Dự thảo nghị định về chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng

Nghị định này quy định chế độ hỗ trợ một lần và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; hồ sơ, thẩm quyền, quy trình giải quyết chế độ, chính sách và trách nhiệm tổ chức thực hiện. Mời các bạn cùng tìm hiểu thêm 

Dự thảo nghị định về chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng

CHÍNH PHỦ
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số:          /2017/NĐ-CP Hà Nội, ngày        tháng   năm 2017

DỰ THẢO

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT NAM CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, NGƯỜI THAM GIA KHÁNG CHIẾN, CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ ĐANG ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005; Pháp lệnh số 35/2007/PL-UBTVQH11 ngày 21 tháng 6 năm 2007, Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chế độ hỗ trợ một lần và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; hồ sơ, thẩm quyền, quy trình giải quyết chế độ, chính sách và trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Điều 2. Đối tượng và điều kiện áp dụng

1. Người đã có quyết định công nhận là người có công với cách mạng thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng (bao gồm cả thân nhân của liệt sĩ được hưởng trợ cấp hằng tháng) theo quy định của pháp luật về ưu đãi với người có công với cách mạng nhưng bị dừng hưởng chế độ do định cư ở nước ngoài.

2. Người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đang định cư ở nước ngoài, gồm:

a) Quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp nhập ngũ hoặc tuyển dụng vào Quân đội trước ngày 20 tháng 7 năm 1954  mà đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ ngày 31 tháng 12 năm 1960 trở về trước;

b) Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhập ngũ, tuyển dụng từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 01 tháng 4 năm 2000 (bao gồm cả đối tượng đi học tập, lao động hợp tác quốc tế đang định cư ở nước ngoài);

c) Dân quân tập trung ở miền Bắc, trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm 1964 đến ngày 27 tháng 01 năm 1973 (đối với dân quân tập trung thuộc các xã giáp gianh bên bờ Bắc sông Bến Hải trên vĩ tuyến 17 và các xã nằm trong khu phi quân sự trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975);

d) Du kích tập trung (bao gồm cả lực lượng mật) tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường B, C, K từ tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975;

đ) Cán bộ dân chính đảng ở miền Nam tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường B, C, K  từ tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975;

e) Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 1950 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 (bao gồm cả thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến trong khoảng thời gia từ tháng 3 năm 1965 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975).

3. Người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài, gồm:

a) Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, nhập ngũ, tuyển dụng vào quân đội, công an, cơ yếu sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc trong khoảng thời gian từ tháng 02 năm 1979 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988, biên giới Tây Nam từ tháng 5 năm 1975 đến ngày 07 tháng 01 năm 1979, truy quyét Pul rô từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 12 năm 1992, thuộc địa bàn các huyện biên giới, các tỉnh Tây Nguyên và các huyện tiếp giáp huyện biên giới có xảy ra chiến sự (bao gồm cả các huyện đảo biên giới); hoặc tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia từ tháng 01 năm 1979 đến ngày 31 tháng 8 năm 1989, hoặc giúp bạn Lào từ tháng 5 năm 1975 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988, đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước này 01 tháng 4 năm 2000 hoặc chuyển ngành sau đó thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 (bao gồm cả đối tượng đi học tập, lao động hợp tác quốc tế đang định cư ở nước ngoài);

b) Công nhân, viên chức quốc phòng, công nhân, viên chức công an, công nhân viên chức nhà nước, chuyên gia các ngành; cán bộ xã, phường, thị trấn; dân quân tự vệ, công an xã do chính quyền cấp xã tổ chức và quản lý; thanh niên xung phong tập trung sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, có thời gian trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc, Tây Nam, truy quyét Pul rô hoặc làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia trong khoảng thời gian và địa bàn như đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản này.

4. Dân công hỏa tuyến, được Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên huy động, quản lý tập trung và được giao nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị Quân đội hoặc phục vụ tại các chiến trường trong thời gian và địa bàn sau đây, đang định cư ở nước ngoài:

a) Tham gia kháng chiến chống Pháp từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 7 năm 1954; chống Mỹ từ tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi cả nước và ở Lào, Campuchia;

b) Tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế trong khoảng thời gian và địa bàn tương tự như đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

5. Thân nhân của đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, bao gồm: Bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp theo quy định của pháp luật.

6. Người ở trong nước được đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này ủy quyền lập hồ sơ, nhận chế độ, chính sách theo quy định là thân nhân quy định tại khoản 5 Điều này (sau đây gọi chung là người được ủy quyền).

Điều 3. Đối tượng không áp dụng

Đối tượng không được thực hiện chế độ hỗ trợ một lần và các chế độ đãi ngộ khác quy định tại Nghị định này, khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Không đủ điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị định này.

2. Tham gia các hoạt động chống phá chế độ của Đảng, Nhà nước ta.

3. Đảo ngũ, phản bội, chiêu hồi; phạm các tội về xâm phạm an ninh quốc gia mà chưa được xóa án tích; bị tước danh hiệu quân nhân, công an nhân dân, buộc thôi việc.

4. Đã ủy quyền cho thân nhân ở trong nước nhận chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng theo quy định của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng.

5. Đối tượng quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 2 Nghị định này trước khi định cư ở nước ngoài thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động hằng tháng.

6. Đối tượng đã từ trần nhưng không còn thân nhân quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này.

Điều 4. Chế độ hỗ trợ một lần

1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này

a) Đối với đối tượng còn sống: Chế độ hỗ trợ một lần được tính từ (tháng, năm) bị dừng hưởng đến (tháng, năm) có quyết định thực hiện chế độ hỗ trợ một lần của cấp có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định này. Cách tính như sau: A = (B - C) x D.

Trong đó: A là mức hỗ trợ một lần; B là thời điểm (tháng, năm) có quyết định hỗ trợ; C là thời điểm (tháng, năm) đối tượng bị dừng hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng; D là mức trợ cấp, phụ cấp tại tháng liền kề trước tháng bị dừng hưởng chế độ (được chuyển đổi theo quy định của Chính phủ tại thời điểm thực hiện chế độ hỗ trợ);

b) Đối với đối tượng đã từ trần: Thân nhân của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này được hưởng chế độ hỗ trợ một lần tính từ thời điểm (tháng, năm) bị dừng hưởng chế độ độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đến thời điểm (tháng, năm) đối tượng từ trần. Cách tính như sau: A = (G - C) x D, trong đó: G là thời điểm (tháng, năm) đối tượng từ trần;

c) Đối với thân nhân là con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, được hưởng chế độ hỗ trợ một lần tính từ (tháng, năm) bị dừng hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng đến (tháng, năm) đủ 18 tuổi. Cách tính như sau: A = (18 - H) x D (trong đó: 18 là số tuổi được hưởng trợ cấp của con liệt sĩ; H là số tuổi con liệt sĩ tại thời điểm bị dừng hưởng chế độ);

d) Trường hợp, đối tượng còn sống, đã được hưởng chế độ hỗ trợ một lần quy định tại điểm a khoản này, sau đó từ trần, khi từ trần, thân nhân quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này tiếp tục được hưởng chế độ hỗ trợ một lần; thời gian tính hưởng chế độ được tính từ tháng sau liền kề tháng có quyết định hưởng chế độ hỗ trợ lần trước, đến thời điểm (tháng, năm) đối tượng từ trần.

Cách tính như sau: A = (G - I) x D, trong đó: I là thời điểm (tháng, năm) liền kề của tháng có quyết định hưởng chế độ hỗ trợ một lần quy định tại điểm a khoản này.

2. Đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này

a) Được hưởng chế độ hỗ trợ một lần, mức hưởng được tính theo số năm tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, dân công hỏa tuyến (gọi chung là thời gian công tác). Cụ thể như sau:

- Từ đủ 2 năm công tác trở xuống, mức hỗ trợ một lần bằng 4.000.000 đồng.

- Trên 2 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi mỗi năm được cộng thêm 1.500.000 đồng.

Trường hợp đã từ trần trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì một trong những thân nhân quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này được hỗ trợ một lần bằng 6.000.000 đồng.

b) Thời gian tính hưởng chế độ

- Đối tượng là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân là tổng thời gian công tác trong quân đội, công an, cơ yếu (trừ thời gian đi lao động hợp tác quốc tế). Các đối tượng còn lại là thời gian trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong khoảng thời gian và địa bàn quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này.

- Trường hợp, một người có thời gian tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế và tham gia dân công hỏa tuyến thuộc các nhóm đối tượng khác nhau quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này hoặc có thời gian công tác gián đoạn thì được cộng dồn. Trừ thời gian đã được tính hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc hằng tháng theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Phụ lục I kèm theo Nghị định này).

- Khi thời gian tính hưởng chế độ hỗ trợ một lần nếu có tháng lẻ thì đủ 06 tháng trở lên được tính bằng một năm, dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm.

3. Trường hợp, đối tượng quy định tại khoản 1, đồng thời thuộc đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này (trừ trường hợp trước khi định cư ở nước ngoài thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hằng tháng) thì được hưởng cả chế độ hỗ trợ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 5. Một số chế độ đãi ngộ khác

Đối tượng có đủ điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này, ngoài được hưởng chế độ hỗ trợ một lần quy định tại Điều 4 Nghị định này, còn được hưởng một số chế độ đãi ngộ sau:

1. Được cấp “Giấy chứng nhận” người có công hoặc người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế hoặc dân công hỏa tuyến.

2. Nếu về nước định cư

a) Đối với đối tượng đã được hưởng chế độ hỗ trợ một lần quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định này, được hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng và chế độ ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành ở trong nước.

Thời điểm hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng được tính từ tháng về nước định cư; đồng thời, được hưởng chế độ hỗ trợ một lần đối với thời gian bị dừng hưởng chế độ tính từ tháng sau liền kề tháng có quyết định hưởng chế độ hỗ trợ một lần đã hưởng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định này đến tháng trước liền kề tháng về nước định cư;

b) Đối với đối tượng đã được hưởng chế độ hỗ trợ một lần quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định này, được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như đối tượng người có công với cách mạng, cựu chiến binh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế kể từ tháng về nước định cư; khi từ trần người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.

Điều 6. Hồ sơ giải quyết chế độ hỗ trợ một lần

1. Đối với đối tượng quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 2 Nghị định này, hồ sơ gồm:

a) 01 bản khai của đối tượng theo Mẫu số 1A (bản chính) hoặc bản khai của thân nhân đối tượng (đối với đối tượng từ trần hoặc được đối tượng được ủy quyền) theo Mẫu số 1B (bản chính) ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy tờ gốc hoặc được coi là giấy tờ gốc; hoặc giấy tờ có liên quan (bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở trong nước hoặc ở nước ngoài) chứng minh thuộc đối tượng là người có công với cách mạng đã hưởng chế độ hằng tháng nhưng bị dừng hưởng chế độ;

c) Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân của đối tượng;

d) Đối với đối tượng đã từ trần hoặc ủy quyền cho thân nhân ở trong nước lập hồ sơ, nhận chế độ, có thêm các giấy tờ sau: Giấy chứng tử hoặc giấy tờ chứng minh đối tượng đã từ trần (đối với đối tượng từ trần); giấy ủy quyền (đối với người được ủy quyền) do Cơ quan Lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài ký, cấp. Các giấy tờ trên, bao gồm bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở trong nước hoặc nước ngoài.

2. Trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định này, hồ sơ, gồm:

a) 01 bản khai của thân nhân đối tượng đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ một lần theo Mẫu số 1C (bản chính) ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Quyết định đã hưởng chế độ hỗ trợ một lần theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định này (bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở trong nước hoặc ở nước ngoài).

3. Đối với đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này, hồ sơ gồm:

a) 01 bản khai của đối tượng theo Mẫu số 2A (bản chính) hoặc bản khai của thân nhân đối tượng (đối với đối tượng từ đã trần hoặc được đối tượng được ủy quyền) theo Mẫu số 2B (bản chính) ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy tờ gốc hoặc được coi là giấy tờ gốc, hoặc giấy tờ có liên quan (bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở trong nước hoặc ở nước ngoài) chứng minh thuộc đối tượng là người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, dân công hỏa tuyến;

c) Đối với đối tượng đã từ trần hoặc ủy quyền cho thân nhân ở trong nước lập hồ sơ, nhận chế độ có thêm các giấy tờ như đối tượng đã từ trần hoặc ủy quyền quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

Điều 7. Thẩm quyền và quy trình, trách nhiệm giải quyết chế độ hỗ trợ một lần

1. Thẩm quyền giải quyết chế độ hỗ trợ một lần

a) Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh)

Chỉ đạo, tổ chức việc xét duyệt, thẩm định, ra quyết định hưởng chế độ hỗ trợ một lần, ký “Giấy chứng nhận”; tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí; thực hiện chi trả chế độ và cấp “Giấy chứng nhận” đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

b) Đối với Bộ Quốc phòng

Chỉ đạo, tổ chức việc xét duyệt, thẩm định, ra quyết định hưởng chế độ hỗ trợ một lần, ký “Giấy chứng nhận”; đề nghị Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí; thực hiện chi trả chế độ và cấp “Giấy chứng nhận” đối với đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này.

2. Quy trình, trách nhiệm giải quyết chế độ hỗ trợ một lần

a) Đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4  Điều 2 Nghị định này không ủy quyền cho thân nhân ở trong nước lập hồ sơ, nhận chế độ hỗ trợ một lần

- Đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (đối với đối tượng từ trần) nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 6 Nghị định này cho Đại sứ quán hoặc Cơ quan Lãnh sự quán hoặc Phòng Tùy viên quốc phòng Việt Nam ở nước ngoài nơi đối tượng cư trú.

Trường hợp, nước sở tại có tổ chức Hội Cựu chiến binh hoặc Hội người Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là tổ chức hội) được Đại sứ quán Việt Nam ghi nhận thì đối tượng hoặc thân nhân đối tượng nộp hồ sơ cho tổ chức hội nêu trên ở nơi cư trú. Tổ chức hội tiếp nhận, tổng hợp chuyển hồ sơ (kèm theo danh sách đối tượng) về Đại sứ quán hoặc Cơ quan Lãnh sự quán hoặc Phòng Tùy viên quốc phòng Việt Nam ở nước ngoài;

- Cơ quan Lãnh sự quán hoặc Phòng Tùy viên quốc phòng Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ do đối tượng hoặc thân nhân đối tượng hoặc tổ chức hội chuyển đến, tổ chức rà soát, đối chiếu, tổng hợp, chuyển hồ sơ (kèm theo danh sách đối tượng) về Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài;

- Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc quyền tiếp nhận hồ sơ của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng hoặc do Cơ quan Lãnh sự quán hoặc Phòng Tùy viên quốc phòng Việt Nam hoặc tổ chức hội chuyến đến (sau đây gọi chung là tổ chức và cá nhân).

Trong thời gian 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức và cá nhân chuyển đến (theo từng đợt), hoàn thành việc tổ chức xét duyệt, phân loại, hoàn thiện hồ sơ đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ một lần (mỗi đối tượng 02 bộ), lập danh sách theo Mẫu số 3, công văn đề nghị giải quyết chế độ hỗ trợ theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Nghị định này; chuyển toàn bộ hồ sơ của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (bao gồm cả danh sách và công văn đề nghị) về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trực tiếp quản lý đối tượng trước khi đi định cư ở nước ngoài (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) hoặc về Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị) theo thẩm quyền giải quyết chế độ hỗ trợ một lần quy định tại khoản 1 Điều này;

- Bộ Quốc phòng hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền tiếp nhận hồ sơ do Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài chuyển đến. Theo từng đợt, trong thời gian 20 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hoàn thành việc xét duyệt, thẩm định, ra quyết định hỗ trợ một lần theo Mẫu số 4 ban hành kèm theo Nghị định này và ký "Giấy chứng nhận" đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Đối với đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4  Điều 2 Nghị định này ủy quyền cho thân nhân ở trong nước lập hồ sơ, nhận chế độ hỗ trợ một lần

- Người được ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 6 Nghị định này cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi người được ủy quyền cư trú.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Thủ trưởng Bộ Tư lệnh các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương thuộc quyền tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ và giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này.

Trình tự, trách nhiệm xét duyệt, thẩm định hồ sơ, giải quyết chế độ, chính sách, thực hiện tương tự như đối với các đối tượng đề nghị hưởng chế độ trợ cấp một lần quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (sau đây viết tắt là Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg).

Điều 8. Hồ sơ, quy trình, trách nhiệm cấp thẻ bảo hiểm y tế; giải quyết trợ cấp mai táng phí

Hồ sơ, quy trình, trách nhiệm cấp thẻ bảo hiểm y tế; giải quyết trợ cấp mai táng phí đối với đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ một lần về nước định cư theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này, được thực hiện tương tự theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hiện hành đối với người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở trong nước.

Điều 9. Phương thức chi trả chế độ hỗ trợ một lần, cấp “Giấy chứng nhận”; nguồn kinh phí thực hiện

1. Phương thức chi trả chế độ hỗ trợ một lần và cấp “Giấy chứng nhận”

Khi có thông báo bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ một lần của Bộ Tài chính, theo thẩm quyền giải quyết chế độ đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này, thực hiện như sau:

a) Đối với các trường hợp không ủy quyền quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định này

- Bộ Quốc phòng (Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) làm thủ tục chuyển kinh phí hỗ trợ một lần vào tài khoản của Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, kèm theo quyết định hỗ trợ một lần, “Giấy chứng nhận” và danh sách đối tượng được hưởng chế độ.

- Theo từng đợt, trong thời gian 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ kinh phí hỗ trợ, quyết định hỗ trợ một lần, “Giấy chứng nhận” và danh sách đối tượng được hưởng chế độ do Bộ Quốc phòng (Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) chuyển đến, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan ở nước ngoài tổ chức chi trả chế độ hỗ trợ một lần và trao “Giấy chứng nhận” cho đối tượng hoặc thân nhân đối tượng; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán theo quy định.

b) Đối với các trường hợp ủy quyền cho thân nhân ở trong nước quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định này, được thực hiện tương tự như đối với đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.

2. Nguồn kinh phí thực hiện

a) Kinh phí chi trả chế độ hỗ trợ một lần cho các đối tượng quy định tại Điều 4 Nghị định này do ngân sách Trung ương bảo đảm;

b) Kinh phí thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng phí đối với đối tượng về nước định cư quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này do ngân sách địa phương bảo đảm;

c) Kinh phí bảo đảm cho công tác xét duyệt, thẩm định hồ sơ, chi trả chế độ hỗ trợ một lần quy định tại Điều 4 Nghị định này, bằng 4% tổng kinh phí chi trả chế độ hỗ trợ một lần cho đối tượng; chi phí chuyển hồ sơ từ nước ngoài về nước, từ trong nước ra nước ngoài và chi phí chuyển tiền ra nước ngoài được quyết toán trên cơ sở thực chi do ngân sách Trung ương bảo đảm;

d) Kinh phí bảo đảm đối với các Đoàn công tác đi công tác nước ngoài thực hiện nhiệm vụ triển khai, kiểm tra, chỉ đạo thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng theo quy định tại Nghị định này, được thực hiện chế độ công tác phí và các chế độ khác theo quy định hiện hành của Chính phủ đối với người đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách Trung ương bảo đảm.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tổ chức xét duyệt, thẩm định, ra quyết định hưởng chế độ hỗ trợ, chi trả chế độ hỗ trợ một lần và cấp “Giấy chứng nhận” đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định này bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, chính xác, đúng đối tượng, chính sách;

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, định kỳ hằng năm hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan ở trong và ngoài nước việc thực hiện chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định này; chủ động giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; trường hợp quá thẩm quyền báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương tổ chức xét duyệt, thẩm định, ra quyết định hưởng chế độ hỗ trợ, chi trả chế độ hỗ trợ một lần và cấp “Giấy chứng nhận” đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định này; hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng phí đối với đối tượng về nước định cư theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này.

3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng; ký xác nhận giấy ủy quyền đối với các trường hợp ủy quyền cho thân nhân ở trong nước lập hồ sơ, nhận chế độ hỗ trợ một lần theo quy định tại Nghị định này.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính

Hằng năm, bố trí ngân sách để thực hiện chế độ hỗ trợ một lần và kinh phí cho công tác chi trả chế độ quy định tại Nghị định này theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương thuộc quyền tổ chức xét duyệt, thẩm định, ra quyết định hưởng chế độ hỗ trợ, chi trả chế độ hỗ trợ một lần; ký và cấp “Giấy chứng nhận” đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định này; tổ chức thực hiện chặt chẽ, chính xác, kịp thời, đúng chế độ, chính sách đối với các đối tượng khi về nước định cư theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này.

6. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các tổ chức hội có liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động và giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với các đối tượng quy định tại Nghị định này.

7. Những người có hành vi làm sai lệch hoặc giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải hoàn trả số tiền đã nhận; bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày...  tháng....năm 2017.

2. Các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này và ban hành, cấp mẫu “Giấy chứng nhận” đối với các đối tượng theo quy định.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Toà án nhân dân tối cao:

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- UB Giám sát tài chính quốc gia;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc
Ngày:08/09/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM