Bệnh dị ứng thời tiết - triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Dị ứng thời tiết là bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể, xảy ra đối với cơ thể vào những thời gian chuyển mùa hay thời tiết thay đổi đột ngột, biểu hiện thường thấy là nổi mề đay, nổi mẩn ngứa... Bệnh không được khắc phục có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, khó thở, tụt huyết áp,... Cùng eLib tìm hiểu những thông tin về bệnh ngay nhé!

Bệnh dị ứng thời tiết - triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Dị ứng thời tiết là gì?

Dị ứng thời tiết là một tình trạng rất phổ biến mà nhiều người mắc phải, gây phiền toái, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày. Dị ứng thời tiết có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Cơ thể người thích nghi tốt nhất với nhiệt độ khoảng từ 20 đến 30 độ C, trung bình khoảng 25 độ. Trung tâm điều nhiệt ở trên não giúp cho cơ thể thích nghi khi có sự thay đổi nhiệt độ. Nhưng khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, trung tâm điều chỉnh không kịp hoạt động sẽ gây ra các rối loạn trong cơ thể.

Có thể chia dị ứng thời tiết ra làm hai loại: Dị ứng thời tiết nóng và Dị ứng thời tiết lạnh.

Dị ứng thời tiết nóng: vào mùa hè, trong những ngày nắng cơ thể tiết ra rất nhiều mồ hôi nên làn da luôn trong tình trạng ẩm ướt, dễ dẫn tới tình trạng viêm nhiễm và cơ thể dễ rơi vào tình trạng mất nước. Điều này làm cho bệnh cảnh dị ứng thời tiết trở nên nặng hơn.

Dị ứng thời tiết lạnh: vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống quá thấp dưới 20 độ C, không khí hanh khô làm làn da trở nên thô ráp hoặc những ngày mưa ẩm ướt đều có thể thúc đẩy dị ứng thời tiết xuất hiện.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân là do khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi trời chuyển  lạnh, độ ẩm cao khiến da giảm tiết mồ hôi và chất bã nhờn, chất sừng của da bị mất nước, da trở nên khô hơn, đóng ít vảy. Ảnh hưởng này cũng khiến các protein trong cơ thể biến chất trở thành chất đối nghịch với cơ thể làm cơ thể phản ứng với các tình trạng như ngứa, nổi mẩn, sẩn, mề đay.

Đã có rất nhiều nghiên cứu thực hiện để tìm ra nguyên nhân và ảnh hưởng của bệnh. Trong đó có nghiên cứu (2009, tác giả Hartgerink-Lutgens I, Vermeeren A, Vuurman E, Kremer B) đã cho thấy nhận thức của con người sẽ bị giảm đi đáng kể qua mỗi lần bị dị ứng.

3. Các triệu chứng của bệnh

Biểu hiện ngoài da của dị ứng thời tiết bao gồm:

Da nổi các ban đỏ, kèm ngứa khi tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ nóng hoặc lạnh, đặc biệt là các vùng da hở như bàn tay, bàn chân, mặt, cổ. Người bệnh thường thấy khó chịu, bị làm phiền.

Da bị sưng rộp hay tấy đỏ, phù lên và xung huyết.

Nổi mề đay cấp tính khắp cơ thể. Đây là triệu chứng rất nguy hiểm đến tính mạng, nếu mề đay đi kèm với triệu chứng lơ mơ, khó thở, tụt huyết áp nhanh và đột ngột. Bệnh cảnh này gọi là sốc phản vệ, cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu khẩn trương.

Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể có các biểu hiện của viêm long đường hô hấp trên như sổ mũi, hắt xì, ho khan hoặc đau đầu, mệt mỏi.

4. Đối tượng nguy cơ bệnh

Như tên gọi, dị ứng thời tiết là một trong nhiều loại dị ứng mà con người có thể gặp phải. Đối tượng nguy cơ của bệnh là những cá thể có cơ địa dị ứng từ trước như dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, phấn hoa … hoặc những người mắc các bệnh như viêm da tiếp xúc, viêm mũi dị ứng, hen phế quản…

5. Các biện pháp chẩn đoán và điều trị

 Các biện pháp chẩn đoán

Dị ứng thời tiết được chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng mà không cần sử dụng đến các xét nghiệm cận lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về bệnh sử của bản thân, thời điểm xuất hiện các triệu chứng, ảnh hưởng của nhiệt độ và tiền sử có mắc các bệnh lý như viêm da, viêm mũi, hen phế quản.

Các biện pháp điều trị

Dị ứng thời tiết chủ yếu được điều trị nội khoa bằng thuốc. Tùy vào mức độ biểu hiện bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc thích hợp. Một số nhóm thuốc cần dùng có thể kể đến như:

Thuốc kháng histamin như cetirizine, loratadin cho những trường hợp dị ứng thời tiết thông thường

Thuốc kháng thụ thể H2 như cimetidine hoặc dùng doxepin kết hợp với thuốc kháng histamin trong những trường hợp mề đay nặng.

Prednisolone được chỉ định điều trị khi có phù mạch, mề đay.

Corticoid được dùng để điều trị phòng ngừa, và hạn chế diễn tiến kéo dài của bệnh.

6. Các biện pháp phòng tránh bệnh

Uống nước ép trái cây thường xuyên cũng là một biện pháp giúp hệ miễn dịch mạnh khỏe để chống lại các bệnh dị ứng;

Bạn nên tránh hút thuốc, dùng đồ uống có cồn, tiếp xúc với khói bụi và phấn hoa vì đó là những yếu tố nguy cơ cho bệnh dị ứng khởi phát;

Bạn nên giữ nhiệt độ cơ thể ổn định, tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc liên tục;

Nếu ngồi trong máy lạnh, bạn chỉ nên chỉnh nhiệt độ chênh lệch khoảng 1-2 độ so với thời tiết ngoài trời;

Để phòng tránh những cơn đau đầu dị ứng thời tiết, bạn nên ăn nhiều rau xanh, rau quả có nhiều vitamin C, uống đủ 2l nước mỗi ngày nhằm điều hòa cơ thể, tập thể dục thể thao điều độ nhằm tăng cường sức khỏe. Bạn cũng có thể uống các loại thuốc bổ B1, B6, B12.

Với những thông tin trên đây về bệnh dị ứng thời tiết, hy vọng sẽ giúp các bạn có những hiểu biết để phòng tránh và điều trị phù hợp!

Ngày:04/09/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM