Lý 7 bài 1: Nhận biết ánh sáng- Nguồn sáng và vật sáng

Nội dung của bài dưới đây sẽ giúp các em nắm rõ hơn về các kiến thức mới như cách nhận biết được ánh sáng, cách quan sát được một vật... Nguồn sáng là gì? Vật sáng là gì? Để trả lời cho các câu hỏi trên, mời các em cùng theo dõi nội dung bài học. Chúc các em học tốt!

Lý 7 bài 1: Nhận biết ánh sáng- Nguồn sáng và vật sáng

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Nhận biết ánh sáng

- Ta nhận biết được ánh sáng khi có ánh sáng truyền vào mắt ta

+ Ví du: 

  • Ban đêm, đứng trong phòng đóng kín cửa, mở mắt, bật đèn
  • Ban ngày, đứng ngoài trời, mở mắt.
  • Trong  những trường hợp mắt ta nhận biết được ánh sáng, có điều kiện giống nhau là có ánh sáng truyền vào mắt.

1.2. Nhìn thấy một vật

- Ta nhìn thấy một vật khi có ánh sáng từ vật đó truyền vào mắt ta

+ Ví du: 

  • Có đèn để tạo ra ánh sáng → nhìn thấy vật. Chứng tỏ ánh sáng chiếu tới vật (mảnh giấy trắng) → ánh sáng từ mảnh giấy trắng đến mắt mắt thì nhìn mảnh giấy trắng.

1.3. Nguồn sáng và vật sáng

- Nguồn sáng là vật tự nó phát ra ánh sáng

  • Ví dụ: Ánh sáng Mặt Trời, Mặt Trăng, bóng đèn điện, ….

Nguồn sáng

  • Vật sáng gồm nguồn sáng và những vật hắt lại ánh sáng chiếu vào nó.

Vật sáng

- Chú ý:

  • Vật đen là vật không tự nó phát ra ánh sáng cũng như hắt lại ánh sáng chiếu tới nó.

  • Ta có thể nhận biết vật đen vì nó được đặt cạnh những vật sáng khác.

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Giải thích tác dụng của ánh sáng

Giải thích vì sao trong phòng có cửa gỗ đóng kín, không bật đèn, ta không nhìn thấy mảnh giấy trắng đặt trên bàn.

Hướng dẫn giải

Trong phòng cửa gỗ đóng kín, ta không nhìn thấy mảnh giấy trắng vì không có ánh sáng chiếu lên mảnh giấy, do đó cũng không có ánh sáng bị mảnh giấy hắt lại truyền vào mắt ta.

2.2. Dạng 2: Giải thích hiện tượng về vật đen

Ta đã biết vật đen không phát ra ánh sáng và cũng không hắt lại ánh sáng chiếu vào nó nhưng ban ngày ta vẫn nhìn thấy miếng bìa màu đen để trên bàn. Vì sao ?

Hướng dẫn giải

Vì ta nhìn thấy các vật sáng ở xung quanh miếng bìa đen do đó mắt ta phân biệt được miếng bìa đen với các vật ở xung quanh.

3. Luyện tâp

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Giải thích vì sao trong phòng có của gỗ đóng kín, không bật đèn, ta không nhìn thấy mảnh giấy trắng đặt trên bàn?

Câu 2: Ban đêm, trong phòng tối, ta nhìn thấy một điểm sáng trên bàn. Hãy bố trí một thí nghiệm để kiểm tra xem điểm sáng đó có phải là nguồn sáng không.

Câu 3: Tại sao trong phòng tối, khi bật đèn, mặc dù quay lưng với bóng đèn nhưng ta vẫn nhìn thấy các vật ở trước mặt?

Câu 4: Nếu ta thắp một nắm hương để cho khói bay lên ở phía trước đèn pin, ta sẽ nhìn thấy một vệt sáng từ đèn phát ra xuyên qua khói. Giải thích vì sao? Biết rằng khói gôm các hạt nhỏ li ti bay lơ lửng.

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Vì sao ta nhìn thấy một vật?

A. Vì ta mở mắt hướng về phía vật.

B. Vì mắt ta phát ra các tia sáng chiếu lên vật.

C. Vì có ánh sáng từ vật truyền vào mắt ta.

D. Vì vật được chiếu sáng.

Câu 2: Vật nào sau đây không phải là nguồn sáng?

A. Mặt Trời                            B. Núi lửa đang cháy

C. Bóng đèn đang sáng         D. Mặt Trăng

Câu 3: Ta không nhìn thấy được một vật là vì:

A. Vật đó không tự phát ra ánh sáng

B. Vật đó có phát ra ánh sáng nhưng bị vật cản che khuất làm cho những ánh sáng từ vật đó không thể truyền đến mắt ta

C. Vì mắt ta không nhận được ánh sáng

D. Các câu trên đều đúng

Câu 4: Vật nào dưới đây không phải là vật sáng ?

A. Ngọn nến đang cháy

B. Mảnh giấy trắng đặt dưới ánh nắng Mặt Trời

C. Mảnh giấy đen đặt dưới ánh nắng Mặt Trời

D. Mặt Trời

4. Kết luận

Qua bài giảng Nhận biết ánh sáng - Nguồn sáng và vật sáng này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Nhận biết được rằng, ta nhìn thấy các vật khi có ánh sáng từ các vật đó truyền vào mắt ta.

  • Nêu được ví dụ về nguồn sáng và vật sáng.

Ngày:22/07/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM