Lý 8 Bài 21: Nhiệt năng

Nhiệt năng của vật là gì? Nhiệt năng của vật từ đâu mà có? Tất cả những câu hỏi này đều sẽ được giải đáp sau khi chúng ta nghiên cứu nội dung bài học ngày hôm nay. Từ đó giải được các dạng bài tập từ dễ đến khó, nhằm giúp các em ôn tập và củng cố kiến thức. Mời các em cùng tham khảo bài học.

Lý 8 Bài 21: Nhiệt năng

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Nhiệt năng

  • Nhiệt năng: Tổng động năng  phân tử của tất cả các phân tử cấu tạo nên vật gọi là nhiệt  năng

  • Mọi vật đều có nhiệt năng vì phân tử cấu tạo nên vật luôn luôn chuyển động.

  • Nhiệt năng phụ thuộc vào nhiệt độ: Nhiệt độ của vật càng cao thì các phân tử cấu tạo nên vật chuyển động càng nhanh và nhiệt năng của vật càng lớn.

Nhiệt năng

1.2. Các cách làm thay đổi nhiệt năng .

a) Thực hiện công:

- C1: Cọ xát miếng đồng → Miếng đồng nóng lên → Nhiệt năng tăng

  • Để làm tăng nhiệt năng của vật ta thực hiện công bằng cách cho vật chuyển động hoặc tác động lực lên vật.

b) Truyền nhiệt:

- C2: Đốt nóng miếng đồng hoặc thả miếng đồng vào cốc nước nóng

  • Cách làm thay đổi nhiệt năng mà không cần thực hiện công gọi là truyền nhiệt.

1.3. Nhiệt lượng

- Nhiệt lượng là phần nhiệt năng mà vật nhận được hay mất đi trong quá trình truyền nhiệt.

  • Kí hiệu: Q

  • Đơn vị: J ( Jun)

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Xác định sự thực hiện công

Xoa hai bàn tay vào nhau ta thấy tay nóng lên. Trong hiện tượng này đã có sự chuyển hóa năng lượng từ dạng nào sang dạng nào ? Đây là sự thực hiện công hay truyền nhiệt?

Hướng dẫn giải:

Hiện tượng này đã có sự chuyển hóa năng lượng từ cơ năng sang nhiệt năng.

⇒ Đây là sự thực hiện công.

2.2. Dạng 2: Xác định  sự truyền nhiệt

Nung nóng một miếng đồng rồi thả vào một cốc nước lạnh. Hỏi nhiệt năng của miếng đồng và của nước thay đổi như thế nào? Đây là sự thực hiện công hay truyền nhiệt?

Hướng dẫn giải:

Nhiệt năng của miếng đồng giảm, của nước tăng. Đây là sự truyền nhiệt.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Nhiệt năng của một vật là gì?

Câu 2: Có mấy cách làm thay đổi nhiệt năng của vật?

Câu 3: Nung nóng một cục sắt thả vào chậu nước lạnh, nước nóng lên, cục sắt nguội đi. Trong quá trình này có sự chuyển hóa năng lượng nào?

Câu 4: Nhiệt lượng là gì?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Phát biểu nào sau đây là đúng khi nói về nhiệt năng của vật?

A. Chỉ những vật có khối lượng lớn mới có nhiệt năng.

B. Bất kì vật nào dù nóng hay lạnh thì cũng đều có nhiệt năng.

C. Chỉ những vật có nhiệt độ cao mới có nhiệt năng.

D. Chỉ những vật trọng lượng riêng lớn mới có nhiệt năng.

Câu 2: Chọn câu sai trong những câu sau:

A. Phần nhiệt năng mà vật nhận được hay mất đi trong quá trình truyền nhiệt gọi là nhiệt lượng.

B. Khi vật truyền nhiệt lượng cho môi trường xung quanh thì nhiệt năng của nó giảm đi.

C. Nếu vật vừa nhận công, vừa nhận nhiệt lượng thì nhiệt năng của nó tăng lên.

D. Chà xát đồng xu vào mặt bàn là cách truyền nhiệt để làm thay đổi nhiệt năng của vật.

Câu 3: Một vật có nhiệt năng 200J, sau khi nung nóng nhiệt năng của nó là 400J. Hỏi nhiệt lượng mà vật nhận được là bao nhiêu?

A. 600 J         B. 200 J         C. 100 J         D. 400 J

Câu 4: Chọn phát biểu đúng về mối quan hệ giữa nhiệt năng và nhiệt độ:

A. Nhiệt độ của vật càng cao thì các phân tử cấu tạo nên vật chuyển động càng chậm và nhiệt năng của vật càng nhỏ.

B. Nhiệt độ của vật càng thấp thì các phân tử cấu tạo nên vật chuyển động càng nhanh và nhiệt năng của vật càng lớn.

C. Nhiệt độ của vật càng thấp thì các phân tử cấu tạo nên vật chuyển động càng chậm và nhiệt năng của vật càng lớn.

D. Nhiệt độ của vật càng cao thì các phân tử cấu tạo nên vật chuyển động càng nhanh và nhiệt năng của vật càng lớn.

4. Kết luận

Qua bài giảng Nhiệt năng này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như :

  • Phát biểu được định nghĩa nhiệt năng và mối quan hệ của nhiệt năng với nhiệt độ của vật.

  • Tìm được ví dụ về thực hiện công và truyền nhiệt.

  • Phát biểu được định nghĩa và đơn vị nhiệt lượng.

Ngày:11/08/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM