Phân tích tác phẩm Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư)
Bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về nhà thơ Trần Quang Khải. Đồng thời, bài văn mẫu này còn giúp các em cảm nhận được khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta trong thời đại nhà Trần. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Dàn ý phân tích tác phẩm Phò giá về kinh
a. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Trần Quang Khải (những nét chính về cuộc đời, đặc điểm sáng tác,…).
- Giới thiệu về bài thơ “Phò giá về kinh” (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…).
b. Thân bài:
- Hai câu thơ đầu: Hào khí chiến thắng của dân tộc:
+ Hai câu đầu nói về chiến thắng quan trọng của quân và dân ta, trong đó có sự góp sức của tác giả, mang tính thời sự nóng hổi.
+ Dùng phép liệt kê và phép đối để làm nổi bật hai chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử.
- Các động từ mạnh “đoạt”, “cầm” với nhịp điệu ngắn, nhanh diễn tả diễn tả sức mạnh hào hùng và không khí chiến thắng của dân ta.
=> Hai câu thơ đầu ca ngợi chiến thắng hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến đấu chống quân Mông – Nguyên xâm lược, qua đó thể hiện lòng tự hào dân tộc.
- Hai câu còn lại: Khát vọng muôn đời thái bình, thịnh trị:
+ Lời động viên, xây dựng và phát triển đất nước trong cảnh thái bình: “thái bình tu trí lực”.
+ Khẳng định sự bền vững, thịnh trị của đất nước: “vạn cổ thử giang san”.
+ Đó không chỉ là khát vọng của một người mà là mong ước, khát khao của toàn dân tộc.
c. Kết bài:
- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ:
+ Nội dung: Bài thơ thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình, thịnh trị của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần
+ Nghệ thuật: thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, hình thức diễn đạt cô đúc, dồn nén cảm xúc vào bên trong,…
- Cảm nhận chung về bài thơ: Bài thơ chính tới cảm hứng hào sảng, tự hào, kiêu hãnh trước những chiến công lẫy lừng, vang dội trước kẻ thù. Niềm tin, khát vọng dân tộc thái bình, thịnh trị. Bài thơ là khúc khải hoàn ca hùng tráng, cao đẹp của dân tộc.
2. Phân tích bài thơ Phò giá về kinh
Trần Quang Khải (1241 - 1294) là con thứ ba của vua Trần Thánh Tông. Ông được phong chức thượng tướng vì có công rất lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông (1284 - 1287) và là một trong những anh hùng đã đem tài thao lược làm nên chiến công Chương Dương, Hàm Tử lừng lẫy muôn đời. Trần Quang Khải không chỉ là một võ tướng kiệt xuất mà còn là một thi sĩ tài hoa.
Bài thơ Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư) được sáng tác trong hoàn cảnh thượng tướng cùng đoàn tùy tùng đi đón hai vua Trần (vua cha Trần Thánh Tông và vua con Trần Nhân Tông) về Thăng Long sau khi kinh đô được giải phóng. Hình thức bài thơ tuy ngắn gọn, cô đúc nhưng đã thể hiện được hào khí chiến thắng và khát vọng lớn lao của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần. Tác giả đã ghi lại hai chiến công vang dội của quân và dân Đại Việt vào xuân - hè năm Ất Dậu 1285.
Sau chiến thắng Chương Dương và Hàm Tử, kinh đô Thăng Long được giải phóng, Trần Quang Khải đích thân đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông hồi kinh, bài thơ “phò giá về kinh” được viết trong hoàn cảnh ấy. Trong không khí chiến thắng hào hùng ấy, bài thơ cất lên như một bản anh hùng ca của đất nước. Hai câu thơ đầu, tác giả gợi lại hai trận chiến oanh liệt hào hùng của dân tộc ta với âm vang tự hào:
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan”
Chương Dương và Hàm Tử là hai địa danh nổi tiếng gắn với hai trận đánh lịch sử của dân tộc được tác giả trực tiếp nhắc tới trong câu thơ. Đối với quân dân nhà Trần, chỉ cần nhắc tới hai chiến công vang dội có tính chất quyết định thành bại ấy cũng đủ để cất lên âm điệu tự hào, ngợi ca. Tác giả không miêu tả diễn biến trận chiến, cũng không diễn tả cảnh binh đao trận lửa mà chỉ kể lại bằng cách liệt kê nhưng như thế cũng đủ để ta hình dung được không khí trận mạc cùng tính chất gay go, căng thẳng của cuộc chiến.
"Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san"
Sau khi đánh đuổi quân giặc, nhân dân được tự do, yên ấm. Song, để có được hoà bình ấy phải đánh đổi bao máu và nước mắt, bao người phải hy sinh thân mình nơi chiến trận, bởi vậy mà cần phải ý thức được công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước. Không nên ngủ quên trên chiến thắng, hãy gắng sức mình, rèn luyện quân đội, xây dựng lực lượng vững mạnh, trí và lực cùng nhau cộng tác để gây dựng cơ đồ, đất nước mới được thái bình, thịnh trị: "Non nước ấy ngàn thu".
Đó là trách nhiệm của mỗi người và cũng là lời gửi gắm của vị tướng sĩ tới muôn dân, muôn người lúc bấy giờ và cả những thế hệ sau. Đất nước muôn ngàn năm tồn tại vững bền phải là sự hợp lực, quyết tâm cao độ, gắng sức kiên trì. Hai câu thơ cuối thể hiện trí tuệ anh minh và tầm nhìn chiến lược của người anh hùng yêu nước. Yêu nước không chỉ có đấu tranh, yêu nước còn cần phải xây dựng phát triển nước nhà ngày một giàu mạnh hơn để nhân dân ngàn năm mãi được sống trong hoà bình, tự do. Vận mệnh đất nước luôn nằm trong tay ta, do ta quyết định, được hay mất, tồn tại hay không tồn tại đều từ sự nỗ lực, ý thức của nhân dân.
Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn gọn Trần Quang Khải đã thể hiện được khí thế hào hùng và bày tỏ được khát vọng xây dựng đất nước, giữ gìn hòa bình. Bài thơ cũng là một lời nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
3. Cảm nhận tác phẩm Phò giá về kinh của Trần Quang Khải
Phò giá về kinh là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Trần Quang Khải, đứng trong hàng ngũ những bài thơ yêu nước xuất sắc nhất của văn học Việt Nam. Bài thơ vừa thể hiện âm hưởng chiến thắng hào hùng vừa cho thấy tầm nhìn xa trông rộng về đường hướng phát triển đất nước của tác giả.
Bài thơ làm ngay sau khi quân ta giành chiến thắng, lúc đó Trần Quang Khải đi đón và hộ giá Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông trở về kinh thành Thăng Long. Bởi vậy bài thơ ra đời trong âm vang chiến thắng hào hùng của chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử do đích thân Trần Quang Khải chỉ huy chiến đấu.
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan”
Hai câu đầu tác giả đã tái hiện lại những chiến công hào hùng của quân đội nhà Trần. Bằng nghệ thuật đảo ngữ, hai nơi diễn ra trận đánh được nhấn mạnh thể hiện rõ niềm tự hào lớn lao của tác giả. Những động từ mạnh kết hợp với danh từ như "cướp giáo", "bắt quân thù" cho thấy sự chủ động và sức mạnh của quân ta trên mọi trận chiến. Trận Chương Dương tuy diễn ra sau nhưng được liệt kê trước như một sự sắp đặt có ý đồ của tác giả. Đang sống trong niềm hứng khởi của chiến nhưng vẫn không quên những ngày hào hùng, sung sướng trong thắng lợi năm xưa. Hào khí chiến đấu mạnh mẽ tiêu biểu cho hào khí của một thời đại- hào khí Đông A. Lời thơ hùng hồn, tự hào, ta như hình dung được trước mắt mình khung cảnh chiến đấu nơi trận chiến oanh liệt ấy.
Hai trận đánh này đã lật ngược tình thế đưa nước ta từ thế bị động sang thế chủ động , giáng một đòn mạnh đến quân giặc khiến chúng phải khiếp sợ. Chương Dương và Hàm Tử Quan chính dấu ấn quan trọng thể hiện thắng lợi của dân tộc ta. Phải là người yêu quê hương, đất nước da diết thì Trần Quang Khải mới viết được những vần thơ hào hùng đến thế . Không ngủ quên trong chiến thắng ông đã nghĩ ngay đến việc xây dựng và phát triển đất nước trong hòa bình:
"Thái bình tu nỗ lực
Vạn cổ thử giang san"
Ông nhấn mạnh trong thời bình mọi người cần phải dốc sức xây dựng non sông đất nước, nước mạnh dân giàu mới khiến bọn giặc không bén mảng tới cũng như giữ gìn được độc lập lâu dài. Không những là một vị tướng tài ba, Trần Quang Khải còn là một vị quan có tài trong việc quản lý sắp xếp mọi việc. Ông luôn đặt vấn đề lo cho nước cho dân lên hàng đầu. Những câu thơ dường như rất giản đơn ngắn gọn nhưng ý tưởng bên trong thật to lớn. Khi Tổ quốc gặp nạn chúng ta cần đồng lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm, còn khi hòa bình chúng ta từ các quan đại thần đến nhân dân cần dốc sức một lòng xây dựng đất nước ngày càng lớn mạnh. Qua đây ta thấy được tầm nhìn xa trông rộng của ông. Đến tận bây giờ bài học được rút ra từ bài thơ vẫn được áp dụng đến tận nay: phải chăm lo xây dựng đất nước thì mới giữ gìn hòa bình cuộc sống nhân dân mới ấm no hạnh phúc đừng ngủ quên trong chiến thắng.
Đây là lời tự nhủ của vị thượng tướng, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ với quân dân: chúng ta không được phép ngủ quên trên chiến thắng. Điều đó thể hiện trí tuệ, biết lường trước được mọi việc, tầm nhìn xa trông rộng của một vị lãnh đạo tài ba biết lo cho dân cho nước. Để cho non nước được nghìn thu, hòa bình bền vững, thì khát vọng hòa bình không chỉ là khát vọng của riêng của người lãnh đạo mà còn là khát vọng chung của cả dân tộc.
Bằng cách nói chân thành, với câu chữ giản dị, mộc mạc, “Phò giá về kinh” đã thể hiện hào khí chiến thắng vang dội và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta trong thời đại nhà Trần.
Tham khảo thêm