Lý 8 Bài 23: Đối lưu- Bức xạ nhiệt

Đối lưu,bức xạ nhiệt là gì? Nội dung bài học ngày hôm nay sẽ giúp các em trả lời được câu hỏi trên. Từ đó giải được các dạng bài tập từ dễ đến khó, nhằm giúp các em ôn tập và củng cố kiến thức. Mời các em cùng tham khảo.

Lý 8 Bài 23: Đối lưu- Bức xạ nhiệt

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đối lưu

a) Thí nghiệm:

Thí nghiệm hiện tượng đối lưu

b) Trả lời câu hỏi:

- C1: Nước màu tím di chuyển thành dòng từ dưới lên rồi từ trên xuống hay di chuyển hỗn độn theo mọi phương?

Nước màu tím di chuyển thành dòng từ dưới lên rồi từ trên xuống.

- C2: Tại sao lớp nước ở dưới được đun nóng lại đi lên phía trên còn lớp nước lạnh phía trên lại đi xuống dưới ?

Lớp nước ở dưới nóng lên trước, nở ra trọng lượng riêng của nó nhỏ hơn trọng lượng riêng của lớp nước lạnh ở trên do đó lớp nước nóng nổi lên còn lớp nước lạnh chìm xuống tạo thành dòng đối lưu.

- C3: Tại sao biết được nước trong cốc đã nóng lên?

Nhờ nhiệt kế.

c) Nhận xét:

  • Sự truyền nhiệt năng nhờ tạo thành các dòng như trong thí nghiệm trên gọi là sự đối lưu.

  • Sự đối lưu cũng xảy ra trong chất khí.

d) Vận dụng:

- Quan sát thí nghiệm và mô tả hiện tượng xảy ra khi ta đốt nến và hương.

Thí nghiệm đốt nến và hương

- Khói hương giúp ta quan sát hiện tượng đối lưu của không khí rõ hơn.

  • Hiện tượng xảy ra: thấy khói hương cũng chuyển động thành dòng.

  • Giải thích: Lớp không khí ở dưới được đốt nóng nhẹ hơn chuyển động đi lên, lớp không khí lạnh ở trên nặng hơn chuyển động đi xuống. Cứ như vậy tạo thành dòng đối lưu.

- C5: Tại sao muốn đun nóng chất lòng và chất khí phải đun từ phía dưới

  • Muốn đun nóng chất lỏng và chất khí phải đun từ phía dưới để phần ở phía dưới nóng lên trước (d giảm) đi lên, phần ở trên chưa được đun nóng đi xuống tạo thành dòng đối lưu.

- C6: Trong chân không và trong chất rắn có xảy ra đối lưu không?

Trong chân không và chất rắn không xảy ra đối lưu vì trong chân không, trong chất rắn không thể tạo ra các dòng đối lưu.

Kết luận: Đối lưu là sự truyền nhiệt bằng các dòng chất lỏng hoặc chất khí.

1.2. Bức xạ nhiệt

a) Thí nghiệm:

Thí nghiệm bức xạ nhiệt

b) Trả lời câu hỏi:

- Giọt nước màu dịch chuyển về đầu B chứng tỏ điều gì?

  • Không khí trong bình nóng lên, nở ra đẩy giọt nước màu về phía đầu B.

- Dự đoán hiện tượng xảy ra với giọt nước màu khi ta lấy miếng gỗ chắn giữa nguồn nhiệt và bình cầu?

- Kết quả: Giọt nước màu có xu hướng dịch chuyển trở lại đầu A.

- C8: Giọt nước màu dịch chuyển trở lại đầu A chứng tỏ điều gì ? Miếng gỗ có tác dụng gì ?

Không khí trong bình lạnh đã lạnh đi làm giọt nước màu dịch chuyển về đầu A, miếng gỗ đã ngăn không cho nhiệt truyền từ nguồn nhiệt đến bình. Chứng tỏ nhiệt được truyền từ nguồn nhiệt đến bình theo đường thẳng.

c) Kết luận: 

  • Bức xạ nhiệt là sự truyền nhiệt bằng các tia nhiệt đi thẳng. Bức xạ nhiệt có thể xảy ra cả trong chân không.

  • Vật có bề mặt càng xù xì và màu càng sẫm thì hấp thụ tia nhiệt càng nhiều .

  • Vật có bề mặt càng nhẵn và màu càng sáng  thì hấp thụ tia nhiệt càng ít. 

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Tại sao về mùa hè ta thường mặc áo màu trắng mà không mặc áo màu đen?

Hướng dẫn giải:

Vì các vật có màu sáng ít hấp thụ các tia nhiệt hơn nên mặc áo trắng vào mùa hè sẽ giảm khả năng hấp thụ các tia nhiệt làm cho ta có cảm giác mát hơn.

Câu 2: Sự truyền nhiệt từ nguồn nhiệt tới bình có phải là dẫn nhiệt và đối lưu không? Tại sao?

Hướng dẫn giải:

  • Sự truyền nhiệt từ nguồn nhiệt tới bình không phải là dẫn nhiệt vì không khí dẫn nhiệt kém. Cũng không phải là đối lưu vì nhiệt được truyền theo đường thẳng.
  • Trong thí nghiệm trên nhiệt đã được truyền bằng các tia nhiệt đi thẳng, Hình thức truyền nhiệt này gọi là bức xạ nhiệt.
  • Bức xạ nhiệt có thể xảy ra ngay cả trong chân không.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Tại sao trong chất rắn không xảy ra đối lưu?

Câu 2: Bức xạ nhiệt là gì?

Câu 3: Năng lượng Mặt Trời truyền xuống Trái Đất bằng cách nào?

Câu 4: Đứng gần một bếp lửa, ta cảm thấy nóng. Nhiệt lượng truyền từ ngọn lửa đến người bằng cách nào?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Chọn câu trả lời sai:

A. Một vật khi hấp thụ bức xạ nhiệt truyền đến thì nhiệt độ của vật sẽ tăng lên.

B. Bức xạ nhiệt là sự truyền nhiệt bằng cách phát ra các tia nhiệt đi thẳng.

C. Vật lạnh quá thì không thể bức xạ nhiệt.

D. Bức xạ nhiệt có thể xảy ra trong chân không.

Câu 2: Một ống nghiệm đựng đầy nước, cần đốt nóng ống ở vị trí nào của ống thì tất cả nước trong ống sôi nhanh hơn?

A. Đốt ở giữa ống.

B. Đốt ở miệng ống.

C. Đốt ở đáy ống.

D. Đốt ở vị trí nào cũng được

Câu 3: Vật nào sau đây hấp thụ nhiệt tốt?

A. Vật có bề mặt nhẵn, sẫm màu.

B. Vật có bề mặt sần sùi, sáng màu.

C. Vật có bề mặt nhẵn, sáng màu.

D. Vật có bề mặt sần sùi, sẫm màu.

Câu 4: Chọn nhận xét sai:

A. Trong hiện tượng đối lưu có hiện tượng cơ học: lớp nước nóng nổi lên, lớp nước lạnh chìm xuống.

B. Trong hiện tượng đối lưu có sự truyền nhiệt lượng từ vật có nhiệt độ cao sang vật có nhiệt độ thấp hơn.

C. Trong hiện tượng đối lưu có hiện tượng nở vì nhiệt.

D. Sự đối lưu xảy ra khi hai vật rắn có nhiệt độ khác nhau tiếp xúc nhau.

4. Kết luận

Qua bài giảng này, các em sẽ được làm quen với các kiến thức liên quan đến sự Đối lưu - Bức xạ nhiệt cùng với các bài tập liên quan theo nhiều cấp độ từ dễ đến khó…, các em cần phải nắm được :

  • Nhận biết được dòng đối lưu trong chất lỏng và chất khí.

  • Tìm được ví dụ thực tế về bức xạ nhiệt.

  • Nêu được tên hình thức truyền nhiệt chủ yếu của chất rắn, chất lỏng, chất khí, chân không.

Ngày:11/08/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM