Nghị luận về một hiện tượng đời sống Ngữ văn 12

Nội dung bài học dưới đây sẽ cung cấp cho các em cách viết một bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống đầy đủ các ý. Đồng thời, giúp các em rèn luyện kĩ năng làm văn trong việc viết một bài văn nghị luận. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Nghị luận về một hiện tượng đời sống Ngữ văn 12

1. Tìm hiểu đề và lập dàn ý

Đề bài: Ngày nay, hành vi bạo lực trẻ em ngày càng nhiều. Em hãy bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng trên.

- Tìm hiểu đề:

+ Đề bài yêu cầu về hiện tượng gì? (Bạo lực trẻ em).

+ Nên chọn những dẫn chứng nào? (Những thông tin cụ thể được báo đài đưa tin,...).

+ Cần vận dụng những thao tác lập luận nào? (Phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh,...).

- Lập dàn ý:

+ Mở bài: Giới thiệu, dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận.

+ Thân bài:

  • Thực trạng.
  • Nguyên nhân.
  • Hậu quả.
  • Bình luận mở rộng.

+ Kết bài: Bày tỏ suy nghĩ của bản thân, khái quát lại vấn đề cần nghị luận.

2. Cách làm bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống

- Bài nghị luận về một hiện tượng đời sống thường có các nội dung: Nêu rõ hiện tượng, phân tích các mặt đúng - sai, lợi - hại, chỉ ra nguyên nhân và bày tỏ thái độ, ý kiến của người viết về hiện tượng xã hội đó.

- Diễn đạt cần chuẩn xác, mạch lạc.

- Sử dụng đa dạng các biện pháp tu từ và yếu tố biểu cảm.

- Các bước để viết một bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống đầy đủ:

+ Tìm hiểu đề.

+ Lập dàn ý theo ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài.

3. Luyện tập

Câu 1: Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi bên dưới:

"Bệnh vô cảm là tình trạng chai sạn của tâm hồn, là thái độ sống thờ ơ, lãnh đạm trước những gì diễn ra xung quanh mình. Đáng sợ hơn là nó diễn ra ngay cả trước những đau khổ, mất mát của con người. Một ngày, bạn không còn biết yêu thương và cũng không căm ghét, không cảm nhận được hạnh phúc và cũng không động lòng trước đau khổ, không có khát vọng sống ý nghĩa... thì ắt hẳn, bạn đang có những triệu chứng của căn bệnh vô cảm đáng sợ kia. Nó không làm con người ta đau đớn hay chết đi về thể xác nhưng lại làm trái tim và tâm hồn chết dần trong sự lạnh lẽo".

(Theo bài tập Ngữ văn 12, tập hai, NXB giáo dục Việt Nam, 2011)

1. Đoạn văn trên bàn về hiện tượng gì?

2. Tác giả đã đưa ra những biểu hiện gì của căn bệnh vô cảm?

3. Em hãy rút ra bài học cho bản thân từ đoạn văn trên.

Gợi ý trả lời:

1. Đoạn văn trên bàn về hiện tượng bệnh vô cảm trong cuộc sống hiện nay.

2. Những biểu hiện của căn bệnh vô cảm:

- Thái độ sống thờ ơ, lãnh đạm trước những gì diễn ra xung quanh mình.

- Không còn biết yêu thương và cũng không căm ghét, không cảm nhận được hạnh phúc và cũng không động lòng trước đau khổ, không có khát vọng sống ý nghĩa.

3. Bài học rút ra cho bản thân:

- Sống vô cảm sẽ khiến tâm hồn bị chết đi, nên sống biết quan tâm đến người khác hơn.

- Loại bỏ thái độ sống lãnh đạm, thờ ơ trước những gì diễn ra xung quanh mình.

Câu 2: Em có suy nghĩ gì về lối sống vô cảm của một bộ phận người trong xã hội ngày nay?

Lập dàn ý cho bài viết của mình.

Gợi ý trả lời:

- Mở bài: Giới thiệu, dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận.

- Thân bài:

+ Bệnh vô cảm để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả bản thân và xã hội.

+ Thực trạng: Đây là hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện nay:

  • Lời nói, hành động của những kẻ xấu (dẫn chứng).
  • Người tốt im lặng, biểu hiện của sự vô cảm (dẫn chứng).

+ Nguyên nhân của hiện tượng vô cảm:

  • Xã hội ngày càng phức tạp, thật giả đan xen khiến con người ta sợ bị liên lụy.
  • Không dám lên tiếng vì sự an toàn của bản thân.

+ Hậu quả của hiện tượng:

  • Sự thờ ơ, vô cảm khiến xã hội ngày càng bất ổn, kẻ xấu ngày càng nhiều.
  • Con người dần mất niềm tin vào những điều tốt đẹp.

+ Giải pháp khắc phục:

  • Nâng cao nhận thức ở giới trẻ: Nhà trường và đoàn thanh niên, xã hội cần thường xuyên tổ chức càng diễn đàn để tuyên truyền, giáo dục thanh niên về lối sống đẹp.
  • Cần phê phán quyết liệt và nghiêm khắc nhắc nhở những cá nhân có hành vi xấu, vô cảm.

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được cách làm bài nghị luận về một hiện tượng đời sống.

- Có ý thức và thái độ đúng đắn trước các hiện tượng đời sống.

- Khi viết bài văn nghị luận cần diễn đạt chuẩn xác, mạch lạc, có thể sử dụng một số biện pháp tu từ và yếu tố biểu cảm, nhất là phần nêu cảm nghĩ riêng.

Ngày:03/09/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM