Giải bài tập SBT Sinh học 9 Bài 44: Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật

eLib mời các em cùng theo dõi tài liệu hướng dẫn giải bài tập SBT Sinh học 9 Bài 44: Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật được biên soạn và tổng hợp đẩy đủ với các phương pháp giải, gợi ý dễ hiểu giúp các em củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài tập.

Giải bài tập SBT Sinh học 9 Bài 44: Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật

1. Giải bài 5 trang 72 SBT Sinh học 9

Trong tự nhiên, giữa các sinh vật có ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào?

Phương pháp giải

- Giữa các sinh vật có các mối quan hệ cùng loài và khác loài.

Hướng dẫn giải

- Trong tự nhiên, các sinh vật tồn tại không tách biệt với các sinh vật khác mà chúng luôn luôn có quan hệ qua lại với nhau một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

- Mối quan hệ giữa các sinh vật gồm: Quan hệ cùng loài và quan hệ khác loài.

- Quan hệ cùng loài gồm có quan hệ hỗ trợ hoặc cạnh tranh.

+ Các sinh vật cùng loài thường có xu hướng tụ tập bên nhau thành nhóm để hỗ trợ nhau chống đỡ với những điều kiện bất lợi của môi trường. Ví dụ, quần tụ cây có tác dụng chống gió bão, giữ được nước tốt hơn, chống được xói mòn đất và giữ cho cây không bị đổ... hoặc trâu rừng tụ tập thành bầy đàn có khả năng cao hơn khi chống lại kẻ săn mồi.

+ Tuy nhiên, khi điều kiện môi trường trở nên bất lợi như thiếu nơi ở, thiếu thức ăn... thì dẫn tới sự cạnh tranh giữa các cá thể cùng loài. Trong cuộc cạnh tranh đó, một số cá thể có thể tách ra khỏi nhóm và đi tìm nơi sống mới.

- Quan hệ khác loài chủ yếu là quan hệ dinh dưỡng và nơi ở, gồm có quan hệ hỗ trợ hoặc đối địch.

+ Quan hệ hỗ trợ là quan hệ hợp tác và ít nhất một bên có lợi còn bên kia không bị hại. Quan hệ hỗ trợ giữa các sinh vật khác loài gồm các mối quan hệ cộng sinh (sự hợp tác hai bên cùng có lợi) và hội sinh (sự hợp tác trong đó một bên có lợi và bên kia không có lợi và cũng không bị hại).

+ Quan hệ đối địch là quan hệ mà trong đó một bên có lợi còn bên kia bị hại hoặc cả hai bên đều bị hại. Quan hệ đối địch giữa các sinh vật khác loài gồm các mối quan hệ: cạnh tranh về thức ăn và chỗ ở cũng như các điều kiện sống khác trong môi trường và dẫn tới, các loài kìm hãm lẫn nhau; kí sinh và nửa kí sinh, trong đó vật chủ là sinh vật bị hại; sinh vật này ăn sinh vật khác, trong đó sinh vật bị làm thức ăn là sinh vật bị hại

2. Giải bài 6 trang 73 SBT Sinh học 9

 Nhân tố con người có vai trò như thế nào trong tự nhiên?

Phương pháp giải

- Vai trò của con người rất quan trọng tác động lên tự nhiên làm thay đổi tự nhiên theo hai chiều hướng: Tích cực và tiêu cực.

Hướng dẫn giải

- Con người là một nhân tố sinh thái đặc biệt, hoạt động của con người (hoạt động lao động sản xuất, vui chơi giải trí...) đã từng ngày, từng giờ tác động đến môi trường.

- Khi hoạt động của con người không có ý thức bảo vệ môi trường sẽ gây nên hậu quả xấu đối với mồi trường tự nhiên như: Làm mất cân bằng sinh thái, làm suy giảm các hệ sinh thái hoang dã, làm biến mất các loài sinh vật quý hiếm... Tác động lớn nhất của con người là phá huỷ thảm thực vật, gây ô nhiễm môi trường... đã ảnh hưởng xấu đến các loài sinh vật và ảnh hưởng xấu đến chính bản thân con người.

- Khi hoạt động của con người có ý thức bảo vệ môi trường, với sự hiểu biết ngày càng tăng, con người đã và đang nỗ lực để khắc phục hiện tượng suy thoái môi trường, đồng thời bảo vệ và cải tạo môi trường.

- Tác động của con người vào môi trường tự nhiên là tác động có ý thức, có quy mô lớn, vì vậy làm thay đổi mạnh mẽ môi trường và sinh giới ở nhiều nơi.

3. Giải bài 10 trang 75 SBT Sinh học 9

- Mối quan hệ giữa vật ăn thịt và con mồi có ý nghĩa như thế nào trong tự nhiên?

Phương pháp giải

- Mối quan hệ giữa vật ăn thịt và con mồi là quan hệ đối địch, trong mối quan hệ này, vật bị ăn thịt là sinh vật bị hại.

Hướng dẫn giải

- Trong tự nhiên, tất cả các mối quan hệ có được giữa các sinh vật với nhau đã được hình thành trong quá trình phát triển của sinh giới để đảm bảo sự cân bằng sinh thái.

- Về số lượng, số lượng con mồi (vật bị ăn thịt) bị khống chế bởi số lượng vật ăn thịt và ngược lại. Như vậy, vật ăn thịt là nhân tố tham gia điều chỉnh số lượng con mồi và bản thân con mồi lại cũng là nhân tố điều chỉnh số lượng vật ăn thịt. Chính nhờ mối quan hệ qua lại này mà trong thiên nhiên đã thiết lập được sự cân bằng sinh học một cách bền vững.

4. Giải bài 12 trang 76 SBT Sinh học 9

Hiện tượng tự tỉa cành trong tự nhiên là gì? Hãy giải thích hiện tượng đó.

Phương pháp giải

Hiện tượng tự tỉa liên quan đến ảnh hưởng của ánh sáng tới thực vật.

Hướng dẫn giải

- Ánh sáng là một nhân tố sinh thái có ảnh hưởng đến hình thái và hoạt động sinh lí của cây. Cây có tính hướng sáng: Luôn có xu hướng vươn về phía ánh sáng để thu nhận được nhiều ánh sáng cho quá trình quang hợp diễn ra trong tế bào lá cây.

- Những cây gỗ mọc trong rừng thường có thân cao và thẳng ; cành chỉ tập trung ở phần ngọn, còn các cành ở phía dưới sớm bị rụng. Đó là hiện tượng tỉa cành tự nhiên - một thích nghi để tồn tại.

- Do trong rừng, mật độ cây đối dày đặc, nhiều cây gỗ lớn, ánh sáng không chiếu được hết xuống mặt đất, hầu như đã bị các cành trên cao hấp thụ.

- Trong hiện tượng nêu trên, cành cây trên ngọn thu được nhiều ánh sáng hơn cành cây phía dưới. Khi lá cây bị thiếu ánh sáng thì quang hợp của lá cây yếu, tạo được ít chất hữu cơ và không đủ bù đắp tiêu hao do hô hấp và kèm theo khả năng lấy nước kém nên cành phía dưới bị khô héo dần và sớm rụng.

5. Giải bài 30 trang 81 SBT Sinh học 9

Mỗi sinh vật sống trong môi trường đều có tác động qua lại hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp với các sinh vật khác ở xung quanh. Giữa các sinh vật có mối quan hệ nào sau đây?

A. Quan hệ cùng loài.

B. Quan hệ khác loài.

C. Cả A và B.

D. Không có quan hệ nào cả.

Phương pháp giải

- Mỗi sinh vật sống trong môi trường đều có tác động qua lại hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp với các sinh vật khác ở xung quanh. Giữa các sinh vật có mối quan hệ: Quan hệ cùng loài và quan hệ khác loài.

Hướng dẫn giải

  • Chọn C.

6. Giải bài 31 trang 81 SBT Sinh học 9

Câu nào sai trong các câu sau?

A. Khi có gió bão, thực vật sống thành nhóm có tác dụng giảm bớt sức thổi của gió và cây không bị đổ.

B. Trong tự nhiên, động vật sống thành bầy đàn có tác dụng tìm kiếm thức ăn tốt hơn, chống lại kẻ thù tốt hơn.

C. Gặp điều kiện bất lợi, hiện tượng cá thể tách khỏi nhóm làm giảm nhẹ cạnh tranh giữa các cá thể, hạn chế sự cạn kiệt nguồn thức ăn trong vùng.

D. Trong tự nhiên, các sinh vật sinh sống không phụ thuộc vào nhau.

Phương pháp giải

- Trong tự nhiên, các sinh vật sinh sống không phụ thuộc vào nhau là sai.

Hướng dẫn giải

  • Chọn D.

7. Giải bài 32 trang 81 SBT Sinh học 9

Trong quan hệ khác loài, mối quan hệ nào là có lợi cho cả hai loài sinh vật?

A. Hội sinh

B. Cộng sinh.

C. Cạnh tranh

D. Kí sinh và nửa kí sinh.

Phương pháp giải

- Cộng sinh có lợi cho cả hai loài sinh vật.

Hướng dẫn giải

  • Chọn B.

8. Giải bài 33 trang 82 SBT Sinh học 9

Trong quan hệ khác loài, mối quan hệ nào là có lợi cho một loài còn loài kia không có lợi và cũng không bị hại?

A. Hội sinh

B. Cộng sinh.

C. Cạnh tranh

D. Kí sinh và nửa kí sinh.

Phương pháp giải

Hội sinh có lợi cho một loài còn loài kia không có lợi và cũng không bị hại.

Hướng dẫn giải

  • Chọn A.

9. Giải bài 34 trang 82 SBT Sinh học 9

Các loài sinh vật tranh giành nhau thức ăn, chỗ ở và các điều kiện sống khác của môi trường. Trong điều kiện này, các loài kìm hãm sự phát triển của nhau. Đó là mối quan hệ nào sau đây?

A. Sinh vật ăn sinh vật khác.

B. Cộng sinh

C. Cạnh tranh.

D. Kí sinh và nửa kí sinh.

Phương pháp giải

- Các loài sinh vật tranh giành nhau thức ăn, chỗ ở và các điều kiện sống khác của môi trường. Trong điều kiện này, các loài kìm hãm sự phát triển của nhau. Đó là mối quan hệ cạnh tranh.

Hướng dẫn giải

  • Chọn C.

10. Giải bài 35 trang 82 SBT Sinh học 9

Hiện tượng tự tỉa cành là kết quả của mối quan hệ nào sau đây trong điều kiện cây mọc dày, thiếu ánh sáng trong rừng?

A. Cạnh tranh cùng loài

B. Cạnh tranh khác loài.

C. Hội sinh

D. Cả A và B.

Phương pháp giải

- Hiện tượng tự tỉa cành là kết quả của mối quan hệ cạnh tranh cùng loài và cạnh tranh khác loài.

Hướng dẫn giải

  • Chọn D.

11. Giải bài 36 trang 82 SBT Sinh học 9

Ở địa y, quan hệ giữa nấm và tảo là mối quan hệ

A. cộng sinh.

B. hội sinh.

C. cạnh tranh.

D. kí sinh.

Phương pháp giải

- Ở địa y, quan hệ giữa nấm và tảo là mối quan hệ cộng sinh.

Hướng dẫn giải

  • Chọn A.

12. Giải bài 37 trang 82 SBT Sinh học 9

Trong quan hệ đối địch giữa các loài sinh vật

A. không loài nào có lợi.

B. không loài nào bị hại.

C. một loài được lợi và loài kia bị hại. 

D. cả hai loài đều có lợi.

Phương pháp giải

- Trong quan hệ đối địch giữa các loài sinh vật một loài được lợi và loài kia bị hại.

Hướng dẫn giải

  • Chọn C.

13. Giải bài 38 trang 82 SBT Sinh học 9

Quan hệ đối địch giữa các loài gồm

A. cạnh tranh, kí sinh và nửa kí sinh.

B. nửa kí sinh và kí sinh, sinh vật này ăn sinh vật khác.

C. cạnh tranh và sinh vật này ăn sinh vật khác.

D. cạnh tranh, kí sinh và nửa kí sinh, sinh vật này ăn sinh vật khác.

Phương pháp giải

Quan hệ đối địch giữa các loài gồm: cạnh tranh, kí sinh và nửa kí sinh, sinh vật này ăn sinh vật khác.

Hướng dẫn giải

  • Chọn D.

14. Giải bài 39 trang 83 SBT Sinh học 9

Hiện tượng liền rễ của các cây cùng loài sống gần nhau (rễ của các cây nối liền nhau) là hiện tượng

A. hỗ trợ cùng loài

B. cạnh tranh cùng loài.

C. hỗ trợ khác loài

D. cạnh tranh khác loài.

Phương pháp giải

- Hiện tượng liền rễ của các cây cùng loài sống gần nhau (rễ của các cây nối liền nhau) là hiện tượng hỗ trợ cùng loài.

Hướng dẫn giải

  • Chọn A.
Ngày:22/10/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM