Lý 7 Bài 29: An toàn khi sử dụng điện

Sử dụng điện như thế nào là an toàn? Để trả lời câu hỏi này, eLib xin chia sẻ bài An toàn khi sử dụng điện thuộc chương trình SGK Vật lý lớp 7. Hi vọng với kiến thức trọng tâm và hướng dẫn trả lời câu hỏi một cách chi tiết, đây sẽ là tài liệu giúp các bạn học tập tốt hơn.

Lý 7 Bài 29: An toàn khi sử dụng điện

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Dòng điện qua cơ thể con người có thể gây nguy hiểm

- Cơ thể người (hay động vật) là những vật dẫn điện. Nên khi chạm vào mạch điện thì trong cơ thể người (hay động vật) sẽ có dòng điện chạy qua. Khi đó nó có thể gây co giật các cơ, tim ngừng đập, ngạt thở và thần kinh bị tê liệt thậm chí có thể gây chết người (hay động vật).

Tác hại của dòng điện

- Tùy theo cường độ dòng điện mạnh hay yếu mà tác dụng của dòng điện lên cơ thể người (hay động vật) có những mức độ khác nhau. Dòng điện đi qua cơ thể người (hay động vật) có cường độ:

  • Trên 10 mA gây co giật các cơ.
  • Trên 25 mA (đi qua ngực) gây tổn thương tim.
  • Từ 70 mA trở lên và với hiệu điện thế từ 40 V trở lên sẽ làm cho tim ngừng đập.

Lưu ý: Có thể dùng dòng điện có cường độ hợp lí đi qua cơ thể người để chữa một số bệnh như châm cứu bằng điện, mát xa bằng điện,...

Dùng dòng điện để chữa bệnh

1.2. Hiện tượng đoản mạch và tác dụng của cầu chì

a) Hiện tượng đoản mạch (ngắn mạch)

- Định nghĩa hiện tượng đoản mạch: Đoản mạch (ngắn mạch ) là hiện tượng chập mạch hay nối tắt.

Hiện tượng đoản mạch

- Nhận xét: Khi bị đoản mạch dòng điện trong mạch có giá trị cực đại. ( \(I_2\) >> \(I_1\)).

- Tác hại:

  • Cường độ dòng điện tăng quá lớn có thể làm chảy hoặc cháy vỏ bọc cách điện và các bộ phận khác tiếp xúc với nó hoặc gần nó. Từ đó có thể gây ra hoả hoạn.

  • Dây tóc bóng đèn bị đứt, dây quấn ở quạt điện bị nóng chảy và đứt, các mạch điện trong máy bị hư hỏng,…

b) Tác dụng của cầu chì

- Khái niệm cầu chì: Cầu chì là thiết bị tự động ngắt mạch điện khi dòng điện có cường độ tăng quá mức, đặc biệt khi đoản mạch.

Tác dụng của cầu chì

  • Khi đoản mạch xảy ra với mạch điện hình 29.3, thì cầu chì nóng lên, chảy ra và đứt, mạch điện tự ngắt

C4: Ý nghĩa của số Ampe ghi trên mỗi cầu chì :

Dòng điện có cường độ vượt quá giới hạn đó thì cầu chì sẽ đứt. 

⇒  Dòng điện qua cầu chì \(\leq\) số ghi trên mỗi cầu chì.

1.3. Các quy tắc an toàn khi sử dụng điện:

  • Làm thí nghiệm với nguồn điện có hiệu điện thế dưới 40V.

  • Sử dụng dây dẫn có vỏ cách điện.

  • Không chạm vào dây pha của mạch điện dân dụng.

  • Khi có người bị điện giật thì không được chạm vào người đó mà cần phải tìm cách tắt ngay công tắt điện và gọi người cấp cứu. 

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Hãy nêu tác hại của các hiện tượng đoản mạch.

Hướng dẫn giải

Khi bị đoản mạch, dòng điện trong mạch có cường độ tăng lên.

Các tác hại của hiện tượng đoản mạch:

Cường độ dòng điện tăng lên quá lớn có thể làm cháy hoặc làm cháy vỏ bọc cách điện và các bộ phận khác tiếp xúc nó hoặc gần nó. Từ đó có thể gây hỏa hoạn.

Nếu một phần của mạch điện bị đoản mạch thì các dụng cụ sử dụng điện ở phần còn lại của mạch điện có thể bị hỏng.

Câu 2: Hãy cho biết ý nghĩa số ampe ghi trên mỗi cầu chì.

Hướng dẫn giải

Ý nghĩa của số ampe kế ghi trên mỗi cầu chì: Dòng điện có cường độ vượt quá giá trị đó thì cầu chì sẽ đứt

Ví dụ: Số ghi trên cầu chì là 1A, có nghĩa là cầu chì sẽ đứt khi cường độ dòng điện qua nó lớn hơn 1 A.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Vì sao dòng điện có thể đi qua cơ thể người?

Câu 2: Vì sao khi đang sử dụng điện, dù có lớp vỏ bọc bằng nhựa ta cũng không nên cầm tay trực tiếp vào dây điện?

Câu 3: Thế nào là hiện tượng đoản mạch?

Câu 4: Dùng từ thích hợp điền vào chỗ trống: Dòng điện……chạy qua cơ thể người khi chạm vào mạch điện tại một vị trí ..... của cơ thể.

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Khi có hiện tượng đoản mạch thì xảy ra điều gì?

A. Hiệu điện thế không đổi.

B. Hiệu điện thế tăng vọt.

C. Cường độ dòng điện tăng vọt.

D. Cường độ dòng điện không đổi.

Câu 2: Mạng điện có điện thế bao nhiêu thì có thể gây chết người?

A. Dưới 220 V

B. Trên 40 V

C. Trên 100 V

D. Trên 220 V

Câu 3: Khi đi qua cơ thể người, dòng điện có thể

A. Gây ra các vết bỏng

B. Làm tim ngừng đập

C. Thần kinh bị tê liệt

D. Cả A, B và C

Câu 4: Phát biểu nào dưới đây sai?

A. Cơ thể người và động vật là những vật dẫn điện.

B. Cơ thể người và động vật không cho dòng điện chạy qua.

C. Sẽ không có dòng điện chạy qua cơ thể khi lỡ có chạm tay vào dây điện nếu chân ta đi dép nhựa, đứng trên bàn (cách điện với đất).

D. Không nên đến gần đường dây điện cao thế.

4. Kết luận

Qua bài giảng An toàn khi sử dụng điện này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Nêu được giới hạn nguy hiểm của hiệu điện thế và cường độ dòng điện đối với cơ thể người.

  • Nêu và thực hiện được một số quy tắc để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện.

Ngày:21/08/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM