Nghị luận văn học lớp 11

Văn mẫu lớp 11 giúp các em học sinh nắm bắt được cách viết văn, hiểu rõ hơn về các đề bài cũng như có được phong cách làm văn sáng tạo mới mẻ nhất. tất cả các bài văn mẫu về các vấn đề của bài văn nghị luận văn học được eLib chia sẻ giúp các em dễ dàng tìm kiếm, tham khảo và áp dụng vào bài làm văn của mình. Chúc các em học tốt!

1. Giới thiệu văn mẫu nghị luận văn học 11

- Nghị luận văn học là dùng những lý lẽ của mình để bàn bạc thuyết phục người khác về vấn đề mình đang nói tới. Để thuyết phục người khác nghe theo quan điểm, ý kiến cá nhân của mình và từ đó nhận ra những vấn đề nào là đúng và vấn đề nào là sai. Trong văn nghị luận ta sẽ gọi thái độ là tình, còn ý kiến là lý. Để thuyết phục được ý kiến của mình thì chúng ta cần có phải có lập luận sắc bén, dẫn chứng rõ ràng, có như vậy thì mọi người mới cảm thấy thuyết phục và đồng ý với quan điểm của mình. Tổng hợp những bài văn mẫu nghị luận dưới đây được eLib biên soạn và cập nhật dưới đây là những bài mẫu hay nhất tương ứng với những đề bài phổ biến trong các kì thi quan trong của chương trình Ngữ văn 11 là cơ sở để các em tham khảo, luyện tập, ôn tập thật tốt, nắm vững những kiến thức cơ bản để chinh phục kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Mời các em tham khảo nội dung từng bài văn chi tiết ở Menu bên trái đối với PC và Menu ở trên đối với Mobile.

2. Một số yêu cầu về kĩ năng làm bài nghị luận văn học 11

- Bài văn nghị luận văn học cần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn học.Trong quá trình viết bài văn nghị luận văn học, muốn chứng minh một cách thuyết phục sự thống nhất giữa nội dung và hình thức nghệ thuật ở tác phẩm văn học thì cần xác định trúng cái hay, cái lạ của các phương thức, thủ pháp nghệ thuật (cách dùng từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu trong thơ; cách miêu tả nhân vật, dẫn dắt cốt truyện trong tác phẩm tự sự) cũng như mối quan hệ của nó với chủ đề tư tưởng của tác phẩm để từ đó khẳng định được rằng việc tác giả lựa chọn sử dụng hình thức nghệ thuật ấy là “phương án tối ưu” để thể hiện nội dung (ví dụ: Với cách sử dụng ngôn ngữ tài tình trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du được đánh giá là bậc thầy về nghệ thuật thể hiện tâm lí nhân vật, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình).

- Để phân tích, lí giải thấu đáo vấn đề cần nghị luận, cần đặt nó trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể và ý đồ sáng tác của nhà văn. Mỗi nhà văn đều gắn với một thời đại, một bối cảnh xã hội – lịch sử nhất định. Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của nhà văn, được nhà văn sáng tạo trong một hoàn cảnh cụ thể và gửi gắm vào đó những nhận thức, những tình cảm của mình đối với cuộc sống và con người. Do đó, trong quá trình nghị luận, người viết không chỉ tiếp xúc với văn bản tác phẩm mà còn cần phải tìm hiểu, xem xét các yếu tố ngoài văn bản như bối cảnh xã hội, trào lưu văn học, hoàn cảnh sáng tác để có thể đưa ra những lí giải thấu đáo. Ví dụ: Bàn về số phận của người nông dân Việt Nam trong các tác phẩm Lão Hạc (Nam Cao), Tắt đèn (Ngô Tất Tố) cần liên hệ với hoàn cảnh xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 để ,lí giải vì sao các nhân vật lão Hạc, chị Dậu bị đẩy vào con đường cùng quẫn, bế tắc. Khi phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Khi con tu hú cần liên hệ với hoàn cảnh người tù cộng sản đang bị giam cầm nơi ngục tù, trong khi cuộc đấu tranh cách mạng ở bên ngoài đang diễn ra sục sôi để lí giải tâm trạng khao khát muốn được thoát khỏi ngục tù, vượt ra ngoài với bầu trời tự do của nhân vật trữ tình. Hoặc khi phân tích bài thơ. Mùa xuân nho nhỏ cần liên hệ với hoàn cảnh sáng tác (nhà thơ Thanh Hải viết bài thơ này trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, khi ông đang nằm trên giường bệnh) để khẳng định ý nghĩa sâu sắc và cảm động của khát vọng sống và cống hiến của một con người dù là lúc tuổi đôi mươi hay là “khi tóc bạc” và cận kề cái chết vẫn muốn được làm một “mùa xuân nho nhỏ” để “lặng lẽ dâng cho đời”.

- Cùng với việc giảng giải, phân tích, cần liên hệ mở rộng và vận dụng thao tác so sánh cũng như khả năng cảm thụ văn chương và vốn tri thức về nhiều lĩnh vực để khái quát, tổng hợp nên những kết luận, đánh giá nhằm khẳng định ý nghĩa của vấn đề cần nghị luận. Ví dụ: Khi phân tích hình ảnh người chiến sĩ trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, cần đặt bài thơ vào hoàn cảnh đất nước trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; liên hệ, so sánh với những thành công, hạn chế của dòng thơ viết về anh bộ đội lúc bấy giờ để đánh giá được những đóng góp đáng ghi nhận của nhà thơ Chính Hữu.

- Trong bài nghị luận văn học, hệ thống luận điểm cần rõ ràng, mạch lạc; các luận cứ đưa ra phải đúng đắn, sinh động; lập luận phải chặt chẽ, thuyết phục. Các ý trong bài văn được sắp xếp theo một trình tự hợp lí, liên kết thành một hệ thống chặt chẽ, mạch lạc. Bài văn nghị luận văn học vừa yêu cầu tính cụ thể, thuyết phục của nhũng luận cứ, vừa đòi hỏi tính khái quát của các luận điểm. Nếu sa vào liệt kê dẫn chứng cụ thể mà không rút ra được những nhận định, đánh giá khái quát thì sẽ không làm nổi bật được vấn đề cần nghị luận và không gây được ấn tượng cho người đọc. Do vây, việc kết hợp linh hoạt, tự nhiên giữa phân tích, bình giảng các chi tiết, hình ảnh cụ thể với nhận xét, đánh giá khái quát vừa là phương pháp tư duy, vừa là kĩ năng làm bài mà học sinh cần rèn luyện.

- Cách diễn đạt trong bài nghị luận văn học cần chuẩn xác, trong sáng, thê hiện những rung cảm chân thành, tự nhiên của người viết. Khi viết một bài văn nghị luận văn học, yêu cầu đặt ra không chỉ ở chỗ viết cái gì mà quan trọng còn là viết như thế nào, bằng thái độ, tình cảm ra sao. Cần cân nhắc từ cách dùng từ đến cách đặt câu, dựng đoạn. Ngôn từ, giọng văn phải làm sao vừa phù hợp với thể văn nghị luận, vừa diễn tả được các cung bậc cảm xúc của người viết. Cần lưu ý rằng cách thể hiện cảm xúc thông qua ngôn ngữ diễn đạt trong nghị luận văn học không giống với văn miêu tả, văn biểu cảm (với các câu cảm thán kiểu “Chao ôi!”, “Đẹp làm sao!”) mà phải là những rung cảm trong tâm hồn người viết, được hình thành trong quá trình người viết tiếp xúc và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm.

3. Các bước để viết một bài nghị luận văn học

3.1. Tìm hiểu đề

- Đọc kĩ đề, xác định nội dung nghị luận trong tác phẩm?

- Thao tác lập luận.

- Phạm vi dẫn chứng.

3.2. Tìm ý

- Tìm ý bằng cách lập câu hỏi: tác phẩm hay ở chỗ nào? Nó xúc động ở tình cảm, tư tưởng gì? Cái hay thể hiện ở hình thức nghệ thuật nào? Hình thức đó được xây dựng bằng những thủ pháp nào?

- Tìm ý bằng cách đi sâu vào những hình ảnh, từ ngữ, tầng nghĩa của tác phẩm,…

3.3. Lập dàn ý

a. Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

- Mở bài:

+ Giới thiệu tác giả, giới thiệu bài thơ, đoạn thơ (hoàn cảnh sáng tác, vị trí,…)

+ Dẫn bài thơ, đoạn thơ.

- Thân bài:

+ Làm rõ nội dung tư tưởng, nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ (dựa theo các ý tìm được ở phần tìm ý).

+ Bình luận về vị trí đoạn thơ, đoạn thơ.

- Kết bài:

Đánh giá vai trò và ý nghĩa đoạn thơ, bài thơ trong việc thể hiện nội dung tư tưởng và phong cách nghệ thuật của nhà thơ.

b. Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học

- Mở bài:

+ Giới thiệu khái quát ý kiến, nhận định.

+ Dẫn ra nguyên văn ý kiến đó.

- Thân bài: triển khai các ý, vận dụng các thao tác để làm rõ nhận định.

- Kết bài: khẳng định lại vấn đề, nêu ý nghĩa, liên hệ bản thân.

c. Nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi

- Mở bài:

+ Giới thiệu tác giả, tác phẩm (xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác,…).

+ Dẫn nội dung nghị luận.

- Thân bài:

+ Ý khái quát : tóm tắt tác phẩm

+ Làm rõ nội dung nghệ thuật theo định hướng của đề

+ Nêu cảm nhận, đánh giá về tác phẩm, đoạn trích.

- Kết bài: Nhận xét, đánh giá khái quát tác phẩm, đoạn trích (cái hay, độc đáo)

d. Nghị luận về một tình huống trong tác phẩm, đoạn trích văn xuôi

- Mở bài:

+ Giới thiệu về tác giả, vị trí văn học của tác giả. (có thể nêu phong cách).

+ Giới thiệu về tác phẩm (đánh giá sơ lược về tác phẩm).

+ Nêu nhiệm vụ nghị luận.

- Thân bài:

+ Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác:

  • Tình huống truyện: Tình huống truyện giữ vai trò là hạt nhân của cấu trúc thể loại. Nó là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt, khiến tại đó cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất, ý đồ tư tưởng của tác giả cũng bộc lộ đậm nét nhất.

+ Phân tích các phương diện cụ thể của tình huống và ý nghĩa của tình huống đó.

  • Tình huống 1: Ý nghĩa và tác dụng đối với tác phẩm.
  • Tình huống 2: Ý nghĩa và tác dụng đối với tác phẩm.

+ Bình luận về giá trị của tình huống

- Kết bài:

  •  Đánh giá ý nghĩa vấn đề đối với sự thành công của tác phẩm
  • Cảm nhận của bản thân về tình huống đó.

e. Nghị luận về một nhân vật, nhóm nhân vật trong tác phẩm, đoạn trích văn xuôi

- Mở bài:

  • Giới thiệu về tác giả, vị trí văn học của tác giả. (có thể nêu phong cách).
  • Giới thiệu về tác phẩm (đánh giá sơ lược về tác phẩm), nêu nhân vật.
  • Nêu nhiệm vụ nghị luận.

- Thân bài:

  • Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác.
  • Phân tích các biểu hiện tính cách, phẩm chất nhân vật.(chú ý các sự kiện chính, các biến cố, tâm trạng thái độ nhân vật).
  •  Đánh giá về nhân vật đối với tác phẩm.

- Kết bài:

  • Đánh giá nhân vật đối với sự thành công của tác phẩm, của văn học dân tộc.
  • Cảm nhận của bản thân về nhân vật đó.

3.4. Viết thành bài văn hoàn chỉnh

- Để bài văn có tính liên kết chặt chẽ giữa các phần, các đoạn, cần quan tâm sử dụng các hình thức chuyển ý (có thể thông qua các từ ngữ chuyển tiếp như: mặt khác, bên cạnh đó, không chì… mà còn… hoặc chuyển ý thông qua các câu văn có ý nghĩa liên kết giữa các đoạn).

4. Cách để đạt điểm cao trong bài nghị luận văn học lớp 11

4.1. Đọc nhiều để trau dồi vốn từ ngữ phong phú

- Với trên 10 năm kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Phi Hùng cho rằng một trong những vấn đề mấu chốt giúp học sinh viết văn hay cũng như có khả năng cảm thụ tốt đó là nhờ vào vốn từ ngữ phong phú. Bên cạnh đó học sinh phải có vốn hiểu biết rộng, nghĩa là phải biết quan sát đời sống xung quanh, các hiện tượng thực tế và từ đó suy ngẫm về chúng để tích lũy vốn sống cho mình. Thầy Hùng chia sẻ: “Văn học là nghệ thuật của ngôn từ, văn chương được cấu tạo từ chất liệu là từ ngữ, các câu văn và các đoạn văn. Do đó để viết văn hay thì chúng ta cần phải có sự tích lũy vốn từ ngữ sao cho thật phong phú và giàu có. Để tích lũy vốn từ ngữ một cách bài bản, đầy đủ và có hệ thống thì thầy khuyên các con phải đọc thường xuyên. Đọc để biết cách dùng từ, các cấu trúc câu hay cách diễn đạt ấn tượng, vì thế khi đọc chúng ta phải có ý thức tìm hiểu và gom góp vốn từ thì những từ ngữ đó mới lưu lại trong đầu của mình". Vì vậy trong quá trình đọc học sinh cần lựa chọn nên đọc cái gì, với học sinh thì nên ưu tiên đọc sách về tác phẩm văn học để tiếp thu kiến thức, vốn từ cũng như gia tăng khả năng cảm thụ tác phẩm văn học. Ngoài ra để mở rộng phạm vi vốn từ ngữ thì học sinh nên đọc thêm báo, tạp chí và sách tham khảo liên quan đến văn học; thường xuyên xem thời sự để cập nhật các vấn đề mới của xã hội.

4.2. Xác định đúng yêu cầu của đề, viết đúng chủ đề

- Một bài văn nghị luận văn học được đánh giá là hay thì trước hết phải viết đúng chủ đề và phải bám sát vào tác phẩm văn học mà đề yêu cầu, các luận điểm phải nêu bật được chủ đề chính của bài văn. Ví dụ đề yêu cầu là phân tích tinh thần yêu nước của nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân thì học sinh phải gắn liền nhân vật với tác phẩm để phân tích và đưa ra các dẫn chứng là các trích đoạn trong tác phẩm để làm sáng tỏ cho luận điểm của mình và thuyết phục được người đọc. Hoặc đối với tác phẩm thơ cũng tương tự như vậy, nên có trích dẫn thơ và bám sát vào đó để đưa ra ý kiến bình luận, diễn giải ý.

- Một vấn đề đặc biệt quan trọng mà các em phải lưu ý trong quá trình học và viết văn là phải làm sao để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nghĩa là phải dùng từ sao cho chuẩn, có nghĩa và dễ hiểu.  Ngoài ra trong quá trình viết văn đảm bảo bài văn đúng chủ đề, đầy đủ ý, các câu văn và đoạn văn mạch lạc, có sự liên kết với nhau, muốn bài văn thu hút được người đọc người nghe thì cần phải có khâu lập dàn ý. Việc lập dàn ý có thể làm phác thảo nhanh trên giấy, còn với những học sinh có kỹ năng và năng khiếu viết văn tốt thì có thể lập dàn ý trước ở trong đầu. Tránh trường hợp đặt bút viết bừa theo cảm hứng sẽ khiến bài văn bị lan man, dễ lạc đề.

4.3. Nắm chắc các kỹ năng cơ bản

- Ngoài kiến thức và vốn từ ngữ thì học sinh phải có các kỹ năng cơ bản để viết bài văn hay và thuyết phục. Ví dụ: Với một tác phẩm thơ thì cần phải tìm hiểu các hình ảnh thơ, từ ngữ, nhịp điệu, cách gieo vần, biện pháp nghệ thuật của bài thơ. Để từ đó tìm ra được cảm xúc của nhân vật trữ tình và ý tứ mà tác giả gửi gắm trong bài thơ. Còn với một tác phẩm văn xuôi thì cần tập trung vào phân tích nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, các chi tiết trong tác phẩm. Để từ đó làm sáng rõ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm đó. Tóm lại với mỗi một thể loại văn học, một tác phẩm cụ thể thì học sinh cần phải biết vận dụng thao tác phù hợp để làm nổi bật được cái hay, cái đẹp của tác phẩm cũng như giá trị văn học của chúng. Từ đó mới thuyết phục được người đọc, người nghe.

4.4. Luyện viết nhiều

- Để viết văn tốt, tiến bộ nhanh thì học sinh phải thường xuyên luyện tập, viết nhiều, đọc nhiều sẽ giúp tăng vốn từ cũng như khả năng diễn đạt, kết hợp các phương pháp làm văn thuần thục hơn. Đặc biệt, trong quá trình viết, các em cũng thấy được những hạn chế của bản thân để khắc phục, triển khai bài tốt hơn trong các bài viết sau.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM