Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu Ngữ Văn 12

Khổ 3 bài thơ Việt Bắc là một trong những khổ thơ hay nhất của tác phẩm. Để đi sâu phân tích cũng như cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp của khổ thơ ấy, mời các em cùng tham khảo bài văn mẫu dưới đây. Mong rằng, tài liệu hữu ích này sẽ là cơ sở để các em rèn luyện tốt hơn kỹ năng làm bài nghị luận văn học của mình. Chúc các em học tốt!

Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu Ngữ Văn 12

1. Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc

Như Xuân Diệu đã nhận định rằng, "Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên”. Nhắc đến tên của Tố Hữu, người yêu thơ sẽ nhớ ngay đến một nhà thơ tiêu biểu với những chủ đề thơ trữ tình Cách Mạng trong nền văn học Việt nam. Thơ của ông là lẽ sống,là tình cảm của con người với đời lính, với sự nghiệp giải phóng đất nước. Nổi bật nhất là khúc tình ca "Việt Bắc” được sáng tác vào tháng 10/1954.

Sau khi cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước rời khỏi căn cứ địa Việt bắc quay trở về Hà Nội, từ những tâm tư tình cảm của tác giả, ông đã chắp bút tạo nên một tác phẩm tuyệt vời. Mở đầu khổ ba bài thơ, thi sĩ đã bộc bạch ngay những ngày tháng kỉ niệm giữa "ta” và "mình”

"Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”

Trải qua cùng nhau với biết bao khó khăn gian khổ, càng giúp cho tình cảm đôi ta trở nên khăng khít gắn bó hơn. Chính vì thế, tâm trạng quan tâm lo lắng của người ở lại khi bày tỏ lo sợ người ra đi sẽ nhanh chóng quên đi những kỉ niệm ấy. Trở về với chốn phồn hoa đô thị, "mình”- người lính cán bộ liệu còn nhớ tới "mưa nguồn suối lũ” hay "mây cùng mù”. ở chốn đô thành ấy, đâu còn hình bóng của quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ mây mù giăng lối, đâu còn chiến khu xưa cũ nơi chúng ta đã cùng kề vai sát cánh chiến đấu. "Miếng cơm chấm muối” – dẫu cuộc sống có khó khăn, vất vả gian truân nhưng chúng ta vẫn cùng chia sẻ, để chiến đấu đánh tan "mối thù nặng vai”- những kẻ địch gian ác đang ngày đêm xả bom chiếm nước của dân tộc ta.

Nối tiếp dòng chảy cảm xúc, Tố Hữu bộc bạch những tâm tư ấy qua những áng thơ sau:

“Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già”

Nhà thơ tiếp tục sử dụng biện pháp hoán dụ "rừng núi nhớ ai” – trong khi đấy chính là hình ảnh của người ở lại nơi đây. Nỗi nhớ luôn da diết trong lòng của nhân dân Việt Bắc với những người lính cụ hồ. Thiên nhiên cũng nhuốm màu của nhớ thương, để lan tỏa thấm đẫm vào cả "trám rụng- măng già”. Mình về sao khiến cả vật cả người trở nên trống trải, chắc còn thiết tha làm gì nữa. Những món ăn thường nhật của bộ đội ta qua mười năm kháng chiến là trám bùi, măng mai giờ đây cũng chẳng còn dịp để xuất hiện bên mâm cơm của người được nữa.

Ôi, biết bao câu hỏi trong lòng cứ thế tuôn trào dồn dập:

“Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?"

Cụm từ "nhớ những nhà” là hình ảnh ẩn dụ gợi cho người đọc cảm nhận được tâm trạng băn khoăn: liệu rằng cán bộ có nhớ những khóm nhà mà người đã ở, đã nghỉ ngơi hay chăng chứ nhân dân nơi đây thì nhớ cán bộ nhiều lắm. Nhớ tới nỗi "hắt hiu lau xám”, từ láy "hắt hiu” kết hợp cùng cây cối chốn rừng núi càng làm bật lên khung cảnh hoang sơ, đơn độc giữa chốn thiên nhiên hùng vĩ. Thế nhưng, đối lập với cảnh đìu hiu ấy, vẫn có tấm lòng sắt son của con người luôn tràn đầy ấm áp tình thương. Núi non nơi này vẫn đợi người quay lại, từ thời kì kháng chiến "kháng nhật” tới "thuở còn Việt minh” thì mình với ta vẫn luôn cạnh nhau. Những địa danh lịch sử hào hùng như "tân trào hồng thái” năm nào luôn hiện hữu trong tâm trí của chúng ta. Đi đâu cũng nhớ về cội nguồn dân tộc, nhớ về nơi đã nuôi dưỡng, sẻ chia biết bao niềm vui nỗi buồn là điều mà người dân Việt Bắc hi vọng các anh cán bộ luôn khắc ghi.

Đặc biệt, kết thúc đoạn thứ ba, Tố Hữu nhắc tới ba từ mình nghe thật tha thiết và chân thành. Từ "mình" đầu tiên và thứ hai để chỉ người lính cán bộ, còn từ còn lại để nhắc chung tới toàn thể nhân dân. Ta phải biết rằng, dân và ta đều hòa chung làm một khi tình cảm của chúng ta đều hướng về nhau. Những chiến thắng vang dội mà ta đã cùng nhau đạt được phải luôn được lưu truyền, đó cũng là một lời mà nhân dân muốn nhắc các anh không được ngủ quên trên chiến thắng, không được phản bội lại những tâm tình, lời hứa mà các anh đã để lại nơi đây. Việt Bắc chính là cái nôi nuôi dưỡng cách mạng, là nguồn động viên lớn lao cho các anh trong thời kỳ làm cách mạng. Bởi vậy, những lời người ở lại muốn nhắc nhở tới người về xuôi lại càng thắm thiết sâu sắc.

12 câu thơ trong khổ ba đã kết thúc trong những lời nhắc nhở, kỷ niệm chân thành. Tố Hữu đã khéo léo lồng ghép những tâm tư tình cảm của đôi bên vào nhịp thơ 2/2/2-4/4 đều đặn, khiến cho nhịp thơ đồng điệu cùng những lời thổn thức tâm sự của nhân dân Việt bắc. Ông cũng muốn nhắc nhở cả bản thân ông và thế hệ mai sau phải luôn nhớ đến cội nguồn dân tộc, dù đói dù no thì cũng phải luôn kề vai sát cánh xây dựng vì mục tiêu đất nước hòa bình, hạnh phúc.

2. Cảm nhận khổ 3 bài thơ Việt Bắc

Xuân Diệu từng tâm sự khi đọc thơ Tố Hữu: “Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy từ trái tim vọt ra cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như thể chúng tôi, nhưng là thứ lãng mạn khác, có nhiều máu huyết hơn; thơ chúng tôi chỉ đập cho mở cửa trời, nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa: Cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng cho người lao khổ”. Cuộc đời Tố Hữu là cuộc đời dân tộc, lẽ sống Tố Hữu là lẽ sống của đồng bào. Câu thơ Tố Hữu cũng thế, câu thơ của những cuộc kháng chiến:

“Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

Mình về, còn nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?”


Tháng 7 năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp quay trở lại nước ta đã kết thúc thắng lợi. Hòa bình được lặp lại, nửa đất nước được giải phóng. Tháng 10 năm 1954, Hà Nội được giải phóng, trung ương Đảng và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Lịch sử dân tộc bước sang một trang mới. Ở thời khắc này, người ta có nhu cầu nhìn lại chặng đường vừa qua, đồng thời hướng về con đường tương lai để bước tiếp. Bài thơ “Việt Bắc” ra đời để đáp ứng nhu cầu ấy của xã hội, là tiếng lòng của đồng bào mọi người. “Việt Bắc” là bản trường ca đầy ân tình – tình quê hương, tình đất nước, nghĩa tình giữa con người. Vì thế bài thơ là một bản tổng kết lịch sử bằng tâm tình. Bởi là một chặng đường dài nên từ những câu thơ này đến dòng thơ sau đều có sự phát triển và vận động, mang ý nghĩa riêng của nó.

Những câu thơ đầu là khúc dạo đầu của bản trường ca, tái hiện lại những ngày tháng gian khổ khó khăn mà thấm đượm ân tình, ân nghĩa:

“Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”

Đoạn thơ là một loạt những câu hỏi được điệp lại: “Mình đi, có nhớ…”, “mình về, có nhớ…” như lời nhắc nhở nhẹ nhàng, ân tình. Cách xưng hô “mình – ta” cùng với kết cấu đối đáp quen thuộc gợi nhớ về lối đối đáp quen thuộc trong những câu hát giao duyên, những điệu hát huê tình của chàng trai và cô gái, giữa mận và đào, của mai và trúc. Mượn tình đôi lứa cá nhân để biểu đạt một tình cảm lớn hơn: tình yêu đồng bào khiến câu thơ từ chính trị khô khan trở nên rất đỗi trữ tình. Trong những câu thơ sau, tác giả đã vận dụng sáng tạo cách ăn nói, lối diễn đạt dân gian: “mưa nguồn suối lũ”, “mây cùng mù” để tái hiện hình ảnh của thiên nhiên nơi rừng núi. Nếu thiên nhiên miền Tây Bắc hiện lên thơ mộng, lãng mạn trong cái nhìn của Quang Dũng: “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa” thì thiên nhiên đối với những con người nơi đầu nguồn chớp bể thực sự không dễ dàng: “mưa nguồn suối lũ” tưởng như có thể đánh bại và làm con người biến mất bất cứ lúc nào. Sau này, hình ảnh mưa ấy cũng vào trong trang thơ của Phạm Tiến Duật, trên con đường tiến tới lí tưởng: “Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời”. Hơn nữa, lại thêm “những mây cùng mù”- trên mây, dưới mù gợi lên cái gì hoang vu, u lạnh của một vùng thâm sơn cùng cốc nào đó. Biện pháp đối lập: “Miếng cơm chấm muối” – “mối thù nặng vai” không chỉ nói lên những gian khổ khó khăn mà con người ở đây phải gánh chịu mà qua đó còn khẳng định lòng quyết tâm chiến đấu, chiến thắng của con người. Điều kiện càng khó khăn, gian khổ càng nhắc nhở con người về mối thù không còn vô hình mà đã hữu hình, có sức nặng và cảm nhận được.

Tiếp nối mạch cảm xúc ấy nhưng những câu thơ lại chở chút luyến lưu, xao xuyến và cả những băn khoăn:

“Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”

Một loạt những cụm từ “Trám bùi để rụng”, “măng mai để già”, “hắt hiu lau xám” như những nỗi băn khoăn về sự thay đổi, phai nhạt của lòng người theo thời gian để rồi mọi thứ cũng héo úa, tàn lụi dần. Nhưng kết thúc lại là hình ảnh tươi rói, ấm áp bao nhiêu: “đậm đà lòng son” nổi lên giữa sự mờ nhạt xung quanh. Câu thơ kết lại chắc nịch về mối tình ân nghĩa, thủy chung không thể đổi thay.

Cuối cùng là lời trao gửi của người ở lại để nhắc nhớ về hành trình kháng chiến của toàn dân tộc với những chặng đường đáng nhớ:

“Mình về, còn nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?”

Trong câu hỏi cuối: có đến ba từ “mình”. “Mình” thứ nhất và thứ hai để chỉ người ra đi. Vậy còn từ “Mình” thứ ba? Vẫn là người ra đi? Hay đó là người ở lại? Không thể phân biệt được! Có lẽ là cả hai. Mình và ta giờ đã không còn phân biệt được nữa rồi. Mình là ta, ta và mình hòa quyện trong nhau, cùng sống, cùng lí tưởng, cùng chiến đấu để cùng tận hưởng niềm vui chiến thắng. Những tình cảm đó, sẽ là “ta” đi theo mình đến mọi chặng đường, dù khi ấy “mình” có đi đâu chăng nữa.

Đoạn thơ gợi nhắc về những tháng năm kháng chiến, những ân tình cách mạng mà không hề khô khan, giáo điều mà rất nhẹ nhàng, tự nhiên đi vào lòng người đọc bởi thể thơ lục bát quen thuộc, kết cấu của những câu hát yêu thương tình nghĩa với giọng điệu thiết tha, da diết. Hình ảnh thơ giản dị, quen thuộc mà có sức gợi đến bất ngờ. Chính những năm tháng ấy, những con người ấy là điểm tựa, là động lực để làm nên những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nếu nói văn học chính là “tấm gương lớn di chuyển trên đường cái”, là “phong vũ biểu của thời đại” thì “Việt Bắc” của Tố Hữu chính là tác phẩm như thế. Nó đã làm trọn trách nhiệm của mình, của văn học: phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu.

Xin mượn lời của nhà thơ Chế Lan Viên thay cho lời kết: “Thơ Tố Hữu là thơ một con người biết trân trọng lấy đời mình, muốn làm cho đời mình trở nên hữu ích. Vậy thì ai kia còn phung phí đời mình, làm gì cũng được, sống sao cũng xong, trong khi đọc thơ này hãy bắt đầu thử dừng lại mà biết quý lấy đời mình, mà đem xây dựng nó.”

3. Bình giảng khổ 3 bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

"Trên đường ta về lại thủ đô

Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ"

(Ta đi tới)

Sau hơn ba ngàn ngày khói lửa, thủ đô Hà Nội và miền Bắc hoàn toàn giải phóng (10 – 1954). Bài thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu ra đời trong bối cảnh lịch sử hào hùng và vẻ vang ấy. Mang tầm vóc một trường ca, với 150 câu thơ lục bát, bài thơ ca ngợi mối tình Việt Bắc, những kỉ niệm sâu sắc cảm động của người cán bộ kháng chiến đối với Việt Bắc với bao ân tình thủy chung "15 năm ấy thiết tha mặn nồng".

Phần mở đầu bài "Việt Bắc" gồm có 20 câu thơ, là lời đưa tiễn của kẻ ở lại đối với người về, của "ta" đối với "mình". Đoạn thơ 8 câu dưới đây (từ câu 9 đến câu 16) nằm trong phần mở đầu bài thơ "Việt Bắc":

… "Mình đi, có nhớ những ngày

...

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son"...

Đoạn thơ đầy ắp kỉ niệm về Việt Bắc, "Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa", mà "ta" hỏi "mình đi, có nhớ". Hai chủ thể trữ tình, là người ở lại, là đồng bào Việt Bắc, là cô gái Việt Bắc, đang hát lời tiếng đưa "thiết tha bên cồn". "Mình" cũng là một chủ thể trữ tình phiếm chỉ, ước lệ, cùng với "ta" tạo nên một cặp nhân vật trong giao duyên, đưa tiễn, ở đây là người cán bộ kháng chiến về xuôi, trong đó có nhà thơ. Mỗi cặp lục bát nhắc lại một kỉ niệm về Việt Bắc. Những chi tiết nghệ thuật vừa cụ thể, vừa mang ý nghĩa tượng trưng giàu sắc thái biểu cảm.

Các câu lục trong đoạn thơ là những câu hỏi tu từ nối tiếp xuất hiện, như nhắc nhở, như gợi nhớ gợi thương: "Mình đi, có nhớ những ngày"…, "Mình về, có nhớ chiến khu"…, "Mình về, rừng núi nhớ ai"…, "Mình đi, có nhớ những nhà"… Điệp ngữ "có nhớ" làm cho cảm xúc thơ lắng đọng, giọng thơ trở nên tha thiết bồn chồn, ngọt ngào sâu lắng. Hai tiếng "mình đi" và "mình về" được luân phiên giao hoán, chuyển đổi, một cách diễn đạt biến hóa, sinh động, có giá trị gợi lên cảnh tiễn đưa nhiều bâng khuâng, hình ảnh người cán bộ kháng chiến về xuôi mỗi lúc một đi xa dần, nhưng trong lòng vẫn mang theo tiếng hát và nỗi nhớ.

Các câu bát trong đoạn thơ đều được tạo thành hai vế tiểu đối 4/4 cân xứng hài hòa. Những kỉ niệm sâu sắc chứa chan ân tình ân nghĩa đối với kẻ ở, người về được nhắc lại gợi lên bao nỗi niềm "bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi"…

Mình đi có nhớ "Mưa nguồn suối lũ // những mây cũng mù"? Cảnh mưa trắng nguồn, lũ ngập đầy suối, mây mù bao phủ núi rừng… là sự khắc nghiệt của thời tiết, của thiên nhiên Việt Bắc. Mưa, lũ, mây, mù còn mang ý nghĩa tượng trưng cho những gian khổ, thử thách mà quân và dân ta phải trải qua trong những năm dài máu lửa.

Mình về, có nhớ "Miếng cơm chấm muối // mối thù nặng vai"? Tố Hữu đã lấy cái cụ thể "Miếng cơm chấm muối" để nói lên cái trừu tượng: gian khổ thiếu thốn. "Mối thù nặng vai" cũng là một hình ảnh cụ thể biểu cảm. Mối thù đối với quân xâm lược đè nặng đôi vai, luôn luôn nhắc nhở nuôi dưỡng ý chí chiến đấu để giải phóng đất nước, giành lại tự do, hòa bình cho nhân dân. Không bao giờ có thể quên "mối thù nặng vai" ấy.

Hỏi núi rừng "nhớ ai", cũng là hỏi "mình về, có nhớ". Nghệ thuật nhân hóa và đại từ "ai" phiếm chỉ gợi lên bao man mác, bâng khuâng:

"Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng // măng mai để già".

Trám bùi, măng mai là nguồn lương thực vô tận của núi rừng Việt Bắc để nuôi bộ đội đánh giặc trong những tháng ngày gian khổ. Hương vị núi rừng ấy tượng trưng cho mối tình Việt Bắc sâu nặng ân nghĩa. Các từ ngữ: "để rụng", "để già" thoáng chút bùi ngùi, cô đơn, thương nhớ.

Kỉ niệm thứ tư, ta hỏi "mình đi, có nhớ":

"Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám // đậm đà lòng son".

Hai câu thơ có hình ảnh tượng trưng và tương phản đặc sắc. "Những nhà" được nhà thơ nói đến là tất cả đồng bào của dân tộc Việt Bắc. "Hắt hiu lau xám" là cảnh hoang vu hoang vắng của núi rừng, biểu tượng cho sự nghèo đói, thiếu thốn vật chất. Tương phản với "hắt hiu lau xám" là "đậm đà lòng son", một hình ảnh ẩn dụ rất đẹp ca ngợi tấm lòng đẹp. Đẹp ở hình tượng và hay vì giàu sắc thái biểu cảm. Qua thủ pháp tương phản, Tố Hữu ca ngời đồng bào Việt Bắc tuy còn nghèo khổ, thiểu thốn nhưng giàu tình yêu nước, gắn bó thủy chung với cách mạng và kháng chiến.

Cùng với chữ "ta", chữ "mình" xuất hiện với tần số cao trong bài "Việt Bắc" cũng như trong đoạn thơ này, đã tạo nên sắc điệu trữ tình thắm thiết, đậm đà tính dân tộc. Tố Hữu đã vận dụng cách nói và cách thể hiện tình cảm của dân gian trong ca dao, dân ca một cách sáng tạo. Tình cảm của cách mạng và kháng chiến, tình Việt Bắc, tình lưu luyến của lứa đôi, của kẻ ở người về được diễn tả qua hai tiếng "mình – ta" ấy.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu đã sống và hoạt động tại Việt Bắc, đã cùng đồng chí, đồng bào, bộ đội trải qua những tháng ngày gian khổ mà hào hùng, vinh quang. Lời đưa tiễn thiết tha, sâu lắng, bồi hồi trong lòng kẻ ở người về. Cảm xúc ấy là tiếng lòng của "mình- ta" cũng là tiếng lòng của nhà thơ.

"Thơ là tiếng lòng trang trải". "Việt Bắc" là tiếng lòng trang trải của người cán bộ kháng chiến với bao "ân tình thủy chung".

Ngày:18/07/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM