Lịch sử 7 Bài 6: Các quốc gia phong kiến Đông Nam Á

Bài học dưới đây tóm tắt sự hình thành các vương quốc cổ Đông Nam Á và sự hình thành và phát triển của các quốc gia phong kiến Đông Nam Á. Hi vọng đây là tài liệu bổ ích hỗ trợ cho các em học sinh lớp 7 trong quá trình học tập. Mời các em cùng tham khảo!

Lịch sử 7 Bài 6: Các quốc gia phong kiến Đông Nam Á

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Sự hình thành các vương quốc cổ Đông Nam Á

- Điều kiện tự nhiên: Chịu ảnh hưởng của gió mùa, thích hợp cho sự phát triển của cây lúa nước.

+ Thuận lợi: tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp.

+ Khó khăn: thường xuyên xảy ra nhiều thiên tai.

- Thời kì đồ đá đã tìm thấy dấu vết cư trú của con người ở Đông Nam Á.

- Những thế kỉ đầu công nguyên người Đông Nam Á đã biết sử dụng đồ sắt, xuất hiện những quốc gia cổ đầu tiên:

+ Vương quốc Cham-pa.

+ Vương quốc Phù Nam.

+ Các vương quốc ở hạ lưu sông Mê Nam.

+ Các vương quốc trên các đảo của in-đô-nê-xi-a.

Hình 1: Khu đền tháp Bô-rô Bu-đua (In-đô-nê-xi-a)

1.2. Sự hình thành và phát triển của các quốc gia phong kiến Đông Nam Á

- Nửa sau thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVIII là thời kì phát triển của các quốc gia phong kiến Đông Nam Á.

+ Ở In-đô-nê-xi-a: cuối thế kỉ XIII In-đô-nê-xi-a được thống nhất dưới Vương triều Mô-giô-pa-hit (1213-1527) hùng mạnh.

+ Ở Cam-pu-chia từ thế kỉ IX bước vào thời kì Ăng-co huy hoàng.

+ Ở Việt Nam: hai quốc gia Đại Việt và Cham-pa phát triển cực thịnh.

+ Ở Mi-an-ma: giữa thế kỉ XI, quốc gia Pa-gan thống nhất lãnh thổ lập nên vương triều Pa-gan.

Hình 2: Chùa tháp Pa-gan (Mi-an-ma)

+ Ở Thái Lan: Một bộ phận người Thái di cư xuống định cư ở lưu vực sông Mê Nam lập nên vương quốc Su-khô-thay.

+ Ở Lào: Giữa thế kỉ XIV, Vương quốc Lan Xang được thành lập.

- Nửa sau thế kỉ XVIII, các quốc gia Đông Nam Á bước vào thời kỳ suy yếu.

- Giữa thế kỉ XIX, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây.

1.3. Vương quốc Cam-pu-chia

- Thời Tiền sử (TK I – VI): Ngay từ thời tiền sử đã có một bộ phận cư dân sinh sống trên lãnh thổ Cam-pu-chia. Tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ, biết khắc bia bằng chữ Phạn.

- Thế kỉ VI – IX: Người Khơ-me thành lập nước Chân Lạp.

- Thế kỉ IX – XV: Cam-pu-chia bước vào thời kỳ Ăng-co huy hoàng:

+ Sản xuất nông nghiệp phát triển.

+ Lãnh thổ được mở rộng.

+ Nhiều công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng, nổi tiếng trên thế giới: Ăng-co Vát, Ăng-co Thom,...

Hình 3: Ăng-co Vát

- Thế kỉ XV-1863: Thời kì suy yếu và bị thực dân Pháp đô hộ.

1.4. Vương quốc Lào

- Chủ nhân đâu tiên của đất nước Lào là người Lào Thơng.

- Thế kỉ XIII, người Lào Lùm di cư đến Lào, sinh sống trong các mường cổ.

- Năm 1353, Pha Ngừm thống nhất các bộ lạc trên đất nước Lào lập ra nhà nước Lan Xang,

- Thế kỉ XV – XVII, vương quốc Lan Xang bước vào giai đoạn phát triển thịnh vượng.

Hình 4: Thạt Luổng (Lào)

+ Đối nội: chia đất nước thành các mường cử quan cai trị, xây dựng quân đội hùng mạnh.

+ Đối ngoại: giữ quan hệ hòa hiếu với các nước láng giềng, kiên quyết chống ngoại xâm.

- Thế kỉ XVIII, Lan Xang suy yếu dần bị Vương quốc Xiêm xâm chiếm, cai trị.

- Cuối thế kỉ XIX, bị thực dân Pháp xâm lược và biến thành thuộc địa.

2. Luyện tập

Câu 1: Điều kiện tự nhiên có những thuận lợi và khó khăn gì đối với sự phát triển nông nghiệp ở Đông Nam Á ?

Gợi ý trả lời

- Thuận lợi:

+ Khí hậu nhiệt đới gió mù nóng ẩm, mưa nhiều thích hợp cho sự phát triển trồng trọt, đặc biệt là lúa nước.

+ Đất phù sa màu mỡ ven các sông lớn tạo điều kiện cho nền nông nghiệp phát triển.

- Khó khăn:

+ Địa hình phân tán nhiều tầng, bán đảo nhỏ.

+ Thường xuyên xảy ra hạn hán, lũ lụt, thiên tai... gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Câu 2: Sự phát triển của vương quốc Cam-pu-chia thời Ăng-co được biểu hiện như thế nào ?

Gợi ý trả lời

Sự phát triển của vương quốc Cam-pu-chia thời Ăng-co được biểu hiện:

- Thi hành nhiều biện pháp nhằm phát triển nông nghiệp.

- Dùng vũ lực để mở rộng lãnh thổ.

- Văn hóa độc đáo, tiêu biểu là kiến trúc đền tháp như Ăng-co Vát , Ăng-co Thom....

Câu 3: Nêu các chính sách đối nội và đối ngoại của các vua thời Lan Xang.

Gợi ý trả lời

- Chính sách đối nội: Các vua Lan Xang củng cố đất nước, chia đất nước thành các mường, đặt quan cai trị, xây dựng quân đội do nhà vua chỉ huy.

- Chính sách đối ngoại:

+ Luôn chú ý giữ quan hệ hòa hiếu với các nước láng giềng như: Cam-pu-chia và Đại Việt.

+ Kiên quyết chiến đấu chống sự xâm lược của Miến Điện vào nửa sau thế kỉ XVI để bảo về lãnh thổ và nền độc lập của mình.

3. Kết luận

Bài học tóm tắt các quốc gia phong kiến Đông Nam Á. Qua đó, các em biết được sự hình thành các vương quốc cổ Đông Nam Á, sự hình thành và phát triển của các quốc gia phong kiến Đông Nam Á, đặc biệt là vương quốc Cam-pu-chia và vương quốc Lào.

Ngày:17/07/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM