Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Bài học giúp các em nắm được những phương diện biểu hiện sự trong sáng của tiếng Việt, bao gồm: tính chuẩn mực, có quy tắc; sự không lai căng lạm dụng ngôn ngữ khác; phẩm chất văn hoá, lịch sự của lời nói. Từ đó, có ý thức giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt. naang cao kĩ năng nói, viết tiếng Việt.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

1. Các biểu hiện thể hiện sự trong sáng của tiếng Việt

1.1. Biểu hiện 1

- Tiếng Việt có hệ thống chuẩn mực, quy tắc chung về phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, cấu tạo lời nói, bài văn...
- Nguyên tắc:

  • Phát âm theo chuẩn của một phương ngữ nhất định, chú ý cách phát âm ở phụ âm đầu, phụ âm cuối, thanh điệu.
  • Tuân theo quy tắc chính tả, viết đúng phụ âm đầu, cuối, thanh điệu các từ khó.
  • Khi nói viết phải dùng từ đúng nghĩa và đầy đủ các thành phần câu.

1.2. Biểu hiện 2

Tiếng Việt không cho phép pha tạp lai căng, sử dụng tuỳ tiện, không cần thiết những yếu tố của ngôn ngữ khác.

1.3. Biểu hiện 3

  • Việc sử dụng những từ ngữ thô tục, thiếu văn hóa, thiếu lịch sự sẽ làm mất đi vẻ trong sáng của tiếng Việt.
  • Yêu cầu: Cần phải thể hiện được tính lịch sự, có văn hoá trong lời nói.

2. Luyện tập            

Câu 1: Phân tích tính lịch sự, có văn hóa trong lời nói trong các trường hợp sau:

a. 

Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

(Ca dao)

b.

“Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này?”

(Chí Phèo - Nam Cao)

Gợi ý làm bài

a. Cách xưng hô: mận, đào, vườn hồng ⇒ những hình ảnh ẩn dụ biểu tượng cho tình yêu của trai gái ngày xưa:

  • Mận: Người con trai
  • Đào: Người con gái
  • Vườn hồng: Tình yêu đôi lứa

⇒ Cách nói bóng gió phù hợp với sự kín đáo, lịch sự, tế nhị trong tình yêu.

b. Lời nói của Chí Phèo trong trích đoạn trên là lời nói của Chí khi đã bị tha hoá trở thành một tên côn đồ, bặm trợn, một con quỷ của làng Vũ Đại.

⇒ Lời nói không đảm bảo tính lịch sự, trong sáng của tiếng Việt. Tuy nhiên điều này lại tạo được hiệu quả nghệ thuật bởi tác giả muốn nhân vật trực tiếp bộc lộ tính cách đối với người đọc qua chính những ngôn ngữ của mình.   

Câu 2: Hãy phát hiện lỗi chữ viết (chính tả) và chữa lại cho đúng. 

a. Không giặc quần áo ở đây.
b. Khi sân trường khô dáo, chúng em chơi đá cầu hoặc đánh bi.                                    Gợi ý làm bài

- Những lỗi về chữ là:

  • a. Không giặc quần áo ở đây.
  • b. Khi sân trường khô dáo, chúng em chơi đá cầu hoặc đánh bi.

- Chữa:

  • a. Không giặt quần áo ở đây.
  • b. Khi sân trường khô ráo, chúng em chơi đá cầu hoặc đánh bi.

Câu 3:

Phân tích và sửa chữa các lỗi vi phạm chuẩn mực tiếng Việt để câu văn sau được trong sáng.

a. Nhà phê bình văn học ấy đưa ro những biến số khả biến, những phỏng đoán, những phỏng tưởng.

(Bài làm của học sinh)

b. Chỉ việc cắn răng không để chịu đựng đám ruồi vàng tha hồ đốt suốt ngày, anh đã xứng đáng là một anh hùng.

(Bài làm của học sinh)

c. Về xuất bản phẩm nước ngoài có nội dung đồi truỵ, phản động bằng tiếng nước ngoài và cả tiếng Việt đã xâm nhập vào thành phố ẩn nấp dưới nhiều dạng như băng cát-xét (truyện đọc đêm khuya có nội dung ma quái, kinh dị xen lẫn nội dung chính trị xấu).

(Bài làm của học sinh)

d. Theo khảo sát những người tham gia kháng chiến chống Mĩ ở chiến trường sau đó sinh con bị dị dạng, dị tật của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai, đến nay mới được ba đơn vị đã có 74 người sinh được 77 cháu bị dị dạng, dị tật.

(Bài làm của học sinh)

Gợi ý làm bài

Phân tích và chữa lỗi:

a. Từ biến số đã có nghĩa biến đổi, nên không cần từ khả biến. Từ phỏng tưởng do người viết tự tạo ra, không rõ nghĩa. Có thể đoán ý của người viết để chữa thành: Nhà phê bình văn học ấy đưa ra những số lượng khả biến, những phỏng đoán, những tưởng tượng hoang đường.

b. Dùng sai cách nói thông thường là “cắn răng chịu đựng” (chứ không phải là “cắn răng không để chịu đựng”).

  • Chữa thành : Chỉ một việc cắn răng chịu đựng đám ruồi vàng đốt suốt ngày thì anh đã xứng đáng là một anh hùng.

c. Dùng từ về ở đầu câu khiến cho ranh giới các thành phần câu không rõ ràng, ý câu không mạch lạc. Hai cách chữa :

  • Bỏ từ về : Xuất bản phẩm nước ngoài có nội dung đồi truy, phản động (bằng tiếng nước ngoài hoặc bằng tiếng Việt) đã xâm nhập vào thành phố dưới nhiều dạng, trong đó có băng cát-xét (những truyện đọc đêm khuya với nội dung ma quái, kinh dị, xen lẫn nội dung chính trị xấu).
  • Giữ từ về : về xuất bản phẩm nước ngoài, nhiều dạng có nội dung đồi truy, phản động (bằng tiếng nước ngoài hoặc bằng tiếng Việt) đã xâm nhập vào thành phố, trong đó có băng cát-xét (những truyện đọc đêm khuya với nội dung ma quái, kinh dị, xen lẫn nội dung chính trị xấu).

d. Cụm từ “của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai” đặt sai vị trí, dễ gây hiểu nhầm; từ mới, từ được dùng không phù hợp với ý định đánh giá.

  • Chữa như sau:Theo khảo sát của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai, chỉ tính trong 3 đơn vị đã có tới 74 người trước đây tham gia kháng chiến chống Mĩ ở chiến trường, sau đó sinh ra 77 cháu bị dị dạng, dị tật.

Câu 4:

Phân tích ý kiến sau đây của Phạm Văn Đồng:

Trong có nghĩa là trong trẻo, không có chất tạp, không đục; sáng là sáng tỏ, sáng chiếu, sáng chói, nó phát huy cái trong, nhờ đó phản ánh được tư tưởng và tình cảm của người Việt Nam ta, diễn tả trung thành và sáng tỏ những điều chúng ta muốn nói [...].

(Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)

Gợi ý làm bài

Tác giả phân tách khái niệm  thành hai phương diện :

  • “Trong có nghĩa là trong trẻo, không có chất tạp, không đục”. Trong thực tiễn dùng tiếng Việt, tạp chất có thể là những yếu tố ngoại lai bị lạm dụng trong lời nói, hoặc những biểu hiện thô tục, thiếu văn hoá trong việc dùng từ hay diễn đạt,...
  • “Sáng là sáng tỏ, sáng chiếu, sáng chói” nhờ đó “diễn tả trung thành và sáng tỏ những điều chúng ta muốn nói”. Muốn cho lời nói được sáng, cần tuân thủ các chuẩn mực trong tiếng Việt. Viết hay nói mà sai chuẩn mực tiếng Việt thì ý không được sáng. Khi cần chuyển đổi hay sáng tạo những hình thức biểu hiện mới so với chuẩn mực thì cũng cần tiến hành theo các phương thức và quy tắc vốn có của tiếng Việt. Có như vậy mới diễn tả được rõ và khiến cho người khác lĩnh hội được đúng ý của mình.

⇒ Như thế, trong sáng gồm hai phương diện, nhưng luôn luôn có quan hệ tương tác. 

3. Kết luận

Kết thúc bài học, các em cần nắm vững các kiến thức cơ bản sau:

  • Nhận thức được sự trong sáng của tiếng Việt biểu hiện ở một phương diện cơ bản và là một yêu cầu đối với việc sử dụng tiếng Việt.
  • Nâng cao kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nói, viết) để đạt được yêu cầu trong sáng, trân trọng sự giàu đẹp của tiếng Việt.
  • Có ý thức, thói quen giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt khi sử dụng; luôn nâng cao hiểu biết về tiếng Việt.
Ngày:10/07/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM