Giải bài tập SGK Sinh học 10 Bài 32: Bệnh truyền nhiễm và miễn dịch

Hướng dẫn giải bài tập SGK Sinh học 10 Bài 32: Bệnh truyền nhiễm và miễn dịch, giúp các em hoàn thành nội dung bài tập SGK, các dạng bài tập: Trình bày khái niệm bệnh truyền nhiễm, các con đường lây nhiễm, khái niệm miễn dịch, phân biệt các hình thức miễn dịch.

Giải bài tập SGK Sinh học 10 Bài 32: Bệnh truyền nhiễm và miễn dịch

1. Giải bài 1 trang 128 SGK Sinh học 10

- Thế nào là bệnh truyền nhiễm? Vi sinh vật gây bệnh có thể lan truyền theo các con đường nào?

Phương pháp giải

- Xem lại bệnh truyền nhiễm, trình bày khái niệm bệnh truyền nhiễm, các con đường lây nhiễm bệnh truyền nhiễm.

Hướng dẫn giải

- Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây từ người này sang người khác. Tác nhân gây bệnh rất đa dạng có thể là vi khuẩn, nấm, động vật nguyên sinh hoặc virut...

- Tùy theo tác nhân gây bệnh mà có thể lan truyền theo các con đường khác nhau, có thể lan truyền theo 2 con đường

+ Truyền ngang

  • Qua sol khí: các giọt keo nhỏ nhiễm VSV bay trong không khí bắn ra khi ho hoặc hắt hơi. Ví dụ: cúm thông thường, lao.
  • Qua đường tiêu hóa: VSV từ phân vào cơ thể qua thức ăn, nước uống đã bị nhiễm. Ví dụ: Bệnh tả, lị.
  • Qua tiếp xúc trực tiếp, qua vết thương, qua quan hệ tình dục, đồ dùng hàng ngày…Ví dụ: HIV.
  • Qua động vật cắn hoặc côn trùng đốt (qua trung gian truyền bệnh). Ví dụ: Sốt xuất huyết, cúm gia cầm.

+ Truyền dọc:

  • Truyền từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai. Ví dụ: HIV, viêm gan B.
  • Nhiễm qua sữa mẹ hay khi sinh nở. Ví dụ: Viêm gan B.

2. Giải bài 2 trang 128 SGK Sinh học 10

- Thế nào là miễn dịch đặc hiệu, miễn dịch không đặc hiệu?

Phương pháp giải

- Xem lại miễn dịch, trình bày khái niệm miễn dịch đặc hiệu, miễn dịch không đặc hiệu.

Hướng dẫn giải

- Khái niệm miễn dịch đặc hiệu, miễn dịch không đặc hiệu:

+ Miễn dịch đặc hiệu là miễn dịch hình thành để đáp lại sự xâm nhập của kháng nguyên.

+ Miễn dịch không đặc hiệu mang tính bẩm sinh và không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước với kháng nguyên. Đó là các hàng rào bảo vệ các cơ quan như da, niêm mạc ngăn không cho vi sinh vật xâm nhập, pH dịch dạ dày giết chết hầu hết vi sinh vật....

3. Giải bài 3 trang 128 SGK Sinh học 10

- Hãy phân biệt miễn dịch thể dịch và miễn dịch tế bào.

Phương pháp giải

- Xem lại miễn dịch đặc hiệu, miễn dịch không đặc hiệu, tiến hành phân biệt hai loại miễn dịch về các đặc điểm khái niệm, quá trình.

Hướng dẫn giải

- Phân biệt miễn dịch thể dịch và miễn dịch tế bào:

+ Miễn dịch thể dịch:

  • Khái niệm: Là miễn dịch sản xuất ra kháng thể nằm trong thể dịch như máu, sữa, dịch bạch huyết.
  • Kháng nguyên phản ứng đặc hiệu với kháng thể, khớp với nhau như ổ khóa – chìa khóa.
  • Kháng nguyên chỉ phản ứng với loại kháng thể mà nó kích thích tạo thành.

+ Miễn dịch tế bào:

  • Khái niệm: Là miễn dịch có sự tham gia của các tế bào T độc có nguồn gốc từ tuyến ức.
  • Quá trình: Khi tế bào T phát hiện tế bào khác bị nhiễm thì nó sẽ tiết ra prôtêin độc làm tan tế bào nhiễm, khiến virut không thể nhân lên.
  • Miễn dịch tế bào có vai trò quan trọng đối với những bệnh do virut gây ra.
Ngày:16/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM