Công nghệ 6 Bài 15: Cơ sở của ăn uống hợp lý

Thực phẩm giúp cơ thể bổ sung năng lượng, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết. Vì vậy, trong quá trình ăn uống, chúng ta không thể tùy tiện, phải có cơ sở ăn uống hợp lý. Đó cũng chính là nội dung của bài học mới, mời các em cùng tìm hiểu.

Công nghệ 6 Bài 15: Cơ sở của ăn uống hợp lý

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Vai trò của các chất dinh dưỡng

a. Chất đạm (Prôtêin)

Nguồn cung cấp chất đạm

- Nguồn cung cấp

  • Đạm có trong thực vật và động vật.
  • Nên dùng 50% đạm thực vật và động vật trong khẩu phần ăn hàng ngày.

- Chức năng của chất dinh dưỡng

  • Tham gia tổ chức cấu tạo cơ thể, giúp cơ thể phát triển tốt.
  • Cấu tạo men tiêu hoá, tuyến nội tiết.
  • Chất đạm cần thiết cho việc tái tạo tế bào chết, tu bổ những hao mòn cơ thể.
  • Chất đạm còn góp phần tăng khả năng đề kháng và cung cấp năng lượng cho cơ thể …

Chức năng của chất đạm

b. Chất đường bột (Gluxít)

- Nguồn cung cấp: Gồm hai nhóm:

  • Chất đường là thành phần chính: các loại trái cây tươi hoặc khô, mật ong, sữa, mía, kẹo, mạch nha …
  • Chất tinh bột là thành phần chính: ngũ cốc,  bột, bánh mì ...; các loại củ, quả (khoai lang, khoai từ, khoai tây…).

Nguồn cung cấp đường bột

- Chức năng dinh dưỡng:

  • Chất đường bột là nguồn chủ yếu cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể: để làm việc, vui chơi …
  • Chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng khác.

Chức năng của tinh bột

c. Chất béo

- Nguồn cung cấp:

  • Chất béo động vật: mỡ lợn, bò, cừu, gà, vịt, cá, bơ, sữa, phomat
  • Chất béo thực vật: đậu phộng, mè, đậu nành, hạt ô liu, dừa ...

Nguồn cung cấp chất béo

- Chức năng dinh dưỡng:

  • Là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng, tích trữ dưới dạng một lớp mỡ và giúp bảo vệ cơ thể
  • Là dung môi hoà tan các vitamin, Chuyển hóa một số vitamin cần thiết cho cơ thể, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

d. Sinh tố (Vitamin)

- Nguồn cung cấp

+ Vitamin A:

  • Cà chua, cà rốt, gấc, xoài, đu đủ, dưa hấu...
  • Giúp tăng trưởng bảo vệ mắt, xương nở, bắp thịt phát triển, tăng sức đề kháng cơ thể.

+ Vitamin B:

  • B1 có trong cám gạo, men bia, thịt lợn, thịt gà, thịt vịt...
  • Điều hoà thần kinh

+ Vitamin C: Có trong rau quả tươi

+ Vitamin D: Có trong bơ, lòng đỏ trứng, tôm cua. Giúp cơ thể chuyển hoá chất vôi.

- Chức năng dinh  dưỡng

  • Giúp hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, xương, da… hoạt động bình thường
  • Tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giúp cơ thể phát triển tốt, luôn khỏe mạnh…

Vai trò của vitamin

e. Chất khoáng

- Nguồn cung cấp

Các thực phẩm cung cấp chất khoáng

- Chức năng dinh dưỡng của chất khoáng:

  • Giúp cho sự phát triển của xương, hoạt động của cơ bắp.
  • Tổ chức hệ thần kinh, cấu tạo hồng cầu và sự chuyển hóa của cơ thể. 

f. Nước

- Nước có vai trò quan trọng đối với cơ thể của người:

  • Nước trong rau, trái cây, thức ăn hàng ngày.
  • Là thành phần chủ yếu của cơ thể.
  • Là môi trường cho mọi chuyển hóa và trao đổi chất của cơ thể.
  • Điều hòa thân nhiệt.

g. Chất xơ

  • Có trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc.
  • Giúp ngừa bệnh táo bón.

1.2. Giá trị dinh dưỡng của các nhóm thức ăn

a. Phân nhóm thức ăn

- Việc phân nhóm thức ăn giúp cho người tổ chức bữa ăn mua đủ các loại thực phẩm cần thiết và thay đổi món ăn cho đỡ nhàm chán, hợp khẩu vị, thời tiết... mà vẫn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng theo yêu cầu của bữa ăn.

- Thức ăn được phân làm 4 nhóm đó là:

  • Nhóm giàu chất béo
  • Nhóm giàu vitamin, chất khoáng
  • Nhóm giàu chất đường bột
  • Nhóm giàu chất đạm

 

- Ý nghĩa:

  •  Tổ chức bữa ăn tốt hơn
  • Cân bằng đầy đủ dinh dưỡng trong 4 nhóm

b. Cách thay thế thức ăn lẫn nhau

Thay thế thức ăn

  • Cho đỡ nhàm chán, hợp khẩu vị, đảm bảo ngon miệng.
  • Phải thường xuyên thay thế món ăn để giá trị dinh dưỡng thay đổi.
  • Thay thức ăn này bằng thức ăn khác trong cùng nhóm để thành phần và giá trị dinh dưỡng của khẩu phần không bị thay đổi.

1.3. Nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể

a. Chất đạm

- Thiếu đạm

  • Thiếu đạm cơ thể suy nhược . Ngoài ra trẻ còn dễ bị mắc bệnh nhiễm khuẩn và trí tuệ kém phát triển.
  • Thiếu đạm trầm trọng sẽ bị bệnh suy dinh dưỡng.
  • Bệnh suy dinh dưỡng làm cho cơ thể phát triển chậm lại hoặc ngừng phát triển; cơ bắp trở nên yếu ớt, tay chân khẳng khiu, bụng phình to, tóc mọc lưa thưa.

Hậu quả thiếu chất đạm

- Thừa đạm

  • Lượng chất đạm bị thừa sẽ được tích lũy trong cơ thể dưới dạng mỡ, có thể gây nên bệnh béo phì, bệnh huyết áp, bệnh tim mạch…
  • Thừa đạm gây ngộ độc cho cơ thể.

b. Chất đường bột

  • Thiếu đường bột: Thiếu đường bột cơ thể ốm yếu, đói mệt.
  • Thừa đường bột: Ăn quá nhiều chất đường bột sẽ làm tăng trọng lượng cơ thể và gây béo phì vì lượng chất thừa đó sẽ “biến thành” mỡ.

Hậu quả của thừa đường bột

c. Chất béo

- Thiếu chất béo:

  • Không đủ năng lượng, không làm việc
  • Khả năng chống đỡ bệnh tật kém

- Thừa chất béo: Tăng trọng nhanh, bụng to, tim to, cơ thể béo phệ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

→ Cơ thể đòi hỏi phải có đầy đủ chất dinh dưỡng, mọi sự thừa thiếu đều có hại cho sức khoẻ. Các chất khoáng, sinh tố, nước, xơ, cần được quan tân sử dụng đầy đủ trong mọi trường hợp.

Lượng dinh dưỡng cần thiết cho mỗi học sinh mỗi ngày

2. Luyện tập

Câu 1: Tại sao chúng ta cần phải ăn uống?

Gợi ý trả lời

Chúng ta cần ăn uống để duy trì sự sống.

Câu 2: Ngoài nước uống, còn có nguồn nào khác cung cấp nước cho cơ thể?

Gợi ý trả lời

Ngoài nước uống, còn có nguồn nào khác cung cấp nước cho cơ thể như: nước trong thực phẩm chúng ta ăn, nước dinh dưỡng truyền qua kim tiêm,…

Câu 3: Chất xơ có trong những loại thực phẩm nào?

Gợi ý trả lời

Chất xơ có trong các loại thực phẩm:

  • Rau, đậu và hạt: đậu tương,…
  • Trái cây: Táo, đào, quýt,…
  • Ngũ cốc: gạo lức, bắp (ngô),…

Câu 4: Em có nhận xét gì về thể trạng của cậu bé ở hình 3.11. Em đó đang mắc bệnh gì và do nguyên nhân nào gây nên?

Gợi ý trả lời

Tình trạng của cậu bé: Tay chân gầy gộc, ốm yếu, bụng phình to, tóc mọc lưa thưa,.. → Em đó đang bị thiếu chất đạm.

Câu 5: Em sẽ khuyên cậu bé ở hình 3.12 như thế nào để có thể gầy bớt đi?

Gợi ý trả lời

Em sẽ khuyên cậu bé đó giảm ăn đồ ăn chứa chất đường bột như kẹo, bánh,… nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả và tăng cường vận động.

Câu 6: Em hãy cho biết thức ăn nào có thể làm răng dễ bị sâu?

Gợi ý trả lời

Thức ăn chứa nhiều chất đường có thể làm răng dễ bị sâu nếu không vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi ăn.

Câu 7: Nếu hàng ngày em ăn quá nhiều chất béo, cơ thể có bình thường không? Em sẽ bị hiện tượng gì?

Gợi ý trả lời

Nếu hàng ngày em ăn quá nhiều chất béo, cơ thể em có thể thừa chất béo, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Nêu được vai trò của một số chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày: chất đạm, chất đường bột, chất béo.
  • Nêu được giá trị dinh dưỡng của các nhóm thức ăn, cách thay thế thực phẩm trong cùng nhóm để đảm bảo dinh dưỡng và ngon miệng.
Ngày:14/08/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM