QCVN 09:2017/BXD quy chuẩn công trình xây dựng sử dụng năng lượng

QCVN 09:2017/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” do Viện Kỹ thuật Xây dựng (Hội Kết cấu và Công nghệ Xây dựng Việt Nam) soát xét trên cơ sở QCVN 09:2013/BXD, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư số 15/2017/TT-BXD ngày 28 tháng 12 năm 2017. Mời các bạn cùng tham khảo 

QCVN 09:2017/BXD quy chuẩn công trình xây dựng sử dụng năng lượng

QCVN 09:2017/BXD

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG HIỆU QUẢ

National Technical Regulation on Energy Efficiency Buildings

Lời nói đầu

QCVN 09:2017/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” do Viện Kỹ thuật Xây dựng (Hội Kết cấu và Công nghệ Xây dựng Việt Nam) soát xét trên cơ sở QCVN 09:2013/BXD, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư số 15/2017/TT-BXD ngày 28 tháng 12 năm 2017.

Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD thay thế QCVN 09:2013/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” được ban hành theo Thông tư số 15/2013/TT-BXD ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Quy chuẩn này được biên soạn với sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch và sự tham gia của các chuyên gia thuộc Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC - International Finance Corporation), Phòng thí nghiệm Tây Bắc Thái Bình dương (PNNL - Pacific Northwest National Laboratory, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ).

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG HIỆU QUẢ

National Technical Regulation on Energy Efficiency Buildings

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1  Phạm vi điều chỉnh

1.1.1  Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình có tổng diện tích sàn từ 2500 m2 trở lên thuộc các loại hoặc hỗn hợp các loại công trình dưới đây:

1) Văn phòng;

2) Khách sạn;

3) Bệnh viện;

4) Trường học;

5) Thương mại, dịch vụ;

6) Chung cư.

1.1.2  Những quy định trong quy chuẩn này được áp dụng cho các bộ phận:

1) Lớp vỏ bao che công trình;

2) Hệ thống thông gió và điều hòa không khí;

3) Hệ thống chiếu sáng;

4) Các thiết bị điện khác (động cơ điện; hệ thống cấp nước nóng).

CHÚ THÍCH: Khi thực hiện cải tạo các công trình thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này, các quy định về lớp vỏ bao che, hệ thống thông gió và điều hòa không khí, hệ thống chiếu sáng, các thiết bị điện khác được áp dụng cho các bộ phận tương ứng được cải tạo.

1.2  Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân có các hoạt động xây dựng các công trình xây dựng thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này.

1.3  Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết khi áp dụng Quy chuẩn này. Với tiêu chuẩn có mã số không ghi năm hoặc các tiêu chuẩn có mã số ghi năm được soát xét, sửa đổi thì áp dụng phiên bản mới nhất.

1.4  Giải thích từ ngữ và các ký hiệu

1.4.1  Giải thích từ ngữ

1) Bậc hiệu quả của quạt (Fan Efficiency Grade), FEG: Hệ số đánh giá chất lượng khí động của quạt, là tỷ số của công suất dòng khí ở miệng ra của quạt và công suất hữu ích của động cơ tác động lên trục cánh quạt;

2) Chỉ số hiệu quả máy lạnh (Coefficient of Performance) COP, kW/kW: Tỷ số giữa năng suất lạnh thu được so với công suất tiêu thụ điện đầu vào trên cùng một đơn vị đo. Giá trị COP được xác định để đánh giá hiệu quả năng lượng của máy điều hoà không khí chạy điện, làm mát ngưng tụ bằng không khí, bao gồm máy nén, giàn bay hơi, giàn ngưng tụ. Giá trị COP cũng được xác định để đánh giá hiệu quả năng lượng của máy sản xuất nước lạnh hợp khối (không bao gồm các bơm nước lạnh, bơm nước giải nhiệt ngưng tụ và các quạt của tháp giải nhiệt);

3) Chỉ số hiệu quả bơm nhiệt COP, kW/kW: Tỷ số giữa năng suất nhiệt thu được so với công suất tiêu thụ điện đầu vào trên cùng đơn vị đo, tính cho toàn bộ hệ thống bơm nhiệt trong điều kiện làm việc theo thiết kế;

4) Chỉ số truyền nhiệt tổng (Overall Thermal Transfer Value)OTTV: Tổng lượng nhiệt truyền vào nhà qua toàn bộ diện tích bề mặt của vỏ bao che công trình bao gồm cả phần tường không xuyên sáng và cửa kính quy về cho 1 m2 bề mặt ngoài của công trình, W/m2;

5) Hệ số tổng truyền nhiệt (Thermal Transmittance) U0: Cường độ dòng nhiệt không đổi theo thời gian đi qua một đơn vị diện tích bề mặt của kết cấu bao che khi chênh lệch nhiệt độ của môi trường không khí 2 bên kết cấu là 1 K, đơn vị đo W/(m2.K);

6) Tổng nhiệt trở (Thermal Resistance) R0: R0 = 1/U0, đơn vị đo m2.K/W;

7) Hiệu suất phát sáng của bóng đèn: Tỷ số giữa lượng quang thông của bóng đèn và công suất điện của bóng đèn, tính bằng lm/W;

8) Hiệu suất hệ thống thông gió, điều hoà không khí: Tỷ lệ năng lượng đầu ra (năng lượng có ích tại thời điểm sử dụng) so với năng lượng đầu vào có cùng đơn vị đo cho một giai đoạn xác định, tính bằng %;

9) Mật độ công suất chiếu sáng (Lighting Power Density), LPD: Mật độ công suất chiếu sáng là tỷ số giữa công suất điện chiếu sáng và diện tích được chiếu sáng, W/m2;

10) Vỏ công trình (Building Envelope): Vỏ công trình hay còn gọi là kết cấu bao che công trình, bao gồm tường và mái không xuyên sáng hoặc xuyên sáng (tường kính, cửa kính…) tạo thành các không gian khép kín bên trong công trình.

1.4.2  Các ký hiệu, đơn vị đo và từ viết tắt

1) Các ký hiệu, đơn vị đo

2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1  Lớp vỏ bao che công trình

2.1.1  Quy định kỹ thuật đối với lớp vỏ bao che công trình chỉ áp dụng đối với các không gian có điều hòa không khí.

2.1.2  Yêu cầu đối với tường bao che bên ngoài và mái công trình

1) Yêu cầu về tổng nhiệt trở R0 của phần không xuyên sáng:

- Tường bao ngoài công trình trên mặt đất (phần tường không xuyên sáng) của không gian có điều hòa không khí phải có giá trị tổng nhiệt trở nhỏ nhất R0.min không nhỏ hơn 0,56 m2.K/W;

- Kết cấu mái bằng và mái có độ dốc dưới 150 nằm trực tiếp trên không gian có điều hòa không khí phải có giá trị tổng nhiệt trở R0.min không nhỏ hơn 1,00 m2.K/W.

CHÚ THÍCH:

- Mái bằng vật liệu phản xạ: có thể sử dụng trị số nhiệt trở R0,min nhân với hệ số 0,80 đối với mái được thiết kế bằng vật liệu phản xạ có độ phản xạ trong khoảng 0,70÷0,75 nhằm làm tăng độ phản xạ của bề mặt mái bên ngoài (Phụ lục 5);

- Mái có độ dốc từ 150 trở lên: có thể xác định tổng nhiệt trở tối thiểu của mái bằng cách nhân các trị số R0.min với hệ số 0,85;

- Các trường hợp kết cấu mái không phải tuân thủ mục 2.1.2: hơn 90 % bề mặt mái được che chắn bằng một lớp kết cấu che nắng cố định có thông gió. Lớp kết cấu che nắng phải cách bề mặt mái ít nhất 0,3 m thì mới được xem như là có thông gió giữa lớp mái và lớp che nắng cho mái (mái 2 lớp có tầng không khí đối lưu ở giữa).

2) Yêu cầu đối với phần xuyên sáng (cửa kính, tường kính):

- Giá trị SHGC lớn nhất của tường kính và cửa kính được xác định riêng cho mỗi mặt tường theo các hướng Bắc, Nam (hướng Bắc, Nam có biên độ dao động trong khoảng ± 22,50 so với trục chính Bắc hoặc Nam), các hướng còn lại và phải thỏa mãn các giá trị trong bảng 2.1.

Bảng 2.1 - Hệ số SHGC của kính phụ thuộc vào tỷ số WWR

Giá trị SHGC tối đa đối với cửa kính trên mái bằng 0,3. Đối với không gian tầng áp mái sử dụng ánh sáng ban ngày, cho phép SHGC tối đa của cửa trời là 0,6;

- Trường hợp mặt đứng nhà có kết cấu che nắng liên tục thẳng đứng hoặc nằm ngang, hệ số SHGC trong bảng 2.1 được phép điều chỉnh bằng cách nhân với hệ số A trong Bảng 2.2a hoặc 2.2b;

Bảng 2.2a - Hệ số A đối với kết cấu che nắng nằm ngang cố định

Bảng 2.2b - Hệ số A đối với kết cấu che nắng thẳng đứng cố định

- Đối với các công trình tiếp giáp đường phố, không gian tầng sát mặt đất được thiết kế với chức năng trưng bày sản phẩm, quảng bá dịch vụ và hàng hóa, cho phép không phải tuân thủ các quy định về SHGC khi thỏa mãn tất cả các điều kiện sau: (a) Chiều cao tầng sát mặt đất không lớn hơn 6m; (b) Kết cấu che nắng liên tục với b/H > 0,5; (c) Diện tích tường kính và cửa kính nhỏ hơn 75% tổng diện tích tường của tầng sát mặt đất tại phía đường phố.

3) Nếu không áp dụng các quy định chi tiết về R0 và SHGC nêu trên, cho phép xác định chỉ số truyền nhiệt tổng OTTV của kết cấu vỏ bao che không xuyên sáng và xuyên sáng và giá trị của chúng được quy định như sau:

- OTTVT của tường không vượt quá 60 W/m2;

- OTTVM của mái không vượt quá 25 W/m2.

CHÚ THÍCH: Giá trị OTTVT của tường bao che và OTTVM của mái được xác định theo các tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật.

2.1.3  Yêu cầu về sản phẩm xây dựng và lắp đặt cho tường và mái công trình

1) Hệ số dẫn nhiệt λ của vật liệu, giá trị tổng nhiệt trở R0 của tường, mái được xác định theo tiêu chuẩn ISO 6946:2017 hoặc theo hướng dẫn tại Phụ lục 1, 2, 3, 4, 6 của Quy chuẩn này;

CHÚ THÍCH: Hệ số dẫn nhiệt λ của vật liệu do nhà sản xuất cung cấp hoặc áp dụng số liệu theo tiêu chuẩn TCVN 4605:1988, TCVN 9258:2012.

2) Chứng nhận kiểm tra SHGC của cửa kính, tường kính phải được nhà sản xuất cung cấp. Giá trị SHGC của cửa kính, tường kính được xác định theo tiêu chuẩn NFRC 200-2017 bởi các phòng thí nghiệm độc lập.

2.2  Thông gió và điều hòa không khí

2.2.1  Thông gió tự nhiên

1) Diện tích các lỗ thông gió, cửa sổ đóng mở được trên tường hoặc trên mái không được nhỏ hơn 5 % diện tích (sàn) sử dụng của phòng tiếp giáp với không gian bên ngoài.

2) Thông gió tự nhiên hoặc kết hợp với thông gió cơ khí của khu vực để xe (gara) phải đảm bảo các yêu cầu của Quy chuẩn QCXDVN 05:2008/BXD.

2.2.2  Thông gió cơ khí

1) Phải đảm bảo các yêu cầu về thông gió theo Quy chuẩn QCXDVN 05:2008/BXD.

2) Quạt gió với động cơ công suất lớn hơn 0,56 kW phải có thiết bị điều khiển tự động cho phép tắt quạt khi không có nhu cầu sử dụng.

CHÚ THÍCH: Ngoại trừ quạt trong hệ thống HVAC vận hành liên tục.

2.2.3  Hệ thống điều hòa không khí

1) Thiết bị điều hòa không khí và máy sản xuất nước lạnh (Chiller) phải có chỉ số hiệu quả COP tối thiểu tại các điều kiện đánh giá tiêu chuẩn và không nhỏ hơn các giá trị nêu trong Bảng 2.3, Bảng 2.4.

Bảng 2.3 - Chỉ số hiệu quả COP của máy điều hòa không khí làm lạnh trực tiếp hoạt động bằng điện năng

Bảng 2.4 - Chỉ số hiệu quả COP của máy sản xuất nước lạnh (Chiller)

 

2) Các thiết bị sản xuất nước lạnh (Chiller), cấp hơi nóng, quạt tháp giải nhiệt, máy bơm có công suất lớn hơn hoặc bằng 5 mã lực (3,7kW) phải có các thiết bị tự động điều chỉnh công suất, lưu lượng theo nhu cầu tiêu thụ lạnh, sưởi và lượng nước.

3) Các động cơ quạt của hệ thống thông gió và điều hòa không khí có công suất lớn hơn hoặc bằng 5 mã lực (3,7 kW) phải có bậc hiệu quả lớn hơn FEG 67 khi xác định theo tiêu chuẩn AMCA 205.

CHÚ THÍCH: Có thể áp dụng tiêu chuẩn ISO 12759:2010.

4) Các tòa nhà sử dụng hệ thống điều hòa không khí trung tâm phải có thiết bị thu hồi lạnh. Hiệu suất thu hồi lạnh của thiết bị tối thiểu là 50 %.

5) Vật liệu và chiều dày lớp cách nhiệt cho ống dẫn môi chất lạnh, ống dẫn nước lạnh, ống cấp và thu hồi gió phải được thiết kế, lắp đặt và nghiệm thu theo tiêu chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công trình.

CHÚ THÍCH: Tiêu chuẩn kỹ thuật do chủ đầu tư lựa chọn áp dụng. Các tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 5687:2010, ASHRAE 90.1 và các tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương khác được áp dụng.

6) Các chỉ số hiệu quả COP (hoặc hệ số hiệu quả mùa làm lạnh CSPF) được nêu tại các Bảng 2.3, Bảng 2.4 và bậc hiệu quả của quạt FEG phải được kiểm tra bởi phòng thí nghiệm độc lập. Nhà sản xuất phải cung cấp chứng chỉ thí nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật cho các thiết bị thuộc hệ thống điều hòa không khí trước khi tiếp nhận và lắp đặt vào công trình.

2.3  Chiếu sáng

2.3.1  Chiếu sáng tự nhiên

Trong các phòng làm việc, phòng học, phòng đọc thư viện có chiếu sáng tự nhiên, phải có giải pháp điều chỉnh chiếu sáng nhân tạo.

CHÚ THÍCH: Các yêu cầu điều khiển chiếu sáng đối với vùng chiếu sáng tự nhiên không áp dụng đối với các cơ sở y tế, căn hộ hoặc các công trình có yêu cầu sử dụng đặc biệt.

2.3.2  Chiếu sáng nhân tạo

1) Yêu cầu về độ rọi nhỏ nhất trong nhà ở và nhà công cộng phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12:2014/BXD.

2) Mật độ công suất chiếu sáng LPD cho bên trong công trình không được vượt quá mức tối đa cho phép nêu trong Bảng 2.5.

Bảng 2.5 - Mật độ công suất chiếu sáng LPD

3) Điều khiển chiếu sáng

a) Điều khiển chiếu sáng

- Thiết bị tắt chiếu sáng khi không có nhu cầu sử dụng phải được thiết kế và lắp đặt cho các khu vực có diện tích tối đa 2500 m2 trên một tầng sàn;

- Mỗi thiết bị điều khiển chiếu sáng được thiết kế và lắp đặt trên diện tích sử dụng tối đa 250 m2 đối với khu vực rộng đến 1000 m2 và tối đa 1000 m2 đối với khu vực rộng hơn 1000 m2.

CHÚ THÍCH: Quy định này không áp dụng cho các không gian có yêu cầu chiếu sáng 24/24 h; không gian có yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn khi sử dụng.

b) Điều khiển chiếu sáng khu vực đỗ xe (gara) trong nhà

- Tự động tắt chiếu sáng (xem ở trên);

- Phải có thiết bị điều khiển chiếu sáng cho phép giảm ít nhất 30 % công suất chiếu sáng của mỗi nguồn sáng khi không có hoạt động trong vùng được chiếu sáng;

CHÚ THÍCH: Yêu cầu này không áp dụng cho khu vực đường xe ra vào tiếp giáp với không gian bên ngoài công trình.

- Đối với khu vực trong phạm vi đến tường bao ngoài 6 m, có cửa và tường kính với tỷ lệ WWR ≥ 40 %, phải có thiết bị điều khiển cho phép giảm công suất chiếu sáng.

2.4  Các thiết bị điện khác

1) Động cơ điện

a) Các động cơ điện 3 pha (50 Hz) được chế tạo ở dạng độc lập hoặc trong thành phần của thiết bị lắp đặt cho công trình xây dựng phải có hiệu suất tối thiểu ở chế độ đầy tải không nhỏ hơn giá trị nêu trong Bảng 2.6.

b) Nhãn sản xuất trên vỏ động cơ điện phải có trị số hiệu suất tối thiểu ở chế độ đầy tải. Hiệu suất của động cơ điện phải được xác định, phù hợp với tiêu chuẩn NEMAMG-1.

CHÚ THÍCH: Áp dụng tiêu chuẩn TCVN 7540-2:2013 hoặc các tiêu chuẩn tương đương khác được lựa chọn áp dụng.

c) Khi lắp đặt, kiểm tra và nghiệm thu động cơ điện cho công trình theo quy định hiện hành, phải tiến hành kiểm tra hiệu suất tối thiểu của động cơ điện được ghi trên vỏ máy do nhà sản xuất công bố.

Bảng 2.6 - Hiệu suất tối thiểu của động cơ điện ở chế độ đầy tải

2) Hệ thống đun nước nóng

a) Hiệu suất thiết bị đun nước nóng

- Tất cả các thiết bị đun nước nóng, lò hơi cấp nước nóng sử dụng cho công trình phải có hiệu suất tối thiểu như trong Bảng 2.7;

- Bơm nhiệt cấp nước nóng phải đạt hiệu quả COP tối thiểu như trong Bảng 2.8;

- Khi sử dụng hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, hiệu suất tối thiểu của bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời là 60 % và giá trị nhiệt trở R0 tối thiểu của mặt sau tấm hấp thụ năng lượng mặt trời là 2,2 m2.K/W.

Bảng 2.7 - Hiệu suất tối thiểu của thiết bị đun nước nóng

Bảng 2.8 - Hiệu suất tối thiểu COP của bơm nhiệt cấp nước nóng

b) Trước khi lắp đặt bộ đun nước nóng, phải kiểm tra hiệu suất của thiết bị do nhà sản xuất cung cấp.

c) Cách nhiệt cho đường ống dẫn nước nóng phải được thiết kế, lắp đặt và nghiệm thu theo tiêu chuẩn thiết kế được áp dụng cho công trình.

d) Kiểm soát hệ thống đun nước nóng

- Hệ thống điều khiển nhiệt độ được lắp đặt để giới hạn nhiệt độ nước nóng tại thời điểm sử dụng không vượt quá 490 C;

- Hệ thống điều khiển nhiệt độ được lắp đặt để giới hạn nhiệt độ tối đa của nước cấp cho các vòi ở bồn tắm, bồn rửa trong các phòng tắm công cộng không vượt quá 430 C;

- Các bơm tuần hoàn dùng để duy trì nhiệt độ trong các bể chứa nước nóng được điều khiển vận hành phù hợp với chế độ làm việc của thiết bị cấp nước nóng.

e) Đối với chung cư có thiết kế và lắp đặt hệ thống cấp nước nóng trung tâm, phải sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, thu hồi nhiệt…) để bổ sung cho nguồn năng lượng cung cấp nước nóng.

3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

3.1  Hồ sơ thiết kế các công trình xây dựng mới, sửa chữa cải tạo thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn này phải bao gồm thuyết minh về sự tuân thủ các quy định của quy chuẩn này.

3.2  Công tác thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng theo quy định hiện hành, trong đó có quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD.

4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

4.1  Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) chịu trách nhiệm tổ chức phổ biến, hướng dẫn áp dụng QCVN 09:2017/BXD cho các đối tượng có liên quan.

4.2  Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp về xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra sự tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình thuộc trách nhiệm quản lý của mình theo quy định hiện hành.

4.3  Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, mọi ý kiến được gửi về Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) để được hướng dẫn và xử lý.

--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của QCVN : 09:2017/BXD ----

Ngày:11/08/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM