Cảm nhận khổ đầu bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

Bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính đã diễn tả một cách tinh tế những tình cảm đôi lứa giản dị nhưng không kém phần thơ mộng và lãng mạn, đặc biệt khổ thơ đầu tiên chính là lời khẳng định tình yêu một cách chân thành và mộc mạc. Để hiểu rõ hơn về khổ thơ này eLib mời các em cùng theo dõi tài liệu dưới đây nhé! Chúc các em có được những bài văn thật hay!

Cảm nhận khổ đầu bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

1. Dàn ý phân tích khổ thơ đầu của bài thơ Tương tư

a. Mở bài:

- Nguyễn Bính luôn hướng đến chủ đề về tình yêu, đó là một tình yêu mộc mạc và giản dị, chân thành, nổi bật với chủ đề tình yêu chính là bài thơ Tương tư, bài thơ là lời của chàng trai đang yêu với nỗi nhớ da diết băn khoăn vì không nhận được sự đáp lại của cô gái mình yêu. Khổ thơ đầu tiên đã tái hiện đầy sống động tình yêu đầy mộc mạc mà không kém phần tinh tế, ý nhị của chàng trai.

b. Thân bài:

- Tác giả đã mở đầu bài thơ bằng cách thể hiện tình yêu chân thành cùng nỗi nhớ da diết dành cho cô gái.

- Ở trong hai câu thơ đầu tiên, Nguyễn Bính đã hình tượng hóa nỗi nhớ thông qua hình ảnh hoán dụ về “thôn Đoài” và “thôn Đông”.

- Sự giải bày tình cảm mang tính tế nhị đã thể hiện được cái mộc mạc, chân chất trong tình yêu của chàng trai quê.

- Mức độ của tình cảm được thể hiện thông qua câu thành ngữ “chín nhớ mười mong” đã thể hiện được nỗi nhớ nhung khôn xiết, thường trực trong tâm hồn của người đang yêu.

- Tình yêu đơn phương được thể hiện đầy ý nhị, kín đáo, có thể dễ dàng khơi dậy cảm xúc trong trái tim của người đọc.

- Không chỉ thể hiện nỗi nhớ của kẻ si tình mà tác giả Nguyễn Bính còn khái quát căn “bệnh” tương tư như một trạng thái điển hình, tự nhiên trong tình yêu.

- Nắng mưa là quy luật của tự nhiên không thể thay đổi cũng như tương tư là trạng thái tâm lí tự nhiên, tất yếu bên trong con người.

- Hình ảnh thôn Đoài, thôn Đông xuyên suốt bài thơ như đại diện cho những chủ thể về tình cảm.

- Lời thơ giản dị, chân thành lại được kết hợp với nhịp thơ chậm như lời tâm sự da diết, say sưa mà cũng đầy khắc khoải, bối rối trong tình yêu.

c. Kết bài:

- Qua bốn câu thơ đầu, tác giả Nguyễn Bính đã tái hiện đầy sinh động nỗi thương nhớ, tương tư của chàng trai dành cho cô gái mình yêu.

2. Bình giảng khổ 1 bài Tương tư của Nguyễn Bính

Thơ Nguyễn Bính luôn mang đậm nét dân dã, thôn quê, tình yêu giản dị nhưng đầy chân thành, thơ Nguyễn Bính khiến người ta cảm nhận được những cảm xúc chân thật trong tình yêu. Ấy vậy mà trải qua bao nhiêu giai đoạn, những bài thơ của Nguyễn Bính vẫn nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. “Tương tư” là một trong số những bài thơ hay viết về tình yêu đôi lứa, thấm đượm những tình cảm vừa trong sáng lại vừa chân thực.

Những vần thơ của Nguyễn Bính không giống thơ hiện đại là mấy mà nó lại giống như những câu ca dao không biết từ khi nào đi vào lòng người một cách dễ dàng như vậy. Lấy cách ví von của người xưa, tương tư lại trở thành một hiện tượng, dám nói trực tiếp lên tình cảm của đôi lứa. Những câu thơ lục bát như những lời hát rồi lại đáp lại của những cặp đôi có tình ý với nhau. 

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Một người chín nhớ mười mong một người”

Trong cuộc sống hàng ngày, tương tư là chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương, thầm kín của người con người với đối tượng mà mình có cảm tình hoặc yêu thích. Vậy mới nói, tình yêu nào cũng bắt đầu bằng nỗi nhớ, và tình yêu trong Tương tư cũng vậy. Cũng là nhớ, nhưng là “chín nhớ mười mong”, là nhớ thương khắc khoải. Cái nỗi nhớ da diết tưởng chừng như không đong đếm được được nhà thơ gói gọn trong bốn chữ “chín nhớ mười mong” nhưng lại càng khiến cho nỗi nhớ như trải rộng thêm ra, đầy thêm lên.

Nỗi nhớ ấy chính là tương tư, chính là biểu hiện của tình yêu! Đến hai câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã khẳng định đó chính là tình yêu! Vì yêu nên mới “chín nhớ mười mong”, vì yêu nên mới tương tư, chờ đợi:

“Gió mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Đến đây, nỗi nhớ đã được chỉ đích danh. Đó là nỗi nhớ của tình yêu, nỗi nhớ của một người con trai dành cho một người con gái. Người con trai đang yêu này là con người có gốc rễ sâu xa với làng mạc quê hương. Vì thế, đến cả cái chất yêu, cái chất nhớ cũng đượm tình quê, hồn quê bình dị mà chân thật. 

Chữ “tôi” xuất hiện trong bài thơ của Nguyễn Bính thật đáng yêu. Thôn Đoài với thôn Đông là nơi nhà “Nàng” và nhà “Tôi” đang ở,cũng là cách nói cụ thể hóa, hai thôn chính là hai cầu nối cho nàng và tôi gần nhau hơn. Sử dụng hoán dụ - nhân hoá kết hợp với thành ngữ và nghệ thuật phân hợp số từ - vị ngữ “chín, mười, nhớ mong, chín nhớ mười mong” góp phần làm cho tứ thơ trở nên bình dị mà hồn nhiên, đằm thắm. “chín nhớ mười mong một người” giống như tâm trạng “ bổi hổi bồi hồi” hay tâm trạng của cô gái trong bài ca dao “ khăn thương nhớ ai,không chỉ đầy ắp, da diết trong lòng chàng trai đa tình mà còn tràn ngập cả xóm thôn, cả thôn Đông lẫn thôn Đoài. Vì yêu cho nên tương tư đã thành “bệnh”, thật đáng thương,… cũng như bệnh nắng mưa của trời vậy. Cách so sánh “bệnh giời” với bệnh tương tư “của tôi yêu nàng”, tác giả Nguyễn Bính đã diễn tả hồn nhiên, thú vị về nỗi buồn tương tư trong tình yêu là lẽ tự nhiên, là tất yếu. Gần thì thương, xa thì nhớ,đấy là những cảm xúc thường thấy của tình yêu.

Chỉ với bốn câu thơ thôi, phần nào người đọc đã cảm nhận được cái tình mộc mạc mà trong trẻo trong thơ của Nguyễn Bính. Yêu đấy, thương đấy, nhiều lắm đấy nhưng nhẹ nhàng, e ấp đậm chất quê.

3. Em hãy phân tích khổ thơ đầu tác phẩm Tương tư

Nguyễn Bính là thi sĩ của đồng quê, như nhà văn Tô Hoài từng nhận xét: “Chỉ có quê hương mới tạo ra được từng chữ, từng câu Nguyễn Bính. Trên chặng đường ngót nửa thế kỉ đề thơ, mỗi khi những gắn bó mồ hôi nước mắt kia đằm lên, ngây ngất, day dứt không thể yên, khi ấy xuất hiện những bài thơ tình yêu tuyệt vời của Nguyễn Bính”. Để bàn luận đến phong cách thơ bình dị, mộc mạc, đậm chất thôn quê của Nguyễn Bính, chúng ta không thể nào không nhắc đến Tương tư.

Cũng như các nhà thơ lãng mạn đương thời, Nguyễn Bính say mê với đề tài tình yêu. Nhưng cách biểu hiện thì theo một lối riêng của chính ông. Trong khi các nhà thơ lãng mạn hướng về phương Tây, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây, thì Nguyễn Bính hướng về nghệ thuật dân tộc, chịu ảnh hưởng của thơ ca dân gian.

Mở đầu bài thơ, tác giả Nguyễn Bính đã nhắc đến một tình yêu chân thành với nỗi nhớ da diết của nhân vật trữ tình dành cho cô gái mình yêu:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người”

Nỗi nhớ là tâm trạng thường trực của những người đang yêu. Ở trong hai câu thơ đầu tiên, Nguyễn Bính đã hình tượng hóa nỗi nhớ thông qua hình ảnh hoán dụ về “thôn Đoài” và “thôn Đông”. Sự dãi bày tình cảm mang tính tế nhị đã thể hiện được cái mộc mạc, chân chất trong tình yêu của chàng trai quê. Tình yêu của hai người được đặt trong không gian của làng quê càng gợi ra cái gần gũi, thân thương trong cảm xúc của độc giả.

Mức độ của tình cảm được thể hiện thông qua câu thành ngữ “chín nhớ mười mong” đã thể hiện được nỗi nhớ nhung khôn xiết, thường trực trong tâm hồn của người đang yêu. Đó không chỉ đơn thuần là nỗi nhớ mà còn là sự trông chờ, mong ngóng đến đứng ngồi không yên. Tình yêu đơn phương được thể hiện đầy ý nhị, kín đáo, có thể dễ dàng khơi dậy cảm xúc trong trái tim của người đọc.

Hình ảnh chàng trai ẩn mình trong biểu tượng “thôn Đoài”. Tình cảm cũng được che giấu tế nhị: “ngồi nhớ”, không hề vồ vập hay lộ liễu. Người xưa là thế, nhẹ nhàng, kín đáo mà đắm say, nồng nhiệt: “chín nhớ mười mong”.

Đọc thơ Nguyễn Bính thấy nhẹ nhàng và thanh lọc tâm hồn. Khung cảnh làng quê bình dị và mộc mạc được thể hiện trong Tương tư cùng với tình yêu đôi lứa dung dị, đậm chất tình quê.

Không chỉ thể hiện nỗi nhớ của kẻ si tình mà tác giả Nguyễn Bính còn khái quát căn “bệnh” tương tư như một trạng thái điển hình, tự nhiên trong tình yêu:

“Nắng mưa là bệnh của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Ở hai câu thơ này tác giả Nguyễn Bính đã có sự so sánh vô cùng độc đáo, tương tư là trạng thái tự nhiên trong trái tim kẻ si tình cũng như quy luật nắng mưa của tự nhiên. Cách ví von của tác giả vừa mang tính độc đáo vừa có chút hóm hỉnh về tình yêu. Nắng mưa là quy luật của tự nhiên không thể thay đổi cũng như tương tư là trạng thái tâm lí tự nhiên, tất yếu bên trong con người. Tương tư là trạng thái đặc biệt của cảm xúc, đó là sự rung động của con tim, là sự mơ tưởng, tưởng tượng đến những khoảnh khắc lứa đôi.

Những vần thơ này vừa có phần thơ mộng lại vô cùng lãng mạn, không có gì có thể thay đổi cảm xúc lâng lâng nhớ nhung đó, dù có trải qua bao nhiêu thời gian đi chăng nữa. Tương tư có những nỗi buồn, có hờn giận trách móc nhưng những cảm xúc đó lại trở thành một đặc sản của tình yêu tạo nên sự đáng yêu và khát khao trọn vẹn trong tình yêu của lứa đôi, đặc biệt là những mối tình đơn phương.

Ngày:26/01/2021 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM