Bệnh rối loạn lo âu chia ly - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Lo lắng chia ly là nỗi sợ hãi phải chia xa, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn khi họ nghĩ về việc rời xa những người mà họ đã gắn bó. Rối loạn lo âu chia ly là một phần bình thường trong giai đoạn phát triển của trẻ. Hội chứng thường xảy ra ở trẻ từ 8-12 tháng tuổi và thường biến mất khi trẻ được 2 tuổi. Rối loạn lo âu chia ly cũng có thể xảy ra ở người lớn tuổi. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Bệnh rối loạn lo âu chia ly - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu về rối loạn lo âu chia ly

Lo lắng chia ly là nỗi sợ hãi phải chia xa, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn khi họ nghĩ về việc rời xa những người mà họ đã gắn bó. Rối loạn lo âu chia ly là một phần bình thường trong giai đoạn phát triển của trẻ. Hội chứng thường xảy ra ở trẻ từ 8-12 tháng tuổi và thường biến mất khi trẻ được 2 tuổi. Rối loạn lo âu chia ly cũng có thể xảy ra ở người lớn tuổi.

2. Triệu chứng rối loạn lo âu chia ly

Các triệu chứng phổ biến của rối loạn lo âu chia ly là:

  • Thường xuyên đau buồn quá mức về việc rời xa nhà hoặc người thân.
  • Lo lắng quá mức về việc mất cha mẹ hoặc người thân khác do bệnh hoặc thảm họa.
  • Lo lắng liên tục về một chuyện xấu sẽ xảy ra, chẳng hạn như chết hoặc bị bắt cóc, sẽ khiến bạn không thể ở cạnh người thân yêu.
  • Từ chối xa nhà vì sợ chia ly.
  • Không muốn ở nhà một mình.
  • Miễn cưỡng hoặc từ chối ngủ xa nhà mà không có cha mẹ hoặc người thân khác ở gần.
  • Những cơn ác mộng lặp đi lặp lại về sự chia ly.
  • Thường xuyên có các cơn đau đầu, đau dạ dày hoặc các triệu chứng khác khi tách khỏi cha mẹ hoặc người thân.
  • Rối loạn lo âu chia ly có thể liên quan đến rối loạn hoảng loạn.

3. Nguyên nhân gây rối loạn lo âu chia ly

Lo lắng chia ly là một giai đoạn bình thường trong sự phát triển của trẻ sơ sinh. Tình trạng này thường kết thúc khi trẻ khoảng 2 tuổi. Lúc này, trẻ mới biết đi và bắt đầu hiểu rằng cha mẹ vẫn ở gần trẻ cho dù chúng không nhìn thấy. Đôi khi, rối loạn lo âu chia ly có thể được kích hoạt bởi căng thẳng trong cuộc sống dẫn đến việc chia tay người thân. Di truyền cũng có thể đóng một vai trò trong việc phát triển các rối loạn.

4. Nguy cơ mắc rối loạn lo âu chia ly

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây rối loạn lo âu chia ly, như:

  • Tiền sử gia đình lo lắng hoặc trầm cảm ;
  • Tính cách nhút nhát, rụt rè ;
  • Địa vị kinh tế xã hội thấp ;
  • Cha mẹ bảo vệ quá mức;
  • Thiếu sự tương tác của cha mẹ ;
  • Một sự kiện lớn trong đời của trẻ như cha mẹ ly hôn hoặc người thân qua đời.

5. Chẩn đoán và điều trị rối loạn lo âu chia ly

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán rối loạn lo âu chia ly?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán rối loạn lo âu chia ly bằng việc xác định đây có phải là một giai đoạn phát triển bình thường của trẻ hay là một rối loạn thực sự. Sau khi loại trừ bất kỳ tình trạng y tế nào, bác sĩ có thể giới thiệu trẻ đến một nhà tâm lý học trẻ em hoặc bác sĩ tâm thần trẻ em có chuyên môn về rối loạn lo âu.

Để giúp chẩn đoán rối loạn lo âu chia ly, chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể sẽ cho trẻ đánh giá tâm lý, bao gồm thảo luận về suy nghĩ và cảm xúc, cũng như quan sát hành vi của trẻ. Rối loạn lo âu chia ly có thể xảy ra cùng với các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

Những phương pháp nào giúp bạn điều trị rối loạn lo âu chia ly?

Bác sĩ thường điều trị rối loạn lo âu chia ly bằng liệu pháp tâm lý, đôi khi cùng với thuốc. Tâm lý trị liệu, đôi khi được gọi là liệu pháp nói chuyện hoặc tư vấn tâm lý, giúp giảm các triệu chứng lo âu chia ly.

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là một phương pháp trị liệu tâm lý hiệu quả cho chứng rối loạn lo âu chia ly. Trong quá trình trị liệu, con bạn có thể học cách đối mặt và kiểm soát nỗi sợ hãi về sự chia xa. Ngoài ra, cha mẹ có thể học cách hỗ trợ và khuyến khích trẻ tự độc lập ngay từ nhỏ.

Đôi khi, kết hợp thuốc với liệu pháp hành vi nhận thức có thể giúp ích nếu các triệu chứng nghiêm trọng. Thuốc chống trầm cảm (chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI)) có thể hiệu quả cho trẻ lớn và người lớn.

Liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái là một cách khác để điều trị rối loạn lo âu chia ly, gồm ba giai đoạn điều trị chính:

  • Tương tác hướng đến trẻ em (CDI), tập trung vào việc cải thiện chất lượng mối quan hệ cha mẹ và con cái. Phương pháp này liên quan đến sự ấm áp, sự chú ý và khen ngợi của cha mẹ dành cho trẻ. Những điều này giúp trẻ củng cố thêm cảm giác an toàn.
  • Tương tác theo hướng dũng cảm (BDI), trong đó giáo dục cha mẹ về lý do tại sao con họ cảm thấy lo lắng. Nhà trị liệu sẽ phát triển một nấc thang dũng cảm. Các bậc thang cho thấy tình huống gây ra cảm giác lo lắng của trẻ.
  • Tương tác hướng đến phụ huynh (PDI), dạy cho cha mẹ giao tiếp rõ ràng với con của họ.

Không có thuốc đặc trị cho rối loạn lo âu chia ly. Thuốc chống trầm cảm đôi khi được sử dụng ở trẻ lớn hơn nếu các hình thức điều trị khác không hiệu quả. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc này vì thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ.

6. Kiểm soát rối loạn lo âu chia ly

Những biện pháp nào giúp bạn kiểm soát rối loạn lo âu chia ly?

Tìm hiểu về rối loạn lo âu chia ly của con. Bạn nên nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần của con để tìm hiểu về rối loạn và giúp trẻ hiểu về tình trạng này. Bám sát kế hoạch điều trị. Hãy chắc chắn cho trẻ tái khám đúng hẹn.

Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa chứng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ, nhưng những khuyến nghị sau có thể giúp ích:

  • Tìm kiếm lời khuyên chuyên nghiệp càng sớm càng tốt nếu bạn thấy trẻ lo lắng nghiêm trọng hơn nhiều so với giai đoạn phát triển bình thường.
  • Việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp giảm các triệu chứng và ngăn ngừa rối loạn trở nên tồi tệ hơn.
  • Bám sát kế hoạch điều trị để giúp ngăn ngừa tái phát hoặc các triệu chứng của rối loạn.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Rối loạn lo âu chia ly, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM