Bài 2: Phân tích tiêu dùng bằng hình học

Bài giảng Kinh tế vi mô: Bài 2 Phân tích tiêu dùng bằng hình học cung cấp cho người học các kiến thức: Một số vấn đề cơ bản; Nguyên tắc tối đa hóa hữu dụng; Sự hình thành đường cầu thị trường; Các vấn đề khác. Để nắm nội dung chi tiết bài giảng, mời các bạn cùng eLib tham khảo!

Bài 2: Phân tích tiêu dùng bằng hình học

Mười một năm sau kể từ khi lý thuyết nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của phái cổ điển ra đời (1870), năm 1881 nhà kinh tế học Francis Y. Edge- worth người Anh đưa ra hướng nghiên cứu mới về hành vi người tiêu dùng bằng công cụ đường đẳng ích (hay đường bàng quan). Đến năm 1906, nhà kinh tế học Vilfredo Pareto người Ý nghiên cứu bổ sung. Sau đó năm 1930, hai nhà kinh tế học người Anh là John Richard Hicks và R. G. D Allen tiếp tục hoàn chỉnh lý thuyết này và ngày nay nó đã trở thành phương pháp phân tích cân bằng tiêu dùng phổ biến.

1. Một số vấn đề cơ bản

Thuyết hình học sử dụng hai công cụ hữu ích là đường đẳng ích (Indiffer­ence curve) và đường ngân sách (Budget line) để tìm ra phương án tiêu dùng tối ưu hay điểm cân bằng trong tiêu dùng.

1.1 Ba giả thiết cơ bản về sở thích của người tiêu dùng

Thuyết hình học dựa trên ba giả thiết cơ bản về sở thích:

Sở thích có tính hoàn chỉnh, nghĩa là người tiêu dùng có khả năng so sánh, sắp xếp theo thứ tự mức thỏa mãn mà các phối hợp khác nhau giữa hai hay nhiều hàng hóa có thể mang lại.

Ví dụ 9:

Phối hợp A gồm: 1 ly kem + 5 chiếc bánh ngọt.

Phối hợp B gồm: 2 ly kem + 2 chiếc bành ngọt.

Nếu là người thích ăn bánh ngọt thì phối hợp A mang lại mức thỏa mãn (TU) cao hơn phối hợp B; anh ta sẽ ưa thích và ưu tiên chọn phối hợp A hơn là phối hợp B. Điều này có thể tóm tắt qua biểu thức sau: TUA > TUB.

Ngược lại, đối với người thích ăn kem thì phối hợp B mang lại mức thỏa mãn cao hơn phối hợp A, anh ta sẽ ưa thích và ưu tiên chọn phối hợp B hơn là phối hợp A: TUB > TUẠ.

Người tiêu dùng luôn thích có nhiều hàng hóa hơn là có ít hàng hóa (đối với các hàng hóa tốt).

Điều này được thừa nhận một cách hiển nhiên, bởi vì bạn luôn muốn có nhiều bộ quần áo để thay đổi hơn là chỉ có một hay ít bộ thôi. Trong gia đình có nhiều người lớn phải đi làm, đi học; thì chắc chắn người ta thích có vài chiếc xe gắn máy hơn là chi có một chiếc.

Sở thích có tính bắc cầu, nghĩa là nếu giỏ hàng A được người tiêu dùng ưa thích hơn giỏ hàng B, và giỏ hàng B được ưa thích hơn giỏ hàng C, thì tất nhiên giỏ hàng A sẽ được ưa thích hơn giỏ hàng C. Điều này hàm ý rằng mức hữu dụng của giỏ hàng A (TUA ) lớn hơn mức hữu dụng của giỏ hàng B (TUB), mức hữu dụng của giỏ hàng B (TUB) lớn hơn mức hữu dụng của giỏ hàng C (TUC ), do đó mức hữu dụng của giỏ hàng A (TUA ) lớn hơn mức hữu dụng của giỏ hàng C (TUC).

Vấn đề có thể tóm tắt qua biểu thức sau:

TUa > TUb và TUb > TUc => TUa >TUc

Có thể giải thích 3 giả thiết trên bằng bảng 3.7 minh họa cho các phối hợp (hay các giỏ hàng) gồm 2 hàng hóa thực phẩm (X) và quần áo (Y ) như sau:

Bảng 3.7: Các giỏ hàng hóa

Các giỏ hàng hóa

Sản phẩm X

Sản phẩm Y

A

3

7

B

4

4

c

5

2

D

6

1

E

3

2

G

7

6

Có thể mô tả các giỏ hàng hóa trong bảng 3.7 trên đồ thị 3.4 sau:

Trên đồ thị 3.4, tất cả các giỏ hàng nằm trong vùng II đều có số lượng các loại hàng hóa nhiều hơn so với giỏ hàng B, nên các giỏ hàng hóa trong vùng II mang lại mức thoả mãn nhiều hơn và do đó được ưa thích hơn so với giỏ hàng B. Tương tự giỏ hàng B lại có số lượng các loại hàng hóa nhiều hơn so với các giỏ hàng nằm trong vùng I, nên giỏ hàng B mang lại mức thoả mãn nhiều hơn và do đó được ưa thích hơn so với các giỏ hàng thuộc vùng I. Với ba giỏ hàng cụ thể là E, B và G thì người tiêu dùng sẽ sắp xếp sở thích theo thứ tự ưu tiên là: giỏ hàng G, giỏ hàng B, giỏ hàng E.

Còn giỏ hàng B so với các giỏ hàng ở 2 vùng còn lại có vẻ khó so sánh hơn, vì giỏ hàng B có nhiều hàng hóa này hơn nhưng lại có ít hàng hóa kia hơn so với 2 vùng này. Tuy nhiên, với giả thiết người tiêu dùng biết rất rõ sở thích của mình, biết rõ mức thoả mãn của mỗi loại hàng hóa khi sử dụng, nên họ luôn có khả năng sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho tất cả các phối hợp khác nhau giữa 2 hay nhiều loại hàng hóa.

Giả sử người tiêu dùng nhận thấy 4 giỏ hàng A, B, C và D cùng mang lại mức thoả mãn bằng nhau, thì 4 giỏ hàng này được ưa thích như nhau, được sắp xếp cùng mức ưu tiên.

1.2 Đường đẳng ích (hay Đường bàng quan - U)

Khái niệm

Đường đẳng ích là tập hợp các phối hợp khác nhau giữa hai sản phẩm cùng mang lại một mức thỏa mãn cho người tiêu dùng.

Giả sử có bốn phối hợp A, B, C và D của 2 sản phẩm thực phẩm (X) và quần áo (Y) cùng tạo ra một mức thỏa mãn cho người tiêu dùng là U1, được thể hiện trong bảng 3.8:

Bảng 3.8:

Phối hợp

X (đ.v)

Y (đ.v)

A

3

7

B

4

4

c

5

2

D

6

1

Thể hiện các phối hợp trên lên đồ thị, trục hoành biểu thị số lượng thực phẩm (X) và trục tung biểu thị số lượng quần áo (Y), ta được đường đẳng ích (U1) trên đồ thị 3.5:

Sở thích của người tiêu dùng có thể được mô tả bằng một tập hợp các đường đẳng ích tương ứng với các mức thỏa mãn khác nhau.

Các đường đẳng ích càng xa gốc O thì mức thỏa mãn càng cao. Tập hợp các đường đẳng ích trên một đồ thị, được gọi là sơ đồ đẳng ích (Hình 3.6)

Đặc điểm của đường đẳng ích

Các đường đẳng ích thường có 3 đặc điểm:

Dốc xuống về bên phải, điều này phản ánh thực tế của người tiêu dùng là khi giảm lượng tiêu thụ sản phẩm này, thì phải tăng lượng tiêu thụ sản phẩm kia để tổng hữu dụng không đổi. Các đường đẳng ích không cắt nhau

​Giả sử hai đường đẳng ích (U1) và (U2) cắt nhau như trên hình 3.7, hai phối hợp A và C cùng nằm trên đường (U1) do đó:

TUA = TUC     (3.9)

Tương tự:     TUB = TUC         (3.10)

Từ (3.9) và (3.10), tính bắc cầu cho phép ta kết luận TUA = TUB Nhưng điều này trái với giả thuyết thích có nhiều hàng hóa hơn là có ít hàng hóa. Do đó hai đường đẳng ích không thể cắt nhau.

Lồi về phía gốc O: Độ dốc của đường đẳng ích thể hiện tỷ lệ mà người tiêu dùng muốn đánh đổi giữa hai loại sản phẩm giảm dần, tỷ lệ này được gọi là tỷ lệ thay thế biên (MRS).

Tỷ lệ thay thế biên của X cho Y (MRSXY) là số lượng sản phẩm Y cần giảm xuống để sử dụng thêm 1 đơn vị sản phẩm X, nhằm bảo đảm mức thỏa mãn không đổi:

Với ví dụ thể hiện trên đồ thị 3.5 thì MRSXY giảm dần khi di chuyển dọc theo đường U1 từ A đến B, từ B đến C, từ C đến D lần lượt là: MRSXY = -3; -2;-1.

Độ dốc âm và giảm dần của đường đẳng ích là do quy luật hữu dụng biên giảm dần chi phối.

Trên đồ thị MRS là độ dốc của đường đẳng ích.

Mối quan hệ giữa MRSXY với MUX và MUY

Tổng hữu dụng giảm do giảm sử dụng sản phẩm Y:

\(\Delta TU = \Delta Y . MU_Y\)

Tổng hữu dụng tăng do tăng sử dụng sản phẩm X:

\(\Delta TU = \Delta X . MU_X\)

Để đảm bảo tổng hữu dụng không đổi thì:

\(\Delta Y . MU_Y + \Delta X . MU_X = 0\)

\(\implies -\frac{MU_X}{MU_Y} = \frac{\Delta Y}{\Delta X} = MRS_{XY}\)             (3.12)

Do đó tỷ lệ thay thế biên cũng chính là tỷ số hữu dụng biên của 2 sản phẩm.

Các dạng đặc biệt của đường đẳng ích

Tùy theo sự ưa thích, cũng như mối quan hệ trong sử dụng giữa 2 sản phẩm là thay thế hay bổ sung, hay vừa thay thế vừa bổ sung.... mà đường đẳng ích có những dạng đặc biệt.

Khi đường đẳng ích có dạng như trên đồ thị 3.8a, thể hiện 2 sản phẩm X và Y vừa là bổ sung vừa là thay thế cho nhau.

Ví dụ 10: Cá (X) và thịt (Y) vừa là sản phẩm thay thế, vừa là sản phẩm bổ sung cho nhau. Tại phối hợp A trên đồ thị 3.8a, thì thịt và cá là 2 sản phẩm bổ sung: khi sử dụng x1 đơn vị cá phải sử dụng kèm theo y1 đơn vị thịt, mới tạo ra mức thỏa mãn cần thiết U1. Nếu muốn giảm lượng thịt từ y1 xuống y’, thì phải sử dụng lượng cá tăng từ x1 lên x’ để mức thỏa mãn không đổi (Từ phối hợp A chuyển sang phối hợp C). Như vậy trong khoảng (AB), cá và thịt là 2 sản phẩm thay thế cho nhau.

Khi đường đẳng ích có dạng gấp khúc chữ L, được mô tả trên đồ thị 3.8b: thể hiện X và Y là 2 sản phẩm bổ sung hoàn toàn cho nhau theo một tỷ lệ không đổi. Điểm phối hợp đồng bộ, tối ưu chính là điểm góc của các đường đẳng ích (điểm A trên đường U1 điểm B trên đường U2)

Ví dụ 11: Bình gaz và bếp gaz là 2 sản phần bổ sung cho nhau theo tỷ lệ 1:1, nghĩa là 1 bếp gaz phải kèm theo 1 bình gaz mới nấu nướng được.

Khi đường đẳng ích có dạng đường thẳng với độ dốc không đổi (Hình 3.8c): thể hiện X và Y là 2 sản phẩm thay thế hoàn toàn cho nhau, theo một tỷ lệ không đổi.

Ví dụ 12: Đối với Huy thì uống 1 lon nước ngọt Coca 300ml cũng ưa thích chẳng khác gì khi uống 1 lon nước ngọt Pepsi 300ml vì cùng mang lại mức thỏa mãn cho Huy. Như vậy đối với Huy, nước ngọt Coca hoàn toàn thay thế cho nước ngọt Pepsi theo tỷ lệ 1:1, khi giảm bớt 1 lon Pepsi và uống thêm 1 lon Coca thì mức thỏa mãn không có gì thay đổi.

Khi đường đẳng ích có dạng thẳng đứng song song trục tung (Hình 3.8d), thể hiện người tiêu dùng chỉ thích sản phẩm X, hoàn toàn không thích sản phẩm Y, sản phẩm Y không có giá trị gì đối với anh ta (hay chị ta).

Ví dụ 13: Có 2 lọai kẹo là kẹo dừa thể hiện trên trục hoành, và kẹo me thể hiện trên trục tung. Long chỉ thích ăn kẹo dừa, ăn càng nhiều kẹo dừa càng thích; Long không thích ăn kẹo me, thì đường đẳng ích của Long đối với 2 lọai kẹo này là những đường thẳng đứng, song song trục tung (hình 3.8d)

Khi đường đẳng ích rất dốc (hình 3.8e), thể hiện người tiêu dùng thích sản phẩm X nhiều hơn sản phẩm Y. Sản phẩm X có giá trị sử dụng nhiều hơn so với sản phẩm Y, do đó anh ta sẵn sàng từ bỏ nhiều sản phẩm Y để đổi lấy 1 sản phẩm X tăng thêm, mà mức thỏa mãn vẫn không đổi.

Ví dụ 14: Lan thích ăn kẹo dừa (X) hơn kẹo me (Y), Lan sẵn sàng bớt đi nhiều viên kẹo me để đổi lấy 1 viên kẹo dừa, mà mức thỏa mãn vẫn không đổi (hình 3.8e)

Nói chung mục đích của người tiêu dùng là đạt được hữu dụng tối đa, tức là mong muốn đạt tới những đường đẳng ích cao nhất; nhưng có thể đạt được ở mức độ nào lại phụ thuộc vào khả năng chi tiêu được thể hiện bằng đường ngân sách.

1.3 Đường ngân sách

Khái niệm

Đường ngân sách là tập hợp các phối hợp khác nhau giữa hai sản phẩm mà người tiêu dùng có thể mua được, với cùng một mức chi tiêu và giá các sản phẩm đã cho.

Phương trình đường ngân sách có dạng:

\(X.P_X + Y.P_Y = I\)              (3.13)

Hay     \(Y = \frac{I}{P_Y} - \frac{P_X}{P_Y}\)                (3.14)     

Với:    X là lượng sản phẩm X được mua

Y là lượng sản phẩm Y được mua

Px là giá sản phẩm X

Py là giá sản phẩm Y

I là thu nhập của người tiêu dùng.

Mô tả trên hình 3.9, ta có đường ngân sách MN:

OM = I/Py: thế hiện lượng sản phẩm Y tối đa mà người tiêu dùng mua được. ON = I/Px: là lượng sản phẩm X tối đa mà người tiêu dùng mua được. 

Đặc điểm

Đường ngân sách là đường thẳng dốc xuống vẽ phía phải Độ dốc của đường ngân sách là tỷ giá giữa 2 sản phẩm (Px/Py), thể hiện tỷ lệ phải đánh đổi giữa 2 sản phẩm trên thị trường, muốn tăng mua 1 sản phẩm này phải giảm tương ứng bao nhiêu sản phẩm kia khi thu nhập không đổi.

Ví dụ 15: A có thu nhập I = 1.000 đvt dùng để mua 2 sản phẩm X và Y với giá tương ứng Px = 100 đvt/sp và Py = 200 đvt/sp

Phương trình đường ngân sách là : X + 2Y = 10

Hay: \(Y = 5 - \frac{1}{2} \cdot X\)

Độ dốc tương ứng là -1/2: muốn mua thêm 1 sản phẩm X phải giảm mua 1/2 sản phẩm Y.

Sự dịch chuyển đường ngân sách

Đường ngân sách có thể dịch chuyển dưới tác động của các nhân tố sau:

Thu nhập thay đổi: khi thu nhập tăng lên, giá các sản phẩm không đổi, đường ngân sách sẽ dịch chuyển song song sang phải. Ngược lại khi chỉ có thu nhập giảm, đường ngân sách sẽ dịch chuyển song song sang trái.

Giá sản phẩm thay đổi: khi thu nhập 1 và giá sản phẩm Y không đổi, nếu giá của sản phẩm X tăng lên thì đường ngân sách sẽ xoay vào phía trong quanh tung độ góc (I/Py). Nếu chỉ có giá sản phẩm X giảm, thì chiểu xoay ngược lại (hình 3.11).

2. Nguyên tắc tối đa hóa hữu dụng

Với mục tiêu là đạt tổng hữu dụng tối đa, thể hiện trong việc mong muốn vươn tới các đường đẳng ích cao nhất, trong giới hạn thu nhập là I1 và giá các sản phẩm đã cho là Px và Py, được thể hiện qua đường ngân sách tương ứng.

Vấn đề đặt ra: Người tiêu dùng nên chọn phối hợp nào giữa X và Y để tổng hữu dụng đạt được là cao nhất?

Trên đồ thị 3.12a, các phối hợp A, E, B đều nằm trên đường ngân sách MN, do đó đều thỏa mãn giới hạn về ngân sách. Trong đó, E là phối hợp tối ưu vò nó nằm trên đường đẳng ích cao hơn cả.

Nếu chọn phối hợp A hay B chi tạo ra mức thỏa màn U0 chưa phải là mức thỏa mãn tối đa.

Như vậy: Phối hợp tối ưu ứng với một đường ngân sách là tiếp điểm của đường ngân sách với đường đẳng ích, tại đó (E) độ dốc của 2 đường là bằng nhau:

\(MRS_{XY} = -\frac{P_X}{P_Y}\)             (3.15)

Tại phối hợp E: 

Hay:   \(-\frac{MU_X}{MU_Y} = -\frac{P_X}{P_Y}\)              (3.16)

Trên đồ thị: phối hợp tối ưu là người tiêu dùng sẽ mua X1 sản phẩm X và Y1 sản phẩm Y, đế đạt mức thỏa mãn tối đa là U1.

Giải pháp góc

Khi người tiêu dùng chỉ mua duy nhất một loại sản phẩm, phương án án tiêu dùng tối ưu chỉ nằm trên một trục toạ độ, ta gọi đó là giải pháp góc, thể hiện trên đồ thị 3.12b và 3.12c:

Ví dụ 16: Đối với Huy 1 lon nước ngọt X 300ml và 1 lon nước ngọt Y 300ml có mức thỏa mãn bằng nhau, nghĩa là nước ngọt X hoàn toàn thay thế cho nước ngọt Y theo tỷ lệ 1:1, các đường đẳng ích của Huy là những đường thẳng MN, AB... có độ dốc là -1, thể hiện trên đồ thị 3.12d. Huy dành 60.000 đồng để mua nước ngọt, giả sử giá nước ngọt X là 5.000 đồng/ lon, giá nước ngọt Y là 6.000 đồng/lon, đường ngân sách của Huy có dạng: 5X + 6Y = 60, được thể hiện là đường ngân sách MB trên đồ thị 3.12d.

Để đạt tổng hữu dụng tối đa, Huy sẽ mua 12 lon X, không mua Y; thể hiện trên đồ thị 3.12d là phương án B(12,0) nằm trên trục hoành, tổng hữu dụng tối đa đạt được là U1.

Đây là trường hợp về giải pháp góc.

Phương án tiêu dùng tối ưu trong giải pháp góc sẽ không thỏa điều kiện tỷ lệ thay thế biên bằng tỷ lệ giá của 2 sản phẩm:

\(MRS \neq P_X/P_Y\)

3. Sự hình thành đường cầu thị trường

3.1 Đường cầu cá nhân đối với sản phẩm X

Giả sử một người tiêu thụ có thu nhập là I1 để mua 2 sản phẩm X và Y với giá các sản phẩm là Px1 và Py1, thì đường ngân sách tương ứng là MN (hình 3.13.a). Phối hợp tối ưu ban đầu là E (x1, y1), là tiếp điểm của đường ngân sách MN với đường đẳng ích U1. Do đó, ta xác định điểm E (X1, Px1) trên đồ thị (3.13.b).

Giả sử giá sản phẩm X tăng lên là Px2 (Px2 > Px1), giá sản phẩm Y và thu nhập không đổi, thì đường ngân sách mới là MH. Điểm phối hợp tối ưu mới là điểm F (x2,y2) là tiếp điểm của đường ngân sách MH với đường đẳng ích U0 trên đó thị (3.13.a) \(\implies\) ta xác định điểm F (x2,Px2) trên đồ thị (3.13.b).

Nối các điểm phối hợp tối ưu E (x1,y1) và F (x2, y2) trên đồ thị (3.13.a), ta có đường tiêu dùng theo giá.

Đường tiêu dùng theo giá là tập hợp các phối hợp tối ưu giữa 2 sản phẩm khi giá một sản phẩm thay đổi, các điều kiện còn lại không đổi.

Nối các điểm E (x1, Px1); F (x2,Px2) trên đồ thị (3.13b), ta có đường cầu cá nhân về sản phẩm X, dốc xuống về bên phải.

Tác động của giá sản phẩm X đến khối lượng tiêu thụ sản phẩm Y:

Khi giá sản phẩm X tăng, trong khi thu nhập, sở thích và giá sản phẩm Y không đổi thì có 3 trường hợp có thể xảy ra:

Khi đường tiêu dùng theo giá dốc lên về bên phải, thể hiện độ co giãn của cầu theo giá của sản phẩm X là co giãn ít: \(|E_{D(x)}| <1\) . Khi giá sản phẩm X tăng thì phần chi tiêu cho X tăng, với thu nhập không đổi thì phần chi tiêu cho Y (TRY) giảm, kết quả số lượng sản phẩm Y giảm xuống so với trước (hình 3.14a):

\(|E_{D(x)}| <1\) : Px tăng \(\rightarrow\) X giảm, TRX tăng \(\rightarrow\) TRY giảm \(\rightarrow\) Y giảm

Khi đường tiêu dùng theo giá dốc xuống về bên phải, thể hiện độ co giãn của cầu theo giá của sản phẩm X là co giãn nhiều (\(|E_{D(x)}| > 1\)). Khi giá sản phẩm X tăng thì phần chi tiêu cho X giảm, phần chi tiêu cho Y tăng lên, kết quả số lượng sản phẩm Y tăng lên so với trước ( hình 3.14b):

\(|E_{D(x)}| > 1\) : Px tăng \(\rightarrow\) X giảm, TRX giảm \(\rightarrow\) TRY tăng \(\rightarrow\) Y tăng

Khi đường tiêu dùng theo giá nằm ngang, thể hiện độ co giãn của cầu theo giá của sản phẩm X là co giãn đơn vị (\(|E_{D(x)}| = 1\)). Khi giá sản phẩm X tăng, thì phần chi tiêu cho X vẫn không đổi, với thu nhập không đổi, nên phần chi tiêu cho Y cũng không đổi, kết quà số lượng sản phẩm Y không đổi (hình 3.14c):

\(|E_{D(x)}| = 1\) : Px tăng \(\rightarrow\) X giảm, TRX và TRY không đổi \(\rightarrow\) Y không đổi

3.2 Sự hình thành đường cầu thị trường đối với sản phẩm X

Đường cầu thị trường (D) được tổng hợp từ các đường cầu cá nhân, bằng cách tổng cộng theo hoành độ các đường cầu cá nhân như đã trình bày ở bài 1.

4. Các vấn đề khác

4.1 Đường Engel

Đường Engel phản ánh mối quan hệ giữa sự thay đổi lượng cầu sản phẩm với sự thay đổi thu nhập, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi.

Do đó để xây dựng đường Engel, ta sẽ cho thu nhập thay đổi, giá các sản phẩm khác không đổi.

Giả định ban đầu thu nhập là I1, giá các sản phẩm lần lượt là Px và Py, đường ngân sách Tương ứng là MN. Điểm phối hợp tối ưu là E(x1,y1) là tiếp điểm của đường ngân sách MN với đường đẳng ích U1. (đồ thị 3.15.a). Nếu thu nhập thay đổi tăng lên là I1, giá các sản phẩm không đổi (Px, Py) thì đường ngân sách mới là M’N’. Điểm phối hợp tối ưu mới là F(x2,y2) là tiếp điểm của đường ngân sách M’N’ với đường đẳng ích U2. Nối các điểm phối hợp tối ưu E (x1,y1) và F(x2, y2) trên đồ thị (3.15a) ta có đường tiêu dùng theo thu nhập.

Đường tiêu dùng theo thu nhập là tập hợp các phối hợp tối ưu giữa 2 sản phẩm khi thu nhập thay đổi, giá các sản phẩm không đổi.

Từ đường tiêu dùng theo thu nhập, ta có đầy đủ số liệu để xây dựng đường Engel cho các sản phẩm X và Y.

Bảng 3.9:

 

I

X

Y

E

I1

X1

Y1

F

I2

X2

Y2

Hình dạng đường Engel của sản phẩm cho chúng ta biết tính chất của sản phẩm là sản phẩm thiết yếu, sản phẩm cao cấp hay sản phẩm cấp thấp (hình 3.15b; 3.15c; 3.15d)

Đối với sản phẩm thiết yếu: Lượng cầu sản phẩm thiết yếu phụ thuộc đồng biên với thu nhập (hình 3.15b). Lúc đầu thường tăng với tỷ lệ ít hơn so với tỷ lệ tăng trong thu nhập, cho đến khi thu nhập tăng đến I2, lượng sản phẩm được đáp ứng đầy đủ, đã bão hòa thì lượng cầu sản phẩm không đổi cho dù thu nhập cứ tiếp tục tăng.

Do vậy đường Engel đối với sản phẩm thiết yếu có độ dốc dương, và ngày càng dốc khi thu nhập càng tăng và trở nên dốc đứng khi thu nhập đạt mức I2 trở lên, thể hiện trên đồ thị 3.15b VD: Lương thực, thực phẩm Đối với sản phẩm cao cấp: Lượng cầu sản phẩm cao cấp phụ thuộc đồng biến với thu nhập và thường tăng với tỷ lệ lớn hơn so với tỷ lệ tăng trong thu nhập. Do vậy đường Engel đối với sản phẩm cao cấp có độ dốc dương, và ngày càng giảm dần, thể hiện trên đồ thị 3.15c

​Ví dụ 17: Khi thu nhập tăng đến mức nào đó, các sản phẩm thiết yếu đã được đáp ứng đầy đủ, đã bão hòa; thì phần thu nhập tăng thêm bây giờ sẽ dành để mua sắm sản phẩm cao cấp như mỹ phẩm cao cấp, đi nghe nhạc sống ở phòng trà, mua điện thọai di động Iphone đắt tiền..v...v.. với tỷ lệ gia tăng lượng cầu sản phẩm sẽ cao hơn so với tỷ lệ tăng trong thu nhập ( hình 3.15c)

Đối với sản phẩm cấp thấp: Lượng cầu sản phẩm cấp thấp và thu nhập thường có mối quan hệ nghịch biến, nghĩa là khi thu nhập tăng thì người ta sẽ giảm tiêu thụ sản phẩm cấp thấp, thay vào đó là mua sản phẩm có chất lượng cao hơn. Do vậy đường Engel đối với sản phẩm cấp thấp có độ dốc âm, thể hiện trên đồ thị 3.15d

Ví dụ 18: Thông thường khi thu nhập còn thấp, chúng ta chỉ đủ tiền để mua các sản phẩm có chất lượng thấp, rẻ tiền, như mua gạo chất lượng thấp rẻ tiền, mua giày dép chất lượng thấp mau hư, mua điện thọai di động rẻ tiền. Đến khi thu nhập tăng lên đáng kể, người ta sẽ không mua gạo dở, không còn mua giày dép rẻ tiền, không sử dụng điện thọai chất lượng thấp; thay vào đó sẽ mua gạo ngon hơn với giá cao, mua giày dép chất lượng cao ở những tiệm giày danh tiếng, sử dụng điện thọai cao cấp hơn và đắt tiền hơn.

4.2 Tác động thay thế và tác động thu nhập

Khi giá sản phẩm X tăng lên (hay giảm xuống) trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, thì lượng tiêu thụ sản phẩm X giảm xuống (hay tăng lên) là kết quả tổng hợp của 2 tác động: tác động thay thế và tác động thu nhập.

Tác động thay thế: là lượng sản phẩm X giảm xuống (tăng lên) khi giá sản phẩm X tăng lên (hay giảm xuống) trong điều kiện mức thỏa mãn không đổi (hay thu nhập thực không đổi, thế hiện bằng sự trượt dọc đường đẳng ích). Do đó tác động thay thế luôn mang dấu âm. Tác động thu nhập: Khi giá sản phẩm X tăng lên làm thay đổi lượng cầu sản phẩm X do sức mua giảm xuống (thu nhập thực giảm) và làm thay đổi mức thỏa mãn, thể hiện bằng sự dịch chuyển đường đẳng ích.

Nếu X là sản phẩm thông thường, thì tác động thu nhập mang dấu âm, khi giá sản phám X tăng lên thì thu nhập thực giảm, sẽ làm giảm lượng cầu sản phẩm X. Nếu X là sản phẩm cấp thấp, tác động thu nhập mang dấu dương, khi giá sản phẩm X tăng lên, thu nhập thực giảm làm lượng cầu sản phẩm X tăng lên và ngược lại.

Ta có thể minh họa 2 tác động nêu trên của hàng hóa thông thường qua đồ thị 3.16

Giả định X và Y là 2 sản phẩm bình thường. Với đường ngân sách ban đầu MN, thì phối hợp tối ưu là điểm E(x1,y1), đạt mức thỏa mãn tối đa là U1.

Nếu chỉ có giá sản phẩm tăng lên từ Px1 đến Px2 (giá sản phẩm Y và thu nhập không đổi), thì đường ngân sách mới là MH và điểm phối hợp tối ưu tương ứng là điểm F(x2,y2) với mức thỏa mãn tối đa đạt được là Uo.

Như vậy khi giá sản phẩm X tăng lên từ Px1 đến Px2 thì tác động thay thế và tác động thu nhập làm lượng tiêu thụ sản phẩm X giảm từ x1 xuống x2.

Để đo lường tác động thay thế, ta loại trừ tác động thu nhập bằng cách tăng thêm thu nhập một lượng (\(\Delta I\)) vừa đủ để đường ngân sách bù đắp giả định M’H’ song song với đường ngân sách MH và tiếp xúc với đường đẳng ích ban đầu U1 (để giữ mức thỏa mãn không đổi) tại điểm G (x’,y’)

Như vậy tác động thay thế là đoạn x1x', là sự di chuyển dọc đường đẳng ích U1 từ E đến G. Tác động thay thế mang dấu âm, nghĩa là sự tăng giá sản phẩm sẽ làm giảm lượng cầu sản phẩm đó và ngược lại, trong điều kiện mức thỏa mãn không đổi.

Về tác động thu nhập: Khi giá sản phẩm tăng thì thu nhập thực giảm, thể hiện cùng một mức thu nhập bằng tiền như trước, nếu giá sản phẩm tăng thì số lượng các sản phẩm được mua sẽ giảm xuống so với trước và ngược lại.

Đường ngân sách thực tế là MH (với điểm cân bằng F(x2,y2)), như vậy tác động thu nhập là đoạn x'x2, là sự dịch chuyển đường đẳng ích, từ G \(\in\) U1 sang F \(\in\) Uo là lượng sản phẩm X giảm từ x’ xuống x2, làm giảm mức thỏa mãn từ U1 \(\rightarrow\) Uo.

Tóm lại, với X là sản phẩm thông thường, tác động thay thế và tác động thu nhập cùng chiều, đều mang dấu âm. Khi giá sản phẩm X tăng thì tác động thay thế làm lượng sản phẩm X giảm từ x1 xuống x', tác động thu nhập làm lượng sản phẩm X tiếp tục giảm từ x’ xuống x2. Tổng hợp 2 tác động, khi giá sản phẩm X tăng lên Px1 lên Px2, làm lượng sản phẩm X giảm từ x1 xuống x2.

Hiện tượng Giffen: Qua phân tích trên, ta thấy nếu X là sản phẩm thông thưởng thì tác động thay thế và tác động thu nhập là cùng chiều, đều giảm khi giá sản phẩm tăng.

Nếu X là sản phẩm cấp thấp thì tác động thay thế và tác động thu nhập ngược chiểu nhau.

Về mặt lý thuyết, đối với sản phẩm cấp thấp có thể xảy ra trường hợp tác động thu nhập mạnh hơn và lấn át tác động thay thế, đường cầu sẽ dốc lên về bên phải: khi giá tăng, lượng cầu sản phẩm sẽ tăng và ngược lại. Đây chính là hiện tượng Giffen.

4.3 Thặng dư tiêu dùng (CS)

Thặng dư tiêu dùng của một đơn vị sản phẩm là phần chênh lệch (hiệu số) giữa mức giá tối đa mà người tiêu dùng sẵn lòng trả (còn gọi là giá dành trước) với giá thực tế trả cho sản phẩm.Theo quy luật hữu dụng biên giảm dần, đối với mỗi cá nhân, mức thỏa mãn của sản phẩm tiêu dùng trước thường lớn hơn mức thỏa mãn của các sản phẩm tiêu dùng sau, do đó người tiêu dùng sẵn lòng trả những mức giá cao hơn cho những sản phẩm tiêu dùng trước. Nhưng trên thị trường cạnh tranh hòan toàn, người tiêu dùng trả cùng một mức giá cho tất cả các sản phẩm được mua căn cứ vào hữu dụng biên của sản phẩm sau cùng, dã tạo ra thặng dư tiêu dùng.

Thặng dư tiêu dùng của một đơn vị sản phẩm là phần chênh lệch (hiệu số) giữa mức giá tối đa mà người dùng sẵn lòng trả (còn gọi là giá dành trước) với giá thực tế trả cho sản phẩm.

Thặng dư tiêu dùng cá nhân cho q1 sản phẩm là chênh lệch giữa tổng số tiền tối đa mà người tiêu dùng sẵn lòng trả với tổng số tiền thực tế trả cho q1 sản phẩm (hình 3.18).

Trên đồ thị 3.18, khi giá là = 5 đvt, lượng cầu của cá nhân A là qt = 4 sản phẩm, thì thặng dư tiêu dùng của sản phẩm đầu tiên:

CS1 = giá tối đa mà người tiêu dùng sẵn lòng trả - giá thực trả

      = 10 đvt - 5 đvt = 5 đvt.

Thặng dự tiêu dùng của q1 sản phẩm:

CSq1 = Tổng số tiền tối đa mà người tiêu dùng sẵn lòng trả - Tổng số tiền thực tế trả cho q1 sản phẩm

        \(= \int OJAq_1 - \int OP_1Aq_1 = \int JP_1A\)

Thặng dư tiêu dùng cá nhân khi tiêu dùng q1 sản phẩm ở mức giá P1 thể hiện trên đồ thị 3.18, là diện tích tam giác JP1A.

Thặng dư tiêu dùng trên thị trường:

Nếu giá thị trường là P1 và sản lượng cân bằng là Q1, thì thặng dư tiêu dùng trên thị trường ở mức giá P1 là phần chênh lệch giữa tổng số tiền tối đa mà người tiêu dùng sẵn lòng trả cho Q1 (thể hiện trên đồ thị 3.19 là diện tích tứ giác OJE1Q1) với tổng số tiền thực tế trả cho Q1 sản phẩm (thể hiện trên đồ thị 3.19 là diện tích tứ giác OP1E1Q1).

\(CS_{Q1} = \int OJE_1Q_1 - \int OPE_1Q_1 = \int JP_1E_1\)

Thặng dư tiêu dùng trên thị trưởng thể hiện trên đồ thị 3.19 1 diện tích tam giác JP1E1 - là diện tích nằm dưới đường cầu và phía trên giá thị trường của sản phẩm

Khi chính phủ tăng thuế là t đvt/sản phẩm, chi phí sản xuất tăng lên do đó đường cung dịch chuyển lên trên S1 \(\rightarrow\) S2, (hình 3.20), giá cân bằng tăng lên là P2. Thặng dư tiêu dùng tương ứng là diện tích tam giác JP2E2 (CSQ2 = JP2E2)

So với trước khi có thuế, thặng dư tiêu dùng giảm

\(\Delta CS = CS_{Q2} - CS_{Q1} = \int JP_2E_1 - \int JP_1E_1 = -A-B\)

Tóm lại, nếu giá thị trường tăng lên thì thặng dư tiêu dùng trên thị trường sẽ giảm xuống và ngược lại.

4.4 Ngoại tác mạng lưới

Cho đến giờ chúng ta đều cho rằng cầu cá nhân đối với một loại sản phẩm chỉ phụ thuộc vào giá của sản phẩm, vào thu nhập cá nhân, vào sở thích hay thị hiếu cá nhân, vào giá các sản phẩm có liên quan..., nghĩa là cầu của mỗi cá nhân là độc lập, không phụ thuộc vào cáu của các cá nhân khác.

Tuy nhiên, trong thực tế đối với một số sản phẩm thì cầu của mỗi cá nhân lại phụ thuộc vào cầu của các cá nhân khác; nghĩa là cầu của một cá nhân cũng chịu ảnh hưởng bởi những người tiêu dùng đã mua sản phẩm này. Sự phụ thuộc này chúng ta gọi là ngoại tác mạng lưới (Network Exter­nalities).

Có hai loại ngoại tác là ngoại tác mạng lưới thuận và ngoại tác mạng lưới nghịch.

Ngoại tác mạng lưới thuận

Ngoại tác mạng lưới thuận là một người tiêu dùng mong muốn, khao khát có được sản phẩm này bởi phần lớn những người tiêu dùng khác đều có sản phẩm này. Đảy là tác động đua dòi theo “mode” sẽ tạo ra hiệu ứng trào lưu, là mục đích chủ yếu trong quảng cáo và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm thời trang theo mode như điện thoại di động, máy tính cá nhân PC, laptop, quấn áo, giày dép, đồ chơi...v..v.

Tác động đua đòi liên kết chặt chẽ với những “mode” nhất thời và tính thời thượng. Tuy nhiên ngoại tác mạng lưới thuận có thể tăng do nhiều nguyên nhân khác, chẳng hạn giá trị thực của sản phẩm sẽ ngày càng lớn hơn khi càng có nhiều người sở hữu nó.

Ví dụ như máy vi tính PC: càng có nhiều người có PC, thì càng có nhiều phần mềm đươc tạo ra và PC càng trở nên có giá trị sử dụng lớn hơn đối với mỗi cá nhân sở hữu PC.

Chúng ta có thể xảy dựng đường cầu thị trường cho sản phẩm khi có ngoại tác mạng lưới thuận như sau:

Nếu người tiêu dùng cho rằng hiện có 20.000 người sở hữu loại hàng này thì đường cầu D2 được áp dụng. Nếu người tiêu dùng cho rằng đã có 50.000 người sở hữu loại hàng này, thì sản phẩm càng hấp dẫn và do đó lòng ham muốn có sản phẩm sẽ gia tăng, do đó đường cầu D5 sẽ được áp dụng. Tương tự nếu người tiêu dùng cho rằng đã có 80.000 người sở hữu loại hàng này, lúc này đường cầu D8 được áp dụng... .

Tác động đua đòi hay hiệu ứng trào lưu sẽ làm cho cầu thị trường co giãn nhiều hơn.

Đồ thị 3.21 minh hoạ cho đường cầu thị trường máy vi tính. Giả sử người tiêu dùng cho rằng hiện có 20.000 người sở hữu máy PC thì đường cầu D2 được áp dụng: ở mức giá 15 triệu đồng /máy thì có 20.000 người có máy tính (điểm A trên đường D2). Nếu người tiêu dùng cho rằng có 80.000 sở hữu PC thì đường cầu Tương ứng là D8, Nếu giá PC giảm còn 10 triệu đồng/máy thì số lượng cầu là 80.0000 người mua PC (điểm C trên đường D8).

Như vậy khi giá giảm từ 15 xuống 10, thì lượng cầu tăng từ 20.000 lên 80.000 là tổng hợp của 2 tác động:

Tác động giá đơn thuần: Khi giá giảm từ 15 xuống còn 10, thì lượng cầu sẽ tăng từ 20.000 lên 35.000 (từ điểm A di chuyển đến điểm M trên đường D2)

Tác động đua đòi: do giá giảm từ 15 xuống còn 10, đồng thời người tiêu dùng tin rằng bây giờ số người mua đã tăng lên, nên người tiêu dùng càng mong muốn có sản phẩm nhiều hơn, vì thế ở mức giá 10 thì lượng cầu tiếp tục tăng từ 35.000 lên đến 80.000 ( từ điểm M trên đường D2 di chuyển đến điểm c trên đường D8) Như vậy đường cầu thị trường là tập hợp các điểm A, B, c... trên các đường D2, D5, D8.... trên đồ thị 3.21

Đường cầu thị trường co giãn nhiều hơn so với các đường cầu D2, D5, D8 ....do hiệu ứng trào lưu tác động

Ngoại tác mạng lưới nghịch

Ngoại tác mạng lưới nghịch là người tiêu dùng mong muốn sở hữu những loại sản phẩm riêng biệt - độc nhất vô nhị! Đây là tác động thích chơi trội, khi lượng cầu của sản phẩm càng nhiều thì số người muốn có nó sẽ ngày càng ít hơn.

Ví dụ: Những chiếc xe hơi thể thao được chế tạo riêng cho mỗi cá nhân theo yêu cầu, hay quẩn áo được may theo đơn đặt hàng, Những người thích chơi trội nghĩ rằng giá trị mà họ có được từ sản phẩm này là do độc quyền sản phẩm độc đáo, bởi rất hiếm người có được sản phẩm giống hệt như họ dang có.

Chúng ta có thể xây dựng đường cầu thị trường cho sản phẩm khi có ngoại tác mạng lưới nghịch như sau:

Nếu người tiêu dùng cho rằng hiện có 2.000 người sở hữu loại hàng này thì đường cầu D2 được áp dụng. Nếu người tiêu dùng cho rằng đã có 4.000 người sở hữu loại hàng này, thì tính độc dáo sẽ giảm nên sẽ kém hấp dẫn và do đó lòng ham muốn có sản phẩm sẽ giảm xuống, đường cầu D4 được áp dụng. Tương tự nếu người tiêu dùng cho rằng đả có 6.000 người sở hữu loại hàng này, lúc này đường cầu D6 được áp dụng.

Trên đồ thị 3.22, nếu giá sản phẩm là 20$/sp, và người tiêu dùng cho rằng có 2.000 người đã mua thì lượng cầu là 2.000 (điểm A trên D2). Nhưng khi giá giảm còn 10$/sp, nếu chỉ có tác động giá đơn thuần sẽ làm lượng cầu tăng đến 12.000 (điểm M trên D2). Tuy nhiên khi cho rằng đã có 6.000 người sở hữu, thì tâm lý thích chơi trội tác động làm giảm giá trị của người sở hữu sản phẩm, nên lượng cầu sẽ giảm từ 12.000 (điểm M trên D2) xuống còn 6.000 (điểm c trên D6). Do vậy khi giá giảm từ 20$ xuống còn 10$ thì lượng cầu thực sự chỉ tăng từ 2.000 lên 6.000

Đường cầu thị trường là tập hợp các điểm A, B, c...trên các đường D2, D4, D6....

Đường cầu thị trường trong trường hợp này co giãn ít hơn so với các đường cầu D2, D4, D6,... do tâm lý thích chơi trội tác động.

Nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm tư liệu tham khảo, eLib đã tổng hợp nội dung bài giảng Bài 2: Phân tích tiêu dùng bằng hình học và chia sẽ đến các bạn trên đây. Hy vọng tư liệu này giúp các bạn nắm bắt nội dung bài học dễ dàng hơn.

 

Ngày:07/10/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM