Hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder - OCD) là một bệnh rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân. Cùng eLib.VN tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một bệnh rối loạn tâm thần liên quan đến cách suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân. Khi mắc bệnh, các suy nghĩ và nỗi sợ không mong muốn (hay còn gọi là sự ám ảnh) xuất hiện liên tục và khiến bệnh nhân lặp đi lặp lại các hành động cưỡng chế. Ví dụ như việc tự hỏi cửa đã khóa hay chưa làm bạn phải kiểm tra cửa vài lần. Người bệnh thường có thể cố gắng loại bỏ các suy nghĩ đó, nhưng điều này chỉ càng làm họ căng thẳng và lo lắng hơn. Cuối cùng, họ vẫn buộc phải thực hiện hành động để giải tỏa căng thẳng.

Có bao nhiêu người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế?

Tổ chức OCD thế giới công bố rằng có đến 2% dân số đang gặp phải tình trạng sức khỏe này. Điều đó cho thấy trên toàn thế giới con số thống kê nếu có sẽ lên đến hàng trăm triệu người phải đối mặt với tình trạng này.

Nó không phải là một chứng bệnh kì lạ, mà ngược lại rất phổ biến dưới nhiều dạng khác nhau. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng ảnh hưởng đến cả nam và nữ, chứ không phân biệt giới tính.

Nếu để ý, rất có thể bạn sẽ phát hiện ra bạn bè hoặc người thân đang mắc căn bệnh trên, nhưng cũng có thể là chính bạn đấy. Những người  mắc chứng này thường thấy xấu hổ và cố che giấu hành vi cưỡng chế của mình

2. Triệu chứng thường gặp

Dấu hiệu và triệu chứng chủ yếu của rối loạn ám ảnh cưỡng chế là xuất hiện các ám ảnh và hành vi cưỡng chế không phải do sử dụng ma túy hoặc các bệnh lý khác. Chúng khiến bạn kiệt sức và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Có rất nhiều loại ám ảnh và hành vi cưỡng chế như:

Các ám ảnh thường xảy ra:

  • Có các suy nghĩ không mong muốn như thấy các hình ảnh bạo lực;
  • Xuất hiện nỗi sợ mình sẽ làm hại người khác và bản thân hoặc làm điều gì đó đáng xấu hổ;
  • Cảm thấy có trách nhiệm cho những điều sai trái và điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra;
  • Quan tâm quá mức đến chất thải cơ thể, chất bẩn hoặc vi khuẩn;
  • Lo lắng quá mức đến các chất gây ô nhiễm và lo lắng về việc bị bệnh nặng đến một mức độ không hợp lý.

Các hành vi cưỡng chế:

  • Thức dậy vài lần vào ban đêm để chắc chắn rằng các thiết bị đã được tắt, cửa đã khóa và cửa sổ đã đóng;
  • Sắp xếp quần áo, giày dép hoặc chén đĩa theo một thứ tự hoặc theo một hướng nhất định thì mới hết cảm giác lo âu;
  • Rửa tay liên tục vì sợ nhiễm trùng (mặc dù điều này không có khả năng xảy ra).

Bệnh nhân thường không muốn thực hiện các hành vi này nhưng thường không thể kiểm soát được chúng. Các hành vi cưỡng chế này có thể chiếm phần lớn thời gian trong ngày và gây khó khăn để làm những công việc  hữu ích hơn.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đi khám nếu:

  • Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của bạn;
  • Gặp các triệu chứng về thể chất như đau ngực hoặc đánh trống ngực hoặc nếu bạn có ý định tự tử hoặc giết người.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh chính xác. Một số yếu tố có thể góp phần gây ra bệnh bao gồm:

  • Chấn thương đầu;
  • Nhiễm trùng;
  • Có chức năng bất thường trong những khu vực nhất định của não;
  • Gen.

4. Nguy cơ mắc phải

OCD thường xuất hiện ở độ tuổi dưới 20 tuổi, đặc biệt là ở những người phải trải qua nhiều sự kiện căng thẳng trong cuộc sống. Các triệu chứng của bệnh đôi lúc có thể cải thiện nhưng thực sự không bao giờ biến mất. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Các yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ bị OCD, bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: ba mẹ hoặc người thân trong gia đình mắc mắc bệnh OCD có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn;
  • Trải qua nhiều sự kiện căng thẳng trong cuộc sống hoặc có xu hướng phản ứng mạnh mẽ với sự căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

5. Điều trị hiệu quả

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)?

Bác sĩ thường chẩn đoán OCD dựa trên các triệu chứng mà bạn mô tả. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành khám lâm sàng để loại bỏ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng ở bạn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tiến hành đánh giá tâm lý. Ở phương pháp đánh giá tâm lý, bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng tâm thần của bệnh nhân bằng cách quan sát ngoại hình, phong thái và hỏi về những suy nghĩ, tâm trạng, hoang tưởng, ảo giác, lạm dụng chất gây nghiện cùng khả năng bạo lực hoặc tự tử.

Những phương pháp nào dùng để chữa trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)?

Người bị OCD có thể được điều trị  bằng cách sử dụng kết hợp thuốc và liệu pháp nhận thức hành vi.

Thuốc

Bác sĩ có thể kê toa cho bạn các loại thuốc tâm thần để giúp kiểm soát sự ám ảnh và các hành vi cưỡng chế. Thông thường, thuốc chống trầm cảm sẽ được sử dụng đầu tiên và có thể bao gồm:

  • Clomipramine (Anafranil);
  • Fluvoxamine (Luvox CR);
  • Fluoxetine (Prozac);
  • Paroxetin (Paxil, Pexeva);
  • Sertraline (Zoloft).

Liệu pháp nhận thức hành vi

Các bệnh thần kinh thường hình thành do bạn có lối tư duy sai lệch hoặc tiêu cực nào đó trong thời gian dài. Liệu pháp nhận thức giúp bạn tìm ra thói quen trong tiềm thức gây ra bệnh thần kinh đó. Sau đó, liệu pháp hành vi hướng dẫn và tập cho bạn thói quen khác để tránh cách nghĩ đó đi. Khi bạn không còn nghĩ theo cách cũ nữa nghĩa là triệu chứng đã được trị khỏi.

6. Thói quen sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh OCD, bao gồm:

  • Nói bác sĩ nếu các triệu chứng dai dẳng hoặc nặng hơn sau khi điều trị một thời gian;
  • Nói bác sĩ nếu bạn có triệu chứng mới hoặc bạn thấy không khỏe khi dùng thuốc;
  • Tập thể dục vừa phải;
  • Dùng thuốc như chỉ dẫn của bác sĩ dù bạn cảm mình đã khỏe hơn. Ngưng uống thuốc có thể khiến các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế quay trở lại;
  • Liên lạc với bác sĩ trước khi bạn sử dụng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:16/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM