10 đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2021-2022 có đáp án

Bộ 10 Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 12 dưới đây nhằm giúp các em tổng hợp lại những kiến thức đã học. eLib hy vọng rằng đây là tài liệu hữu ích để các em tham khảo và chuẩn bị cho kì thi sắp tới thật tốt. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

10 đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2021-2022 có đáp án

1. Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Ngữ văn 12

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GIỮA HỌC KÌ 1

MÔN NGỮ VĂN 12

NĂM HỌC 2021-2022

A. NỘI DUNG ÔN TẬP

I. Phần Đọc hiểu văn bản

1. Văn bản:

- Văn bản nghệ thuật, văn bản khoa học, văn bản chính luận, văn bản báo chí.

2. Nội dung trọng tâm:

- Các yếu tố nội dung của văn bản: đề tài, chủ đề/thông tin chính, đặc điểm của hình tượng/nội dung cụ thể, cảm hứng chủ đạo của văn bản, cảm xúc/tình cảm/tư tưởng/quan điểm của tác giả…

- Các yếu tố hình thức của văn bản: phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, bố cục/cấu trúc của văn bản, cách sử dụng ngôn ngữ, cách liên kết văn bản, biện pháp tu từ.

II. Phần Làm văn

1. Nghị luận xã hội

- Kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội, khoảng 200 chữ.

- Nội dung: nghị luận về một tư tưởng/đạo lí hoặc nghị luận về một hiện tượng đời sống.

2. Nghị luận văn học

- Kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học.

- Nội dung: Nghị luận về một đoạn thơ.

- Phạm vi ôn tập: 02 văn bản trong sách Ngữ văn 12, Tập một: Tây Tiến - Quang Dũng; Việt Bắc (trích) – Tố Hữu

B. CẤU TRÚC ĐỀ

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

- Ngữ liệu: 01 văn bản (Có thể hỏi một trong các loại văn bản sau: văn bản nghệ thuật, văn bản khoa học, văn bản chính luận, văn bản báo chí)

- Dung lượng: khoảng 250 đến 350 chữ

- Câu hỏi: 4 câu hỏi, thuộc các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng.

Phần II: Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về một vấn đề xã hội đặt ra trong văn bản đọc hiểu (thuộc một trong hai dạng: nghị luận về một tư tưởng/đạo lí hoặc nghị luận về một hiện tượng đời sống)

Câu 2 (5,0 điểm):

Đề có thể vào một trong các dạng sau:

- Nghị luận về một bài thơ hoặc một/ một vài đoạn thơ, sau đó rút ra một vấn đề về nội dung hoặc nghệ thuật.

- Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.

C. HƯỚNG DẪN CHI TIẾT

1. Dàn ý nghị luận về một tư tưởng, đạo lí: 

a. Mở bài: 

- Dẫn dắt vào đề (...)

- Giới thiệu về tư tưởng, đạo lí nêu ở đề bài (...)

- Trích dẫn ý kiến, nhận định (nếu có) (...)

b. Thân bài: 

* Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận. Tùy theo yêu cầu đề bài mà có thể có những cách giải thích khác nhau:

- Giải thích khái niệm, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề. - Giải thích nghĩa đen của từ ngữ, rồi suy luận ra nghĩa bóng, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề.

- Giải thích mệnh đề, hình ảnh trong câu nói, trên cơ sở đó xác định nội dung, ý nghĩa của vấn đề mà câu nói đề cập.

* Phân tích và chứng minh những mặt đúng của tư tưởng, đạo lí cần bàn luận: Bản chất của thao tác này là giảng giải nghĩa lí của vấn đề được đặt ra để làm sáng tỏ tới cùng bản chất của vấn đề. Phần này thực chất là trả lời câu hỏi: Tại sao? (Vì sao?) Vấn đề được biểu hiện như thế nào?

* Phê phán, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề đang bàn luận 

* Bình luận, đánh giá (bàn bạc, mở rộng, đề xuất ý kiến...): 

- Đánh giá vấn đề: Nêu ý nghĩa của vấn đề, mức độ đúng - sai, đóng góp - hạn chế của vấn đề.

- Từ sự đánh giá trên, rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong học tập, trong nhận thức cũng như trong tư tưởng, tình cảm...

- Đề xuất phương châm đúng đắn...

c. Kết bài: 

- Khẳng định chung về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận ở thân bài (...)

- Lời nhắn gửi đến mọi người (...)

2. Dàn ý nghị luận về một hiện tượng đời sống: 

a. Mở bài: 

- Dẫn dắt vào đề (...) để giới thiệu chung về những vấn đề có tính bức xúc mà xã hội ngày nay cần quan tâm.

- Giới thiệu vấn đề nghị luận đặt ra ở đề bài: hiện tượng đời sống mà đề bài đề cập...

b. Thân bài: 

* Giới thiệu hiện tượng đời sống được nêu ở đề bài (...). Có thể nêu thêm hiểu biết của bản thân về hiện tượng đời sống đó (...). 

Lưu ý: Khi phản ánh thực trạng, cần đưa ra những thông tin cụ thể, tránh lối nói chung chung, mơ hồ mới tạo được sức thuyết phục.

- Tình hình, thực trạng trên thế giới (...)

- Tình hình, thực trạng trong nước (...)

- Tình hình, thực trạng ở địa phương (...)

* Phân tích và bình luận những nguyên nhân – tác hại của hiện tượng đời sống đã nêu ở trên: 

- Hậu quả, tác hại của hiện tượng đời sống đó: 

+ Hậu quả, tác hại đối với cộng đồng, xã hội (...)

+ Hậu quả, tác hại đối với cá nhân mỗi người (...)

- Nguyên nhân: 

+ Nguyên nhân khách quan (...)

+ Nguyên nhân chủ quan (...)

* Phê phán, bác bỏ một số quan niệm và nhận thức sai lầm có liên quan đến hiện tượng bàn luận (...). 

* Đề xuất những giải pháp: Lưu ý: Cần dựa vào nguyên nhân để tìm ra những giải pháp khắc phục.

- Về phía cơ quan chức năng (...)

- Về phía mỗi cá nhân (...)

c. Kết bài: 

- Khẳng định chung về hiện tượng đời sống đã bàn (...)

- Lời nhắn gửi đến tất cả mọi người (...)

---Để xem tiếp nội dung của Đề cương này, các em vui lòng xem online hoặc tải về máy tính---

2. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 12

2.1. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 12 số 1

TRƯỜNG THPT NGÔ SĨ LIÊN

ĐỀ THI GIỮA HK1

NĂM HỌC: 2021-2022

MÔN: NGỮ VĂN 12

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Sau khi điện thoại Bphone - sản phẩm công nghệ đầu tiên của người Việt Nam được nhà sản xuất BKAV giới thiệu là “chiếc điện thoại thông minh”, “siêu phẩm hàng đầu thế giới”… thì đã gặp không ít những dư luận trái chiều, chính người Việt chê bai sản phẩm của người Việt. Thậm chí có người còn đưa ra trò đùa quái ác, cụ thể là có thành viên trên cộng đồng mạng, sau khi nói những lời lẽ mang tính chất dìm hàng Việt không thương tiếc, anh ta đã đăng tải lên Facebook hình ảnh hóa đơn xác nhận việc anh hủy đặt mua 5 chiếc Bphone (phiên bản Mạ vàng 24K-128 GB) trị giá tổng 112.045.000 VND như một “chiến tích” để đời. Không những vậy, người này còn kêu gọi nhiều người khác làm theo hành động của mình. Một thanh niên khác cũng coi việc đặt mua và hủy đơn hàng điện thoại Bphone là một trào lưu giải trí và cũng bày “kinh nghiệm” cho những ai muốn tham gia quấy phá sản phẩm của hãng BKAV.          

Nhưng bên cạnh đó cũng không ít người cho rằng Bphone là niềm tự hào của người Việt Nam, nếu có điều kiện nên mua hàng Việt, thay vì chỉ trích hãy ủng hộ khuyến khích…

(Báo mới.com.vn)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ chức năng của đoạn trích trên?

Câu 2: Suy nghĩ của anh/chị về hành động “chọc phá” của một số người trong đoạn trích đó?

Câu 3: Theo em thông điệp gợi ra từ văn bản trên là gì? Vì sao ?

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan điểm của không ít người “Bphone là niềm tự hào của người Việt” không? Tại sao? 

Phần II: Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ văn bản trong phần đọc hiểu nói trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: Văn hóa chỉ trích của người Việt.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người lính trong đoạn thơ sau:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

(Trích Tây Tiến - Quang Dũng)

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI GIỮA HK1 SỐ 1

MÔN: NGỮ VĂN 12

Phần I: Đọc hiểu

Câu 1:

Phong cách ngôn ngữ báo chí

Câu 2:

- Hành động “chọc phá” của một số người nói trên thể hiện sự kém cỏi về nhận thức, ích kỷ, đố kị, ganh ghét với thành công của người khác và không có tinh thần dân tộc.

Câu 3:

Học sinh có thể đưa ra nhiều thông điệp khác nhau. Xong phải có sự lý giải hợp lý. Sau đây là một số gợi ý:

- Thông điệp gợi ra có thể là: Người Việt nên mua hàng Việt.

- Người Việt hãy tích cực ủng hộ, khuyến khích cho Bphone cũng như hàng Việt nói chung. Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước phát triển, để dân giàu nước mạnh, đó là thể hiện lòng yêu nước trong bối cảnh hiện nay.

Câu 4:

- Ý 1: Thí sinh có thể đồng tình hay không đồng tình

- Ý 2: Lý giải

+ Nếu đồng tình với quan điểm trên thì lý giải: Vì lần đầu tiên người Việt Nam mà đại diện là tập đoàn BKAV sản xuất ra được một sản phẩm công nghệ thông minh, có thể cạnh tranh với các hãng điện thoại lớn hiện nay, cao hơn, nó cho thấy trí tuệ Việt Nam rất đáng tự hào, nếu biết khai thác, Việt Nam sẽ là một quốc gia phát triển trong lĩnh vực công nghệ.

+ Nếu không đồng tình thì phải có những lý giải hợp lý, thuyết phục.

Phần II: Làm văn

Câu 1:

* Giải thích:

- “Chỉ trích”: là những hành động, lời nói gây thiệt hại và tổn thương cho người khác.

* Bàn luận:

- Thực trạng thói quen chỉ trích của người Việt:

+ Một bộ phận người Việt, đặc biệt là những người trẻ hiện nay có biểu hiện thái quá, có cái nhìn phiến diện, lời nói thiếu văn hóa, hành động chọc phá, gây thiệt hại và tổn thương cho người khác, cho xã hội.

+ Một bộ phận người có học thức phê phán đúng lúc đúng chỗ, đúng mực, có cơ sở thuyết phục, thiện chí, góp phần không nhỏ vào sự thúc đẩy xã hội.

* Nguyên nhân:

- Do nhận thức kém, thiếu hiểu biết và các vấn đề cuộc sống, xã hội.

- Thiếu một cái nhìn công tâm, khoa học và biện chứng khi nhìn nhận đánh giá sự việc, con người.

* Hậu quả:

- Chỉ trích thiếu văn hóa làm cho người bị chỉ trích bị tổn thương, thiếu niềm tin vào cuộc sống.

- Làm thui chột ý chí và tài năng sáng tạo của con người.

- Làm xấu hình ảnh Đất nước, con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

- Tuy nhiên, xã hội vẫn có hiện tượng một số người muốn nổi tiếng nhờ tai tiếng khiến dư luận bức xúc nên mọi sự chỉ trích không hoàn toàn sai.

* Rút ra bài học

Câu 2:

a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

- Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa – đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài (Sơn Tây) của mình.

- Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ, được in trong tập Mây đầu ô (1986)

b. Phân tích đoạn thơ:

- Ngoại hình (bi thương): được khắc hoạ bằng một nét vẽ rất gân guốc, lạ hoá nhưng lại được bắt nguồn từ hiện thực:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

- "Không mọc tóc", "quân xanh màu lá" đều là hậu quả của những trận sốt rét rừng khủng khiếp mà người nào cũng phải trải qua. Trong hồi ức của những người lính Tây Tiến trở về, đoàn quân tử vong vì sốt rét rừng nhiều hơn là vì đánh trận bởi rừng thiêng nước độc mà thuốc men không có.

- Quang Dũng không hề che giấu những gian khổ, khó khăn…, chỉ có điều nhà thơ không miêu tả một cách trần trụi. Hiện thực ấy được khúc xạ qua bút pháp lãng mạn của Quang Dũng, trở thành cách nói mang khẩu khí của người lính Tây Tiến, cách nói rất chủ động: không mọc tóc chứ không phải tóc không thể mọc vì sốt rét tạo nên nét dữ dội, ngang tàng, cứng cỏi của người lính Tây Tiến; cái vẻ xanh xao vì đói khát, vì sốt rét của những người lính qua ngòi bút Quang Dũng lại toát lên vẻ oai phong, dữ dằn của những con hổ nơi rừng thiêng “quân xanh màu lá dữ oai hùm”. 

- Đoàn binh gợi lên sự mạnh mẽ lạ thường của "Quân đi điệp điệp trùng trùng" (Tố Hữu), của "tam quân tì hổ khí thôn ngưu" (ba quân mạnh như hổ báo nuốt trôi trâu) (Phạm Ngũ Lão).

- "Dữ oai hùm" là khí phách, tinh thần của đoàn quân ấy, như mang oai linh của chúa sơn lâm rừng thẳm

- "Mắt trừng" là chi tiết cực tả sự giận dữ, phẫn nộ, sôi sục hướng về nhiệm vụ chiến đấu

=> Thủ pháp đối lập được sử dụng đắc địa trong việc khắc hoạ sự tương phản giữa ngoại hình ốm yếu và nội tâm mãnh liệt, dữ dội, ngang tàng.

- Thế giới tâm hồn đầy mộng mơ thể hiện qua nỗi nhớ (lãng mạn):

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

-> Những người lính Tây Tiến không phải là những người khổng lồ không tim, bên trong cái vẻ oai hùng, dữ dằn của họ là những tâm hồn, những trái tim rạo rực, khát khao yêu đương “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Dáng kiều thơm gợi vẻ đẹp yêu kiều, thướt tha thanh lịch của người thiếu nữ Hà thành, là cái đẹp hội tụ sắc nước hương trời. Những giấc mơ mang hình dáng kiều thơm đã trở thành động lực để giúp người lính vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; đã thúc giục họ tiến lên phía trước; và cũng là sợi dây thiêng liêng của niềm tin mang họ vượt qua bom đạn trở về.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

- Câu thơ thứ nhất nếu tách ra khỏi đoạn thơ sẽ là một bức tranh hết sức ảm đạm:

+ Rải rác đây đó nơi biên cương của Tổ quốc, nơi rừng hoang lạnh lẽo xa xôi là những nấm mồ vô danh không một vòng hoa, không một nén hương tưởng niệm. Hai chữ “rải rác” gợi vẻ hiu hắt, quạnh quẽ thật ảm đạm và thê lương.

+ Trong một câu thơ mà tác giả sử dụng tới hai từ Hán Việt "biên cương", "viễn xứ" mang màu sắc trang trọng cổ kính như để bao bọc cho những nấm mồ xa xứ ấy một bầu không khí thiêng liêng đượm vẻ ngậm ngùi, thành kính

- Mặc dù khung cảnh ấy hàng ngày vẫn trải ra trên các cung đường hành quân của người lính Tây Tiến nhưng nó không đủ sức làm các anh nản chí sờn lòng, mà trái lại càng nung nấu quyết tâm “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

+ Đời xanh là tuổi trẻ, là bao mơ ước, khát vọng đang ở phía trước. Nhưng không gì quý hơn Tổ quốc, không có tình yêu nào cao hơn tình yêu Tổ quốc. Nên hai chữ “chẳng tiếc” vang lên thật quyết liệt, dứt khoát như một lời thề chém đá.

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

- Trong bài thơ, Quang Dũng không hề né tránh hiện thực khắc nghiệt, dữ dội. Trong chặng đường hành quân, nhiều người lính không thể vượt qua đã "gục lên súng mũ bỏ quên đời". Dọc đường Tây Tiến cũng là vô vàn những nấm mồ liệt sĩ mọc lên “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”… Và bây giờ, một lần nữa tác giả nhắc đến sự ra đi của họ "Áo bào thay chiếu anh về đất". Người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có đến cả mảnh chiếu để che thân, đồng đội phải đan cho họ những tấm nứa, tấm tranh…

- Thế nhưng tác giả đã cố gắng làm giảm đi tính chất bi thương của những mất mát:

+ "Áo bào" (áo mặc ngoài của các vị tướng thời xưa) đã khiến họ trở thành những chiến tướng sang trọng:

Áo chàng đỏ tựa ráng pha

Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

+ "Về đất" là cách nói giảm nói tránh, cái chết lại là sự tựu nghĩa của những người anh hùng, thanh thản và vô tư sau khi đã làm tròn nhiệm vụ (liên hệ câu thơ của Tố Hữu: Thanh thản chết như cày xong thửa ruộng…)

+ "Sông Mã gầm lên khúc độc hành" vừa dữ dội vừa hào hùng, khiến cái chết, sự hi sinh của người lính Tây Tiến không bi luỵ mà thấm đẫm tinh thần bi tráng. Sông Mã tấu lên bản nhạc dữ dội của núi rừng như loạt đại bác đưa tiễn những anh hùng của dân tộc về nơi vĩnh hằng.

- Bút pháp lãng mạn ưa khám phá những vẻ đẹp dữ dội, phi thường, hay sử dụng thủ pháp đối lập mạnh mẽ. Bút pháp này chủ yếu được bộc lộ qua bốn câu thơ đầu. Tác giả nhiều lần viết về cái bi, sự mất mát, song buồn mà không uỷ mị, cúi đầu, mất mát mà vẫn cứng cỏi, gân guốc

- Màu sắc bi tráng chủ yếu được thể hiện trong 4 câu thơ còn lại. Cái bi hiện ra qua hình ảnh những nấm mồ hoang lạnh dọc đường hành quân, người chiến sĩ hi sinh chỉ có manh chiếu tạm. Nhưng cái tráng của lý tưởng khát vọng cống hiến đời xanh cho Tổ quốc, của "áo bào thay chiếu", của điệu kèn thiên nhiên gầm lên dữ dội đã nâng đỡ hình ảnh thơ và truyền cảm xúc bi tráng vào lòng người

c. Tổng kết:

- Lý tưởng khát vọng cống hiến đời xanh cho Tổ quốc.

2.2. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 12 số 2

TRƯỜNG THPT THÁI THUẬN

ĐỀ THI GIỮA HK1

NĂM HỌC: 2021-2022

MÔN: NGỮ VĂN 12

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Bạn hối tiếc vì không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, chẳng có ai phải mất ngủ.

Bạn trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét, người ta chẳng hề bận lòng.

Bạn có chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở, đó không phải là việc của họ.

Suy cho cùng, quyết định là ở bạn. Muốn có điều gì hay không là tùy bạn.

Nên hãy làm những điều bạn thích. Hãy đi theo tiếng nói trái tim. Hãy sống theo cách bạn cho là mình nên sống.

Vì sau tất cả, chẳng ai quan tâm.

 (Trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Rosie Nguyễn, NXB Hội Nhà văn - 2016)

1. Hãy nêu phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ của đoạn văn bản trên?

2. Biện pháp tu từ chính được sử dụng trong đoạn văn trên? Tác dụng?

3. Theo anh/ chị, thế nào là không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét, chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở? 

4. Đoạn trích trên đem lại lời khuyên nào cho tuổi trẻ? 

PHẦN LÀM VĂN

Câu 1 (2,0 điểm)

"Hãy làm những điều bạn thích. Hãy đi theo tiếng nói của trái tim. Hãy sống theo cách bạn cho là mình nên sống.” (Trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Rosie Nguyễn, NXB Hội Nhà văn – 2016).

Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) nêu ý kiến của mình về thông điệp trên.

Câu 2 (5,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng “Qua hình tượng sóng, nhà thơ Xuân Quỳnh đã thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu”.

Bằng những cảm nhận của anh chị về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI GIỮA HK1 SỐ 2

MÔN: NGỮ VĂN 12

PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt: nghị luận

- Phong cách ngôn ngữ: chính luận

Câu 2:

- Biện pháp tu từ chính: Phép điệp từ ngữ/ điệp cấu trúc.

- Tác dụng: nhấn mạnh ý nhà văn muốn thể hiện, đó là vai trò của mỗi cá nhân trong việc quyết định cuộc sống của mỗi cá nhân.

Câu 3:

“Không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét, chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở: Chỉ lối sống thiếu ý chí, lười biếng, bỏ qua những cơ hội học tập, thay đổi bản thân theo hướng tích cực, không chịu phấn đấu để thực hiện ước mơ, sống theo lối mòn nhạt nhẽo.

Câu 4:

- Lời khuyên: Tuổi trẻ phải biết sống tự lập, mạnh mẽ thực hiện ước mơ của mình, tự xây dựng cuộc đời theo những cách sống đúng đắn mà mình lựa chọn.

PHẦN LÀM VĂN

Câu 1:

* Giới thiệu vấn đề

* Giải thích

- "Làm những điều bạn thích" tức là biết sống với những đam mê lành mạnh.

- "Đi theo tiếng nói trái tim" tức là cách sống chân thật với chính bản thân mình, yêu ghét rõ ràng

- "Sống theo cách bạn cho là mình nên sống": hàm chứa ý nghĩa về việc chọn lựa cuộc sống đúng đắn, sống để tuổi trẻ trở nên có ý nghĩa và giá trị.

* Bàn luận

- Chọn cách sống đúng đắn không chỉ đáp ứng cái tôi vị kỉ mà cần phải biết sống vì những lẽ sống cao đẹp, sống đúng trong nhân cách làm người và quan niệm về hạnh phúc chân chính.

* Liên hệ bản thân

Câu 2:

* Giới thiệu chung

- Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh

- Giới thiệu tác phẩm Sóng

- Dẫn dắt vấn đề

* Phân tích:

- Người phụ nữ trong bài thơ Sóng có một trái tim mãnh liệt và dịu dàng trong tình yêu.

- Người phụ nữ trong tình yêu luôn khao khát vươn tới những điều tốt đẹp, lớn lao để khám phá bản thân mình.

- Vẻ đẹp tâm hồn của họ thể hiện ở nỗi nhớ nhung, sự thủy chung và niềm tin trong tình yêu.

- Khát vọng tình yêu vĩnh hằng của nhà thơ là sự gắn bó giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng, cuộc sống.

* Nghệ thuật:

- Thể thơ 5 chữ nhịp nhàng, giàu tính nhạc.

- Hình tượng sóng và em có sự gắn kết hài hòa, giàu ý nghĩa.

- Các biện pháp tu từ: nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ…góp phần thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

* Kết luận.

2.3. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 12 số 3

TRƯỜNG THPT YÊN THẾ

ĐỀ THI GIỮA HK1

NĂM HỌC: 2021-2022

MÔN: NGỮ VĂN 12

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

“(1) Tôi năm nay 27 tuổi, là nữ, độc thân, trước nay đều tìm niềm vui từ công việc, học tập. Tôi tốt nghiệp một đại học có tiếng ở Hà Nội, ngành Kinh tế, có thể làm việc bằng tiếng Nhật. Hai năm đầu mới ra trường, tôi có công việc khá ổn định tại công ty sản xuất lớn. Tôi muốn phấn đấu nên đã tìm cơ hội mới. Tuy nhiên, mọi thứ không như tôi mong muốn.

(2) Ba năm trở lại đây, công việc có nhiều biến cố, tôi phải hai lần thay đổi công việc. Cho tới giờ tôi làm việc tại một văn phòng công ty nước ngoài, công việc nhàm chán, đồng nghiệp chỉ có một sếp và giám đốc kỹ thuật. Tôi đã làm được một năm, nhưng không hề yêu môi trường này. Tôi nhận thấy ở đây không có tương lai, không có động lực phấn đấu.

(3) Tôi biết mình sẽ nghỉ trong thời gian tới nhưng quan trọng tôi không có định hướng gì cho tương lai, không rõ mình muốn làm gì tiếp. Năm năm với ba công ty, nghiệp vụ khác nhau và tôi không biết mình có nghề gì trong tay. Tôi rất bế tắc và đang nghĩ tới việc nghỉ việc, đi học thêm tiếng Anh.

(4) Tôi đã dành đủ tiền cho việc trang trải học tập trong vòng một năm nhưng vẫn đầy lo lắng, sợ hãi về tương lai, công việc sắp tới. Đặc biệt, nỗi lo sợ bắt đầu ở tuổi 28 và lại là nữ giới,… Rất mong nhận được những chia sẻ, ý kiến tư vấn từ bạn đọc VnExpress. Cảm ơn mọi người nhiều!”

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên

Câu 2: Trong đoạn văn (2), tác giả đã đưa ra những lý do nào khiến bản thân không còn động lực phấn đấu trong công việc?

Câu 3: Chỉ ra và phân tích hiệu quả của 2 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn (3).

Câu 4: Anh/chị hãy đưa ra lời khuyên giúp tác giả thoát khỏi tâm trạng “lo lắng, sợ hãi về tương lai”.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về: Tuổi trẻ trước những cơ hội mới.

Câu 2 (5,0 điểm)

Bàn về hình tượng nhân dân trong đoạn trích Đất nước (trích Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm), có ý kiến cho rằng vẻ đẹp nổi bật của hình tượng nhân dân là sự bình dị, gần gũi, thân thiết. Lại có ý kiến nhấn mạnh, vẻ đẹp sâu xa của hình tượng này là sự lớn lao, cao cả, phi thường. Từ cảm nhận của mình về đoạn trích sau, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn nghìn năm Đất Nước

Năm tháng nào cũng người người lớp lớp

Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con giá trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Nhiều người đã trở thành anh hùng

Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ

Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đánh đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh giặc,…

(Trích Đất nước - Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12)

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI GIỮA HK1 SỐ 3

MÔN: NGỮ VĂN 12

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương thức biểu đạt: Tự sự

Câu 2:

- Lý do: công việc có nhiều biến cố…; công việc hiện tại: nhàm chán, “đồng nghiệp chỉ có một sếp và giám đốc kỹ thuật”, “không hề yêu môi trường” làm việc này, “nhận thấy ở đây không có tương lai, không động lực phấn đấu”.

Câu 3:

- 2 biện pháp tu từ: liệt kê, điệp từ

- Hiệu quả: Nhấn mạnh, làm rõ, cụ thể hơn tâm trạng “lo lắng”, “hoang mang”, “bế tắc” khi nhận thức rõ tình cảnh hiện tại của bản thân: không định hướng gì cho tương lai, không rõ mình muốn làm gì, không biết mình có nghề gì trong tay; và đang cố gắng thay đổi tình cảnh này.

Câu 4:

- Học sinh có thể tự do trình bày ý kiến của bản thân. Song, cần đảm bảo suy nghĩ đúng đắn, diễn đạt hợp lý.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm rõ những ý cơ bản sau:

- “Tuổi trẻ” là tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người, đó là tuổi của những khát vọng, đam mê, sáng tạo, lối tư duy mở, có sự ham học hỏi nên nó sẽ là một mốc thời gian để tạo ra cơ hội, nắm bắt cơ hội và hiện thực hóa nó.

- “Cợ hội” là một hoàn cảnh hoặc điều kiện đặc biệt mà ta có được, nếu nắm bắt được cơ hội thì cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực.

=> “Tuổi trẻ trước những cơ hội mới” – tuổi trẻ cần nhạy bén đề nhìn nhận, chủ động và nắm bắt và hiện thực hóa những cơ hội mới.

- Tuổi trẻ luôn khao khát thành công, khẳng định bản thân, muốn thử thách mình với những điều mới mẻ… vì thế đứng trước những cơ hội mới chính là một lần bạn đang thử thách giới hạn của bản thân. Đó là cách bạn trưởng thành, mạnh mẽ và tự tin hơn, tôi luyện mình trở nên nghị lực hơn – yếu tố không thể thiếu của người thành công.

- Nếu không nhạy bén trước những cơ hội mới, ta sẽ phải hối hận, tiếc nuối đã lãng phí tuổi trẻ và đặc biệt đánh mất những cơ hội để có được sự thành công.

- Khi đứng trước những cơ hội mới, bạn cần phân tích, đánh giá, nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn xem cơ hội đó có phù hợp với năng lực, đáp ứng nguyện vọng của mình hay không,…

Câu 2:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm rõ những ý cơ bản sau:

1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:

- Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ trẻ thời chống Mỹ. Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam.

- Đất nước được trích từ phần đầu chương V của bản trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm – bản trường ca được sáng tác tại chiến trường Bình – Trị - Thiên năm 1971

- Giới thiệu về hai ý kiến bàn về hình tượng nhân dân qua cảm nhận về đoạn trích

2. Giải thích ý kiến:

- Vẻ đẹp nổi bật là vẻ đẹp gây ấn tượng mạnh, dễ nhận thấy, làm nên giá trị nổi bật cho đối tượng. Ý kiến thứ nhất khẳng định sự bình dị, gần gũi, thân thiết là vẻ đẹp nổi bật của hình tượng nhân dân.

- Vẻ đẹp sâu xa là vẻ đẹp ẩn chìm, đòi hỏi phải có tri thức sâu rộng và chiêm nghiệm công phu mới khám phá được; vẻ đẹp sâu xa làm nên giá trị về chiều sâu tư tưởng cho đối tượng. Ý kiến thứ 2 nhấn mạnh: sự lớn lao, cao cả, phi thường là vẻ đẹp sâu xa của hình tượng nhân dân trong Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

3. Cảm nhận về hình tượng nhân dân trong đoạn trích:

a. Cảm nhận về hình tượng Nhân dân:

- Vẻ đẹp nổi bật của hình tượng nhân dân trong đoạn trích là sự bình dị, gần gũi, thân thiết:

+ Nhân dân hiện diện qua những người cụ thể như “anh”, “em”, “những người con gái, con trai bằng tuổi chúng ta”,… Hiện thân cụ thể của nhân dân còn là tình yêu đôi lứa giữa anh – em, tình cảm gia đình “Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói”, tình làng xóm “Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi”, tình cảm của thế hệ đi trước và thế hệ sau “Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái”,…

+ Nhân dân hiện lên trong những phương diện đời sống bình dị, đời thường: “khi cần cù làm lụng”, “nuôi cái cùng con”,… Những con người sống hay chết đều “Giản dị và bình tâm/Không ai nhớ mặt đặt tên”,…

- Vẻ đẹp sâu xa của hình tượng nhân dân trong đoạn trích là sự lớn lao, cao cả, phi thường:

+ Nhìn về quá khứ rất xa để thấy được năm tháng nào cũng tiếp nối những “người người lớp lớp” luôn vừa cần cù làm lụng vừa đánh giặc cứu nước, bất chấp hi sinh, gian khổ, bất chấp trước bạo lực của kẻ thù “ Có giặc ngoại xâm chống ngoại xâm/ Có nội thù thì vùng lên đánh bại…”

+ Họ gác lại những tình cảm riêng tư như tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng để đánh giặc cứu nước.

+ Họ là tập thể những người anh hùng, không phân chia già trẻ, trai gái “Khi có giặc người con trai ra trận/Người con gái trở về nuôi cái cùng con/ Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”

+ Họ là những người anh hùng bình dị, vô danh, họ đã sống và chết một cách giản dị và bình tâm, không ai nhớ mặt đặt tên.

+ Họ tạo nên, giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ sau, mọi giá trị văn hóa tinh thần và vật chất của đất nước như: hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói,…

=> Những suy nghĩ, phát hiện mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm trên nhiều phương diện về vai trò của nhân dân trong việc làm nên lịch sử và truyền thống dựng nước và giữ nước; khẳng định một chân lý mang tính thời đại “Đất nước của Nhân dân”

- Nghệ thuật:

+ Cảm xúc thơ chân thành, tha thiết

+ Giọng điệu tâm tình, có sự hòa quyện giữa chất trữ tình và chính luận

+ Hình ảnh thơ mộc mạc, giản dị, vừa gần gũi, quen thuộc vừa mang tính khái quát.

+ Thể thơ tự do, các biện pháp tu từ được vận dụng một cách linh hoạt.

b. Bình luận

- Mỗi ý kiến đều có tính khái quát, sâu sắc, nhấn mạnh một vẻ đẹp khác của hình tượng nhân dân. Nếu ý kiến thứ nhất khẳng định vẻ đẹp nổi bật của hình tượng nhân dân là sự bình dị, gần gũi, thân thiết thì ý kiến thứ hai nhấn mạnh vẻ đẹp sâu xa của hình tượng này là sự lớn lao, cao cả, phi thường.

- Hai ý kiến tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, hợp thành sự nhìn nhận toàn diện, thống nhất và mới mẻ về vẻ đẹp hình tượng nhân dân trong đoạn trích.

2.4. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 12 số 4

TRƯỜNG THPT GIÁP HẢI

ĐỀ THI GIỮA HK1

NĂM HỌC: 2021-2022

MÔN: NGỮ VĂN 12

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

(Hồ Chí Minh, trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Sự thật, Hà Nội, 1986)

Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn? (0,5 điểm)

Câu 2. Đoạn văn đề cập đến nội dung gì? (1,0 điểm)

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc ị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.” (1,0 điểm)

Câu 4. Đoạn văn gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc? (Viết một đoạn văn từ 8 đến 10 dòng). (0,5 điểm)

II. LÀM VĂN

Câu 1: (2,0 điểm)

Viết một bài văn ngắn (khoảng 200 từ) trình bày ý kiến của anh/ chị về nhận xét sau: “Học tập là cuốn vở không có trang cuối”.

Câu 2: (5,0 điểm)

Về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: "Người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh “Hình tượng người lính mang vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp”.

Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.

-----Còn tiếp-----

2.5. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 12 số 5

TRƯỜNG THPT LỤC NAM

ĐỀ THI GIỮA HK1

NĂM HỌC: 2021-2022

MÔN: NGỮ VĂN 12

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Tỷ phú Hồng Kông Yu Pang-Lin vừa qua đời ở tuổi 93, để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện. Ông giải thích cho hành động của mình: “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi”.Yu Pang-Lin không phải là người đầu tiên trên thế giới “keo kiệt” với con nhưng lại hào phóng với xã hội. Người giàu nhất thế giới - Bill Gates - từng tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con 0,05% tổng tài sản kếch xù của mình. Báo chí hỏi tại sao lại như vậy, ông trả lời đại ý: Con tôi là con người, mà đã là con người thì phải tự kiếm sống, không chỉ kiếm sống để phục vụ chính bản thân mình mà còn phải góp phần thúc đẩy xã hội. Đã là con người thì phải lao động. Tại sao tôi phải cho con tiền?

Nhưng cũng có những người con sẵn sàng từ chối thứ mà “đời bố hi sinh” để “củng cố” cho mình. Stephen Covey - người từng được tạp chí Time bầu chọn là 1 trong 25 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới, tác giả cuốn sách nổi tiếng 7 thói quen để thành đạt - viết di chúc để lại tiền cho con và ra đi năm 2012.Cả chín người con không ai nhận tiền. Họ lý giải rất giản dị rằng họ là những người bình thường và hoàn toàn có thể tự lao động, tự kiếm sống được.

Tương tự, tỉ phú Warren Buffett viết di chúc chỉ để lại 10% tài sản của mình cho con, còn lại là làm từ thiện.Tuy nhiên, ba người con, dù không phải quá giàu có, cũng từ chối và dành luôn số tiền đó cho từ thiện.

[…] Có người nói rằng có hai thứ mà cha mẹ cần trang bị cho con cái và chỉ hai thứ đó là đủ, còn không, nếu có để lại cho con thứ gì đi nữa mà thiếu hai thứ đó thì coi như chưa cho con gì cả.Hai thứ đó là: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm.

(Theo Nhật Huy, Không để lại tiền cho con, dân theohttp://tuoitre.vn, ngày 10/5/2015)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản.

Câu 2: Theo tác giả, vì sao những người cha như tỉ phú Yu Pang-Lin, Bill Gates không muốn để lại tiền cho con.

Câu 3: Việc không nhận tài sản kế thừa của những người con có phải là do họ không coi trọng tiền bạc hay không? Vì sao?

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Có người nói rằng có hai thứ mà cha mẹ cần trang bị cho con cái và chỉ hai thứ đó là đủ, còn không, nếu có để lại cho con thứ gì đi nữa mà thiếu hai thứ đó thì coi như chưa cho con gì cả. Hai thứ đó là: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm” không?

II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1: Đoạn trích phần đọc hiểu gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về tính tự lập của con người, nhất là tuổi trẻ? Hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị.

---Để xem tiếp nội dung của Đề thi số 5, các em vui lòng xem online hoặc tải về máy tính---

2.6. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 12 số 6

TRƯỜNG THPT TỨ SƠN

ĐỀ THI GIỮA HK1

NĂM HỌC: 2021-2022

MÔN: NGỮ VĂN 12

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Khi nói đến ước mơ của mỗi người thì điều đầu tiên cần phải xác định đó không phải là những mong ước viển vông mà chính là mục đích con người đặt ra và cố gắng phấn đấu để đạt đến trong cuộc đời mình.

Đồng thời một yếu tố cũng hết sức quan trọng là cần phải xác định cách thức để đạt được mục đích đó, bởi không ai trong cuộc đời này lại không muốn đạt đến một điều gì đó. Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người.

Có người đi đến ước mơ của mình bằng cách trung thực và trong sáng thông qua những nỗ lực tự thân tột cùng. Đây là những người có lòng tự trọng cao và biết dựa vào sức của chính mình, tin vào khả năng của chính mình và sự công bằng của xã hội. Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thế để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống.

Chính vì vậy họ là những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi”, trở thành công cụ trong tay người khác hay giao phó tương lai của mình cho người khác. Sở dĩ như thế là bởi họ chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến, đồng thời cũng là những người xem phương tiện quan trọng như mục tiêu của cuộc đời mình.

(Nguồn Lê Minh Tiến, Đẳng cấp về nhân cách, http:// tuoitre.vn)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Theo tác giả, điều gì sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người?

Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến.

Câu 4. Từ đoạn trích trên, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: "Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người".

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bày thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

(Trích Tây Tiến - Quang Dũng)

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xử sở

Làm nên đất nước muôn đời

(Trích Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm)

-----Còn tiếp-----

7. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 12 số 7

Trường: THPT ĐỒI NGÔ

Số câu: 6

Thời gian làm bài: 90 phút

Năm học: 2021-2022

8. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 12 số 8

Trường: THPT CẨM LÝ

Số câu: 5

Thời gian làm bài: 90 phút

Năm học: 2021-2022

9. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 12 số 9

Trường: THPT VIỆT YÊN

Số câu: 6

Thời gian làm bài: 90 phút

Năm học: 2021-2022

10. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 12 số 10

Trường: THPT PHƯƠNG SƠN

Số câu: 5

Thời gian làm bài: 90 phút

Năm học: 2021-2022

Ngày:27/10/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM