Địa lí 12 Bài 24: Vấn đề phát triển ngành thủy sản và lâm nghiệp

Diện tích nước ta ¾ là đồi núi lại tiếp giáp với biển Đông rộng lớn nên nước ta có nguồn lâm sản và thủy sản phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên này đang ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, bài toán cần giải quyết bây giờ đó chính là vấn đề khai thác và phát triển ngành thủy sản và lâm sản. Để tìm hiểu về vấn đề này bạn đọc cùng tham khảo bài Vấn đề phát triển ngành thủy sản và lâm nghiệp Địa lí 12

Địa lí 12 Bài 24: Vấn đề phát triển ngành thủy sản và lâm nghiệp

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Ngành thủy sản

a. Những điều kiện thuận lợi và khó khăn để phát triển ngành thủy sản

- Điều kiện tự nhiên:

+ Thuận lợi:

  • Nước ta có bờ biển dài, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, nguồn thủy sản khá phong phú.
  • Có nhiều ngư trường rộng lớn
  • Dọc bờ biển có nhiều vũng, vịnh, đầm phá, rừng ngập mặn để nuôi trồng thùy sản nước lợ
  • Nhiều sông ngòi, kênh rạch, ao hồ để nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

+ Khó khăn:

  • Bão, gió mùa đông bắc
  • Môi trường biển, bị suy thoái, nguồn lợi thủy sản giảm.

- Điều kiện kinh tế - xã hội

+ Thuận lợi:

  • Nhân dân có kinh nghiệm trong đánh bắt và nôi trồng thủy sản
  • Phương tiện tàu thuyền, ngư cụ được trang bị tốt hơn
  • Công nghiệp chế biến và dịch vụ thủy sản ngày càng phát triển
  • Thị trường tiêu thụ rộng lớn
  • Chính sách khuyến ngư của nhà nước.

+ Khó khăn

  • Phương tiện đánh bắt còn chậm đổi mới
  • Hệ thống cảng cá còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
  • Công nghiệp chế biến còn hạn chế.

b. Sự phát triển và phân bố ngành thủy sản

- Tình hình chung:

+ Chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong  khu vực I.

+ Gía trị sản lượng ngành thủy, hải sản không ngừng tăng lên.

+ Tình hình phát triển và phân bố thủy sản khai thác và thủy sản nuôi trồng:

- Thủy sản khai thác:

+ Sản lượng thủy sản khai thác tăng

+ Tỷ trọng thủy sản khai thác giảm

+ Phân bố nhiều tỉnh thành ven biển, nhất là các tỉnh phía Nam

- Thủy sản nuôi trồng:

+ Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng

+ Tỷ trọng thủy sản nuôi trồng tăng

+ Phân bố chủ yếu ở đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

1.2. Ngành lâm nghiệp

a. Ngành lâm nghiệp ở nước ta có vai trò quan trọng về mặt kinh tế và sinh thái

- Kinh tế:

+ Cung cấp gỗ, lâm sản, dược liệu, nguyên liệu cho sản xuất và đời sống.

+ Bảo vệ các hồ thủy điện, thủy lợi…

- Sinh thái:

+ Chống xói mòn đất.

+ Bảo vệ các loài động vật, thực vật quí hiếm.

+ Điều hòa dòng chảy sông ngòi, chống lũ lụt và khô hạn.

+ Đảm bảo cân bằng sinh thái và cân bằng nước…

b. Sự phát triển và phân bố lâm nghiệp

- Về trồng rừng:

+ Cả nước có 2,5 triệu ha rừng trồng tập trung, chủ yếu là rừng làm nguyên liệu giấy, rừng gỗ trụ mỏ,…rừng phòng hộ.

+ Hằng năm, trồng khoảng 200 nghìn ha rừng tập trung.

- Về khai thác, chế biến gỗ và lâm sản:

+ Hàng năm khai thác khoảng 2,5 triệu m3 gỗ, 120 triệu cây tre luồng và 100 triệu cây nứa.

+ Các sản phẩm gỗ: gỗ tròn, gỗ xẻ, đồ gỗ…

+ Cả nước có hơn 400 nhà máy cưa xẻ gỗ và vài nghìn xưởng xẻ gỗ thủ công. Công nghiệp làm giấy phát triển mạnh.

- Phân bố: chủ yếu ở Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ

Hoạt động trồng cây gây rừng

2. Luyện tập

Câu 1: Nhờ các điều kiện thuận lợi nào mà đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng nuôi cá và nuôi tôm lớn nhất nước ta?

Gợi ý làm bài

Đồng bằng sông Cửu Long có các điều kiện thuận lợi để trở thành vùng nuôi cá và tôm lớn nhất nước ta là:

  • Có nhiều hệ thống sông chằng chịt tạo điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
  • Có nhiều cửa sông, bãi triều rộng lớn để nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn.

Câu 2: Hãy tìm các ví dụ để làm sáng tỏ ý nghĩa kinh tế và sinh thái to lớn của rừng và vai trò của ngành lâm nghiệp?

Gợi ý làm bài

- Rừng là tài nguyên vô cùng quý giá đối với con người. Rừng không chỉ cung cấp cho con người nhiều loài gỗ quý như lim, táu, sến…mà còn là nơi sinh tồn của nhiều loại động vật hoang dã và quý hiếm.

Khi nói đến rừng, người ta thường nghĩ đến một môi trường trong lành bởi rừng là màng lọc không khí trong lành, cản khói bụi, điều hòa môi trường xung quanh. Ngoài ra, rừng còn có tác dụng điều hòa lượng nước trên mặt đất lớp lá cây rơi xuống tạo thành một lớp xốp cách nhiệt che phủ đất rừng từ đó làm giảm lượng nước bốc hơi và làm tăng độ ẩm cho đất. Rừng đồng thời cũng là lớp phủ bảo vệ đất, ngăn cản quá trình xói mòn, rửa trôi của đất, nhất là ở các khu vực sườn dốc….

- Ta nhận thấy lâm nghiệpcó vai trò rất quan trọng:

+ Khai thác, chế biến gỗ và lâm sản mang lại giá trị kinh tế cao.

+ Trồng rừng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng.

Câu 3: Dựa vào bài 14, hãy nêu các con số chứng minh rừng nước ta bị suy thoái nhiều và đã được hồi phục một phần.

Gợi ý làm bài

Dựa vào bài 14 ta thấy, rừng nước ta đang bị suy thoái nhiều. Điều này được thể hiện qua các con số cụ thể.

Năm 1943, tổng diện tích có rừng là 14,3 triệu ha, độ che phủ 43%. Đến năm 1983, diện tích rùng còn 7,2 triệu ha, độ che phủ 22%.

Tuy nhiên, vào những năm sau, diện tích rừng đã có bước phục hồi trở lại. Năm 2005 , tổng diện tích rừng đã đạt mức 12,7 triệu ha với độ che phủ là 38%.

Mặc dù diện tích rừng đã tăng lên nhưng chất lượng rừng vẫn còn chưa cao, rừng chủ yếu là rừng mới trồng.

Câu 4: Hãy nêu những nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái tài nguyên rừng của nước ta.

Gợi ý làm bài

Hiện nay, tài nguyên rừng nước ta đang bị suy thoái trầm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được xác định là:

- Ở thời chiến, do chiến tranh, bom đạn đã hủy hoại rừng.

- Người dân chưa nhận thức được giá trị của rừng, do đó chưa có ý thức về trổng rừng và bảo vệ rừng một cách hợp lí.

- Khai thác, chặt phá rừng bừa bãi

- Chặt rừng để làm rẫy, làm bản.

- Khai thác khoáng sản

- Chính sách quản lý rừng chưa chặt chẽ, còn nhiều sơ hở, chưa xử lí nghiêm các hành vi phá hoại rừng…

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Vấn đề phát triển ngành thủy sản và lâm nghiệp Địa lý 12 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm các nội dung sau:

- Phân tích được điều kiện thuận lợi và khó khăn đối với phát triển ngành thủy sản.

- Hiểu được đặc điểm phát triển và phân bố ngành thủy sản.

- Biết được các vấn đề chính trong phát triển và phân bố sản xuất lâm nghiệp nước ta.

Ngày:08/08/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

AANETWORK