường bưu chính và truyền dữ liệu qua hệ thống thông tin giấy phép lái xe về Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải đối với đào tạo lái xe các hạng A1, A2 trước kỳ sát hạch ít nhất 04 ngày làm việc, hạng A3, A4 ngay sau khai giảng, các hạng B1, B2, D, E, F không quá 07 ngày sau khai giảng và không quá 15 ngày sau khai giảng đối với hạng C; Trưởng cơ quan quản lý sát hạch kiểm tra, ký tên vào từng trang.

Điều 6. Tài liệu phục vụ đào tạo và quản lý đào tạo của cơ sở đào tạo lái xe

1. Giáo trình đào tạo lái xe phù hợp với giáo trình khung đào tạo lái xe do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.

2. Biểu mẫu, sổ sách sử dụng đối với cơ sở đào tạo lái xe ô tô bao gồm:

a) Kế hoạch đào tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Tiến độ đào tạo lái xe ô tô các hạng theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Sổ theo dõi thực hành lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Sổ lên lớp, sổ cấp chứng chỉ sơ cấp, sổ cấp chứng chỉ đào tạo theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Cơ sở đào tạo lái xe hạng A4 sử dụng các loại sổ tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều này.

4. Cơ sở đào tạo lái xe mô tô các hạng A1, A2, A3 sử dụng danh sách học viên đăng ký sát hạch làm tài liệu quản lý đào tạo.

5. Thời gian lưu trữ hồ sơ

a) Không thời hạn đối với sổ cấp chứng chỉ đào tạo;

b) 02 năm đối với bài thi tốt nghiệp và các tài liệu còn lại;

c) Việc hủy tài liệu hết giá trị theo quy định hiện hành.

Mục 2. NGƯỜI HỌC LÁI XE

Điều 7. Điều kiện đối với người học lái xe

1. Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.

2. Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.

3. Người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau:

a) Hạng B1 số tự động lên B1: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;

b) Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;

c) Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng; các hạng D, E lên FC: thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;

d) Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.

4. Người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

Điều 8. Hình thức đào tạo

1. Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 và ô tô hạng B1 được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải đăng ký tại cơ sở được phép đào tạo để được ôn luyện, kiểm tra; riêng đối với các hạng A4, B1 phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo.

2. Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B2, C, D, E và giấy phép lái xe các hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở được phép đào tạo và phải được kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo. Trong thời hạn trên 01 (một) năm kể từ ngày cơ sở đào tạo kết thúc kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp khóa đào tạo, nếu không kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo thì phải đào tạo lại theo khóa học mới.

Điều 9. Hồ sơ của người học lái xe

1. Người học lái xe lần đầu lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

c) Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;

d) Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

2. Người học lái xe nâng hạng lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:

a) Giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này và phải chịu trách nhiệm về nội dung khai trước pháp luật;

c) Bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bằng cấp tương đương trở lên đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E (xuất trình bản chính khi kiểm tra hồ sơ dự sát hạch);

d) Bản sao giấy phép lái xe (xuất trình bản chính khi dự sát hạch).

Người học lái xe khi đến nộp hồ sơ được cơ sở đào tạo chụp ảnh trực tiếp lưu giữ trong cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe.

Mục 3. QUẢN LÝ ĐÀO TẠO LÁI XE

Điều 10. Tổng cục Đường bộ Việt Nam

1. Quản lý thống nhất về đào tạo lái xe trong phạm vi cả nước.

2. Ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ các hạng A1, A2, A3 và A4.

3. Xây dựng, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; xây dựng biểu mẫu, sổ sách nghiệp vụ phục vụ công tác đào tạo lái xe.

4. Kiểm tra, thanh tra về công tác quản lý, đào tạo lái xe.

5. Ban hành giáo trình khung đào tạo lái xe và hướng dẫn thực hiện thống nhất trong cả nước.

6. Ban hành nội dung, chương trình tập huấn giáo viên dạy thực hành lái xe và hướng dẫn thực hiện thống nhất trong cả nước.

7. Có trách nhiệm trả lời cơ quan có thẩm quyền trong quá trình cấp phép hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP về sự phù hợp của quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe ô tô.

8. Thực hiện công tác quản lý đào tạo lái xe đối với các cơ sở đào tạo lái xe được Bộ Giao thông vận tải giao và lưu trữ các tài liệu theo quy định tại khoản 6 Điều 11 của Thông tư này.

Điều 11. Sở Giao thông vận tải

1. Chịu trách nhiệm quản lý đào tạo lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Có trách nhiệm trả lời cơ quan có thẩm quyền trong quá trình cấp phép hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP về sự phù hợp của quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe ô tô.

3. Kiểm tra, giám sát công tác đào tạo lái xe, cấp chứng chỉ đối với cơ sở đào tạo.

4. Cấp mới, cấp lại giấy phép đào tạo lái xe gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam bản sao giấy phép đào tạo lái xe đã cấp kèm biên bản kiểm tra cơ sở đào tạo.

5. Cấp giấy phép xe tập lái; tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo nội dung, chương trình quy định.

6. Lưu trữ các tài liệu sau:

a) Danh sách giáo viên dạy thực hành lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP;

b) Sổ theo dõi cấp giấy phép xe tập lái theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Biên bản kiểm tra cơ sở đào tạo.

7. Thực hiện tiếp nhận, rà soát, kiểm tra và thông báo danh sách cơ sở đào tạo lái xe hạng A1, A2, A3, A4 đủ hoặc không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn quản lý trên trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải.

--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của Thông tư số 12/2011/TT-BGTVT---

Ngày:05/08/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM