Giá trị văn học và tiếp nhận văn học Ngữ văn 12

eLib xin giới thiệu đến các em bài học Giá trị văn học và tiếp nhận văn học trong chương trình Ngữ văn 12. eLib đã biên soạn bài học này một cách đầy đủ và chi tiết nhất, nhằm giúp các em nắm được kiến thức cơ bản về giá trị văn học và tiếp nhận văn học. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Giá trị văn học và tiếp nhận văn học Ngữ văn 12

1. Giá trị văn học

1.1. Khái niệm

- Giá trị văn học là sản phẩm kết tinh từ quá trình văn học ,đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cuộc sống con người ,tác động sâu sắc đến cuộc sống và con người

1.2. Các giá trị văn học

a. Giá trị về nhận thức

- Cơ sở:  

+ Là quá trình khám phá, lí giải hiện thực để chuyển hóa thành nội dung tác phẩm của nhà văn.

+ Do sự giới hạn tồn tại trong không gian, thời gian, quan hệ xã hội của người đọc.

- Nội dung:

+ Hiểu được cuộc sống hiện thực phong phú.

+ Hiểu được bản chất của con người.

- Hiểu bản thân mình hơn.

b. Giá trị về giáo dục

- Cơ sở:

+ Khách quan:

  • Nhu cầu hướng thiện

  • Con người luôn khao khát một cuộc sống tốt lành, chan hòa tình yêu thương giữa người với người (cho ví dụ).

+ Chủ quan: Do thái độ tư tưởng, tình cảm của nhà văn.

- Nội dung:

+ Giúp con người rèn luyện bản thân mình ngày một tốt đẹp hơn.

+ Có thái độ và lẽ sống đúng đắn.

- Đặc trưng của giá trị giáo dục của văn học:

+ Văn học giáo dục con người bằng con đường từ cảm xúc đến nhận thức bằng cái thật, cái đúng, cái đẹp của những hình tượng sinh động.

1.3. Giá trị thẩm mỹ

- Cơ sở:

+ Con người luôn có nhu cầu cảm thụ và thưởng thức cái đẹp

+ Nhà văn bằng tài năng đã thể hiện cái đẹp của cuộc sống, của con người vào trong tác phẩm của mình giúp người đọc cảm nhận, rung động.

- Nội dung:

+ Văn học mang đến cho con người vẻ đẹp muôn màu của cuộc đời (vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người...)

+ Miêu tả, thể hiện cái đẹp của con người từ ngoại hình đến thế giới nội tâm phong phú tinh tế bên trong.

+ Cái đẹp trong văn học không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn ở hình thức nghệ thuật tác phẩm : kết cấu, ngôn từ chặt chẽ, mới mẻ, độc đáo.

⇒ Cả 3 giá trị văn học đều có mối quan hệ mật thiết.

2. Tiếp nhận văn học

2.1. Tiếp nhận trong đời sống văn học

a. Vai trò của tiếp nhận trong đời sống văn học

Mối quan hệ qua lại : Sáng tạo - Truyền bá - Tiếp nhận.

⇒ Tiếp nhận văn học là một khâu quan trọng quyết định giá trị và sự tồn tại của tiếp nhận văn học.

b. Khái niệm tiếp nhận văn học

Tiếp nhận văn học là hoạt động tích cực của cảm giác, tâm lý người đọc biến văn bản thành thế giới nghệ thuật trong tâm trí mình.

2.2. Tính chất tiếp nhận văn học

Tiếp nhận văn học là một quá trình giao tiếp giữa tác giả và người đọc. Trong quá trình giao tiếp cần chú ý các tính chất sau :

a. Tính chất cá thể hóa, tính chủ động tích cực của người tiếp nhận.

b. Tính đa dạng không thống nhất trong tiếp nhận văn học.

2.3. Các cấp độ tiếp nhận văn học

a. Có 3 cấp độ tiếp nhận văn học

- Cấp độ thứ nhất : Tập trung vào nội dung cụ thể, nội dung trực tiếp của tác phẩm.

→ Cách tiếp nhận văn học đơn giản nhất nhưng phổ biến.

- Cấp độ thứ hai : Qua nội dung tác phẩm để thấy được nội dung tư tưởng của tác phẩm.

- Cấp độ thứ ba : Cảm thụ chú ý đến cả nội dung và hình thức để thấy được giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

b. Để tiếp nhận văn học có hiệu quả thực sự, người tiếp nhận cần

- Nâng cao trình độ

- Tích lũy kinh nghiệm

- Trân trọng tác phẩm, tìm cách hiểu tác phẩm một cách khách quan, toàn vẹn.

- Tiếp nhận một cách chủ động tích cực, sáng tạo, hướng tới cái hay, cái đẹp, cái đúng.

- Không nên suy diễn tùy tiện.

3. Luyện tập

Câu 1. Thế nào là cảm và hiểu trong tiếp nhận văn học ?

Gợi ý làm bài:

Cảm và hiểu là hai phương diện trong tiếp nhận văn học. Cảm là rung cảm, là cảm nhận bằng trực giác. Nếu chỉ đọc tác phẩm một cách qua loa, không hóa thân vào những suy nghĩ và cảm xúc của tác giả thì khó mà thấy được giá trị của nó, do đó cần đọc một cách say mê thì mới có thể cảm được. Tuy nhiên, cảm mới chỉ là cảm tính, có thể chưa sâu sắc, cần phải hiểu thì kết quả cảm  mới trở nên ảm ảnh. Muốn hiểu thì phải có tri thức, có vốn sống. Tri thức do học tập mà có. Vốn sống do tích lũy mà có.

Câu 2. Tự chọn phân tích một tác phẩm văn học cụ thể để làm sáng tỏ các giá trị của văn học (hoặc các cấp độ tiếp nhận văn học)

Gợi ý làm bài:

Biểu hiện giá trị của văn học trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam :

- Về giá trị thẩm mĩ, truyện ngắn Hai đứa trẻ đã mang tới cho người đọc những vẻ đẹp thân thuộc, gần gũi của quê hương Việt Nam, của thiên nhiên Việt Nam. Đó là một không gian có sự vận động theo bước đi của thời gian và được gọi tả bởi những cái có ở mọi miền quê : mở đầu là “một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”, rồi màn đêm dần dần buông xuống “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát […]. Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh”, cuối cùng đất trời đã về khuya “đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng”… Qua đó người đọc còn cảm nhận được vẻ đẹp của một tâm hồn tinh tế, gắn bó thật sâu nặng, thắm thiết với quê hương đất nước mình.

- Về giá trị nhận thức, truyện giúp người đọc hiểu rõ thực trạng đen tối, bế tắc của xã hội Việt Nam đương thời. Trong cảnh ngày tàn và chợ tàn, Thạch Lam khắc hoạ đậm nét kiếp sống tàn tạ, quẩn quanh của những người dân phố huyện. Cứ đến chiều tối, mấy đứa trẻ lại kéo ra bới nhặt trên bãi chợ, mẹ con chị Tí lại dọn hàng nước, bà cụ Thi lại đến mua rượu, bác Siêu lại gánh phở ra, bác xẩm lại rải manh chiếu và bày cái thau sắt, chị em Liên lại kiểm hàng và tính tiền… Họ tụ họp với nhau thành một xã hội nhỏ bé. Cái xã hội nhỏ bé đó tượng trưng cho cả xã hội rộng lớn lúc bấy giờ với biết bao con người phải chịu đựng một cuộc sống không chỉ nghèo khổ mà còn uể oải, mòn mỏi, nhàm chán. Ở đây, Thạch Lam rất chú ý miêu tả sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Mới đầu là ánh hoàng hôn đỏ rực, rồi ánh sao trên bầu trời, ánh đom đóm lập loè, ánh sáng của những ngọn đèn người ta thắp lên… cuối cùng những nguồn sáng ấy tắt dần, chỉ còn chiếc đèn con của chị Tí “chiếu sáng một vùng đất nhỏ”. Bóng tối đang nuốt dần ánh sáng hay chính là cuộc sống con người đang chìm vào tăm tối, đói nghèo ?

- Về giá trị giáo dục, tác phẩm là bài học sâu sắc về ý chí vươn lên, là bức thông điệp của niềm hi vọng. Chính ở nơi góc chợ tồi tàn, tăm tối ấy, những người dân quê vẫn chờ đợi một sự thay đổi nào đó, tâm trí họ vẫn ánh lên đốm lửa của tương lai : “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. Đặc biệt xúc động là tâm trạng đợi tàu của Liên và An. Chúng khắc khoải chờ đợi cả một ngày trời để được say mê nhìn đoàn tàu vụt qua trong chốc lát. Đoàn tàu gợi tới một thế giới giàu sang, nhộn nhịp và đầy ánh sáng, vì thế khi nó đi qua thì đối với Liên và An “con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua”. Đấy là nhu cầu bức thiết về tinh thần của hai đứa trẻ muốn trong chốc lát được thoát khỏi cuộc sống buồn chán hiện tại, đấy cũng là niềm khao khát được sống, dù chỉ trong khoảnh khắc, với một thế giới sung sướng hơn và ngập tràn ánh sáng. Đặt trong hoàn cảnh đương thời, tâm trạng đợi tàu của Liên và An đã chứa đựng nỗi khát khao không phải của riêng hai đứa trẻ mà là của cả dân tộc, đó là khát vọng đổi đời.

4. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Hiểu được những giá trị cơ bản của văn học: nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ.

- Nắm vững những nét bản chất của hoạt động giao tiếp văn học.

- Rèn luyện kĩ năng phân tích, thẩm định các tác phẩm văn học.

- Biết vận dụng kiến thức lí thuyết vào quá trình học tập các tác phẩm văn học.

- Cảm thụ tác phẩm văn học ở cấp độ cao nhất, có chiều sâu nhất.

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM