Tâm lý học
Để quá trình học tập và ôn thi môn Tâm lý học của bạn trở nên hiệu quả hơn, eLib đã phát triển giới thiệu đến bạn các tư liệu bài giảng cũng như các câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi tự luận Tâm lý học đại cương. Hi vọng đây sẽ là tài liệu ôn tập hiệu quả giúp bạn đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Chúc các bạn thành công!Mục lục nội dung
3. Đối tượng nghiên cứu của Tâm lý học
4. Nhiệm vụ nghiên cứu của Tâm lý học
5. Phương pháp nghiên cứu của Tâm lý học
5.1 Các phương pháp tổ chức việc nghiên cứu
5.2 Các phương pháp thu thập số liệu
5.3 Các phương pháp xử lý số liệu
5.4 Các phương pháp lí giải kết quả và rút ra kết luận
1. Tâm lý học là gì?
Thuật ngữ Tâm lý học xuất phát từ phương Tây; với mong muốn xây dựng nên một hệ thống cơ sở lý luận khoa học để nghiên cứu về linh hồn của con người. Từ Tâm lý học được hình thành từ tiếng La tinh với 2 từ là “Psyches” (linh hồn, tâm hồn) và “Logos” (khoa học). Từ đó, từ “Psychelogos” được hình thành dùng để chỉ về bộ môn khoa học về tâm hồn. Đến đầu thế kỷ XVIII, thuật ngữ “Psychology” (Tâm lý học) ra đời; và những người nghiên cứu ngành khoa học này được gọi là “Psychologist” (Nhà tâm lý học).
Đời sống tâm lí con người bao hàm nhiều hiện tượng tâm lí phong phú, đa dạng , phức tạp từ cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy tưởng tượng đến tình cảm, ý trí, tính khí, năng lực, lí tưởng, niềm tin....
Tâm lí học (psychologie) là khoa học về tâm hồn. Nói một cách khái quát nhất: Tâm lí bao gồm tất cả những hiện tượng tinh thần xảy ra trong đầu óc con người, gắn liền và điều hành mọi hành động, hoạt động của con người. Các hiện tượng tâm lí đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong đời sống của con người, trong quan hệ giữa con người với con người trong xã hội loài người.
Tâm lí học là khoa học về các hiện tượng tâm lí, nhưng trước khi tâm lí học ra đời với tư cách một khoa học độc lập, những tư tưởng tâm lí học đã có từ xa xưa gắn liền với lịch sử loài người. Vì thế trước khi bàn về đối tượng, nhiệm vụ của tâm lí học, chúng ta cần điểm qua vài nét lịch sử hình thành và phát triển của lĩnh vực khoa học này.
2. Chức năng của Tâm lý học
Chức năng định hướng: cho từng hành động, cho từng loại hoạt động, cho từng chặng đường đời và cho cả cuộc đời, với tư cách là xu hướng, là động cơ của mỗi người. Định hướng là vạch phương hướng cho hoạt động, chuẩn bị công việc, hình thành mục đích.
Chức năng điều khiển: điều khiển là tổ chức, đôn đốc hoạt động của chủ thể, đảm bảo cho hoạt động của chủ thể đạt hiệu quả nhất định.
Chức năng điều chỉnh: điều chỉnh là sửa chữa, uốn nắn hoạt động, hành động, thao tác nếu có sai sót.
Chức năng kiểm tra và đánh giá kết quả hành động: là việc xem xét, xác định xem hoạt động có diễn ra theo đúng sự điều khiển, định hướng và kết quả có như ý muốn hay không.
Các chức năng nêu trên đều nhằm thực hiện chức năng chung của tâm lý là giúp con người không chỉ thích ứng với môi trường và hoàn cảnh mà còn làm chủ được môi trường và hoàn cảnh, thông qua đó con người cũng làm chủ được bản thân mình, cải tạo được hoàn cảnh và sáng tạo ra chính bản thân mình.
3. Đối tượng nghiên cứu của Tâm lý học
Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu hành vi và các quá trình tâm thần.
Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học là tâm lý người nói chung và từng loại hiện tượng tâm lý người nói riêng.
Xuất phát từ việc muốn tìm hiểu, làm rõ các hiện tượng tinh thần xảy ra trong các quyết định; hành động của con người. Vì thế, đối tượng nghiên cứu khoa học của ngành Tâm lý học chính là các hiện tượng tâm lý; sự hình thành và vận hành của các hiện tượng tâm lý (hoạt động tâm lý).
4. Nhiệm vụ nghiên cứu của Tâm lý học
Nghiên cứu bản chất, cấu trúc và qui luật hình thành, vận hành, phát triển tâm lý nói chung, của từng loại hiện tượng tâm lý nói riêng.
Nghiên cứu những qui luật tâm lý đặc thù của từng loại hoạt động nghề nghiệp khác nhau trong xã hội như y tế, giáo dục, khoa học, nghệ thuật, thể thao, kinh doanh, quản lý, quân sự.
Nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của tâm lý học, nghiên cứu các phương pháp tiếp cận – nghiên cứu tâm lý người.
Đưa ra các giải pháp để phát huy nhân tố con người một cách hiệu quả nhất.
5. Phương pháp nghiên cứu của Tâm lý học
5.1 Các phương pháp tổ chức việc nghiên cứu
Chọn đối tượng nghiên cứu đảm bảo tính khách quan, có ý nghĩa về mặt khoa học và có tính cấp thiết phải giải quyết. Xác định mục đích nghiên cứu, xây dựng giả thuyết khoa học, xác định nhiệm vụ nghiên cứu, lựa chọn các phương pháp nghiên cứu phù hợp. Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, tổ chức lực lượng nghiên cứu, chuẩn bị địa bàn nghiên cứu và các phương tiện, điều kiện cần thiết phục vụ cho việc nghiên cứu.
5.2 Các phương pháp thu thập số liệu
Phương pháp quan sát
Quan sát là loại tri giác có chủ định, nhằm xác định các đặc điểm của đối tượng qua những biểu hiện như hành động, cử chỉ, cách nói năng.
Quan sát có nhiều hình thức: quan sát toàn diện hay bộ phận, quan sát có trọng điểm, quan sát trực tiếp hay gián tiếp,...
Phương pháp thực nghiệm
Thực nghiệm là quá trình chủ động tác động vào hiện thực trong những điều kiện khách quan đã được khống chế để gây ra hiện tượng cần nghiên cứu, lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm tìm ra một quan hệ nhân quả, tính qui luật của hiện tượng nghiên cứu.
Có hai loại thực nghiệm cơ bản là thực nghiệm trong phòng thí nghiệm và thực nghiệm tự nhiên.
Phương pháp trắc nghiệm (Test)
Test là một phép thử để “đo lường” tâm lý đã được chuẩn hoá trên một số lượng người đủ tiêu biểu.
Test trọn bộ gồm 4 phần:
+ Văn bản test
+ Hướng dẫn qui trình tiến hành
+ Hướng dẫn đánh giá
+ Bản chuẩn hoá
Phương pháp đàm thoại (trò chuyện)
Đó là cách đặt ra các câu hỏi cho đối tượng và dựa vào câu trả lời của họ để trao đổi, hỏi thêm, nhằm thu thập thông tin về vấn đề cần nghiên cứu.
Phương pháp điều tra
Là phương pháp dùng một số câu hỏi nhất loạt đặt ra cho một số lớn đối tượng nghiên cứu nhằm thu thập ý kiến chủ quan của họ về một vấn đề nào đó.
Câu hỏi dùng để điều tra có thể là câu hỏi đóng hoặc câu hỏi mở. Hình thức trả lời bằng cách viết ra hoặc bằng lời rồi được ghi lại.
Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động
Đó là phương pháp dựa vào các kết quả sản phẩm (vật chất, tinh thần) của hoạt động do con người làm ra để nghiên cứu các chức năng tâm lý của von người đó, bởi vì trong sản phẩm do con người làm ra có chứa đựng “dấu vết” tâm lý, ý thức, nhân cách của con người.
Phương pháp nghiên cứu tiểu sử cá nhân
Có thể nhận ra các đặc điểm tâm lý cá nhân thông qua viêc phân tích tiểu sử cuộc sống của cá nhân đó.
Để việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu một cách có hiệu quả, đem lại kết quả khách quan - khoa học, cần lưu ý những điểm sau:
- Sử dụng phương pháp nghiên cứu thích hợp với vấn đề nghiên cứu
- Sử dụng phối hợp, đồng bộ các phương pháp nghiên cứu để đem lại kết quả khách quan - toàn diện.
5.3 Các phương pháp xử lý số liệu
Thông thường, để xử lý số liệu chúng ta sử dụng các phương pháp toán thống kê.
5.4 Các phương pháp lí giải kết quả và rút ra kết luận
- Phân tích, mô tả, trình bày các số liệu thu được về mặt định lượng.
- Phân tích, lí giải các kết quả về mặt định tính trên cơ sở lý luận đã xác định, chỉ rõ những đặc điểm bản chất, những biểu hiện diễn biến có tính qui luật của đối tượng nghiên cứu.
- Khái quát các nhận xét khoa học, rút ra những kết luận mang tính đặc trưng, khái quát về vấn đề được nghiên cứu.
6. Tư liệu ôn tập Tâm lý học
6.1 Câu hỏi trắc nghiệm Tâm lý học
Câu 1: Câu trả lời nào dưới đây phản ánh quan niệm khoa học về tâm lí con người?
1. Tâm lí là toàn bộ cuộc sống tinh thần phong phú của con người.
2. Tâm lí là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan.
3. Tâm lí người có bản chất xã hội và mang tính lịch sử.
4. Tâm lí là những ý nghĩ, tình cảm làm thành thế giới nội tâm của con người.
5. Tâm lí là chức năng của não.
Câu trả lời: A: 1, 3, 4. B: 2, 3, 4. C: 1, 3, 5. D: 2, 3, 5.
Câu 2: Hiện tượng nào dưới đây là hiện tượng tâm lí ?
a. Thần kinh căng thẳng như dây đàn sắp đứt.
b. Tim đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.
c. Bồn chồn như có hẹn với ai đó.
d. Đói cồn cào cả ruột gan.
Câu 3: Mệnh đề nào dưới đây nói lên sự phản ánh tâm lý ?
a. Sự chụp ảnh hiện thực khách quan.
b. Báo hiệu sự quan trọng sống còn đối với cơ thể.
c. Cho ra sự sao chép gần đúng hình ảnh của thế giới khách quan.
d. Sự ghi nhớ thông tin được tiêu chuẩn hóa một cách chặt chẽ
Câu 4: Hiện tượng nào dưới đây KHÔNG phải là hiện tượng tâm lý ?
a. Thẹn đỏ cả mặt.
c. Giận run cả người.
b. Lo lắng đến mất ngủ.
d. Bụng đói cồn cào.
Câu 5: Hiện tượng nào dưới đây là một quá trình tâm lý ?
a. Hồi hộp trước khi vào phòng thi.
b. Chăm chú ghi chép bài.
c. Suy nghĩ khi giải bài tập.
d. Vui mừng khi được điểm cao
Câu 6: Hiện tượng nào dưới đây là một trạng thái tâm lý ?
a. Bồn chồn như có hẹn với ai.
b. Say mê với hội họa.
c. Siêng năng trong học tập.
d. Yêu thích thể thao.
Câu 7: Hiện tượng nào dưới đây là một thuộc tính tâm lý ?
a. Hồi hộp trước giờ báo kết quả thi.
b. Suy nghĩ khi làm bài.
c. Chăm chú ghi chép.
d. Chăm chỉ học tập.
Câu 8: Tình huống nào dưới đây thuộc về quá trình tâm lí?
a. Lan luôn cảm thấy hài lòng nếu bạn em trình bày đúng các kiến thức trong bài
b. Bình luôn thẳng thắn và công khai lên án các bạn có thái độ không trung thực trong thi cử.
c. Khi đọc cuốn “Sống như Anh”, Hoa nhớ lại hình ảnh chiếc cầu Công lí mà em đã có dịp đi qua.
d. An luôn cảm thấy căng thẳng mỗi khi bước vào phòng thi.
Câu 9: Khẳng định nào dưới đây TRÁI với quan điểm duy vật về tâm lý ?
a. Hoạt động tâm lý không phụ thuộc vào nguyên nhân bên ngoài.
b. Hoạt động tâm lý là thuộc tính của não bộ.
c. Tâm lý là sự phản ánh hiện thực khách quan của não.
d. Tâm lý người có bản chất xã hội và mang tính lịch sử.
Câu 10 : Câu thơ “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nói lên tính chất nào sau đây của sự phản ánh tâm lý?
a. Tính khách quan.
b. Tính chủ thể.
c. Tính sinh động.
d. Tính sáng tạo.
Câu 11: Sự kiện nào dưới đây chứng tỏ tâm lý ảnh hưởng đến sinh lý ?
a. Hồi hộp khi đi thi.
b. Lo lắng đến mất ngủ.
c. Lạnh làm run người
d. Buồn rầu vì bệnh tật.
Câu 12: Sự kiện nào dưới đây chứng tỏ sinh lý ảnh hưởng đến tâm lý?
a. Mắc cỡ làm đỏ mặt.
b. Lo lắng đến phát bệnh.
c. Tuyến nội tiết làm thay đổi tâm trạng.
d. Buồn rầu làm ngưng trệ tiêu hoá.
Câu 13: Mệnh đề nào dưới đây nói lên quan điểm duy vật biện chứng về mối tương quan của tâm lý và những thể hiện của nó trong hoạt động ?
a. Hiện tượng tâm lý có những thể hiện đa dạng bên ngoài.
b. Hiện tượng tâm lý có thể diễn ra mà không có một biểu hiện bên trong hoặc bên ngoài nào.
c. Mỗi sự thể hiện xác định bên ngoài đều tương ứng chặt chẽ với một hiện tượg tâm lý
d. Hiện tượng tâm lý diễn ra không có sự biểu hiện bên ngoài.
Câu 14: Khi nghiên cứu tâm lý phải nghiên cứu môi trường xã hội, nền văn hóa xã hội, các quan hệ xã hội mà con người sống và hoạt động trong đó. Kết luận này được rút ra từ luận điểm :
a. Tâm lý có nguồn gốc từ thế giới khách quan.
b. Tâm lý người có nguồn gốc xã hội.
c. Tâm lý người là sản phẩm của hoạt động giao tiếp
d. Tâm lý nguời mang tính chủ thể.
Câu 15 : Nguyên tắc “cá biệt hóa” quá trình giáo dục là một ứng dụng được rút ra từ luận điểm:
a. Tâm lý người có nguồn gốc xã hội.
b. Tâm lý có nguồn gốc từ thế giới khách quan.
c. Tâm lý nguời mang tính chủ thể.
d. Tâm lý người là sản phẩm của hoạt động giao tiếp
Câu 16: Khái niệm giao tiếp trong tâm lý học được định nghĩa là :
a. Sự gặp gỡ và trao đổi về tình cảm, ý nghĩ,… nhờ vậy mà mọi người hiểu biết và thông cảm lẫn nhau.
b. Sự trao đổi giữa thầy và trò về nội dung bài học, giúp học sinh tiếp thu được tri thức
c. Sự giao lưu văn hóa giữa các đơn vị để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và thắt chặt tình đoàn kết.
d. Sự tiếp xúc tâm lý giữa người – người để trao đổi thông tin, cảm xúc, tri giác lẫn nhau, ảnh hưởng tác động qua lại với nhau.
Câu 17 : Hãy cho biết những trường hợp nào trong số trường hợp sau là giao tiếp ?
1. Hai con khỉ đang bắt chấy cho nhau.
2. Hai em học sinh đang truy bài.
3. Một em bé đang đùa giỡn với con mèo.
4. Thầy giáo đang sinh hoạt lớp chủ nhiệm.
5. Một em học sinh đang gửi e-mail trên mạng.
Câu trả lời: A: 1, 3, 4. B: 2, 4, 5. D: 3, 4, 5. C: 1, 2, 4.
Câu 18: Loại giao tiếp nhằm thực hiện một nhiệm vụ chung theo chức trách và quy tắc thể chế được gọi là:
a. Giao tiếp trực tiếp.
b. Giao tiếp chính thức.
c. Giao tiếp không chính thức.
d. Giao tiếp bằng ngôn ngữ.
Câu 19: Cấu trúc của hoạt động xét về mặt nội dung bao gồm các thành tố :
a. Động cơ – Mục đích – Phương tiện.
b. Hoạt động – Hành động – Thao tác.
c. Hoạt động – Mục đích – Thao tác.
d. Hoạt động - Thao tác – Sản phẩm.
Câu 20: Những yếu tố nào dưới đây tạo nên tính gián tiếp của hoạt động?
1. Công cụ tâm lí.
2. Công cụ lao động.
3. Nguyên vật liệu.
4. Phương tiện ngôn ngữ.
5. Sản phẩm lao động.
Câu trả lời: A: 1, 2, 4. B: 1, 3, 4. C: 1, 2, 5. D: 1, 3, 5.
6.2 Câu hỏi tự luận Tâm lý học
Câu 1: Anh/ chị hãy trình bày đối tượng, nhiệm vụ và nêu các phương pháp nghiên cứu cơ bản của Tâm lý học.
Câu 2: Anh/ chị hãy trình bày định nghĩa tâm lý người và phân tích mối quan hệ giữa não và tâm lý con người
Câu 3: Anh chị hãy chứng minh: Tâm lý người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não thông qua chủ thể.
Câu 4: Anh/ chị hãy chứng minh tâm lý người có bản chất xã hội – lịch sử
Câu 5: Anh/ chị hãy trình bày định nghĩa về hoạt động và lý giải tại sao tâm lý của người lại được hình thành thông qua hoạt động
Câu 6: Anh/ chị hãy trình bày định nghĩa về giao tiếp và phân loại các hình thức giao tiếp cơ bản của con người. Lợi ích và các nguy cơ trong việc giao tiếp qua mạng xã hội.
Câu 7: Anh/ chị hãy phân tích vai trò của hoạt động và giao tiếp đối với sự hình thành và phát triển tâm lý người
Câu 8: Anh/ chị hãy trình bày định nghĩa cảm giác và các quy luật cơ bản của cảm giác. Cho ví dụ minh họa với từng quy luật.
Câu 9: Anh/ chị hãy trình bày định nghĩa tri giác và các quy luật cơ bản của tri giác. Cho ví dụ minh họa với từng quy luật
Câu 10: Anh/ chị hãy trình bày định nghĩa tư duy và các đặc điểm cơ bản của tư duy . Phân tích vai trò của tư duy với hoạt động nhận thức và đời sống của con người.
Câu 11: Anh/ chị hãy trình bày định nghĩa tưởng tượng và các đặc điểm cơ bản của tưởng tượng. Phân tích vai trò của tưởng tượng với hoạt động nhận thức và đời sống của con người.
Câu 12: Anh/ chị hãy trình bày định nghĩa trí nhớ và các quá trình cơ bản của trí nhớ. Làm thế nào để ghi nhớ và lưu giữ tài liệu một cách hiệu quả?
Câu 13: Anh/ chị hãy trình bày định nghĩa và đặc điểm của tình cảm. Phân tích các quy luật cơ bản của tình cảm. Nêu việc vận dụng từng quy luật trong định nghĩa đời sống.
Câu 14: Anh/ chị hãy trình bày định nghĩa ý chí. Phân tích các phẩm chất cơ bản của ý chí. Cho ví dụ minh họa với từng phẩm chất.
Câu 15: Anh/ chị hãy trình bày đặc điểm của hai loại hành động tự động hóa là thói quen và kỹ xảo. Nêu các quy luật cơ bản hình thành kỹ xảo và việc vận dụng từng quy luật trong thực tiễn đời sống.
Câu 16: Anh/ chị hãy trình bày khái niệm về nhân cách và phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách.
Trên đây là một số thông tin về môn Tâm lý học đại cương như: khái niệm, ý nghĩa, đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, chức năng môn học,... mà eLib chia sẻ đến các bạn sinh viên. Ngoài ra, eLib còn đưa ra các dạng bài tập khác nhau như câu hỏi tự luận, câu hỏi ôn tập nhằm hỗ trợ cho quá trình học tập và ôn thi của bạn trở nên dễ dàng hơn, mời các bạn cùng tham khảo.
Để giúp có thể nắm vững các kiến thức lý thuyết đối với môn học "Tâm lý học đại cương", eLib.VN xin mời bạn làm 200 câu trắc nghiệm Online về Tâm lý học đại cương có đáp án đầy đủ tại đây.
Tham khảo thêm
- Bài 1: Khái quát về khoa học tâm lí
- Bài 2: Bản chất, chức năng, phân loại các hiện tượng tâm lí
- Bài 3: Các nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu tâm lí
- Bài 1: Cấu trúc của não bộ
- Bài 2: Hoạt động thần kinh cấp cao
- Bài 3: Các quy luật hoạt động thần kinh cấp cao
- Bài 4: Hệ thống tín hiệu thứ nhất (I) và hệ thống tín hiệu thứ hai (II)
- Bài 5: Các loại hình thần kinh cơ bản
- Bài 1: Hoạt động
- Bài 2: Giao tiếp