Dự thảo nghị định về giao dịch công cụ nợ chính phủ

Nghị định này quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ Chính phủ tại thị trường trong nước và thị trường vốn quốc tế; quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phát hành và giao dịch công cụ nợ Chính phủ. Mời các bạn cùng tìm hiểu nhé!. 

Dự thảo nghị định về giao dịch công cụ nợ chính phủ

CHÍNH PHỦ
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số:      /2018/NĐ-CP Hà Nội, ngày    tháng    năm 2018

DỰ THẢO
ngày 26.1.2018

NGHỊ ĐỊNH

VỀ PHÁT HÀNH, ĐĂNG KÝ, LƯU KÝ, NIÊM YẾT VÀ GIAO DỊCH CÔNG CỤ NỢ CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ Chính phủ tại thị trường trong nước và thị trường vốn quốc tế; quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phát hành và giao dịch công cụ nợ Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán và các nhà tạo lập thị trường theo quy định tại Nghị định này.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Ngoài những thuật ngữ đã quy định tại Luật Quản lý nợ công năm 2017 (sau đây gọi tắt là Luật Quản lý nợ công) và Luật Chứng khoán, trong Nghị định này các thuật ngữ được hiểu như sau:

1. “Công cụ nợ Chính phủ” là tín phiếu kho bạc, trái phiếu Chính phủ và Công trái xây dựng Tổ quốc do Bộ Tài chính phát hành theo quy định tại Luật Quản lý nợ công.

2. “Trái phiếu quốc tế” là trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường vốn quốc tế theo quy định tại Nghị định này.

3. “Phát hành riêng lẻ” là phương thức phát hành mà Kho bạc Nhà nước phát hành trực tiếp công cụ nợ Chính phủ cho từng đối tượng mua công cụ nợ.

4. “Đấu thầu phát hành” là phương thức phát hành mà chủ thể phát hành tổ chức đấu thầu về lãi suất cho các nhà tạo lập thị trường để bán trái phiếu.

5. “Bảo lãnh phát hành” là phương thức phát hành mà chủ thể phát hành bán công cụ nợ Chính phủ thông qua các tổ chức bảo lãnh phát hành.

6. “Hoán đổi công cụ nợ” là việc mua, bán hai hay nhiều công cụ nợ của cùng một chủ thể phát hành tại cùng một thời điểm với mục tiêu quản lý danh mục nợ.

7. “Mua lại công cụ nợ” là việc Bộ Tài chính mua lại công cụ nợ trước ngày đáo hạn với mục tiêu quản lý danh mục nợ và ổn định, phát triển thị trường.

8. “Giao dịch mua bán thông thường” là giao dịch chuyển giao công cụ nợ giữa bên bán và bên mua không kèm theo cam kết mua lại công cụ nợ.

9. “Giao dịch mua bán lại” là giao dịch chuyển giao công cụ nợ giữa bên bán và bên mua kèm theo cam kết sẽ mua lại và nhận lại quyền sở hữu công cụ nợ sau một thời gian với mức giá xác định trước (giao dịch repo). Giao dịch mua bán lại bao gồm giao dịch bán (giao dịch lần một) và giao dịch mua lại (giao dịch lần hai). Trong giao dịch mua bán lại, bên bán được hiểu là người bán trong giao dịch lần một và bên mua trong giao dịch lần hai, bên mua được hiểu là người mua trong giao dịch lần một và bên bán trong giao dịch lần hai.

10. “Giao dịch bán kết hợp mua lại” là giao dịch mà nhà đầu tư thực hiện đồng thời hai giao dịch mua bán thông thường tại cùng một thời điểm với cùng một đối tác, trong đó giao dịch thứ nhất là giao dịch bán công cụ nợ, giao dịch thứ hai là giao dịch mua lại công cụ nợ đó tại một thời điểm xác định trong tương lai. Bên bán trong giao dịch thứ nhất là bên mua trong giao dịch thứ hai; giá, khối lượng, thời điểm thực hiện của giao dịch thứ hai được xác định tại thời điểm thực hiện hai giao dịch mua bán thông thường.

11. “Nhà tạo lập thị trường” là tổ chức đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện và thực hiện quyền, nghĩa vụ của nhà tạo lập thị trường theo quy định tại Nghị định này để duy trì thanh khoản của thị trường công cụ nợ Chính phủ.

12. “Hợp đồng tư vấn pháp lý” là thỏa thuận được ký giữa chủ thể phát hành và tổ chức (tổ hợp) quản lý phát hành với một hoặc nhiều công ty luật về việc cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp luật trong nước và quốc tế cho đợt phát hành công cụ nợ Chính phủ.

13. “Tổ chức bảo lãnh chính hoặc quản lý sổ chính” là một hoặc một nhóm các tổ chức tài chính có uy tín trên thị trường được chủ thể phát hành lựa chọn để thực hiện giao dịch và có vai trò chủ yếu trong việc phân phối công cụ nợ Chính phủ. Tổ chức bảo lãnh chính hoặc quản lý sổ chính có vai trò tư vấn cơ cấu phát hành tối ưu, đưa ra mức giá tham khảo, thời gian phát hành thích hợp, phối hợp với tất cả các bên liên quan để tạo động lực tốt cho giao dịch.

14. “Tổ chức xếp hạng hệ số tín nhiệm” là các tổ chức có chức năng đánh giá và xếp hạng hệ số tín nhiệm cho quốc gia, doanh nghiệp.

15. “Tư vấn pháp lý trong nước” là công ty luật có hiện diện thương mại tại Việt Nam được lựa chọn làm tư vấn cho chủ thể phát hành hoặc tổ chức (tổ hợp) bảo lãnh phát hành về các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến đợt phát hành công cụ nợ Chính phủ.

16. “Tư vấn pháp lý quốc tế” là công ty luật được lựa chọn làm tư vấn cho chủ thể phát hành hoặc tổ chức (tổ hợp) bảo lãnh phát hành về các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật áp dụng tại thị trường phát hành, soạn thảo bản cáo bạch và ý kiến pháp lý cho đợt phát hành công cụ nợ Chính phủ.

17. “Tổ hợp quản lý phát hành” là hai hay nhiều tổ chức bảo lãnh phát hành được chủ thể phát hành lựa chọn tham gia quá trình phát hành công cụ nợ Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế. Tổ hợp này có thể được chia thành nhiều cấp tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của từng đợt phát hành:

a) Cấp một gồm tổ chức bảo lãnh chính hoặc quản lý sổ chính có vai trò chủ yếu trong việc phân phối công cụ nợ; phối hợp với chủ thể phát hành nâng cao hình ảnh quốc gia và tiếp tục hỗ trợ về thanh khoản sau phát hành;

b) Cấp hai gồm tổ chức quản lý chính hoặc đồng quản lý chính có vai trò hạn chế hơn trong việc phân bổ khối lượng bán công cụ nợ;

c) Cấp ba gồm tổ chức quản lý hoặc đồng quản lý có vai trò thấp nhất trong tổ hợp bảo lãnh phát hành.

18. “Ý kiến pháp lý” là văn bản pháp lý do Bộ Tư pháp, tư vấn pháp lý trong nước hoặc tư vấn pháp lý quốc tế phát hành phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế về căn cứ pháp lý của các giao dịch liên quan tới phát hành, thanh toán công cụ nợ Chính phủ được thực hiện trên cơ sở pháp luật Việt Nam, các điều ước, các thỏa thuận quốc tế, các hợp đồng có yếu tố nước ngoài và các văn bản pháp lý khác.

19. “Dự án xanh” là các dự án đầu tư liên quan đến bảo vệ môi trường .

Điều 4. Chủ thể phát hành công cụ nợ Chính phủ

1. Chủ thể phát hành công cụ nợ Chính phủ là Bộ Tài chính.

2. Đối với phát hành công cụ nợ Chính phủ tại thị trường trong nước, Bộ Tài chính ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tổ chức phát hành và thực hiện các nghĩa vụ của chủ thể phát hành theo quy định tại Nghị định này.

Điều 5. Mục đích phát hành công cụ nợ Chính phủ

1. Công cụ nợ Chính phủ được phát hành cho các mục đích quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 25 Luật Quản lý nợ công.

2. Đối với trái phiếu quốc tế, mục đích phát hành theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Quản lý nợ công.

Điều 6. Điều kiện và điều khoản cơ bản của công cụ nợ Chính phủ

1. Kỳ hạn công cụ nợ Chính phủ: do chủ thể phát hành quyết định đối với từng đợt phát hành căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của chủ thể phát hành và tình hình thị trường.

2. Khối lượng phát hành công cụ nợ Chính phủ: do chủ thể phát hành quyết định đối với từng đợt phát hành, căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn và khả năng huy động vốn trên thị trường trong từng thời kỳ.

3. Đồng tiền phát hành, thanh toán

a) Công cụ nợ Chính phủ phát hành tại thị trường trong nước bằng đồng Việt Nam. Trường hợp phát hành công cụ nợ Chính phủ tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

b) Trái phiếu quốc tế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi thực hiện theo Đề án được Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Điều 28 Luật Quản lý nợ công và quy định tại Nghị định này.

c) Đồng tiền sử dụng để thanh toán gốc, lãi công cụ nợ Chính phủ cùng loại với đồng tiền khi phát hành.

4. Mệnh giá phát hành:

a) Công cụ nợ Chính phủ phát hành tại thị trường trong nước, mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng hoặc là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng. Trường hợp phát hành công cụ nợ Chính phủ bằng ngoại tệ tại thị trường trong nước, mệnh giá phát hành thực hiện theo Đề án phát hành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Mệnh giá của trái phiếu quốc tế theo quy định của thị trường phát hành.

5. Hình thức công cụ nợ Chính phủ

a) Công cụ nợ được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử tùy thuộc vào phương thức phát hành và thị trường phát hành.

b) Chủ thể phát hành quyết định cụ thể về hình thức đối với mỗi đợt phát hành.

6. Lãi suất công cụ nợ Chính phủ

a) Lãi suất phát hành công cụ nợ Chính phủ tại thị trường trong nước đối với từng đợt do Kho bạc Nhà nước quyết định trong khung lãi suất do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại từng thời kỳ hoặc từng đợt phát hành. Đối với trái phiếu quốc tế, Bộ Tài chính quyết định lãi suất phát hành đối với từng đợt theo đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Điều 26 của Nghị định này.

b) Lãi suất danh nghĩa công cụ nợ Chính phủ trong nước có thể là cố định hoặc thả nổi theo thông báo của chủ thể phát hành tại từng đợt phát hành; trường hợp lãi suất danh nghĩa là lãi suất thả nổi, Bộ Tài chính hướng dẫn nguyên tắc tham chiếu lãi suất và cách xác định giá bán của công cụ nợ Chính phủ. Lãi suất danh nghĩa trái phiếu quốc tế thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.

7. Phương thức thanh toán lãi, gốc công cụ nợ Chính phủ

a) Đối với công cụ nợ Chính phủ phát hành tại thị trường trong nước:

- Phương thức thanh toán lãi có thể là định kỳ sáu (06) tháng một lần, hoặc mười hai (12) tháng một lần, hoặc thanh toán một (01) lần vào ngày đáo hạn cùng với thanh toán gốc.

- Tiền gốc được thanh toán một (01) lần vào ngày đáo hạn hoặc thanh toán trước hạn tùy theo phương thức phát hành của từng đợt phát hành.

b) Đối với trái phiếu quốc tế, phương thức thanh toán lãi, gốc theo quy định của thị trường phát hành và Đề án phát hành quy định tại Điều 26 Nghị định này.

Điều 7. Mua lại và hoán đổi công cụ nợ Chính phủ

1. Mua lại công cụ nợ Chính phủ

a) Chủ thể phát hành có thể mua lại công cụ nợ trước hạn để giảm nghĩa vụ nợ hoặc để cơ cấu lại nợ theo quy định tại Khoản 6 Điều 55 Luật Quản lý nợ công và văn bản hướng dẫn.

b) Việc mua lại công cụ nợ trước hạn phải đảm bảo công khai, minh bạch và theo nguyên tắc thị trường.

2. Hoán đổi công cụ nợ Chính phủ

a) Công cụ nợ đã phát hành có thể được hoán đổi để cơ cấu lại nợ theo quy định tại Khoản 6 Điều 55 Luật Quản lý nợ công và văn bản hướng dẫn.

b) Việc hoán đổi công cụ nợ Chính phủ phải đảm bảo công khai, minh bạch và theo nguyên tắc thị trường.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về quy trình và phương thức mua lại, hoán đổi công cụ nợ Chính phủ tại thị trường trong nước.

Điều 8. Đối tượng mua, bán công cụ nợ Chính phủ

1. Đối tượng mua, bán công cụ nợ Chính phủ phát hành tại thị trường trong nước:

a) Tổ chức trong và ngoài nước: quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi, các doanh nghiệp bao gồm cả tổ chức tín dụng.

b) Cá nhân trong và ngoài nước.

2. Đối tượng mua, bán công cụ nợ Chính phủ phát hành trên thị trường quốc tế là cá nhân, tổ chức theo quy định tại thị trường phát hành.

Điều 9. Quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sở hữu công cụ nợ Chính phủ

1. Quyền lợi của chủ sở hữu công cụ nợ Chính phủ

a) Được đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi công cụ nợ khi đến hạn thanh toán.

b) Được sử dụng công cụ nợ để chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế, chiết khấu và cầm cố theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ nộp thuế của chủ sở hữu công cụ nợ Chính phủ

a) Chủ sở hữu công cụ nợ Chính phủ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế (nếu có) đối với các khoản thu nhập phát sinh từ lãi công cụ nợ theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

b) Việc miễn trừ nghĩa vụ thuế đối với các khoản thu nhập từ gốc và lãi trái phiếu quốc tế do Chính phủ quyết định khi phê duyệt Đề án phát hành theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.

Chương II

PHÁT HÀNH, GIAO DỊCH CÔNG CỤ NỢ CHÍNH PHỦ TẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

MỤC 1. PHÁT HÀNH VÀ GIAO DỊCH CÔNG CỤ NỢ CHÍNH PHỦ

Điều 10. Các loại công cụ nợ Chính phủ và kỳ hạn phát hành

1. Tín phiếu Kho bạc có kỳ hạn chuẩn là 13 tuần, 26 tuần hoặc 52 tuần. Các kỳ hạn khác của tín phiếu kho bạc do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định tùy theo nhu cầu sử dụng vốn và tình hình thị trường nhưng không vượt quá 52 tuần.

2. Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn chuẩn là 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm và các kỳ hạn khác theo thông báo của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong từng thời kỳ.

3. Trái phiếu Chính phủ xanh là một loại trái phiếu Chính phủ, được phát hành để đầu tư cho các dự án xanh nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính thí điểm phát hành trái phiếu Chính phủ xanh theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Công trái xây dựng Tổ quốc

a) Công trái xây dựng Tổ quốc có kỳ hạn quy định tại Khoản 2 Điều này.

b) Căn cứ nhu cầu huy động vốn của Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng phương án phát hành công trái xây dựng Tổ quốc trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Phương án phát hành công trái xây dựng Tổ quốc bao gồm các nội dung cơ bản sau: mục đích phát hành; điều kiện, điều khoản; thời gian phát hành; phương thức thanh toán gốc, lãi; khối lượng dự kiến phát hành; đối tượng mua công trái xây dựng Tổ quốc và tổ chức thực hiện.

c) Căn cứ vào phương án phát hành công trái được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, Bộ Tài chính tổ chức phát hành, thanh toán gốc, lãi công trái xây dựng Tổ quốc theo quy định tại Nghị định này.

Điều 11. Phương thức phát hành công cụ nợ Chính phủ

1. Tín phiếu kho bạc được phát hành theo các phương thức sau:

a) Đấu thầu phát hành.

b) Phát hành trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bộ Tài chính thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với từng đợt phát hành theo phương thức này.

2. Trái phiếu Chính phủ và công trái xây dựng Tổ quốc được phát hành theo các phương thức sau:

a) Đấu thầu phát hành.

b) Bảo lãnh phát hành.

c) Phát hành riêng lẻ.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về phương thức và quy trình phát hành công cụ nợ Chính phủ.

Điều 12. Đối tượng tham gia đấu thầu, bảo lãnh và phát hành riêng lẻ công cụ nợ Chính phủ

1. Đối tượng tham gia đấu thầu tín phiếu Kho bạc:

a) Nhà tạo lập thị trường theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này.

b) Trường hợp nhà tạo lập thị trường không mua hết khối lượng của đợt phát hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được quyền mua một phần hoặc toàn bộ khối lượng còn lại phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính.

2. Đối tượng tham gia đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc:

a) Nhà tạo lập thị trường theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này. Nhà tạo lập thị trường được mua cho chính mình hoặc mua cho khách hàng.

b) Các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này mua công cụ nợ Chính phủ thông qua các nhà tạo lập thị trường khi tham gia đấu thầu.

3. Đối tượng đủ điều kiện làm tổ chức bảo lãnh chính theo phương thức bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc:

a) Là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 19 Nghị định này. Nhà tạo lập thị trường được ưu tiên làm tổ chức bảo lãnh chính nếu đáp ứng được quy định của Kho bạc Nhà nước đối với mỗi đợt phát hành.

b) Có chức năng cung cấp dịch vụ bảo lãnh chứng khoán theo quy định của pháp luật.

c) Có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo lãnh chứng khoán.

d) Có phương án bảo lãnh phát hành khả thi đáp ứng được quy định của chủ thể phát hành đối với mỗi đợt phát hành.

4. Đối tượng tham gia phát hành riêng lẻ công cụ nợ Chính phủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này.

Điều 13. Đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ Chính phủ

1. Công cụ nợ Chính phủ được đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam theo đề nghị của chủ thể phát hành đối với từng đợt phát hành.

2. Công cụ nợ Chính phủ được niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán theo đề nghị của chủ thể phát hành.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết hoạt động đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ Chính phủ theo quy định tại Nghị định này và pháp luật chứng khoán.

Điều 14. Tổ chức thị trường giao dịch công cụ nợ Chính phủ

1. Đối tượng tham gia giao dịch công cụ nợ tại Sở Giao dịch chứng khoán bao gồm:

a) Nhà tạo lập thị trường theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này;

b) Kho bạc Nhà nước tham gia giao dịch để quản lý ngân quỹ và thực hiện các nghiệp vụ quản lý nợ Chính phủ theo quy định của pháp luật.

c) Thành viên giao dịch khác trên Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán không phải là nhà tạo lập thị trường quy định tại Điểm a Khoản này.

2. Chủ sở hữu công cụ nợ không thuộc các đối tượng nêu tại Khoản 1 Điều này thực hiện giao dịch thông qua nhà tạo lập thị trường hoặc các thành viên giao dịch theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 15. Các loại hình giao dịch công cụ nợ Chính phủ

1. Công cụ nợ Chính phủ được giao dịch trên thị trường thứ cấp theo các loại hình sau:

a) Mua bán thông thường;

b) Mua bán lại;

c) Bán kết hợp mua lại;

2. Giao dịch mua bán lại và bán kết hợp mua lại công cụ nợ Chính phủ không thuộc hoạt động cấp tín dụng và được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

a) Kỳ hạn của giao dịch tối đa không quá ba trăm sáu tư (364) ngày;

b) Bên mua và bên bán tự thỏa thuận và ký hợp đồng giao dịch. Hợp đồng giao dịch bao gồm các nội dung cơ bản sau:

- Thời hạn giao dịch;

- Lãi, cách xác định lãi mua bán lại;

- Giá giao dịch, công thức tính giá;

- Tỷ lệ phòng vệ rủi ro (haircut);

- Quyền hưởng lãi và các thu nhập liên quan (nếu có) từ công cụ nợ trong thời hạn thực hiện giao dịch mua bán lại;

- Điều khoản xử lý trong trường hợp các bên không thực hiện thanh toán theo thỏa thuận, trong đó quy định quy trình và cách thức xử lý tài sản đảm bảo.

c) Trường hợp một bên mất khả năng thanh toán và không thực hiện theo hợp đồng đã ký kết thì tài sản đảm bảo cho hợp đồng mua bán lại thuộc quyền sở hữu của bên đối tác theo quy định tại Điều 305 của Bộ Luật Dân sự.

Điều 16. Thanh toán gốc, lãi công cụ nợ Chính phủ

1. Chính phủ bảo đảm nguồn thanh toán gốc, lãi công cụ nợ Chính phủ khi đến hạn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý nợ công.

2. Bộ Tài chính tổ chức thanh toán gốc, lãi công cụ nợ Chính phủ cho chủ sở hữu khi đến hạn.

Điều 17. Sử dụng nguồn vốn phát hành công cụ nợ Chính phủ

Toàn bộ số tiền thu được từ phát hành công cụ nợ phải tập trung vào ngân sách trung ương để sử dụng theo đúng mục đích phát hành, quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các văn bản pháp luật liên quan.

Điều 18. Chi phí phát hành, thanh toán công cụ nợ Chính phủ

1. Các khoản chi phí phát sinh trong quá trình phát hành, đăng ký, lưu ký và thanh toán công cụ nợ Chính phủ do ngân sách trung ương chi trả.

2. Mức chi phí chi trả cho các tổ chức thực hiện đấu thầu, bảo lãnh, phát hành riêng lẻ, đăng ký, lưu ký, thanh toán công cụ nợ Chính phủ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

MỤC 2. NHÀ TẠO LẬP THỊ TRƯỜNG

Điều 19. Điều kiện trở thành nhà tạo lập thị trường

1. Là ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

2. Có vốn chủ sở hữu thực góp tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật liên quan.

3. Có thời gian hoạt động tối thiểu là ba (03) năm. Trường hợp tổ chức nhận sáp nhập hoặc hình thành sau chia, tách, hợp nhất thì thời gian hoạt động được tính cả thời gian trước khi chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất.

4. Tham gia mua hoặc môi giới mua, bán công cụ nợ trên thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp với khối lượng tối thiểu đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong từng thời kỳ.

Điều 20. Quyền lợi và nghĩa vụ của nhà tạo lập thị trường

1. Nhà tạo lập thị trường có các quyền lợi sau:

a) Là đối tượng duy nhất được tham gia vào các phiên phát hành công cụ nợ Chính phủ theo phương thức đấu thầu để mua cho chính mình hoặc mua cho khách hàng;

b) Được ưu tiên lựa chọn làm tổ chức bảo lãnh chính đối với các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ và công trái xây dựng Tổ quốc theo phương thức bảo lãnh nếu đáp ứng được quy định của chủ thể phát hành đối với từng đợt bảo lãnh phát hành;

c) Được tham gia trao đổi định kỳ với Bộ Tài chính về công tác phát hành công cụ nợ Chính phủ và định hướng chính sách phát triển thị trường trái phiếu trong từng thời kỳ;

d) Được đăng ký mua thêm công cụ nợ Chính phủ để phục vụ đầu tư và phân phối lại ngay sau phiên đấu thầu theo thông báo của Kho bạc Nhà nước;

đ) Được vay công cụ nợ giữa các nhà tạo lập thị trường để thực hiện nghĩa vụ của nhà tạo lập thị trường quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này;

g) Được hưởng ưu đãi về chi phí giao dịch trên thị trường thứ cấp (nếu có) theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

e) Được ưu tiên tham gia các phiên mua lại và hoán đổi công cụ nợ Chính phủ của Bộ Tài chính.

2. Nhà tạo lập thị trường có các nghĩa vụ sau:

a) Tham gia các phiên đấu thầu, bảo lãnh phát hành công cụ nợ Chính phủ theo quy định.

b) Tham gia mua trên thị trường sơ cấp, giao dịch trên thị trường thứ cấp với khối lượng tối thiểu theo quy định trong từng thời kỳ để đảm bảo thanh khoản của thị trường;

c) Đảm bảo có các công cụ nợ Chính phủ chuẩn để thực hiện nghĩa vụ cam kết chắc chắn chào giá mua, chào giá bán hàng ngày với lãi suất hợp lý theo quy định của Bộ Tài chính trong từng thời kỳ. Trường hợp khi thực hiện nghĩa vụ này mà nhà tạo lập thị trường chưa có công cụ nợ chuẩn thì phải vay trên thị trường để thực hiện nghĩa vụ chào giá mua, chào giá bán. Trường hợp không vay được công cụ nợ trên thị trường, Kho bạc Nhà nước phát hành bổ sung công cụ nợ chuẩn đó và thực hiện giao dịch mua bán lại với nhà tạo lập thị trường theo quy định tại Khoản 3 Điều này;

d) Thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền mua công cụ nợ Chính phủ;

đ) Thực hiện chế độ thông tin và báo cáo định kỳ theo quy định.

3. Trên cơ sở đề nghị của nhà tạo lập thị trường theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này, Kho bạc Nhà nước phát hành bổ sung công cụ nợ Chính phủ với điều kiện, điều khoản tương ứng với công cụ nợ chuẩn mà nhà tạo lập thị trường đã cam kết bán cho nhà đầu tư. Đồng thời Kho bạc Nhà nước thực hiện giao dịch mua bán lại công cụ nợ đã phát hành với nhà tạo lập thị trường thông qua hợp đồng mua bán lại với các nội dung cơ bản sau:

a) Kỳ hạn mua bán lại công cụ nợ tối đa là bảy (7) ngày và được phép gia hạn thêm nhưng tổng thời gian tối đa không quá mười bốn (14) ngày.

b) Công cụ nợ Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành để thực hiện hỗ trợ thanh khoản cho nhà tạo lập thị trường phải nằm trong hạn mức vay nợ hàng năm của Chính phủ.

c) Trường hợp đáo hạn hợp đồng bao gồm cả thời gian đã gia hạn mà nhà tạo lập thị trường không hoàn trả được trái phiếu, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục tất toán hợp đồng mua bán lại và hạch toán tiền đảm bảo của hợp đồng vào vay nợ của Ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

4. Căn cứ vào tình hình thị trường, kế hoạch phát hành công cụ nợ và các quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể quyền lợi và nghĩa vụ của nhà tạo lập thị trường; công bố danh sách nhà tạo lập thị trường trong từng thời kỳ; hướng dẫn quy trình thực hiện nghiệp vụ hỗ trợ nhà tạo lập thị trường.

Điều 21. Hồ sơ đăng ký trở thành nhà tạo lập thị trường

1. Đơn đề nghị trở thành nhà tạo lập thị trường theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy phép thành lập và hoạt động (Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản sao không có chứng thực xuất trình cùng bản chính để đối chiếu).

3. Báo cáo tài chính của ba (03) năm liền kề trước năm đăng ký trở thành nhà tạo lập thị trường. Báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

4. Báo cáo về tình hình tham gia trên thị trường trái phiếu Chính phủ tối thiểu một (01) năm liền kề trước thời điểm nộp đơn theo các mẫu báo cáo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 22. Quy trình, thủ tục công nhận nhà tạo lập thị trường

1. Các tổ chức đủ điều kiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định này có nhu cầu trở thành nhà tạo lập thị trường gửi một (01) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 21 Nghị định này đến Bộ Tài chính. Thời gian nhận hồ sơ là từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 11 hàng năm.

2. Trong vòng năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tài chính kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và đề nghị tổ chức bổ sung hồ sơ (nếu có).

3. Sau khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, Bộ Tài chính xem xét, đánh giá theo các tiêu chí quy định tại Điều 18 Nghị định này. Căn cứ vào kết quả xem xét hồ sơ, Bộ Tài chính có công văn thông báo danh sách các tổ chức được lựa chọn làm nhà tạo lập thị trường theo định kỳ hàng năm. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện, Bộ Tài chính có công văn thông báo cho tổ chức nộp hồ sơ và nêu rõ lý do.

--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của Dự thảo ----

Ngày:08/09/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM