GDCD 10 Bài 4: Nguồn gốc vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng

Bài học dưới đây giúp các em làm quen với khái niệm mâu thuẫn và các mặt đối lập cảu mâu thuẫn. Qua đó giúp các em vận dụng những hiểu biết đó vào cuộc sống, dám đấu tranh giải quyết mâu thuẫn, tránh thái độ nể nang "dĩ hòa vi quý".

GDCD 10 Bài 4: Nguồn gốc vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Thế nào là mâu thuẫn

a. Mặt đối lập của mâu thuẫn

Mâu thuẫn là một chỉnh thể trong đó hai mặt đối lập vừa thống nhất với nhau vừa đấu tranh với nhau

Mặt đối lập của mâu thuẫn là những khuynh hướng, tính chất, đặc điểm…mà trong quá trình vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng, chúng phát triển theo những chiều hướng trái ngược nhau.

Ví dụ Cực âm và cực dương, nóng và lạnh…

Trong mỗi sinh vật đều có mặt đồng hóa và dị hóa

  • Đồng hóa: quá trình tổng hợp các chất đơn giản thành những chất phức tạp
  • Dị hóa: tập hợp các chuỗi phản ứng chuyển hóa phân hủy các phân tử thành các đơn vị nhỏ hơn được hoặc bị oxy hóa để giải phóng năng lượng, hoặc được sử dụng trong các phản ứng đồng hóa khác.

⇒ Ta thấy đồng hóa và dị hóa chúng có mối quan hệ gắn bó với nhau, làm tiền đề cho nhau tồn tại, nếu thiếu một trong hai mặt thì sinh vật không tồn tại. Trong Triết học gọi đó là sự thống nhất giữa các mặt đối lập.

b. Sự thống nhất giữa các mặt đối lập: Sự thống nhất giữa các mặt đối lập là hai mặt đối lập liên hệ gắn bó với nhau, làm tiền đề tồn tại cho nhau.

Trong mâu thuẫn, sự thống nhất của các mặt đối lập không tách rời sự đấu tranh giữa chúng. Vì các mặt đối lập cùng tồn tại bên nhau, vận động phát triển theo những chiều hướng trái ngược nhau nên chúng luôn tác động, bài trừ, gạt bỏ nhau. Triết học gọi đó là sự đấu tranh giữa các mặt đối lập.

c. Sự đấu tranh giữa các mặt đối lập: Hai mặt đối lập luôn luôn tác động, bài trừ, gạt bỏ nhau, triết học gọi là: Sự đấu tranh giữa các mặt đối lập.

Khái niệm “đấu tranh” trong quy luật mâu thuẫn có ý nghĩa khái quát, tùy thuộc vào hình thức tồn tại cụ thể của các dạng vật chất mà chúng có những biểu hiện khác nhau (tác động, bài trừ, gạt bỏ).

1.2. Mâu thuẫn là nguồn gốc vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng

a. Giải quyết mâu thuẫn

  • Mâu thuẫn là một chỉnh thể trong đó 2 mặt đối lập vừa thống nhất với nhau vừa đấu tranh với nhau.
  • Mặt đối lập của mâu thuẫn là những khuynh hướng, tính chất, đặc điểm…mà trong quá trình vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng, chúng phát triển theo những chiều hướng trái ngược nhau.
  • Sự đấu tranh giữa các mặt đối lập là nguồn gốc.

b. Mâu thuẫn chỉ được giải quyết bằng đấu tranh

Mâu thuẫn chỉ được giải quyết bằng sự đấu tranh giữa các mặt đối lập, không phải bằng con đường điều hòa mâu thuẫn.

2. Luyện tập

Câu 1: Thế nào là mâu thuẫn? Thế nào là mặt đối lập? Những mặt đối lập có quan hệ với nhau như thế nào mới tạo thành mâu thuẫn? Cho ví dụ?

Gợi ý trả lời

Theo triết học Mác – Lê-nin, mâu thuẫn là một chỉnh thể, trong đó hai mặt đối lập vừa thống nhất với nhau, vừa đấu tranh với nhau.

Mặt đối lập là những khuynh hướng, tính chất, đặc điểm,... mà trong quá trình vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng, chúng phát triển theo những chiều hướng trái ngược nhau.

Trong mâu thuẫn, hai mặt đối lập liên hệ gắn bó với nhau, làm tiền đề tồn tại cho nhau, đồng thời chúng cũng luôn tác động, bài trừ, gạt bỏ lẫn nhau. Đó là sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập.

Ví dụ

Mọi hoạt động kinh tế đều có mặt sản xuất và mặt tiêu dùng. Chúng thống nhất với nhau tạo thành một chỉnh thế nhưng đồng thời cũng luôn tác động bài trừ nhau. Hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm còn hoạt động tiêu dùng thì lại triệt tiêu sản phẩm.

Trong mỗi con người luôn có hai mặt tốt và xấu.

Câu 2: Thế nào là “thống nhất” giữa các mặt đối lập? Cho ví dụ?

Gợi ý trả lời

Trong mỗi mâu thuẫn, hai mặt đối lập liên hệ gắn bó với nhau, làm tiền đề để tồn tại cho nhau. Triết học gọi đó là sự thống nhất giữa các mặt đối lập.

Ví dụ Trong hoạt động kinh tế, mặt sản xuất và tiêu dùng phát triển theo những chiều hướng trái ngược nhau nhưng nếu không có sản xuất thì không có sản phẩm để tiêu dùng; ngược lại, nếu không có tiêu dùng thì sản xuất mất lí do để tồn tại.

Câu 3: Thế nào là “đấu tranh” giữa các mặt đối lập? Cho ví dụ?

Gợi ý trả lời

Trong mỗi mâu thuẫn, sự thống nhất giữa các mặt đối lập không tách rời sự đấu tranh giữa chúng. Vì rằng các mặt đối lập cùng tồn tại bên nhau, vận động và phát triển theo chiều hướng trái ngược nhau, nên chúng luôn luôn tác động, bài trừ, gạt bỏ nhau. Triết học gọi đó là sự đấu tranh giữa các mặt đối lập.

Ví dụ Trong xã hội có đối kháng giai cấp, luôn có giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Hai giai cấp này là hai mặt đối lập và luôn đấu tranh với nhau để giành quyền lợi về mình.

Câu 4: Em hãy nêu một vài kết luận của bản thân qua việc nghiên cứu sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập của mâu thuẫn.

Gợi ý trả lời

Trong cuộc sống cần biết phân tích những mâu thuẫn trong nhận thức, trong rèn luyện phẩm chất đạo đức để thấy được các mặt của vấn đề.

Phải phân biệt đâu là đúng, đâu là sai, cái gì là tiến bộ, cái gì là lạc hậu để nâng cao nhận thức khoa học, phát triển nhân cách.

Biện pháp thường xuyên để giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống tập thể là phải tiến hành phê bình và tự phê bình, tránh thái độ xuề xòa, “dĩ hòa vi quý”, không dám đấu tranh chống lại những cái lạc hậu, tiêu cực.

Câu 5: Hãy lựa chọn phương án trả lời đúng nhất trong các phương án sau đây.

Bàn về sự phát triển, V.I. Lê-nin viết: “Sự phát triển là một cuộc “đấu tranh” giữa các mặt đối lập”. Câu đó V.I. Lê-nin bàn về:

a. Hình thức của sự phát triển.

b. Nội dung của sự phát triển.

c. Điều kiện của sự phát triển.

d. Nguyên nhân của sự phát triển

Gợi ý trả lời

Chọn đáp án d. Nguyên nhân của sự phát triển, vì:

Mỗi mâu thuẫn đều bao hàm sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Sự đấu tranh giữa các mặt đối lập làm cho các sự vật và hiện tượng không thể giữ nguyên trạng thái cũ. Kết quả của sự đấu tranh giữa các mặt đối lập là mâu thuẫn cũ mất đi, mâu thuẫn mới hình thành, sự vật và hiện tượng cũ được thay thế bằng sự vật hiện tượng mới. Qúa trình này tạo nên sự vận động, phát triển vô tận của thế giới khách quan. Do đó, sự đấu tranh giữa các mặt đối lập là nguồn gốc vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng.

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Nguồn gốc vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng GDCD 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Kết thúc bài học này, các em cần nắm các nội dung chính sau

  • Nhận biết được kết cấu của một mâu thuẫn; Hiểu rõ sự đấu tranh giữa các mặt đối lập của mâu thuẫn là nguồn gốc, là động lực của sự vật và hiện tượng
  • Nêu được khái niệm phát triển và hiểu được phát triển là khuynh hướng tất yếu của sự vật, hiện tượng
Ngày:24/07/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM