Những lưu ý quan trọng khi kí kết hợp đồng hợp tác kinh doanh

Hợp đồng hợp tác kinh doanh là sự thỏa thuận hợp tác của các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó. Khi ký hợp đồng bạn cần lưu ý các điểm sau đây: Bản chất, nội dung, quy định, hạn chế và lợi ích mà hợp đồng hợp tác kinh doanh mang lại. Hãy tham khảo bài viết dưới đây cùng eLib để nắm thêm chi tiết nhé!

Những lưu ý quan trọng khi kí kết hợp đồng hợp tác kinh doanh

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (Hợp đồng BCC) là sự thỏa thuận hợp tác của các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó. Bản chất của hợp đồng BCC là không thành lập tổ chức kinh tế (pháp nhân) nên các bên tham gia cần phải tìm hiểu để nắm bắt được những quy định khi kí kết loại hợp đồng này. Dưới đây, là 5 điểm cần thiết mà các chủ thể tham gia đầu tư cần hiểu rõ

1. Bản chất của hợp đồng hợp tác kinh doanh

Theo định nghĩa thì: Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.

Như vậy: Hợp đồng BCC là một hình thức đầu tư được quy định theo luật đầu tư. Hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký kết giữa các nhà đầu tư trên cơ sở hợp đồng. Theo đó, các bên cùng góp vốn, cùng quản lý kinh doanh, cùng chịu rủi ro, cùng phân chia kết quả kinh doanh thu được nhưng không thành lập pháp nhân mới nào.

Ngoài ra, theo chế định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Hợp đồng hợp BCC là một dạng của hợp đồng dân sự, hình thành trên cơ sở nhu cầu tập hợp các nguồn lực với mục đích cùng sản xuất, kinh doanh. Chủ thể là cá nhân, pháp nhân (doanh nghiệp) cùng hợp tác, liên kết với nhau bằng dựa theo thỏa thuận của hợp đồng hợp tác đề đạt đươc hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao hơn.

2. Nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh

Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 thì hợp đồng hợp tác kinh doanh gồm có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;

b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;

c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng; e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng; g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp." (theo Điều 29)

Theo đó, trong quá trình thực thi hợp đồng hợp tác kinh doanh, các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh vào mục đích thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các bên tham gia hợp đồng BCC cũng được quyền thỏa thuận những nội dung khác, mà không trái với quy định của pháp luật.

Nên xem qua các Mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh mới nhất hiện nay để nắm được chi tiết nội dung trong mỗi loại hợp đồng.

3. Quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh theo hình thức đầu tư

Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh lập ra ban điều phối nhằm thực hiện các điều khoản của hợp đồng hợp tác kinh doanh. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của những người thuộc ban điều phối do các bên thỏa thuận và quy định.

Trường hợp hợp đồng hợp tác kinh doanhđược ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

Trường hợp hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc là giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau thì phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo luật định.

4. Lợi ích mà hợp đồng hợp tác kinh doanh mang lại

Hình thức hợp tác này là dễ tiến hành, dự án được triển khai nhanh, thời hạn đầu tư không bị kéo dài, nhà đầu tư hoàn toàn có thể sớm nhận được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh do không mất thời gian thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp và đầu tư xây dựng cơ sở, hạ tầng, máy móc sản xuất mới. Do vậy hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Các bên có thể tận dụng thế mạnh của nhau để tối ưu và nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất kinh doanh. Thông thường, nhà đầu tư trong nước với sự am hiểu về thị trường địa phương sẽ giúp cho việc xâm nhập thị trường của nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng, làm giảm thiểu rủi ro do sự thiếu hiểu biết môi trường cạnh tranh. Trong khí đó, nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế trình độ công nghệ, kỷ thuật hiện đại mô hình tổ chức quản lý tiên tiến và khoa học sẽ thúc đẩy hoạt động hợp tác phát triển, đem lại hiệu quả, lợi ích mà các bên mong muốn.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên tham gia vẫn sẽ giữ nguyên tư cách pháp lý của mình, nhân danh chính mình thực hiện hợp đồng. Chính điều này tạo nên sự linh hoạt, chủ động trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh theo thỏa thuận trên cơ sở bình đẳng, không ràng buộc.

5. Những hạn chế của hợp đồng hợp tác kinh doanh

Như đã biết, hợp đồng hợp tác kinh doanh không phải thành lập một tổ chức kinh tế mới. Do đó, khi thực hiện dự án đầu tư, các bên sẽ khó khăn hơn trong việc ký kết các hợp đồng liên quan khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hợp đồng BCC. Vì không không phải là tổ chức kinh tế (không phải là pháp nhân) nên các bên sẽ không có con dấu chung. Khi đó, các bên tham gia phải tiến hành thỏa thuận sử dụng con dấu của một bên để phục vụ hoạt động đầu tư hợp tác kinh doanh.

Hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC sẽ không phù hợp với những dự án có thời gian dài và yêu cầu việc quản lý, kinh doanh phức tạp.

Hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được quy định trong Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên, các quy định của luật này mới chỉ dừng lại ở những điều khoản chung chun. Hiện tại, chưa có Nghị định hay văn bản pháp luật nào khác hướng dẫn cụ thể, chi tiết về hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Vậy nên, nhà đầu tư cần có sự nghiên cứu, tìm hiều kỹ lưỡng trước khi lựa chọn hình thức đầu tư này để tránh gặp phải rủi ro rơi.

Hy vọng bài viết tham khảo này sẽ giúp các bạn nắm được bản chất, nội dung, quy định và lợi ích của bản hợp đồng hợp tác kinh doanh. Mời các bạn tham khảo!

Ngày:18/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM