Thực hành một số phép tu từ về ngữ âm Ngữ văn 12

eLib giới thiệu đến các em bài học Thực hành một số phép tu từ ngữ âm Ngữ văn 12 tập 1 nhằm giúp các em nắm được một số phép tu từ ngữ âm thường dùng trong văn bản và có kĩ năng phân tích, sử dụng chúng. Các em hãy tham khảo bài học dưới đây nhé! Chúc các em học tốt!

Thực hành một số phép tu từ về ngữ âm Ngữ văn 12

1. Khái niệm

- Tu từ: Là lựa chọn, sử dụng các phương tiện ngôn ngữ để làm cho lời văn hay hơn.

- Ngữ âm: Là toàn bộ âm thanh, vần, điệu, cách kết hợp giữa âm thanh và giọng điệu.

=> Tu từ ngữ âm là: Cách phối hợp, sử dụng khéo léo các âm thanh, vần, điệu, đem đến những màu sắc biểu cảm nhất định cho văn bản.

2. Luyện tập

Câu 1.  Nhận xét về nhịp điệu và âm hưởng của những câu văn sau và nêu tác dụng của nó đối với việc miêu tả nét “hùng vĩ” của dòng sông Đà.

"Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy. Quãng này mà khinh suất tay lái thì củng dễ lật ngửa bụng thuyền ra."

(Nguyễn Tuân, Người lái đò Sông Đà)

Gợi ý làm bài:

- Phép điệp từ ngữ và kết cấu ngữ pháp, nhịp điệu dồn dập: nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió...

- "gùn ghè": vừa có âm thanh cụ thể, vừa tạo hình ảnh hung dữ của một con mãnh thú.

- Có tính hình tượng và biểu cảm rõ rệt: cuồn cuộn, đòi nợ xuýt.

Câu 2. Hãy phân tích cụ thể nhận định sau về cách ngắt nhịp, phép điệp cú pháp.

"Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nối, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước."

(Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)

Gợi ý làm bài:

Câu văn thứ ba trong đoạn có nhiều nhịp, nhưng các nhịp đầu câu đều ngắn, đến 3 nhịp cuối thì dài, dàn trải. Hơn nữa, các nhịp cuối đều lặp kết cấu cú pháp (nó kết thành..., nó lướt qua..., nó nhấn chìm...) phối hợp với việc dùng các động từ thể hiện các quá trình có cường độ mạnh (kết thành, lướt qua, nhân chìm). Điều đó tạo cho câu âm hưởng mạnh mẽ, hùng hồn. Hơn nữa, câu văn còn có âm hưởng nhịp nhàng, cân xứng nhờ các tổ hợp hai thành tố ở cuối mỗi nhịp trong 3 nhịp cuối (mạnh mẽ - to lớn, nguy hiểm - khó khăn, lũ bán nước - lũ cướp nước).

Câu 3. Phân tích tác dụng tạo hình tượng của việc điệp vần trong các từ láy ở hai câu thơ sau:

"Đoạn trường thay lúc phân kì!

Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh."

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Gợi ý làm bài:

- Từ láy: khấp khểnh, gập ghềnh.

- Có điệp âm đầu (kh - kh, g - gh) và chuyển đổi vần âp - ênh.

- Hai từ láy điệp vần âp - ênh.

- Tác dụng: tạo ra hình ảnh con đường mấp mô, vó ngựa và bánh xe luôn luôn ở trạng thái chuyển động khó khăn, xóc nảy, trục trặc. Đồng thời cũng gián tiếp bộc lộ tâm trạng đau khổ, bất an của nàng Kiều lúc phải li biệt với gia đình để bán mình cho Mã Giám Sinh.

Câu 4. Trong hai câu thơ sau, nhiều âm đầu được lặp lại. Hãy phân tích tác dụng của hiện tượng điệp âm trong việc miêu tả và bộc lộ cảm xúc.

"Nỗi niềm chi rứa Huế ơi

Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên."

(Tố Hữu, Nước non ngàn dặm)

Gợi ý làm bài:

- Phụ âm đầu lặp lại ở các từ ngữ: nỗi niềm, mà mưa, xối xả, trắng trời, Thừa Thiên. Hiện tượng điệp âm liên tiếp đó một mặt.

- Tác dụng: có hiệu quả rõ rệt đối với việc miêu tả những cơn mưa mạnh mẽ, liên tiếp, mặt khác góp phần bộc lộ cảm xúc da diết nhớ thương của tác giả đối với quê hương.

Câu 5. Phân tích tác dụng của sự phối hợp giữa nhịp điệu câu thơ và việc dùng các từ láy điệp âm, điệp vần trong đoạn thơ sau:

"Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như cọn chim chích

Nhảy trên đường vàng..."

(Tố Hữu, Lượm)

Gợi ý làm bài:

Để miêu tả một chú bé vui vẻ, hoạt bát, lanh lợi. Tác giả đã dùng :

- Thể thơ 4 tiếng, tạo nhịp ngắn thích hợp với dáng chạy nhảy tung tăng.

- Nhiều từ láy âm, hoặc vần : loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh.

3. Kết luận

Qua bài học các em cần nắm một số nọi dung chính sau:

- Nắm được một số phép tu từ ngữ âm thường dùng trong văn bản và có kĩ năng phân tích, sử dụng chúng.

- Tác dụng nghệ thuật của những phép tu từ nói trên.

- Cảm nhận được và phân tích các phép tu từ ngữ âm trong văn bản và tác dụng của nó.

Ngày:03/10/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM