GDCD 9 Bài 2: Tự chủ

Bài học giúp các em hiểu rõ về tự chủ và các hành động thể hiện sự tự chủ trong cuộc sống. Hi vọng đây là tài liệu bổ ích cho các em học sinh lớp 9. Mời các em cùng tham khảo!

GDCD 9 Bài 2: Tự chủ

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đặt vấn đề

a. Một người mẹ

- Con trai bà Tâm nghiện ma tuý, bị nhiễm HIV/AIDS.

- Bà choáng váng, đau khổ, mất ăn, mất ngủ, nhưng ko khóc trước mặt con, chăm sóc con, vận động những người cùng hoàn cảnh để chăm sóc những người nhiễm HIV/AIDS

=> Bà Tâm đã làm chủ được tình cảm và hành vi của mình, nên đã vượt qua được nỗi đau khổ, sống có ích cho con và cho người khác. Bà Tâm là người tự chủ

b. Chuyện của N

- N bị bạn bè rủ rê theo chúng hút thuốc lá, rượu bia, đua xe máy, chơi các trò chơi nguy hiểm khác; trốn học, trượt tốt nghiệp, hút chích...Để có tiền hút chích, N tham gia trong một nhóm trộm cắp và bị bắt.

=> N không làm chủ được bản thân, không điều chỉnh được suy nghĩ, hành vi của mình trước những lời cám dỗ của bạn xấu...N là người thiếu tự chủ.

1.2. Nội dung bài học

a. Khái niệm

- Tự chủ là làm chủ bản thân, làm chủ được những suy nghĩ, tình cảm và hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh, tình huống luôn bình tĩnh tự tin và tự điều chỉnh hành vi của mình.

b. Ý nghĩa

Tự chủ giúp con người biết sống một cách đúng đắn, biết cư xử có đạo đức, có văn hoá giúp ta đứng vững trước những khó khăn, thử thách, cám dỗ.

c. Cách rèn luyện

Suy nghĩ kỹ trước khi hành động, sau mỗi việc làm cần kiểm tra lại thái độ, lời nói, hành động đó đúng hay sai để kịp thời sửa chữa.

d. Ca dao

Dù ai nói ngả nói nghiêng

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

2. Luyện tập

Câu 1: Vì sao con người cần phải biết tự chủ?

Gợi ý trả lời

- Tính tự chủ rất cần thiết vì trong cuộc sống, con người luôn luôn gặp những tình huống đòi hỏi phải có sự ứng xử đúng đắn, phù hợp.

- Tính tự chủ giúp con người tránh được những sai lầm không đúng, sáng suốt lựa chọn cách thức thực hiện mục đích cuộc sống của mình.

- Trong xã hội, nếu mọi người đều biết tự chủ, biết xử sự như những người có văn hoá thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn.

Câu 2: Em đồng ý với những ý kiến nào sau đây? Vì sao?

a) Người tự chủ biết tự kiểm chế những ham muốn của bản thân ;

b) Không nên nóng nảy, vội vàng trong hành động ;

c) Người tự chủ luôn hành động theo ý mình ;

d) Cần biết điều chỉnh thái độ, hành vi của mình trong các tình huống khác nhau ;

đ) Người có tính tự chủ không cần quan tâm đến hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp ;

e) Cần giữ thái độ ôn hoà, từ tốn trong giao tiếp với người khác.

Gợi ý trả lời

- Em đồng tình với những ý kiến: (a), (b), (d) và (e) vì:

Đó là những biểu hiện của người có tính tự chủ, thể hiện sự quan tâm, suy nghĩ chín chắn.

- Em không đồng tình với ý kiến (c) và (đ), vì

Người có tính tự chủ là người biết điều chỉnh suy nghĩ, hành động của mình cho phù hợp với những tình huống, hoàn cảnh khác nhau, không hành động một cách mù quáng theo ý thích cá nhân của mình nếu ý thích đó là không đúng, không hợp với điều kiện, hoàn cảnh hay chuẩn mực xã hội.

Câu 3: Chủ nhật, Hằng được mẹ cho đi chơi phố. Qua các cửa hiệu có nhiều quần áo mới đúng mốt, bộ nào Hằng cũng thích. Em đòi mẹ mua hết bộ này đến bộ khác làm mẹ rất bực mình. Buổi đi chơi phố mất vui.

Em hãy nhận xét việc làm của Hằng. Em sẽ khuyên Hằng như thế nào?

Gợi ý trả lời

- Việc làm của Hằng biểu hiện của một người không có tính tự chủ, Hằng chỉ nên chọn một bộ thay vì đòi mẹ mua hết bộ này đến bộ khác, hành vi của Hằng đã làm mẹ bực mình.

- Em sẽ khuyên Hằng: Bạn làm như vậy là không nên, vì mẹ không thể chiều theo ý thích của bạn để mua hết những bộ nào bạn thích được. Làm như vậy chứng tỏ bạn không suy nghĩ chín chắn,  bạn cần phải biết rút kinh nghiệm.

3. Kết luận

Bài học giúp các em hiểu thế nào là tự chủ, ý nghĩa của tính tự chủ trong cuộc sống cá nhân và xã hội. Qua đó các em cần rèn luyện để trở thành người có tính tự chủ để sống tốt và thoát khỏi những cám dỗ.

Ngày:23/07/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM