Đề cương ôn thi môn Xã hội học đại cương

Cùng nhau ôn tập và củng cố kiến thức thông qua Đề cương ôn thi môn Xã hội học đại cương mà eLib.VN đã tổng hợp dưới đây nhé. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích, giúp các bạn chuẩn bị cho kì thi kết thúc môn đạt kết quả cao. Mời các bạn tham khảo!

Đề cương ôn thi môn Xã hội học đại cương

1. Xã hội học là gì? Đối tượng nghiên cứu và mối quan hệ giữa xã hội học với các ngành khoa học khác?

Xã hội học là gì?

- Xã hội học là một khoa học

Cũng như tất cả các bộ môn khoa học khác, xã hội học (XHH) là một khoa học độc lập, có đầy đủ các tiêu chí để khẳng định vị trí của nó trong nền khoa học thế giới:

  • Thứ nhất: XHH có một đối tượng nghiên cứu cụ thể. Nó trả lời cho câu hỏi “nghiên cứu ai, nghiên cứu cái gỉ?”. Điều đó có nghĩa là một sự vật hoặc hiện tượng được đặt trong sự quan tâm của một môn khoa học như thế nào. Cũng có thể là đối tượng nghiên cứu của những bộ môn khoa học khác nhau, nhưng mỗi khoa học nghiên cứu đối tượng đó trên các góc độ, khía cạnh khác nhau.
  • Thứ 2: XHH có một hệ thống lý thuyết riêng trả lời cho câu hỏi: “ Dựa trên cơ sở nào để nghiên cứu xã hội?”. Hệ thống lý thuyết là các khái niệm, phạm trù, quy luật, các học thuyết xã hội được sắp xếp một cách lôgíc và hệ thống.
  • Thứ 3: XHH có một hệ thống phương pháp nghiên cứu riêng, trả lời cho câu hỏi: “Nghiên cứu như thế nào? Bằng cách nào?”. Mỗi khoa học có một hệ thống phương pháp đặc trưng và cũng gồm 2 bộ phận phương pháp riêng và phương pháp kế thừa từ các khoa học khác.
  • Thứ 4: XHH có mục đích ứng dụng rõ rang nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc sống và xã hội. Nó thường trả lời cho câu hỏi: “Nghiên cứu để làm gì?”
  • Thứ 5: XHH có một quá trình lịch sử hình thành, phát triển và có một đội ngũ các nhà khoa học đóng góp, cống hiến để khoa học phát triển không ngừng.

- Định nghĩa về xã hội học

Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về xã hội học tuỳ thuộc vào hướcaanjvaf cấp độ tiếp cận. Sau đây là một số cách định nghĩa thường hay gặp trong nghiên cứu xã hội học:

  • Xã hội học là khoa học nghiên cứu về con người và xã hội. (Arce Alberto, Hà Lan)
  • Xã hội học là khoa học nghiên cứu về các quan hệ xã hội thông qua các sự kiện, hiện tượng và quá trình xã hội. (TS Nguyễn Minh Hoà)
  • Xã hội học là khoa học nghiên cứu có hệ thống về đời sống của các nhóm người. (Bruce J Cohen và cộng sự)

Đối tượng nghiên cứu của xã hội học

- Khái niệm xã hội học (Sociology)

Thuật ngữ “Sociology” (xã hội học) là một từ ghép bởi hai chữ có gốc nghĩa khác nhau, chữ Latinh: Societas (xã hội) và chữ Hy Lạp: logos (học thuyết). Như vậy xã hội học có nghĩa là học thuyết nghiên cứu về xã hội. Thuật ngữ này lần đầu tiên được nhà xã hội học người Pháp: Auguste Comte đưa ra vào năm 1839, trong tác phẩm “Giáo trình triết học thực chứng” (1830-1842).

- Đối tượng nghiên cứu của xã hội học

Có nhiều cách nhìn khác nhau về đối tượng của xã hội học:

  • Theo Durkheim, đối tượng nghiên cứu của xã hội là “sự kiện xã hội”.
  • Theo quan điểm của M. Weber, xã hội học là khoa học nghiên cứu về “ hành động xã hội”.
  • Đối với Auguste Comte, xã hội học là khoa học nghiên cứu về các quy luật tổ chức xã hội.v.v.

Tuy nhiên, xem xét toàn bộ lịch sử phát triển của xã hội học thế giới, có ba khuynh hướng chính trong cách tiệp cận xã hội học như sau:

  • Khuynh hướng tiếp cận vi mô: Các nhà xã hội học theo khuynh hướng này cho rằng hành vi hay hành động xã hội của con người là đối tượng nghiên cứu của xã hội học.
  • Khuynh hướng tiếp cận vĩ mô: Hệ thống xã hội, cấu trúc xã hội là đối tượng nghiên cứu của xã hội học.
  • Khuynh hướng tiếp cận tổng hợp: Xã hội loài người và hành vi xã hội của con người là đối tượng nghiên cứu của xã hội học.

Đại diện cho khuynh hướng tiếp cận thức ba là Osipov (Bungari). Theo ông, “Xã hội học là khoa học về các quy luật và tính quy luật xã hội chung và đặc thù của sự phát triển và vận hành của các hệ thống xã hội được xác định về mặt lịch sử, là khoa học về các cơ chế tác động và các hình thức biểu hiện của các quy luật đó trong hoạt động của các cá nhân, các nhóm xã hội, các giai cấp và các dân tộc” (Xã hội học và thời đại, Tập 3, số 23/1992, tr. 8).

Định nghĩa này của ông được sử dụng khá rộng rãi trong nhiều nước khi bàn đến đối tượng nghiên cứu của xã hội học.

Mối quan hệ của xã hội học với các khoa học khác?

Xã hội học có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều ngành khoa học như triết học,toán học, luật học, kinh tế học.v.v…

- Xã hội học và triết học

Triết học là khoa học nghiên cứu các quy luật chung nhất về sự vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy.

Vậy mối quan hệ giữa triết học và xã hội học là mối quan hệ giữa thế giới quan và khoa học cụ thể. Triết học là thế giới quan, phương pháp luận của việc nghiên cứu, phân tích các sự kiện xã hội trong xã hội học. Ngược lại, các nghiên cứu xã hội đã cung cấp thông tin, dự kiến, các bằng chứng và phát hiện các vấn đề mới giúp cho quá trình khái quát hoá lý luận ngày càng phong phú và chính xác hơn.

Cần phải tránh 2 khuynh hướng làm cản trở đến sự phát triển của xã hội học:

  • Đồng nhất xã hội học với triết học hoặc coi xã hội học là một bộ phận của triết học.
  • Tách rời xã hội học ra khỏi triết học, hay xã hội học biệt lập với triết học.

- Xã hội học và tâm lý

Tâm lý học là khoa học nghiên cứu về hành vi của các cá thể, về các quy luật hình thành tâm lý (cảm xúc, tình cảm). Trong mối quan hệ này, XHH cũng nghiên cứu con người nhưng là những con người xã hội, những thành tố xã hội của con người, nghiên cứu xem tại sao con người ta lại kết bạn, lại tham gia vào các nhóm, các tổ chức xã hội…

XHH và tâm lý học có mối quan hệ mật thiết và khá gần gũi với nhau. Vì vậy trong lịch sử phát triển của XHH đã có lúc TLH bị cự tuỵệt (Durkhem), hoặc được sử dụng nhiều trong nghiên cứu xã hội (Mead). Sự giằng co giữa XHH và TLH đã đưa đến kết quả là sự ra đời của chuyên nghành Tâm lý học xã hội. Trong thực tế ở một số lĩnh vực tâm lý học và xã hội học đều sử dụng các khái niệm, lý thuyết của nhau.

Tuy nhiên sự xác định thật rạch ròi ranh giới giữa XHH và TLH là hết sức khó khăn, đặc biệt là giữa TLH xã hội và XHH.

- Xã hội học và kinh tế học

Kinh tế học là khoa học nghiên cứu quá trình sản xuất, phân phối,tiêu dung các sản phẩm hành hoá, dịch vụ xã hội. Ngược lại xã hội học nghiên cứu bối cảnh văn hoá, cách thức tổ chức xã hội, quan hệ xã hội của các hiện tượng và quá trình kinh tế.

XHH và KTH có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. KTH cũng nghiên cứu những vấn đề như việc làm, thất nghiệp, lạm phát, marketing…. Còn trong lĩnh vực này XHH chủ yếu nghiên cứu các mối quan hệ giữa con người trong kinh tế ( trong sản xuất, phân phối, lưu thông), nghiên cứu những mô hình tương tác trong quan hệ kinh tế.

Một số khái niệm và lý thuyết của kinh tế học đã được vận dụng trong nghiên cứu xã hội học khái niệm thị trường, giá trị, lợi ích, quản lý kinh tế…Lý thuyết trao đổi xã hội…

Ngược lại một số khái niệm, phương pháp và thành tựu nghiên cứu XHH được các nhà kinh tế học hết sức quan tâm. Sự giao thoa giữa KTH và XHH đã cho ra đời ngành kinh tế học xã hội.

- Xã hội học và nhân chủng học

Đối tượng của 2 nghành khoa học này có nhiều điểm giống nhau. Cái khác là nhân chủng học thường nghiên cứu về nguồn gốc, đặc trưng văn hoá của xã hội loài người, nghiên cứu các xã hội hiện đại, các xã hội phát triển, và các xã hội công nghiệp.

2. Tại sao nói: “Xã hội học với tư cách là một bộ phận của khoa học thực nghiệm nó chỉ ra đời ở các nước Tây Âu thế kỷ XIX?”

Xã hội học với tư cách là một bộ phận của khoa học thực nghiệm đã ra đời ở các nước Tây Âu thế kỷ XIX. Để giải thích được vấn đề này cần phải trở lại với những điều kiện kinh tế - xã hội ở Tây Âu thế kỷ XIX với tư cách là tìm hiểu những tiền đề quan trọng cho sự ra đời của XHH thế giới.

Vào thế kỷ XIX ở các nước Tây Âu đã trải qua những biến động hết sức to lớn, trước hết là những biến động trong lĩnh vực kinh tế.

Vào thế kỷ XVIII, cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra ở các nước Anh, Pháp, Đức… Thực chất của cuộc cách mạng công nghiệp này là sự thay thế lao động thủ công bằng lao động máy móc. Chính vì vậy nó đã đem lại những thay đổi to lớn trong lòng xã hội châu Âu.

  • Cuộc cách mạng công nghiệp đã làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
  • Kích thích xu hướng tự do hoá thương mại, tự do hoá sản xuất, tự do hoá lao động làm cho thị trường trong nước và thì trường các nước Tây Âu được mở rộng.
  • Hình thành những trung tâm công nghiệp mới và các đô thị mới. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, tập đoàn kinh tế ra đời thu hút nguồn lao động từ các vùng cận thị và nông thôn.
  • Hình thái kinh tế phong kiến sụp đổ dành chỗ cho sự phát triển mạnh mẽ của CNTB.
  • Sự biến đổi trong lĩnh vực kinh tế đã tạo ra xã hội công nghiệp, đó là một bước tiến lớn trong lịch sử châu Âu, nhưng nó cũng nảy sinh những vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp như: khủng hoảng, lạm phát, thất nghiệp…
  • Hệ thống tổ chức quản lý kinh tế theo kiểu truyền thống bị phá vỡ, đòi hỏi sự thay thế của một phương thức quản lý mới phù hợp với tổ chức xã hội công nghiệp. Để thiết lập phương thức quản lý mới cần có sự hỗ trợ của các ngành khoa học trong đó có xã hội học.

Thế kỷ XIX là thế kỷ của những biến động chính trị - xã hội ở các nước Tây Âu

Cuộc cách mạng Pháp 1789 là một cuộc cách mạng tư sản triệt để nhất trong lịch sử. Thắng lợi của cuộc cách mạng này đã đem lại việc thành lập nhà nước tư sản Pháp, các giai cấp mới, các quan hệ xã hội mới được hình thành. Nền dân chủ tư sản được hình thành thay thế cho chế độ chuyên chế độc tài của nhà nước phong kiến. Khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” đã tạo điều kiện cho sự tự do phát triển của các cá nhân và sự phát triển
của các ngành khoa học.

Bên cạnh đó là những biến đổi to lớn trong đời sống xã hội châu Âu dưới tác động của cách mạng công nghiệp và của các cuộc cách mạng xã hội như: sự thay đổi thể chế chính trị, sự tàn lụi của Thiên chúa giáo và sự đề cao đạo Tin lành, sự di dân, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, nạn thất nghiệp, vấn đề nhà ở, sự hình thành lối sống đô thị với các đặc trưng nhanh nhẹn, nhạy bén nhưng lạnh lung, vô danh, cô đơn…

Những sự kiện nói trên đã làm cho xã hội châu Âu mà đặc biệt là các nước Tây Âu thực sự trải qua những biến động dữ dội. Nhiều nhà khoa học và nhà chính trị đã tìm cách để ổn định xã hội, và họ đã tìm đến với khoa học như những công cụ sắc bén để ổn định xã hội.

Đây cũng chính là những tiền đề quan trọng thúc đẩy sự ra đời của XHH.

Sự phát triển về tư tưởng, lý luận và khoa học ở châu Âu thế kỷ XVII, XVIII và XIX

Bước vào thời kỳ khai sang, những tư tưởng khoa học và tiến bộ phát triển mạnh mẽ, nhất là các tư tưởng của các nhà CNXH không tưởng như: Xanh-xi-mông, Vôn-te, Rútxô… Đặc biệt những thành tựu của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong các thế kỷ 17 - 19 đã đem lại cho con người cách nhìn mới về tự nhiên, xã hội.

  • Về khoa học tự nhiên đã đạt được nhiều thành tựu về lý thuyết và phương pháp: Niu-tơn tìm ra thuyết vạn vật hấp dẫn, Lô-mô-nô-xôp tìm ra định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng. Puốc-kin-giơ tìm ra thuyết tế bào…
  • Từ những thành tựu này, con người nhận thức rằng: Giới tự nhiên vận động và phát triển theo quy luật khách quan chứ không do một lực lượng siêu nhiên nào quy định sự phát triển của chúng. Và có thể dung phương pháp khoa học tự nhiên để nghiên cứu về xã hội.
  • Trong sự phát triển của khoa học xã hội, triết học giữ một vai trò quan trọng. Sự phát triển của triết học thực chứng, và sau này là hệ thống triết học Mac - Lênin đã cung cấp cho con người một cách nhìn khoa học hơn về các sự kiện và hiện tượng xã hội.

Có thể nói vào thế kỷ XIX, các nước Tây Âu đã thực sự bước vào xã hội tư bản với sự phát triển mạnh mẽ của nền đại công nghiệp. Sự phát triển của nền kinh tế và những biến đổi về chính trị - xã hội, về tư tưởng, lý luận và khoa học đã tạo ra những tiền đề cần thiết và đầy đủ cho sự ra đời của xã hội học. Với những điều kiện và tiền đề ấy có thể khẳng định rằng XHH với tư cách là một bộ phận của khoa học thực nghiệm nó chỉ ra đời ở các nước Tây Âu thế kỷ XIX.

3. Tóm tắt những thành tựu cơ bản của xã hội học Marx - Lênin?

Xã hội học Mác - Lênin là một bộ phận không thể tách rời của nền XHH thế giới. Nó có những đóng góp hết sức quan trọng cho sự phát triển lý luận XHH nói chung và những nghiên cứu XHH cụ thể nói riêng.

Karl Marx (1818 - 1883) là người đã có những đóng góp quan trọng nhất trong việc hình thành XHH Mác - Lênin. Những đóng góp của K. Marx đối với XHH ngày nay đã được đánh giá cao. Cùng với A. Comte. M. Weber, E. Durkheim, K. Marx được coi là một trong những nhà sáng lập ra nền XHH thế giới. (Xem thêm ở phần đóng góp của K. Marx). Trước đây ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ, những ý tưởng XHH của Marx trong những tác phẩm kinh điển nổi tiếng như: “Tư bản”, “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”, “Phê phán cương lĩnh Gotha”… được các nhà XHH sử dụng để xây dựng hệ thống lý luận XHH. Đóng góp của Marx về phương pháp luận cũng chính là đóng góp của XHH Marx - Lênin đối với khoa học thế giới. Các nhà xã hội phương Tây thực sự chú ý đến nhiều các tác phẩm của Marx từ những năm 60 khi XHH trở nên nhạy cảm hơn với những vấn đề chính trị. Bởi vì Marx rất chú ý đến những vấn đề quyền lực và sự thống trị kinh tế. Lý luận của Marx về sự tha hoá lao động, về văn hoá, về các hình thái kinh tế - xã hội, về giai cấp… cũng thường xuyên được các học giả phương Tây nghiên cứu với một thái độ trân trọng.

Người đã kế tục sự nghiệp của Marx để phát triển những quan niệm của ông là Ăng-ghen. Với những tác phẩm: “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh”, “Biện chứng tự nhiên”, “Nguồn gốc gia đình của chế độ tư hữu và của Nhà nước”… ông đã giải thích thêm về lý thuyết hình thái kinh tế - xã hội. Ông nghiên cứu về cơ cấu xã hội thông qua xã hội tư sản và sự khác nhau giữa các nhóm xã hội trong xã hội ấy.

Vào đầu thế kỷ XX, Lênin đã đứng đầu trong cuộc đấu tranh chống lại những tư tưởng phản động về xã hội. Ông chỉ ra các nguyên tắc lý luận, những tiêu chuẩn trong việc nghiên cứu cơ cấu xã hội, đặc biệt là cơ cấu giai cấp. Ông đã phát triển nhiều quan điểm của Marx và thích ứng hoá chúng với xã hội Nga lúc bấy giờ.
Ông cho rằng phải chỉ ra các giai cấp chủ chốt trong xã hội và trong mối quan hệ củA nó. Ông cũng đưa ra định nghĩa về sự kiện xã hội, theo ông sự kiện xã hội là hành động của cá nhân, là kết quả khách quan của hành động con người. Vì vậy nghiên cứu XHH về sự kiện xã hội phải phân tích hành động của con người.

Sau 1917, XHH Marx - Lenin phân hoá thành 2 khuynh hướng: Khuynh hướng XHH tồn tại độc lập với triết học và khuynh hướng XHH là một bộ phận của triểt học. Mặc dầu vậy, nhiều trung tâm nghiên cứu xã hội học đã ra đời và có những đóng góp đáng kể như: Liên Xô, Ba Lan, Bungari… Đặc biệt là những đóng góp về phương pháp nghiên cứu cụ thể của các nhà XHH Liên Xô kể cả phương pháp định tính và phương pháp định lượng. Từ sau năm 1991 đến nay, XHH Marx - Lênin hoà nhập trong trào lưu của XHH thế giới

4. Trình bày khái niệm quan hệ xã hội? Các loại hình quan hệ xã hội và các yếu tố tác động đến chúng?

Định nghĩa quan hệ xã hội

Khái niệm “quan hệ xã hội” vốn được dùng trong triết học, nó chỉ mối quan hệ giữa người và người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cũng có thể hiểu quan hệ xã hội là quan hệ bền vững ổn định của các chủ thể hành động. Các quan hệ này được hình thành trên những tương tác xã hội ổn định, lặp đi lặp lại…

Mối quan hệ giữa quan hệ xã hội với hành động xã hội và tương tác xã hội

Quan hệ xã hội không tách rời khỏi hành động xã hội và tương tác xã hội. Hành động xã hội tạo ra tương tác xã hội, tương tác xã hội lặp đi lặp lại tạo ra quan hệ xã hội. Hành động xã hội và tương tác xã hội tạo ra mức độ nông, sâu, bền vững, kém bền vững của các mối quan hệ xã hội. Quan hệ xã hội được xác lập sẽ chi phối hành động xã hội và tương tác xã hội. Các mối quan hệ xã hội chằng chịt tạo ra một mạng lưới tương đối ổn định, mạng lưới quan hệ xã hội tạo ra cơ cấu xã hội.

Các loại hình quan hệ xã hội

Có nhiều kiểu phân chia quan hệ xã hội:

  • Quan hệ xã hội sơ cấp (mang ít tính xã hội hơn, chủ yếu là quan hệ tình cảm) và quan hệ xã hội thứ cấp (quan hệ mang tính xã hội).
  • Dựa vào những lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, người ta phân chia thành các loại hình: quan hệ kinh tế, quan hệ chính trị, quan hệ văn hoá xã hội.
  • Dựa vào vị thế xã hội của các cá nhân, người ta chia thành quan hệ người cùng vị thế và quan hệ của những người khác vị thế (quan cấp trên và cấp dưới, trung ương với địa phương).
  • Dựa vào tính chất của các kiểu quan hệ, người ta có thể chia thành quan hệ vật chất và quan hệ tinh thần.

Xét cho cùng sự sản xuất ra của cải vật chất chính là cơ sở của sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Do đó, trong các công trình nghiên cứu về xã hội, về xã hội học theo quan điểm Mácxít, người ta xem quan hệ kinh tế là quan trọng nhất chi phối và quyết định các mối quan hệ khác. Quan hệ sản xuất luôn luôn có vai trò quyết định tính chất các quan hệ xã hội khác như quan hệ văn hoá, quan hệ chính trị, tư tưởng, quan hệ pháp luật.

Nghiên cứu các vấn đề xã hội phải nắm được sự phụ thuộc ấy của mọi quan hệ xã hội với quan hệ sản xuất mới có cơ sở để giải thích tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại.

Các yếu tố tác động đến quan hệ xã hội

  • Yếu tố lợi ích (chi phối mạnh mẽ đến quan hệ xã hội, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường)
  • Yếu tố tâm lý
  • Yếu tố phong tục, tập quán thói quen
  • Yếu tố vị thế xã hội

5. Trình bày khái niệm văn hoá? Cơ cấu của văn hoá? Tiểu văn hoá và phản văn hoá? Tính xã hội của văn hoá?

Khái niệm văn hoá

Trong tiếng Việt thuật ngữ “văn hoá” cũng có nhiều nghĩa, có lúc nó dùng để chỉ những phong cách ứng xử giữa các cá nhân mà phù hợp với các chuẩn mực, giá trị của các xã hội. Trong trường hợp khác nó chỉ những người có học thức. Lúc này khái niệm văn hoá được hiểu như là trình độ học vấn. Thuật ngữ văn hoá còn được dung để chỉ các loại hình nghệ thuật như phim ảnh, hội hoạ, điêu khắc, kịch… và các loại hình mang tính chất giải trí khác.

Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về văn hoá. Mỗi ngành khoa học nghiên cứu về văn hoá (như XHH, tâm lý học, sử học…) có những cách nhìn nhận khác nhau. Triết học coi “văn hoá là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong quá trình thực tiễn lịch sử xã hội và đặc trưng cho trình độ đạt được trong sự phát triển lịch sử của xã hội”. Trong XHH “văn hoá có thể được xem xét như là một của các giá trị, chân lý, các chuẩn mực và mục tiêu mà con người cùng thống nhất với nhau trong quá trình tương tác và trải qua thời gian”.

Cơ cấu của văn hoá

Chân lý: là tính chính xác, rõ ràng của tư duy hoặc chân lý là những nguyên lý được nhiều người thừa nhận, là sự phản ánh đúng đắn thế giới khách quan trong đầu óc con người.

Giá trị: là cái mà ta cho là đáng có, mà ta thích, ta cho là quan trọng để hướng dẫn cho hành động của con người. Giá trị chứa đựng một số yếu tố nhận thức có tính chất hướng dẫn và lựa chọn.

Mục tiêu: được coi như sự dự đoán trước kết quả của hành động. Là cái đích cần phải hoàn thành, mục tiêu có khả năng hợp tác các hành động khác nhau của con người vào trong một hệ thống, kích thích đến khả năng xây dựng phương án và tổ chức hành động. Mục tiêu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của giá trị. Giá trị thé nào thì mục tiêu như thế ấy.

Chuẩn mực: là tổng số những mong đợi, những yêu cầu, những quy tắc của xã hội được ghi nhận bằng lời, bằng ký hiệu hay bằng các biểu tượng để hướng dẫn và quy định đối với các hành vi của các thành viên trong xã hội.

Tiểu văn hoá và phản văn hoá

Tiểu văn hoá: Các nhóm, các cộng đồng của mỗi xã hội đều xây dựng những khuôn mẫu hành vi, các quan điểm, các giá trị đặc trưng của mình. Thông thường chúng phù hợp với các chuẩn mực, giá trị chung của xã hội. Khi tập hợp các giá trị của các chuẩn mực, khuôn mẫu hành động của nhóm khác biệt với các chuẩn mực chung, nhưng không đối lập với chúng thì trong các nhóm xã hội đó đã có một nền tiểu văn hoá.

Phản văn hóa: Phản văn hoá được coi như tập hợp các chuẩn mực, giá trị của một nhóm người trong xã hội, mà chúng đối lập với các giá trị và chuẩn mực chung của toàn xã hội.

Tính xã hội của văn hoá

Văn hoá là sản phẩm của loài người, vì nếu như hành vi của con vật chủ yếu đã được chương trình hoá theo gen di truyền, hoặc theo bản năng thì hành vi của con người có được chủ yếu là do học hỏi bằng con đường chính thức và không chính thức. Vai trò của văn hoá trong cuộc sống con người cũng như bản năng trong cuộc sống động vật.

Văn hoá được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hoá. Một trong những tác nhân quan trọng nhất của quá trình xã hội hoá là ngôn ngữ. Mà ngôn ngữ là trong những biểu hiện cơ bản để phân biệt người với các động vật khác. Ở đây ngôn ngữ được định nghĩa như là một hệ thống giao tiếp, sử dụng âm thanh hoặc các biểu trưng khác nhau nhưng có những nghĩa được quy định. Như vậy cho dù rất nhiều biểu hiện của văn hoá không dung đến lời nói như hội hoạ, múa… các thói quen vẫn có thể được mô tả qua ngôn ngữ. Chính vì vậy ngôn ngữ là công cụ giao tiếp chủ yếu. Nhờ ngôn ngữ mà tư duy con người có thể chuyển giao và thu nhận các giá trị, chuẩn mực, văn hoá, các khuôn mẫu của hành vi cá nhân.

Ngôn ngữ có tính xã hội, con người không thể học được ngôn ngữ bên ngoài xã hội.

Mời các bạn bấm nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ  Đề cương ôn thi môn Xã hội học đại cương!

Để củng cố kiến thức và nắm vững nội dung bài học mời các bạn cùng làm Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Xã hội học đại cương có đáp án dưới đây.

Trắc Nghiệm

 

Ngày:27/11/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM