Nghị luận văn học lớp 7

Văn mẫu lớp 7 giúp các em học sinh nắm bắt được cách viết văn, hiểu rõ hơn về các đề bài cũng như có được phong cách làm văn sáng tạo mới mẻ nhất. Tất cả các bài văn mẫu về các vấn đề của bài văn nghị luận văn học được eLib chia sẻ giúp các em dễ dàng tìm kiếm, tham khảo và áp dụng vào bài làm văn của mình. Chúc các em học tốt!

1. Giới thiệu văn mẫu nghị luận văn học lớp 7

Chương trình Ngữ văn lớp 7 sẽ mang đến cho các em rất nhiều kiến thức mới, trong đó có dạng bài nghị luận văn học vô cùng mới mẻ với các em. Đây sẽ là giai đoạn hình thành những kĩ năng cơ bản cho các em về cách viết bài văn nghị luận văn học. Hơn nữa Ngữ Văn 7 là một môn học khó và được tổng hợp từ nhiều kiến thức khác nhau. Vì vậy mà nhiều em vô cùng lo lắng, các em thường lúng túng, không biết sẽ bắt đầu như thế nào và triển khai ra sao cho hợp lý, vừa đảm bảo đúng, đủ nội dung và thể hiện được sự sinh động và hấp dẫn trong bài viết của mình. Nắm bắt được những khó khăn đó, eLib đã tổng hợp và chia sẻ đến các em Hệ thống bài văn mẫu nghị luận văn học lớp 7 với những bài văn hay nhất, sáng tạo nhất. Tin rằng, đây sẽ là tài liệu hữu ích hỗ trợ các em học tập, ôn luyện hiệu quả. Mời các em tham khảo nội dung từng bài văn chi tiết ở Menu bên trái đối với PC và Menu ở trên đối với Mobile.

2. Những yêu cầu quan trọng về văn mẫu nghị luận văn học lớp 7

- Trong bài nghị luận văn học, hệ thống luận điểm cần rõ ràng, mạch lạc; các luận cứ đưa ra phải đúng đắn, sinh động; lập luận phải chặt chẽ, thuyết phục. Các ý trong bài văn được sắp xếp theo một trình tự hợp lí, liên kết thành một hệ thống chặt chẽ, mạch lạc. Bài văn nghị luận văn học vừa yêu cầu tính cụ thể, thuyết phục của nhũng luận cứ, vừa đòi hỏi tính khái quát của các luận điểm. Nếu sa vào liệt kê dẫn chứng cụ thể mà không rút ra được những nhận định, đánh giá khái quát thì sẽ không làm nổi bật được vấn đề cần nghị luận và không gây được ấn tượng cho người đọc. Do vây, việc kết hợp linh hoạt, tự nhiên giữa phân tích, bình giảng,… các chi tiết, hình ảnh cụ thể với nhận xét, đánh giá khái quát vừa là phương pháp tư duy, vừa là kĩ năng làm bài mà học sinh cần rèn luyện.

-  Cùng với việc giảng giải, phân tích, cần liên hệ mở rộng và vận dụng thao tác so sánh cũng như khả năng cảm thụ văn chương và vốn tri thức về nhiều lĩnh vực để khái quát, tổng hợp nên những kết luận, đánh giá nhằm khẳng định ý nghĩa của vấn đề cần nghị luận.

- Cách diễn đạt trong bài nghị luận văn học cần chuẩn xác, trong sáng, thể hiện những rung cảm chân thành, tự nhiên của người viết. Khi viết một bài văn nghị luận văn học, yêu cầu đặt ra không chỉ ở chỗ viết cái gì mà quan trọng còn là viết như thế nào, bằng thái độ, tình cảm ra sao. Cần cân nhắc từ cách dùng từ đến cách đặt câu, dựng đoạn. Ngôn từ, giọng văn phải làm sao vừa phù hợp với thể văn nghị luận, vừa diễn tả được các cung bậc cảm xúc của người viết. Cần lưu ý rằng cách thể hiện cảm xúc thông qua ngôn ngữ diễn đạt trong nghị luận văn học không giống với văn miêu tả, văn biểu cảm (với các câu cảm thán kiểu “Chao ôi!”, “Đẹp làm sao!”,…) mà phải là những rung cảm trong tâm hồn người viết, được hình thành trong quá trình người viết tiếp xúc và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm.

3. Các dạng bài nghị luận văn học lớp 7

3.1. Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là trình bày nhận xét, đánh giá của mình về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy. Khi làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần phải có thao tác phân tích và chứng minh.

a. Tìm hiểu đề:

- Đề bài yêu cầu triển khai vấn đề gì?

- Thao tác lập luận.

- Phạm vi dẫn chứng.

b. Tìm ý:

- Tìm ý bằng cách lập câu hỏi: tác phẩm hay ở chỗ nào? Nó xúc động ở tình cảm, tư tưởng gì? Cái hay thể hiện ở hình thức nghệ thuật nào? Hình thức đó được xây dựng bằng những thủ pháp nào?

- Tìm ý bằng cách đi sâu vào những hình ảnh, từ ngữ, tầng nghĩa của tác phẩm,…

c. Lập dàn ý:

- Mở bài:

+ Giới thiệu ngắn gọn về những nét chính về tác giả, tác phẩm.

+ Giới thiệu những vấn đề nghị luận và trích dẫn.

- Thân bài:

+ Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác, vị trí đoạn thơ, bài thơ,…

+ Phân tích cụ thể khổ thơ, đoạn thơ.

+ Phân tích theo bố cục của bài hoặc từng câu (bổ ngang).

+ Phân tích theo hình tượng hoặc nội dung xuyên suốt bài thơ (bổ dọc).

+ Nêu đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ: những hình ảnh giàu ý nghĩa, biểu tượng, cấu tứ, nhịp điệu.

- Kết bài: Đánh giá khái quát và khẳng định giá trị riêng, đặc sắc của bài thơ, đoạn thơ nghị luận.

3.2. Nghị luận về một truyện ngắn

a. Những yêu cầu chung:

- Với phần này, học sinh cần phân tích tác phẩm dựa trên bốn yếu tố sau đây:

+ Cốt truyện và tình huống truyện: Văn bản có những sự kiện chính nào? Nêu diễn biến của nó theo trình tự thời gian, không gian... Tình huống truyện của tác phẩm là gì? Ý nghĩa của tình huống truyện.

+ Chủ đề: Chủ đề của tác phẩm là gì? Việc lựa chọn chủ đề như vậy thể hiện tình cảm của tác giả như thế nào? Chú ý các chi tiết nghệ thuật đặc sắc mà tác giả đã sử dụng.

+ Ngôi kể: Truyện kể theo ngôi thứ mấy? Phân tích vai trò của ngôi kể trong truyện.

+ Nhân vật: Từ đặc điểm của nhân vật (hoàn cảnh xuất thân, tính cách nhân vật, vai trò của nhân vật trong tác phẩm…), khái quát thành hình tượng nghệ thuật tiêu biểu.

- Đặc biệt, học sinh nên tập trung phân tích kĩ và dành nhiều “đất diễn” cho nhân vật vì đây là “chất liệu” chính để tạo nên một văn bản truyện. Và cũng chính nhân vật với những nét tính cách tiêu biểu sẽ là nơi để tác giả gửi gắm tư tưởng, thông điệp của mình.

- Ngoài việc nắm vững kĩ năng thì khi viết bài nghị luận văn học, học sinh tuyệt đối không được viết theo kiểu gạch đầu dòng mà phải viết thành các câu văn, đoạn văn rành mạch, phân tách ý theo từng luận điểm, luận cứ và nêu dẫn chứng rõ ràng. Bên cạnh đó, nên dành ra 5 - 10 phút để lập dàn ý vắn tắt trước khi viết bài hoàn chỉnh, tránh tình trạng bị thừa ý, thiếu ý hoặc bài viết bị lạc đề.

b. Lập dàn ý:

- Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nêu ý kiến đánh giá chung nhất vể tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) được nghị luận. Hoặc: Giới thiệu nội dung nghị luận; dẫn ra tác phẩm cẩn nghị luận.

- Thân bài: Hệ thống luận điểm của bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đóạn trích) có thể được hình thành dựa trên:

+ Nội dung được tác giả đề cập tới trong tác phẩm (hoặc đoạn trích).

+ Giá trị của tác phẩm (hoặc đoạn trích) (bao gồm giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật; nếu bàn về giá trị nội dung thì tập trung vào giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo,…; nếu bàn về giá trị nghệ thuật thì tập trung vào kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ, tình huống,…).

+ Trong quá trình triển khai luận điểm, cần sử dụng một hệ thống luận cứ phong phú, xác đáng để minh hoạ nhằm tăng thêm độ tin cậy và sức thuyết phục cho những ý kiến đánh giá về tác phẩm.

- Kết bài: Nêu khái quát nhận định, đánh giá chung về tác phẩm truyện (đoạn trích).

3.3. Nghị luận về một bài ca dao, dân ca

- Luận điểm 1: Giải thích:

+ Nêu được nghĩa đen của bài ca dao, dân ca: đó là nghĩa thực.

+ Nêu được nghĩa bóng của bài ca dao, dân ca: nghĩa tượng trưng, liên tưởng.

+ Nêu được ý nghĩa của cả bài ca dao, dân ca.

- Luận điểm 2: Chứng minh: Trong phần này các em cần nêu dẫn chứng để chứng minh.

- Luận điểm 3: Mở rộng vấn đề: Nêu được những mặt trái của vấn đề.

- Luận điểm 4: Rút ra bài học cho bản thân từ bài ca dao, dân ca đã phân tích.

4.  Cách để đạt điểm cao trong bài nghị luận văn học lớp 7

4.1. Đọc nhiều để trau dồi vốn từ ngữ phong phú

Với trên 10 năm kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Phi Hùng cho rằng một trong những vấn đề mấu chốt giúp học sinh viết văn hay cũng như có khả năng cảm thụ tốt đó là nhờ vào vốn từ ngữ phong phú. Bên cạnh đó học sinh phải có vốn hiểu biết rộng, nghĩa là phải biết quan sát đời sống xung quanh, các hiện tượng thực tế và từ đó suy ngẫm về chúng để tích lũy vốn sống cho mình. Thầy Hùng chia sẻ: “Văn học là nghệ thuật của ngôn từ, văn chương được cấu tạo từ chất liệu là từ ngữ, các câu văn và các đoạn văn. Do đó để viết văn hay thì chúng ta cần phải có sự tích lũy vốn từ ngữ sao cho thật phong phú và giàu có. Để tích lũy vốn từ ngữ một cách bài bản, đầy đủ và có hệ thống thì thầy khuyên các con phải đọc thường xuyên. Đọc để biết cách dùng từ, các cấu trúc câu hay cách diễn đạt ấn tượng, vì thế khi đọc chúng ta phải có ý thức tìm hiểu và gom góp vốn từ thì những từ ngữ đó mới lưu lại trong đầu của mình.” Vì vậy trong quá trình đọc học sinh cần lựa chọn nên đọc cái gì, với học sinh thì nên ưu tiên đọc sách về tác phẩm văn học để tiếp thu kiến thức, vốn từ cũng như gia tăng khả năng cảm thụ tác phẩm văn học. Ngoài ra để mở rộng phạm vi vốn từ ngữ thì học sinh nên đọc thêm báo, tạp chí và sách tham khảo liên quan đến văn học; thường xuyên xem thời sự để cập nhật các vấn đề mới của xã hội.

4.2. Xác định đúng yêu cầu của đề

Một bài văn nghị luận văn học được đánh giá là hay thì trước hết phải viết đúng chủ đề và phải bám sát vào tác phẩm văn học mà đề yêu cầu, các luận điểm phải nêu bật được chủ đề chính của bài văn. Một vấn đề đặc biệt quan trọng mà các em phải lưu ý trong quá trình học và viết văn là phải làm sao để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nghĩa là phải dùng từ sao cho chuẩn, có nghĩa và dễ hiểu.  Ngoài ra trong quá trình viết văn đảm bảo bài văn đúng chủ đề, đầy đủ ý, các câu văn và đoạn văn mạch lạc, có sự liên kết với nhau, muốn bài văn thu hút được người đọc người nghe thì cần phải có khâu lập dàn ý. Việc lập dàn ý có thể làm phác thảo nhanh trên giấy, còn với những học sinh có kỹ năng và năng khiếu viết văn tốt thì có thể lập dàn ý trước ở trong đầu. Tránh trường hợp đặt bút viết bừa theo cảm hứng sẽ khiến bài văn bị lan man, dễ lạc đề.

4.3. Luyện viết nhiều

Để viết văn tốt, tiến bộ nhanh thì học sinh phải thường xuyên luyện tập, viết nhiều, đọc nhiều sẽ giúp tăng vốn từ cũng như khả năng diễn đạt, kết hợp các phương pháp làm văn thuần thục hơn. Đặc biệt, trong quá trình viết, các em cũng thấy được những hạn chế của bản thân để khắc phục, triển khai bài tốt hơn trong các bài viết sau.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM