Phân tích ca dao, dân ca Những câu hát than thân

Bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được những câu hát than thân của những người nông dân nghèo, những người phụ nữ thấp cổ bé họng trong xã hội phong kiến. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích ca dao, dân ca Những câu hát than thân

1. Dàn ý phân tích những câu hát than thân

a. Mở bài:

- Giới thiệu về thể loại ca dao, dân ca (khái niệm, đặc trưng về nội dung và nghệ thuật…).

- Giới thiệu về “Những câu hát than thân” (khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật).

- Dẫn dắt vào vấn đề cần phân tích: Vẻ đẹp của người lao động qua các bài ca dao than thân và yêu thương tình nghĩa đã học trong chương trình.

b. Thân bài:

- Bài 1:

+ Hình ảnh cuộc đời con cò lam lũ, vất vả:

  • Từ láy giàu sức gợi hình, gợi cảm: “lận đận”.
  • Thành ngữ gợi sự vất vả, lam lũ: “lên thác xuống ghềnh”.
  • Hình ảnh đối lập: nước non – một mình, lên thác – xuống ghềnh, thân cò – thác ghềnh, bể kia đầy – sông kia cạn.

=> Hình ảnh con cò vất vả long đong. Đồng thời, mượn hình ảnh con cò, tác giả muốn nói lên cuộc đời long đong, cơ cực của con người trong xã hội phong kiến.

+ Câu hỏi tu từ Cho ao kia cạn, cho gầy cò con? cùng đại từ phiếm chỉ “ai” diễn đạt nỗi oan trái mà cò gặp phải và sự gieo neo, khó nhọc, cay đắng của người lao động xưa. Đồng thời, thể hiện thái độ bất bình với kẻ làm cho cuộc sống của người nông dân trở nên cơ cực, vất vả, lênh đênh.

=> Bài ca dao là lời than thân, trách phận của người nông dân trong xã hội cũ với cuộc sống long đong, lênh đênh, vất vả. Đồng thời, qua đó, tố cáo xã hội phong kiến bất công, là nỗi bất bình phản kháng của kẻ bị áp bức.

- Bài 2:

+ Điệp từ “thương thay”:

  • Tô đậm thêm nỗi thương cảm, xót xa cho cuộc đời, số phận nhiều cay đắng, buồn tủi của người nông dân.
  • Kết nối và mở ra những nỗi thương cảm khác.

+ Hình ảnh ẩn dụ:

  • Con tằm: thương cho thân phận suốt đời bị kẻ khác bòn rút sức lao động.
  • Lũ kiến: thương cho những thân phận nhỏ nhoi, suốt ngày vất vả, lam lũ ngược xuôi nhưng vẫn nghèo túng.
  • Hạc: cuộc đời phiêu bạt lận đận và những cố gắng không có hi vọng của người lao động.
  • Con cuốc: thương thân phận thấp cổ bé họng, nỗi khổ đau không đòi được lẽ công bằng của người lao động.

=> Bài ca dao là lời than thân, trách phận của người nông dân về cuộc sống vất vả, nghèo khổ.

- Bài 3:

+ Mở đầu bằng cụm từ “thân em” vốn quen thuộc trong ca dao, dân ca khi nói về thân phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa.

+ Hình ảnh so sánh đặc biệt – trái bần, gợi nhiều suy nghĩ:

  • Trái bần là tên của một loại quả đồng âm với từ “bần” để chỉ sự nghèo khó. Hình ảnh trái bần trôi nổi còn bị gió dập, sóng dồi. Câu ca dao là lời than của người phụ nữ trong xã hội cũ về cuộc đời lênh đênh, chìm nổi, chịu bao nhiêu sóng gió của cuộc đời và không thể tự quyết định số phận của mình.
  • Gợi nên cuộc sống lênh đênh, chìm nổi, vô định, không biết trôi dạt về đâu của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

=> Bài ca dao diễn tả xúc động, chân thực cuộc đời cay đắng, lênh đênh, chòm nổi của người phụ nữu trong xã hội phong kiến. Họ không có quyền quyết định cuộc đời mình mà bị lệ thuộc vào người khác.

c. Kết bài: Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của “Những câu hát than thân”:

+ Nội dung: than thân, đồng cảm với cuộc đời nghèo khổ, cay đắng của người lao động, những câu hát này còn có ý nghĩa phản kháng, tố cáo xã hội phong kiến.

+ Nghệ thuật: thể thơ lục bát, hình ảnh so sánh, ẩn dụ…

2. Phân tích những câu hát than thân

Ca dao, dân ca là tấm gương phản ánh đời sống tâm hồn phong phú của nhân dân lao động. Nó không chỉ thể hiện tình cảm gắn bó thiết tha đối với quê hương, đất nước... mà còn là tiếng thở than về số phận bất hạnh và những cảnh ngộ khổ cực, đắng cay. Những câu hát than thân ngoài ý nghĩa than thân trách phận còn có ý nghĩa phản kháng, tố cáo sự thối nát, bất công của xã hội phong kiến đương thời. Điều đó được thể hiện chân thực và sinh động qua hệ thống hình ảnh, ngôn ngữ đa dạng, phong phú.

Dưới chế độ phong kiến, nhân dân ta bị áp bức rất nặng nề. Người nông dân nói chung và người phụ nữ nói riêng tuy lao động cực nhọc mà vẫn cơ hàn đói rách. Có bao cảnh đời, bao bi kịch thương tâm, ca dao dân ca cũng có biết bao khúc hát ai oán thương tâm xúc động. Có thể than chính cho số phận hoặc than vàn cho số phận đồng loại.

Nước non lận đận một mình

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay

Ai làm cho bể kia đầy

Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?

Bài ca dao là tiếng than thân tràn lệ. Thân cò và cò con trong bài ca dao này là ẩn dụ nói về người phụ nữ nông dân và con cái của họ. Hai thế hệ, hai kiếp người đau khổ. Người đàn bà nhà quê sống lẻ loi một mình quanh năm côi cút làm ăn toan lo nghèo khó, vất vả giữa cuộc đời. Suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà vẫn cơm không đủ ăn áo không đủ mặc.

Vẫn theo mạch liên tưởng giống như ở bài ca dao thứ nhất, bài ca dao thứ hai là một ẩn dụ so sánh giữa thân phận của người nông dân với những loài vật bé nhỏ, tầm thường như con tằm, con kiến:

Thương thay thân phận con tằm,

Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.

Thương thay lũ kiến li ti,

Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi.

Thương thay hạc lánh đường mây,

Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi.

Thương thay con cuốc giữa trời,

Dầu kêu ra máu có người nào nghe.

Đây là câu hát nói về những số phận vất vả, bất hạnh. Điệp từ Thương thay được lặp lại bốn lần, biểu hiện sự thương cảm, xót xa vô hạn. Thương thay là thương cho thân phận mình và thân phận của những người cùng cảnh ngộ.

Bốn câu ca dao là bốn nỗi xót thương. Sự lặp đi lặp lại ấy tô đậm mối cảm thông và xót xa cho những cuộc đời cay đắng nhiều bề của người dân nghèo trong xã hội cũ. Sự lặp lại còn có ý nghĩa kết nối, mở ra những niềm thương xót khác nhau và mỗi lần lặp lại, tình ý của bài ca lại được phát triển và nâng cao thêm.

Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu

Bài ca dao, là nỗi lòng của người phụ nữ trong trong chế độ nghiệt ngã xưa. Chính cụm từ “thân em” đã nói lên những ai oán của người phụ nữ, khi họ biết số phận của mình luôn phải chịu nhiều cay đắng, nghiệt ngã hẩm hiu.

Nghệ thuật so sánh ví von thân phận của người con gái với trái bần trôi. Một trái nhỏ quả chín thơm và ngọt nhưng trước những sóng gió nghiệt ngã của cuộc đời, quả ngọt đó không thể nào được giữ gìn nguyên vẹn, mà vị vùi dập tan nát tơi bời. Trái bần trôi đó, nhỏ bé, cô đơn rơi trên dòng sông cuộc đời chưa biết đi đâu về đâu, chưa biết sẽ bị xô dạt tới phương trời nào.

Người phụ nữ không bao giờ có quyền quyết định số phận của mình họ chỉ như trái bần trôi, như những viên bánh trôi nước mà thôi, lênh đênh phiêu dạt khắp cuộc đời, không biết chốn nào là nơi hạnh phúc.

Ngày nay, cuộc sống buồn đau, cơ cực đã lùi vào dĩ vãng. Tuy vậy, mỗi khi đọc những bài ca dao trên, chúng ta lại càng hiểu, càng thương hơn ông bà, cha mẹ đã phải chịu kiếp đói nghèo trong rơm rạ của một dĩ vãng đen tối đã lùi xa.

3. Cảm nhận về những câu hát than thân

Ca dao chính là phương tiện để con người bộc lộ những suy tư, tình cảm sâu kín nhất trong tâm hồn. Đó không chỉ là tình cảm lãng mạn của tình yêu đôi lứa, sự sâu sắc, nhân văn trong ca dao về tình cảm gia đình mà còn là những nỗi niềm chua xót, đắng cay của con người. Nỗi niềm ấy, sự xót xa ấy được thể hiện sâu sắc qua chùm những bài ca dao viết về đề tài than thân, yêu thương chung thủy của người bình dân trong xã hội xưa.

Nước non lận đận một mình,

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.

Ai làm cho bể kia đầy,

Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?

Nghệ thuật tương phản tài tình trong câu ca dao trên đã làm nổi bật hình ảnh đáng thương của con cò. Giữa trời nước mênh mông, cò lủi thủi, đơn côi, lầm lũi kiếm ăn. Thân cò vốn đã bé nhỏ lại càng thêm bé nhỏ. Đã vậy mà cò vẫn phải lên thác, xuống ghềnh, đương đầu với bao lỗi éo le, ngang trái. Câu ca dao như một tiếng thở dài não nề, như một lời trách móc, oán than trước nghịch cảnh của cuộc đời.

Cò đã cam chịu số kiếp hẩm hiu, thế nhưng nó vẫn không được sống yên ổn trong cảnh bần hàn mà vẫn bị một ai đó, một thế lực nào đó đẩy vào bể đầy, ao cạn trớ trêu. Phải chăng đó chính là giai cấp thống trị trong xã hội cũ luôn muốn dồn người bị trị vào bước đường cùng?

Thương thay thân phận con tằm,

Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.

Thương thay lũ kiến li ti,

Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi.

Thương thay hạc lánh đường mây,

Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi.

Thương thay con cuốc giữa trời,

Dầu kêu ra máu có người nào nghe.

"Thương thay thân phận con tằm/ Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ" là thương cho những người lao động nghèo khổ suốt đời bị kẻ khác bòn rút sức lực, công lao. "Thương thay lũ kiến li ti/ Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi" là thương cho nỗi khổ chung của những thân phận nhỏ nhoi, suốt đời xuôi ngược vất vả làm lụng mà vẫn cơ cực, nghèo khổ. "Thương thay hạc lánh đường mây/ Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi" là thương cho những cuộc đời phiêu bạt, lận đận để kiếm sống qua ngày. "Thương thay con cuốc giữa trời/ Dầu kêu ra máu có người nào nghe" là thương cho những thân phận thấp cổ bé họng, suốt đời ôm khổ đau oan trái, không được ánh sáng công lí soi tỏ.

Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu

Có điều gì đó thật xót xa, buồn thảm trong hình ảnh so sánh: Thân em như trái bần trôi Trái bần trôi theo dòng sông vô định, còn người phụ nữ nghèo thì cũng nổi trôi trong dòng  đời vô định. Hiện thực nghiệt ngã, tương lai mờ mịt, không một chút vui, không một niềm hi vọng. Câu ca dao với hình tượng gợi cảm và âm điệu ngậm ngùi đã gợi lên số phận hẩm hiu đáng thương của người phụ nữ nghèo khổ trong xã hội phong kiến cũ. Ta hãy thử hình dung vào một trưa hè ở đồng bằng Nam Bộ, gió thổi lao xao trong rừng đước, rừng tràm, chợt nghe thấy tiếng ru con vọng ra từ ngôi nhà nhỏ ven sông lẫn với tiếng võng đưa kẽo kẹt: Ầu ơ… Thân em như trái bần trôi, Gió dập sóng dồi, biết tấp vào đâu?Cầu hỏi vừa là nỗi băn khoăn muôn thuở không lời giải đáp, vừa là lời than thân trách phận buồn đến não nề.

Nhìn những trái bần nổi chìm theo sóng, ta sẽ thấm thìa và rung động đến tận sâu thẳm tâm hồn trước lời ru rưng rưng nước mắt của những người phụ nữ lao động nghèo khó trong một quá khứ chưa xa.

Tóm lại, cả bài ca dao trên đều xoay quanh nội dung thân thân trách phận. Cuộc đời của người nông dân nghèo đói xưa là một bể khổ mênh mông không bờ không bến. Hiện thực thì tăm tối, tương lai thì mù mịt, họ chẳng biết đi về đâu. Điều đó chỉ chấm dứt từ khi có ánh sáng Cách mạng của Đảng soi đường dẫn lối, giải phóng nông dân ra khỏi xiềng xích áp bức của giai cấp phong kiến thống trị kéo dài bao thế kỉ.

  • Tham khảo thêm

Ngày:13/11/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM