Phong cách ngôn ngữ khoa học Ngữ văn 12

Nội dung bài học dưới đây sẽ giúp các em hiểu rõ khái niệm ngôn ngữ khoa học và phong cách ngôn ngữ khoa học. Từ đó, các em sẽ có cơ hội được rèn luyện kĩ năng diễn đạt trong các bài tập, bài làm văn nghị luận và kĩ năng nhận diện phân tích đặc điểm của văn bản khoa học. Chúc các em học tốt!

Phong cách ngôn ngữ khoa học Ngữ văn 12

1. Văn bản khoa học và ngôn ngữ khoa học

1.1. Văn bản khoa học

- Các văn bản khoa học chuyên sâu bao gồm: chuyên khảo, luận án, luận văn, tiểu luận, báo cáo khoa học,... Loại văn bản này thường mang tính chuyên ngành khoa học cao và sâu.

- Các văn bản khoa học giáo khoa bao gồm: giáo trình, sách giáo khoa, thiết kế bài dạy,... về các môn khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Những văn bản này ngoài yêu cầu về khoa học còn có yêu cầu về sư phạm, tức là phải trình bày nội dung từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, phù hợp với trình độ học sinh theo từng cấp, từng lớp, có định lượng kiến thức từng tiết, từng bài, có phần trình bày kiến thức, có phần thực hành: câu hỏi và bài tập.

- Các văn bản khoa học phổ cập (khoa học đại chúng) bao gồm các bài báo và sách phổ biến khoa học kĩ thuật,... nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức khoa học cho đông đảo bạn đọc, không phân biệt trình độ chuyên môn. Yêu cầu của các loại văn bản này là viết dễ hiểu, hấp dẫn. Vì vậy, có thể dùng lối miêu tả, dùng cách ví von so sánh sao cho ai cũng có thể hiểu được để đưa khoa học vào cuộc sống.

1.2. Ngôn ngữ khoa học

- Ngôn ngữ khoa học là ngôn ngữ được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực khoa học, tiêu biểu là trong các văn bản khoa học. Có hai dạng sau:

+ Ở dạng viết, ngoài việc sử dụng từ ngữ, ngôn ngữ khoa học còn thường dùng các kí hiệu, công thức của các ngành khoa học hay sơ đồ, bảng biểu để tổng kết, so sánh, mô hình hóa nội dung khoa học.

+ Ở dạng nói, ngôn ngữ khoa học có yêu cầu ở mức độ cao về phát âm chuẩn, về diễn đạt mạch lạc, chặt chẽ; người nói thường dựa trên cơ sở một đề cương viết trước.

=> Dù ở dạng nào, ngôn ngữ khoa học cũng đều có những đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ khoa học.

2. Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học

2.1. Tính khái quát, trừu tượng

- Ngôn ngữ khoa học dùng nhiều thuật ngữ khoa học: từ chuyên môn dùng trong từng ngành khoa học và chỉ dùng để biểu hiện khái niệm khoa học.

- Kết cấu văn bản: mang tính khái quát (các luận điểm khoa học trình bày từ lớn đến nhỏ, từ cao đến thấp, từ khái quát đến cụ thể).

2.2. Tính lí trí, lôgic

- Từ ngữ: chỉ dùng với một nghĩa, không dùng các biện pháp tu từ.

- Câu văn: chặt chẽ, mạch lạc, là 1 đơn vị thông tin, cú pháp chuẩn.

- Kết cấu văn bản: Câu văn liên kết chặt chẽ và mạch lạc. Cả văn bản thể hiện một lập luận logic.

2.3. Tính khách quan, phi cá thể

- Câu văn trong văn bản khoa học: có sắc thái trung hoà, ít cảm xúc.

- Khoa học có tính khái quát cao nên ít có những biểu đạt có tính chất cá nhân.

3. Luyện tập

Câu 1: Hãy tìm các thuật ngữ khoa học, phân tích tính lý trí, logic của phong cách ngôn ngữ khoa học thể hiện trong đoạn trích sau:

"Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, là chất liệu của văn chương, văn học là nghệ thuật ngôn ngữ. Những điều đó đã được thừa nhận một cách hiển nhiên, dường như không có gì phải bàn cãi. Từ đó, nghiên cứu văn học nhất thiết không thể bỏ qua bình diện ngôn ngữ văn học, không chỉ bởi vì mọi yếu tố, mọi bình diện khác của văn học đều chỉ có thể được biểu đạt qua ngôn ngữ, mà còn vì sáng tạo ngôn ngữ là một trong những mục đích quan trọng, cũng là một phần không nhỏ trong sự đóng góp vào những giá trị độc đáo, riêng biệt của văn chương. Lịch sử văn học, xét về một phương diện cũng chính là lịch sử của ngôn ngữ văn học".

Ngôn ngữ văn học vừa là điều kiện, lại vừa là kết quả của quá trình vận động, biến đổi của văn học qua các thời kỳ, giai đoạn. Sự thay đổi hệ hình văn học cũng đi liền với sự thay đổi của hệ hình ngôn ngữ văn học, và qua đó phản ánh sự biến đổi của đời sống xã hội, của tư duy, của môi trường văn hóa tinh thần và các giá trị của quan niệm thẩm mỹ.

(Một số vấn đề trong nghiên cứu ngôn ngữ văn học Việt Nam thế kỉ XX - Nguyễn Văn Long)

Gợi ý trả lời:

- Các thuật ngữ khoa học: Ngôn ngữ, chất liệu của văn chương, nghệ thuật ngôn ngữ, bình diện ngôn ngữ, văn chương, quan niệm thẩm mỹ, hệ hình văn học.

- Các thuật ngữ khoa học này liên kết chặt chẽ, logic với nhau trong một chỉnh thể, thể hiện đặc trưng của ngôn ngữ văn học.

Câu 2: Em hãy sưu tầm hoặc viết một đoạn văn thuộc loại văn bản khoa học phổ cập.

Gợi ý trả lời: Văn bản sưu tầm về đoạn văn thuộc loại văn bản khoa học phổ cập:

Tại vùng Bắc Cực và dưới Bắc Cực - ở Alaska trên khắp vùng Siberia, ở vùng cực Bắc của châu Âu, và trong vùng Yukon và những nơi khác của Canada - khí hậu của trái đất đang thay đổi nhanh chóng nhất. Trong khi nhiệt độ trung bình trên toàn cầu tăng 0,74 độ C (1,3 độ F) trong thế kỷ 20, vùng phía Bắc xa xôi trải qua tình trạng nóng dần gấp đôi nhiệt độ đó hoặc lớn hơn. Tại vùng băng giá phía đông của Nga, vài nhiệt độ trung bình đã gia tăng hơn 2 độ C (3,6 độ F), với mức thủy ngân vào giữa Mùa Ðông còn cao hơn nữa.

Trong một sự đánh giá có thẩm quyền vào năm 2007, Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu, hệ thống khoa học được Liên Hiệp Quốc bảo trợ, đã nêu lên nhiều cuộc nghiên cứu liên kết sự lan rộng những vụ cháy rừng với những điều kiện khí hậu ấm hơn, khô hơn. Vào tháng 6 năm 2009, giữa lúc những đám cháy rừng đầu tiên bùng lên trong mùa cháy rừng của California, các khoa học gia tại trường đại học Havard nói vùng bị cháy ở miền Tây Hoa Kì có thể gia tăng 50% vào thập niên 2050. Tại Siberi, hỏa hoạn ngày càng tăng, và mùa cháy tới sớm hơn. Tại Canada, vào cuối thập niên 2000, khu vực bị cháy tăng gấp đôi so với thập niên 1970, mặc dù khả năng chữa cháy lớn hơn và vài điều kiện thời tiết thuận lợi mới đây.

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được các loại chính của văn bản khoa học.

- Nắm được những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ khoa học:

+ Tính khái quát, trừu tượng.

+ Tính lí trí, lôgic.

+ Tính khách quan, phi cá thể.

Ngày:07/09/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM