Đề cương ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam có lời giải

Với mong muốn giúp các bạn sinh viên đạt kết quả cao trong kì thi kết thúc học phần, eLib.VN xin chia sẻ đến các bạn Đề cương ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam có lời giải dưới đây. Hy vọng tư liệu này sẽ cung cấp những kiến thức bổ ích cho các bạn trong quá trình ôn tập nâng cao kiến thức trước khi bước vào kì thi của mình.

Đề cương ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam có lời giải

Câu 1: Văn hóa là gì? Phân biệt văn hóa với văn minh, văn hiến và văn vật.

Trả lời:

* Khái niệm: Theo Hồ Chí Minh: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với những biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi sự sinh tồn”

* Phân biệt:

- Văn hóa với văn minh

Lâu nay, không ít người vẫn sử dụng "văn minh" như một từ đồng nghĩa với "văn hóa". Thực ra đây là những khái niệm gần gũi, có liên quan mật thiết với nhau, song không đồng nhất. Văn hóa giàu tính nhân bản, nó hướng tới những giá trị muôn thuở; trong khi đó thì văn minh hướng tới sự hợp lý, sắp đặt cuộc sống sao cho tiện lợi. Nói đến văn minh, người ta chủ yếu nghĩ đến các tiện nghi vật chất.

 Như vậy, văn hóa và văn minh khác nhau trước hết là ở tính giá trị: trong khi văn hóa là một khái niệm bao trùm, nó chứa cả các giá trị vật chất lẫn tinh thần, thì văn minh thiên về các giá trị vật chất mà thôi.

Văn hóa và văn minh còn khác nhau ở tính lịch sử: trong khi văn hóa luôn luôn có bề dày của quá khứ (tính lịch sử) thì văn minh chỉ là một lát cắt đồng đại, nó chỉ cho biết trình độ phát triển của văn hóa; từ "văn minh" có thể được định nghĩa khác nhau trong các từ điển khác nhau, song chúng thường có chung một nét nghĩa là nói đến "trình độ phát triển". Văn minh luôn là đặc trưng của một thời đại: nếu như vào thế kỷ XIX, chiếc đầu máy hơi nước đã từng là biểu tượng của văn minh thì sang thế kỷ XX, nó trở thành biểu tượng của sự lạc hậu, nhường chỗ cho tên lửa vũ trụ và máy vi tính. Một dân tộc có trình độ văn minh cao vẫn có thể có một nền văn hóa rất nghèo nàn, và ngược lại, một dân tộc lạc hậu vẫn có thể có một nền văn hóa phong phú.

Sự khác biệt của văn hóa và văn minh về giá trị tinh thần và tính lịch sử dẫn đến sự khác biệt về phạm vi: Văn hóa mang tính dân tộc, bởi lẽ nó có giá trị tinh thần và tính lịch sử, mà cái tinh thần và cái lịch sử là của riêng, không dễ gì mua bán hoặc thay đổi được; còn văn minh thì có tính quốc tế, nó đặc trưng cho một khu vực rộng lớn hoặc cả nhân loại, bởi lẽ nó chứa giá trị vật chất, mà cái vật chất thì dễ phổ biến, lây lan.

Và sự khác biệt thứ tư, về nguồn gốc: Văn hóa gắn bó nhiều hơn với phương Đông nông nghiệp, còn văn minh gắn bó nhiều hơn với phương Tây đô thị. Nếu văn minh liên quan chủ yếu với kĩ thuật thì văn hóa biểu hiện sự liên quan của con người với ba mặt: tự nhiên, con người và thần linh.

Như vậy, có thể khẳng định, văn minh nằm trong văn hóa.

- Văn hóa với văn hiến và văn vật

Văn hiến là những giá trị tinh thần do những người có tài đức chuyển tải, thể hiện tính dân tộc, tính lịch sử rõ nét.  Văn hóa và văn hiến, do vậy, là 2 khái niệm tương đồng khi người ta dùng để chỉ đời sống tinh thần của xã hội.  Song chúng khác nhau về tính lịch sử và phạm vi bao quát. Văn hóa là khái niệm rộng hơn văn hiến vì nó còn hàm nghĩa văn hóa vật thể.

Khái niệm văn vật thường được dùng theo nghĩa hẹp, gắn với những thành quả vật thể của văn hóa. Tuy văn vật cũng thể hiện sâu sắc tính dân tộc và tính lịch sử nhưng khi so sánh với khái niệm văn hóa, ta thấy văn vật cũng ở trong tương quan tựa như văn hiến nhưng từ một phía khác

Chung quy, văn minh, văn hiến, văn vật đều là những khái niệm bộ phận của văn hóa.  Bởi vì văn hóa bao giờ cũng được dùng với một hàm nghĩa bao quát hơn.

Câu 2: Những thành tựu của Văn minh Văn Lang – Âu Lạc.

Trả lời:

Nền văn minh sông Hồng được hình thành cùng với sự ra đời của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc và sự phát triển của đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ.  Trên cơ sở một nền kinh tế phát triển mạnh và phạm vi lãnh thổ được mở rộng từ vùng đồi núi, trung du đến vùng đồng bằng rộng lớn của sông Hồng, sông Mã, sông Cả, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao rõ rệt; tổ chức xã hội đạt đến một trình độ cao hơn, vượt khỏi thời nguyên thuỷ, bước sang thời đại văn minh đầu tiên của người Việt cổ - nền văn minh sông Hồng.

* Về đời sống vật chất

Sản xuất: Thóc gạo là nguồn lương thực chính của cư dân Văn Lang - Âu Lạc, chủ yếu là gạo nếp. Người bấy giờ dùng gạo nếp để thổi cơm, xôi, làm bánh chưng, bánh giầy.  Sách Lĩnh nam chích quái ghi rằng ở thời Hùng Vương trồng được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm. Nhiều chiếc chõ gốm dùng để thổi xôi đã được tìm thấy ở các địa điểm thuộc văn hoá Đông Sơn. Ngoài thóc gạo là nguồn lương thực chính, cư dân Văn Lang - Âu Lạc còn sử dụng các loại hoa màu, rau quả, nhất là các loại cây có củ cung cấp chất bột như củ từ, khoai lang, sắn, củ mài, khoai sọ.  Lúc thiếu thốn, người ta còn dùng các loại cây có bột khác như cây quang lang, búng, báng.

Thức ăn cũng khá phong phú, gồm các loại cá, tôm, cua, ốc hến, ba ba, các loại rau củ (bầu, bí, cà, đậu... ).  Thức ăn được chế biến theo nhiều cách khác nhau theo sở thích từng vùng, từng gia đình (đun nấu, nướng, muối, ăn sống... ) Nghề chăn nuôi và săn bắn phát triển đã cung cấp thêm nguồn thức ăn cho mỗi gia đình.  Cư dân bấy giờ đã biết chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm (trâu, bò, lợn, gà, chó...). Trong thức ăn quen thuộc của cư dân Văn Lang - Âu Lạc còn có nhiều loại hoa quả vùng nhiệt đới như: vải, nhãn, mơ, mận, chuối, dưa hấu, cam, quýt,... Người ta cũng đã biết sử dụng nhiều thứ gia vị có nguồn gốc thực vật như gừng, hẹ,. . . Nguồn lương thực và thực phẩm của người Việt cổ rất phong phú, đa dạng và rất giàu chất bột, chất đạm và các chất bổ khác.  Đây là một biểu hiện của cuộc sống vật chất được nâng cao, của sự phát triển kỹ thuật canh tác nông nghiệp của cư dân bấy giờ.

Tập quán ăn uống: Người Việt cổ bấy giờ có tục uống rượu gạo và ăn trầu. Rượu được nhắc đến nhiều trong các thư tịch cổ, truyện dân gian. Người Đông Sơn có thói quen ăn trầu, nhuộm răng đen. Dấu tích hạt cau, quả cau đã được tìm thấy ở Đông Sơn.

Trang phục của cư dân Văn Lang - Âu Lạc đã phản ánh một phần trình độ phát triển, óc thẩm mỹ và bản sắc văn hoá của người Việt cổ. Do nghề dệt phát triển, người Việt cổ đã sản xuất được nhiều loại vải khác nhau từ sợi đay, gai, tơ tằm, bông,. . .  nên đã đáp ứng được nhu cầu may mặc của nhân dân. Trong sinh hoạt đời thường, nam thường đóng khố, nữ mặc váy. Khố của nam giới có loại quấn đơn và loại quần kép. Váy của nữ giới có loại váy quấn và loại váy chui, được làm từ một mảnh vải dài, rộng.  Tượng người đàn ông thổi kèn ngồi trên cán đèn Việt Khê hay các tượng mặc váy dài trên thạp đồng Đào Thịnh đã phản ánh kiểu mặc đó. Phụ nữ ngoài mặc váy còn có yếm che kín ngực, áo xẻ giữa, thắt lưng quấn ngang bụng và khăn quấn đầu. Vào các ngày lễ hội, trang phục của nam nữ đẹp đẽ hơn: có mũ lông chim, váy xòe kết bằng lông chim hoặc lá cây và mang nhiều đồ trang sức đẹp (khuyên tai, hạt chuỗi, nhẫn, vòng tay, vòng cổ chân bằng đá, đồng).

Sự phát triển kinh tế, nhất là sự phát triển mạnh của nghề thủ công và kỹ thuật luyện kim đã tạo điều kiện làm phong phú, đa dạng các đồ trang sức. Điều đó cũng chứng tỏ đời sống vật chất của cư dân Văn Lang - Âu Lạc được nâng cao rõ rệt.

Về đầu tóc, người bấy giờ có bốn kiểu: kiểu tóc cắt ngắn, búi tó, tết bím và tóc quấn ngược lên đỉnh đầu. Trên thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái) có tượng nam tóc cắt ngắn ngang vai để xoã. Ở trống đồng Cổ Loa cũng có hiện tượng tương tự. Lối cắt tóc ngắn đến ngang lưng, để xoã khá phổ biến ở nam giới thời bấy giờ. Búi tóc cũng rất phổ biến ở cả nam giới và nữ giới. Nhiều người còn có kiểu chít một dải khăn nhỏ giữa trán và chân tóc, hoặc có đuôi khăn thả dài phía sau. Có thể nói, kiểu tóc cắt ngắn buông xoã sau lưng và búi tóc cao sau đầu là hai kiểu tóc phổ biến nhất của người Đông Sơn. Người Việt cổ bấy giờ còn có tục xăm mình.

Nhà ở có nhiều kiểu như nhà sàn, nhà mái cong làm bằng gỗ, tre, nứa.  Trên trống đồng Đông Sơn ta thấy có 2 kiểu nhà: nhà sàn mái cong hình thuyền và mái tròn hình mui thuyền, sàn thấp, mái rủ xuống như mái tranh đến gần sàn, có cầu thang lên xuống.  Mỗi công xã nông thôn bao gồm một số nhà sàn quần tụ bên nhau trong một địa vực, hình thành những xóm làng định cư lâu dài mà thời đó thường gọi là kẻ, chiềng - tức là nơi chốn, chạ tức là tục kết đôi làng quê.  Các vật dụng trong sinh hoạt gia đình rất phong phú như bình, vò, thạp, mâm, chậu, bát bằng đồ gốm hay bằng đồng.  Ngoài ra, có những đồ dùng làm bằng tre, nứa, mây, vỏ bầu,. . .

Phương tiện giao thông chủ yếu là thuyền bè.  Thuyền có thuyền độc mộc, thuyền ván với các kiểu loại khác nhau: thuyền chiến, thuyền tải, thuyền bơi trải.  Trên bộ còn sử dụng súc vật như voi, trâu, bò, ngựa.

* Đời sống tinh thần

Cư dân Văn Lang - Âu Lạc đã đạt đến một trình độ thẩm mỹ, tư duy khá cao. Những sản phẩm đẹp, tiêu biểu như trống đồng, thạp đồng, trang sức bằng đồng nói lên kỹ thuật luyện đồng đã đạt đến đỉnh cao (từ cách xây dựng các lò đúc, khuôn đúc, nguyên liệu pha chế hợp kim, làm hoa văn,. . . ).  Người xưa tuỳ theo chức năng sử dụng của từng loại công cụ mà tạo nên một hợp kim hay tỷ lệ giữa các hợp kim cho phù hợp với cách chế tạo đồ đồng của người Đông Sơn, thể hiện khá rõ nét trình độ tư duy khá cao của người Việt cổ.  Điều này còn được thể hiện ở trình độ luyện sắt bấy giờ với phương pháp hoàn nguyên trực tiếp thành loại sắt xốp.

Trong quá trình quy tụ các bộ lạc sống trên cùng một phạm vi đất đai đã hình thành lãnh thổ chung, đã nổi lên xu hướng thống nhất, đoàn kết, hoà hợp trước yêu cầu trị thủy, làm thuỷ lợi để phát triển nông nghiệp và chống ngoại xâm.

Từ ý thức cộng đồng đã nảy sinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sùng bái các anh hùng, các thủ lĩnh. Cụ thể, trong ý thức tư tưởng của cư dân bấy giờ, là các cộng đồng cư dân của nước Văn Lang - Âu Lạc đều có cùng chung một cội nguồn, một tổ tiên.  Bên cạnh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mới nảy sinh, người đương thời còn bảo lưu những tàn dư của các hình thức tôn giáo nguyên thuỷ như: tín ngưỡng vật tổ, ma thuật, phồn thực với những nghi lễ cầu mong được mùa, giống nòi phát triển.  Nhiều phong tục tập quán được định hình đã nói lên sự phong phú và phát triển của đời sống tinh thần trong xã hội Hùng Vương như tục ăn đất, uống nước bằng mũi, tục giã cối (để làm hiệu lệnh, truyền tin), tục cưới xin, ăn hỏi, ma chay, chôn cất người chết trong mộ đất, mộ có quan tài hình thuyền, chôn chồng lên nhau, chôn trong nồi vò úp nhau, chôn theo đồ tuỳ táng bằng hiện vật.

Lễ hội bấy giờ rất phổ biến, thịnh hành, là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người Văn Lang - Âu Lạc. Lễ hội được tiến hành rải rác quanh năm, trong đó đặc sắc nhất là ngày hội mùa với nhiều nghi lễ như đâm trâu, bò và các hình thức diễn xướng dân gian (đoàn người hoá trang, vừa đi vừa múa, tay cầm giáo, lao, nhạc cụ. . . ). Bên cạnh đó, còn có những hội thi tài, thi sức khoẻ, hội đâm trâu, hội cầu nước, hội mừng năm mới.

Trong cuộc sống, cư dân thời Hùng Vương rất thích cái đẹp và hướng tới cái đẹp. Đồ trang sức, công cụ lao động và đồ dùng sinh hoạt cũng như vũ khí không những hết sức phong phú mà còn đạt đến trình độ kỹ thuật và mỹ thuật rất cao, có những thứ có thể xem như là những tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật Đông Sơn trở thành đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình thời Hùng Vương. Nghệ thuật đó vừa phản ánh cuộc sống thường nhật của cư dân Việt cổ, vừa thể hiện mối quan hệ giữa con người với thế giới chung quanh, với những đường nét có tính ước lệ, cách điệu và một bố cục cân xứng, hài hoà.

Nghệ thuật âm nhạc cũng phát triển. Có nhiều nhạc cụ được chế tạo và sử dụng bộ gõ có trống đồng, trống da, chuông nhạc, phách, bộ hơi (khèn). Trong các nhạc cụ, tiêu biểu nhất là trống đồng.  Kết cấu trống đồng gồm có phần tang phình ra, phần thân và chân trống loe ra giúp cho hình dáng trống đẹp, có sức cộng hưởng làm cho âm thanh vang xa.  Cư dân bấy giờ biết sử dụng nhiều nhạc cụ phối hợp trong các lễ hội. Trên trống đồng Đông Sơn có cảnh sử dụng dàn trống đồng từ 2 đến 4 chiếc, dàn cồng từ 6 đến 8 chiếc và một tốp người vừa múa vừa sử dụng những nhạc khí khác nhau như chuông, khèn, sênh. Trên trống đồng có hình ảnh người nhảy múa hoá trang và múa vũ trang. Có tượng đồng Đông Sơn thể hiện hai người cõng nhau, vừa thổi khèn, vừa nhảy múa.

Cùng với trống đồng – di vật tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn và văn minh sông Hồng, công trình kiến trúc thành Cổ Loa cũng biểu hiện trình độ phát triển cao của cư dân thời Văn Lang - Âu Lạc.

+ Tổ chức xã hội

Đứng đầu nhà nước Văn Lang - Âu Lạc là nhà vua, cha truyền con nối.  Giúp việc cho nhà vua có các Lạc hầu, Lạc tướng.  Nhà nước văn lang đã có một đội quan thường trực với vũ khí bằng đồng, như: dìu chiến, giáo mác, dao găm.  Đăc biệt, họ biết sử dụng thành thạo các loại cung nỏ, có loại bắn một lần được nhiều mũi tên. Thời Âu Lạc, nhà vua đóng đô ở thành Cổ Loa.

Đơn vị xã hội cơ sở của người Việt cổ là các làng bản, đứng đầu làng bản là các Bố chính (thường là một người già làng), Bình dân làng xã gọi là Lạc dân. Trong làng xã, tinh thần cộng đồng rất sâu đậm. Họ sống quây quần giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết cùng chống kẻ thù đến xâm lấn. Tổ chức gia đình: phụ quyền.

Câu 3: Nội dung cơ bản của triết lí Âm - Dương.  Ảnh hưởng của triết lí Âm – Dương đến nhận thức và tính cách người Việt.

Trả lời:

* Nội dung cơ bản của triết lí Âm – Dương

- Bản chất của triết lí Âm – Dương

Âm dương  là hai khái niệm để chỉ hai thực thể đối lập ban đầu tạo nên toàn bộ vũ trụ. Âm thể hiện cho những gì yếu đuối nhỏ bé, tối tăm, thụ động, nữ tính, mềm mại....  đối lập nó là dương thể hiện sự mạnh mẽ, cho ánh sáng, chủ động, nam tính, cứng rắn . . . Triết lý giải thích vũ trụ dựa trên âm và dương được gọi là triết lý âm dương mà bản chất của nó là sự kết hợp giữa các mặt đối lập.

- Hai qui luật của triết lí Âm – Dương

Quy luật về bản chất của các thành tố

Không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, và

Trong âm có dương, trong dương có âm.

Quy luật này cho thấy việc xác định một vật là âm hay dương chỉ là tương đối, trong sự so sánh với một vật khác. Ví dụ về trong âm có dương: đất lạnh nên thuộc âm nhưng càng đi sâu xuống lòng đất thì càng nóng; về trong dương có âm: nắng nóng thuộc dương, nhưng nắng nhiều sẽ có mưa nhiều (hơi nước bay lên) làm nên mưa lạnh thuộc âm. Chính vì thế mà việc xác định tính âm dương của các cặp đối lập thường dễ dàng. Nhưng đối với các vật đơn lẻ thì khó khăn hơn nên có hai hệ quả để giúp cho việc xác định tính âm dương của một đối tượng:

Muốn xác định được tính chất âm dương của một đối tượng thì trước hết

phải xác định được đối tượng so sánh. Màu trắng so với màu đỏ thì là âm, nhưng so với màu đen thì là dương. Ta có thể xác lập được mức độ âm dương cho nhiều hệ; ví dụ, về màu sắc thì đi từ âm đến dương ta có đen-trắng-xanh-vàng-đỏ (đất "đen" sinh ra mầm lá "trắng", lớn lên thì chuyển thành "xanh", lâu dần chuyển thành lá "vàng" và cuối cùng thành "đỏ")

Muốn xác định được tính chất âm dương của một đối tượng thì phải xác định được cơ sở so sánh. Ví dụ, nước so với đất thì, về độ cứng thì nước là âm, đất là dương; nhưng về độ linh động thì nước là dương, đất là âm.

Quy luật về quan hệ giữa các thành tố

Âm dương gắn bó mật thiết với nhau, vận động và chuyển hóa cho nhau, và

Âm phát triển đến cùng cực thì chuyển thành dương, dương phát triển đến cùng cực thì chuyển thành âm.

Ngày và đêm, tối và sáng, mưa và nắng, nóng và lạnh,. . .  luôn chuyển hóa cho nhau. Cây màu xanh từ đất "đen", sau khi lớn chín "vàng" rồi hóa "đỏ" và cuối cùng lại rụng xuống và thối rữa để trở lại màu "đen" của đất. Từ nước lạnh (âm) nếu được đun nóng đến cùng cực thì bốc hơi lên trời (thành dương), và ngược lại, nếu được làm lạnh đến cùng cực thì nó sẽ thành nước đá (thành âm).

Tất cả các quy luật trên được thể hiện đầy đủ trong biểu tượng âm dương nói lên bản chất và sự chuyển hóa của âm và dương.

* Ảnh hưởng của Triết lí Âm – Dương đến nhận thức và tính cách người Việt

Trong khi Đông Bắc Á là trung gian giữa Đông Nam Á và phương Tây thì Việt Nam là trung gian giữa phần còn lại của Đông Nam Á với Đông Bắc Á. Việt Nam vừa nằm trong Đông Nam Á là cái nôi sinh ra triết lý âm dương nguyên thủy, lại vừa nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Hoa là nơi tạo nên triết lý âm dương hoàn thiện nên tính cách của người Việt thể hiện ảnh hưởng của tư duy âm dương rất mạnh.

+ Tính ưa hài hòa

Tính cách thứ nhất thuộc loại này là tính ưa hài hòa, còn có thể gọi là tư duy Lưỡng phân lưỡng cực. Nó thể hiện ở chỗ, người Việt Nam nắm rất vững quy luật “trong âm có dương, trong dương có âm”.

(a) Trong kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam, có các câu phản ánh nhận thức dân gian về quy luật “trong âm có dương, trong dương có âm”, kiểu như: Trong rủi có may, trong dở có hay, trong họa có phúc; Người có lúc vinh lúc nhục, nước có lúc đục lúc trong, v. v. .

(b) Do nắm vững quy luật “trong âm có dương, trong dương có âm” nên ở Việt Nam, mọi thứ thường thể hiện theo cặp đôi tạo nên âm dương hài hòa.  Tổ quốc là “đất - nước”, “non - nước”, “non - sông”.  Người Êđê có sông đực và sông cái (krông nô và krông ana).  Trống đồng của người Ê-đê, Lô Lô có trống đực và trống cái.  Câu hò trong dân gian có một vế trống và một vế mái (câu hò mái hai, mái ba có nghĩa là một câu trống đi với hai hoặc ba câu mái).  Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và nàng Liễu Hạnh vốn chẳng có liên quan gì với nhau và sống cách nhau tới ba thế kỷ, nhưng khi được tôn lên làm thánh, nhân dân bèn ghép lại thành đôi Cha - Mẹ (Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ - tục ngữ).

(c) Trong khi thủy tổ của người Hán là một ông Bàn Cổ, của người Hàn là một ông Dangun (Đàn Quân) thì thủy tổ của người Việt là cặp đôi Lạc Long Quân và Âu Cơ biểu hiện cho Rồng và Tiên (cá sấu và chim); thủy tổ của người Mường là chàng Hươu và nàng Cá, v. v. .

Người Chăm có hai bộ tộc là tộc cau (đặc, dương) và tộc dừa (rỗng, nước, âm).  Người Chân Lạp sống ở hai vùng là Thủy Chân Lạp (âm) và Lục Chân Lạp (dương).  Ở Tây Nguyên từng tồn tại trong một thời gian dài hai nhà nước Thủy Xá (Pơtao Ia) và Hỏa Xá (Pơtao Pui).  

(d) Ngay cả những khái niệm đơn độc của dân tộc khác khi du nhập vào Việt Nam cũng được nhân đôi thành cặp: Thần mai mối ở Trung Hoa chỉ là một ông Tơ Hồng thì vào Việt Nam được nhân đôi thành ông Tơ và bà Nguyệt.  Người Hoa ở Chợ Lớn (Tp.  Hồ Chí Minh) dựng lên hai miếu thờ Quan Công và Thiên Hậu riêng rẽ thì người Việt ở đây lập tức ghép hai nhân vật vốn không liên quan gì với nhau ấy thành một cặp và gọi hai miếu đó là “chùa Ông - chùa Bà”.

+ Triết lý sống quân bình

Nếu việc nắm vững quy luật “trong âm có dương, trong dương có âm” tạo nên tính ưa hài hòa thì việc nắm vững quy luật “âm dương chuyển hóa” đã giúp người Việt có được triết lý sống quân bình.

(a) Trong kho tàng văn hóa dân gian người Việt, có các câu tục ngữ phản ánh nhận thức về quy luật âm dương chuyển hóa, kiểu như: Sướng lắm khổ nhiều; quan cả vạ to; trèo cao ngã đau; ghét của nào trời trao của nấy; v. v. .   

(b) Từ đó dẫn đến triết lý sống quân bình, vừa phải: Trong việc ăn, không ăn nhanh quá, không ăn chậm quá; không ăn hết sạch, không để thừa nhiều.  Trong ứng xử thì ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê.  Trong giao tiếp thì đề cao cách nói nước đôi: Làm trai nước hai mà nói; người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo, v. v. .  Ngay cả khi ước vọng cũng không tham lam: Cầu sung vừa đủ xài.

(c) Triết lý sống quân bình được thể hiện không chỉ nơi người sống mà cả nơi người chết: Trong mộ cổ ở Lạch Trường (Thanh Hóa) vào thế kỷ III TCN. , các đồ vật tùy táng bằng gỗ (dương) được đặt ở phía Bắc (âm) và các đồ vật bằng gốm (âm) được đặt ở phía Nam (dương)

(d) Trong khi biểu tượng âm dương truyền thống của Trung Hoa là hai vạch ngắn “- -” với một vạch dài “¾” của bát quái và hình tròn chia hai nửa bằng chữ S của Đạo giáo thì biểu tượng âm dương truyền thống khá bền vững của Việt Nam là cặp hình vuông - tròn.  Ý niệm vuông - tròn với nghĩa là sự hài hòa, quân bình, do vậy mà viên mãn, hoàn chỉnh được thể hiện khắp nơi: Từ ý niệm (ví dụ: “cuộc vuông tròn” = hôn nhân), qua phong tục (bánh chưng bánh dày), đến các hiện vật.

Cái cối giã gạo của người Kh’mer có hình trong tròn, ngoài vuông.  Trong tròn là để thuận tiện cho việc giã gạo, còn ngoài vuông thì mang ý nghĩa biểu tượng âm dương thuần túy thể hiện sự hài hòa.  Năm 1995 chúng tôi đã phát hiện ra rằng hình “tròn ngoài vuông trong” ở rìa ngoài mặt trống đồng Thôn Mống (Nho Quan, Ninh Bình) của Việt Nam mà lâu nay được miêu tả là “trang trí bằng hình đồng tiền” có liên quan mật thiết với hình “vuông ngoài tròn trong” trên rìa trống Yên Bồng (Lạc Thủy, Hòa Bình) và chính là những hình biểu tượng âm dương “tròn vuông” và “vuông tròn” lồng vào nhau.  Tiền đồng cổ với lỗ vuông của Tần Thủy Hoàng xuất hiện sau đó.  

Triết lý sống quân bình có nguồn gốc từ phương Nam được Khổng Tử và Lão Tử tiếp nhận thành tư tưởng trung dung, trung đạo và được xem như một phẩm chất mà nho sĩ, đạo sĩ phải rèn luyện để hướng đến.  Chính bởi chứa đựng những tư tưởng vay mượn khác thường này mà Nho gia và Đạo gia nguyên thủy đều không được xã hội đương thời đề cao.  Về bản chất, văn hóa Trung Hoa (phương Bắc) mang tính cực đoan hơn nhiều so với văn hóa phương Nam: Nho giáo coi trọng lễ nghi một cách cực đoan; Đạo giáo vô vi một cách cực đoan; Phật giáo Thiền tông thì phá chấp một cách cực đoan.

+ Tính linh hoạt

Chính triết lý quân bình âm dương đã tạo ra ở người Việt một lối sống chừng mực và linh hoạt.  Trong khi gốc văn hóa du mục lại tạo nên ở người Hán tính cực đoan với quyết tâm cải tạo hoàn cảnh (vd: hình tượng Tinh Vệ lấp biển, Ngu Công dời núi) thì người Việt Nam có xu hướng thích nghi với mọi hoàn cảnh (ở bầu thì tròn, ở ống thì dài; Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy - tục ngữ).  Nếu văn hóa Trung Hoa (phương Bắc) coi trọng cuộc sống thế tục thì văn hóa Việt Nam coi trọng tương lai (tinh thần lạc quan): Khi nhỏ mà khổ thì tin rằng về già sẽ sướng, suốt đời khổ thì tin rằng đời con mình sẽ sướng: Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời; Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ (tục ngữ).

Tính cách người Việt với những biểu hiện mang tính dân gian nguyên thủy như trên cho thấy rõ ràng ảnh hưởng sâu đậm của triết lý âm dương.  Chúng hoàn toàn khác xa với truyền thống văn hóa dân gian Trung Hoa tương ứng.  Đó cũng chính là những bằng chứng bổ sung, củng cố thêm cho kết luận của chúng tôi về nguồn gốc Đông Nam Á của triết lý âm dương. 

Mời các bạn bấm nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ Đề cương ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam có lời giải!

Để củng cố kiến thức và nắm vững nội dung bài học mời các bạn cùng làm Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam dưới đây.

Trắc Nghiệm

Ngày:11/01/2021 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM