Phân tích tác phẩm Sau phút chia li của Đặng Trần Côn

Bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được nỗi cô đơn của người chinh phụ khi có chồng đi chiến trận. Đồng thời, bài văn mẫu này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ ngữ phong phú cho mình. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích tác phẩm Sau phút chia li của Đặng Trần Côn

1. Dàn ý phân tích đoạn trích Sau phút chia li

a. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm và các bản diễn Nôm.

- Giới thiệu khái quát về tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc và đoạn trích Sau phút chia li (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…).

b. Thân bài:

- Bốn câu thơ đầu:

+ Chàng, thiếp: cách xưng hô thân mật, gần gũi, thể hiện cuộc sống vợ chồng yên ấm, hạnh phúc.

+ Sử dụng hình ảnh đối lập:

  • Chàng đi – thiếp về.
  • Cõi xa mưa gió – buồng cũ chiếu chăn.

=> Chàng thì ra nơi chiến trận hiểm nguy, thiếp trở về với tổ ấm hạnh phúc cô đơn, từ đó, nhấn mạnh sự xa cách khắc nghiệt và hiện thực chia li phũ phàng

+ Hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng cho sự xa cách: mây biếc, núi xanh kết hợp với các động từ “tuôn”, “trải” làm cho nỗi buồn chia li trở nên da diết, dài rộng đến không cùng.

=> Bốn câu thơ đầu vẽ nên không gian rộng lớn, vô cùng, vô tận gộ nỗi buồn chia li, nỗi xót xa cô đơn khi hạnh phúc bị chia cắt

- Bốn câu tiếp theo:

+ Địa danh: Hàm Dương, Tiêu Tương – tượng trưng cho vị trí xa cách của hai vợ chồng.

+ Nghệ thuật:

  • Đối lập: chàng ngảnh lại – thiếp trông sang.
  • Điệp từ: Hàm Dương, Tiêu Tương.
  • Đảo vị trí của hai địa danh

-> Nhấn mạnh nỗi sầu xa cách.

=> Trong bốn câu thơ này, nỗi buồn được tô đậm thêm, nỗi buồn chia li trở thành nỗi sầu muộn.

- Bốn câu thơ còn lại:

+ Nghệ thuật đối lập.

+ Điệp từ: cùng, thấy, ngàn dâu, ai.

+ Tính từ chỉ mức độ: xanh xanh, xanh ngắt.

+ Sử dụng động từ chỉ trạng thái “sầu” và câu hỏi tu từ.

=> Nỗi buồn biệt lí đã trở thành một nỗi sầu thương nặng trĩu trong tâm hồn người chinh phụ.

c. Kết bài:

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích:

+ Giá trị nội dung: nỗi sầu muộn của người chinh phụ và sự lên án, tố cáo chiến tranh phi nghĩa.

+ Giá trị nghệ thuật: ngôn từ điêu luyện, nghệ thuật đối lập, sử dụng điệp ngữ…

- Đưa ra nhận xét của chính em về tác phẩm "Sau phút chia li".

2. Cảm nhận bài thơ Sau phút chia li của Đặng Trần Côn

"Sau phút chia ly" trích Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn là khúc ngâm cứa sâu vào lòng người đọc nhiều nỗi niềm xót xa. Có người cho rằng đoạn trích này là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nhưng có người lại nói của Phan Huy Ích. Tuy nhiên của nhà thơ nào thì nó vẫn là những áng thơ phản ánh chân thực, sâu sắc nhất tình cảnh lẻ loi, đơn độc của người phụ nữ khi có chồng ra trận. Đoạn trích này thực sự đã lột tả được tình cảnh thê lương của những cặp vợ chồng trẻ trong năm tháng chiến tranh ác liệt.

Thời kì phong kiến, có nhiều cuộc chiến tranh phi nghĩa diễn ra đã lôi kéo rất nhiều người vào vòng xoáy này. Cuộc sống cơ cực, nỗi chia ly, tan tác cứ triền miên không có lối thoát. Khúc ngâm này chính là tiếng khóc ai oán của người chinh phụ khi có chồng ra trận mà không hẹn ngày về. Với những đặc trưng của thể ngâm cũng như của thơ Nôm, tác giả đã lột tả được diễn biến tâm lí một cách sâu sắc nhất.

Hai câu đầu đoạn trích như một lời kể của nhân vật về việc tiễn chồng ra chiến trận:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

“Chàng” và “thiếp” rõ ràng là đôi phu thê mặn nồng tình ái nhưng không thể như lẽ thường tình, được bên nhau vui vầy mà mỗi người một nơi. Người chinh phu thì cất bước ra đi đến nơi biên ải xa xôi, ở nơi đó không biết có bao “mưa gió mịt mùng” mà chẳng ai biết sẽ đợi chờ. Còn người chinh phụ thì về nơi xưa chốn cũ, căn buồng của đôi trẻ chờ ngày tái ngộ. Hai từ đối lập “đi”- “về” trong hai câu tạo nên sự ngăn cách, đôi người đôi ngả cho đôi lứa yêu nhau. Mới ở đó mà ta đã thấy thoáng vị chia phôi.

Người chinh phụ giống như phần nào nhận ra sự cách trở giữa đôi bên khi mà:

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh

Sự ngăn trở giữa đôi phu thê đâu phải là một bức tường hay một thôn, một xóm mà xa tận chân trời, xa không đong đếm được, chỉ có thể ước lượng bằng sư hùng vĩ rộng lớn của thiên nhiên bao la. Khi trông theo hướng người chinh phu cất bước, người chinh phụ chỉ có thể thấy mây tuôn, thấy núi trải và hình ảnh mây, núi là sự liên tưởng cho cái xa nghìn trùng, một sự cách trở khó lòng đong đếm.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảng lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng

Những địa danh Hàm Dương, Tiêu Tương không phải dùng để tả thực mà chỉ mang ý nghĩa tượng trưng cho hai vị trí xa cách của đôi vợ chồng. Ở khổ thơ thứ hai này, cũng vẫn bằng cách nói tương phản "Chàng còn ngảnh lại... Thiếp hãy trông sang" phối hợp cách điệp từ và đảo vị trí của hai địa danh "Chốn Hàm Dương - Bến Tiêu Tương, Bên Tiêu Tương - Cây Hàm Dương", tác giả muốn chia đều cảm xúc của hai người, nhấn mạnh nỗi sầu xa cách. Tinh cảm buồn thương, nhung nhớ cứ tăng dần, tăng dần. Điều đó cho thấy sự chia li ở đây là chia li về cuộc sống và thể xác, còn trong tình cảm, tâm hồn hai vợ chồng ấy vẫn gắn bó thiết tha. Họ vẫn hướng về nhau, dõi theo, để tìm nhau, nhìn thấy nhau. Nhưng càng hướng vé nhau thì không gian, thời gian càng đẩy họ xa nhau. Ở đoạn trên chỉ là "cách ngăn" đến đây sự cách ngăn thành "cách mấy trùng". Do dó, lời thơ không chí biểu hiện nỗi sầu chia li mà còn nhấn mạnh sự oái oăm, nghịch chướng: gắn bó mà phải chia xa, càng dõi nhìn nhau, càng không thấy nhau...

Cùng trông lại mà cũng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Vì khoảng cách địa lí đã quá xa để họ có thể tìm thấy nhau, cho dù họ có cùng trông lại, cố tìm kiếm bóng dáng người thương thì cũng chỉ có thể thở dài trong tuyệt vọng bởi chẳng thể thấy nhau. Những gì họ có thể trông thấy trong tầm mắt đó là một màu xanh xanh giăng lấy tầm nhìn của ngàn dâu, một thứ màu xanh đồng sắc độ, vô vị nhưng bao trùm cả một không gian rộng lớn, hạn chế tầm nhìn và khóa kín hi vọng về khoảng cách.

Có lẽ những điểm chung nhất của nỗi khổ con người mọi thời đại khi có cảnh đao binh đó là chia li. Sự chia li là nguồn cơn của bao nhiêu những nỗi bất hạnh của những kiếp người mà ở đây cụ thể là đối với tình yêu đôi lứa. Đặng Trần Côn đã tinh tế nhìn ra nỗi mất mát lớn lao này và cất lên tiếng nói cảm thông với số phận khổ đau trong cảnh chia li tan tác.

3. Phân tích tác phẩm Sau phút chia li

“Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn là một tác phẩm văn vần vô cùng có ý nghĩa, phản ánh nỗi mất mát, đau khổ của người chinh phụ có chồng ra chiến trận trong bối cảnh rối ren của thời đại nói riêng và nỗi đau thương mất mát của con người thời chiến nói chung. Đoạn trích “Sau phút chia li” trích trong khúc ngâm diễn tả nỗi nhớ da diết của người chinh phụ sau khi tiễn chồng ra lên đường ra “nơi binh đao loạn lạc”. Đọc đoạn trích, ta xót xa biết bao trước những ám ảnh cảm xúc mà con người phải gánh chịu bởi chiến tranh.

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh

Sử dụng nghệ thuật đối lập: chàng đi – thiếp về, hai con người chia li về hai ngả, câu thơ vang lên đầy đau đớn, chua xót. “Cõi xa mưa gió” phải chăng chính là hiện thực chiến tranh khốc liệt với biết bao hiểm nguy, không hẹn ngày về; “Buồng cũ chiếu chăn” lại gợi không gian cô đơn, lẻ bóng đến tận cùng. Tình cảnh đối lập như cứa, như xát vào lòng người chinh phụ. Chỉ một phút chia li mà ngoảnh lại tưởng chừng đã cách xa vạn dặm, cách nói “tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh” cho thấy sự cách trở không chỉ còn hiện lên trong suy nghĩ, tâm tưởng mà là sự xa cách thực, khoảng cách về không gian, địa lý.

Nỗi nhớ thương đau đáu được diễn tả ở cấp bậc cao hơn ở những câu thơ tiếp theo:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng

Nghệ thuật đối lập tiếp tục được tác giả sử dụng triệt để: Chốn hàm dương >< bến tiêu tương, chàng còn ngoảnh lại >< thiếp hãy trông sang. Cùng với biện pháp đảo trật tự cú pháp thì biện pháp tương phản càng gợi nên sự chia li, cách trở đến não nề. Hơn nữa, việc mượn các địa danh phần nào nhắc đến cuộc chiến tranh phi nghĩa đã gây ra bao li tán, loạn lạc. Sự xa xôi cách trở về mặt địa lý đã khiến cho nỗi nhớ cứ chồng chất muôn trùng... hạnh phúc trở nên mong manh và xa xôi quá. Ở khổ thơ này, tác giả đã gián tiếp lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa đã gây ra bao ai oán, bao tiếng khóc, bao đau xót đáng nhẽ không xảy ra.

Đặc biệt ở khổ thơ cuối thì nỗi đau càng trở nên quặn thắt và não nề hơn:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chằng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Nhịp thơ biến đổi linh hoạt như lòng rối như tơ vò của người chinh phụ vò võ một mình nơi buồng chiếu cô đơn, gối chiếc. Người chông đã đi xa cách biệt, ngoảnh lại trông theo sao chẳng thấy. Màu xanh của ngàn dâu đã che mờ đi hình dáng của người chinh phu ấy. Nghe sao thê lương, nghe sao nhói lòng đến thế. Người ở cứ dùng dằng, cứ nhớ mong đằng đẵng triền miên đến như vậy.

Đoạn trích Sau phút chia li đã cho thấy nỗi sầu chia li, nỗi đau đớn, xót xa lúc tiễn chồng ra trận. Qua những dòng tâm sự thấm đẫm nước mắt của người chinh phụ còn gián tiếp lên án chiến tranh phi nghĩa đã khiến đôi lứa phải chia lìa, đồng thời thể hiện kín đáo khát vọng hạnh phúc lứa đôi. Tác phẩm thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.

  • Tham khảo thêm

Ngày:13/11/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM