Vật lý 7 Bài 12: Độ to của âm

Một vật dao động thường phát ra âm có độ cao nhất định. Nhưng khi nào thì vật phát ra âm to, khi nào thì vật phát ra âm nhỏ? Tại sao con người lại nói được lúc to lúc nhỏ khác nhau? Các câu hỏi trên sẽ được giải đáp ngay trong nội dung bài học ngày hôm nay. Mời các em tham khảo.

Vật lý 7 Bài 12: Độ to của âm

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Âm to, âm nhỏ - Biên độ dao động 

a) Thí nghiệm 1: Quan sát dao động và  lắng nghe âm phát ra  từ đầu thước

- Nâng đầu tự do của thước lệch ra khỏi vị trí cân bằng rồi thả tay cho thước dao động trong hai trường hợp:                                       

  • Đầu thước lệch nhiều (H12.1a)                                                 
  • Đầu thước lệch ít  (H12.1b) 
Dao động của thước

b) Nhận xét:

  • Độ lệch lớn nhất của vật dao động so với vị trí cân bằng của nó được gọi là biên độ dao động.

  • Đầu thước lệch khỏi vị trí cân bằng càng nhiều (ít), biên độ dao động càng lớn (nhỏ), âm phát ra càng to (nhỏ)

c) Kết luận: Âm phát ra càng to (nhỏ ) khi biên độ dao động của nguồn âm càng lớn (nhỏ).

1.2. Độ to của một số âm 

  • Độ to của âm được đo bằng đơn vị đêxiben (kí hiệu dB)

  • Để đo độ to của âm người ta dùng máy đo độ to.

Đề xi ben- Kế

  • Những âm phát ra có độ to  từ 130dB trở lên làm đau nhức tai (ngưỡng đau)

  • Độ to của một số âm:

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Xác định độ to của tiếng ồn trên sân trường giờ ra chơi

Hãy ước lượng độ to của tiếng ồn trên sân trường giờ ra chơi nằm trong khoảng nào?

Hướng dẫn giải:

Độ to của tiếng ồn trên sân trường giờ ra chơi nằm trong khoảng 50 dB đến 70 dB.

2.2. Dạng 2: Tìm biên độ dao động của màng loa

Khi máy thu thanh phát ra âm to, âm nhỏ thì biên độ dao động của màng loa khác nhau như thế nào?

Hướng dẫn giải:

Máy thu thanh phát ra âm to ⇒ biên độ dao động của màng loa lớn.

Máy thu thanh phát ra âm nhỏ ⇒ biên dộ dao dộng của màng loa nhỏ.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Tại sao máy nghe nhạc lại có thể phát ra tiếng to nhỏ khác nhau dù nó chỉ có một cái loa nhất định?

Câu 2:  Nêu một phương án thí nghiệm để chứng tỏ khi ta đánh mạnh vào trống thì mặt trống dao động với biên độ lớn và ngược lại, khi ta đánh nhẹ vào mặt trống thì mặt trống dao động với biên độ nhỏ.

Câu 3: Có 4 con lắc đơn giống nhau, lần lượt kéo con lắc lệch 300, 400, 450, 600 so với vị trí cân bằng rồi thả nhẹ. Biên độ dao động của con lắc nào là lớn nhất?

Câu 4: Ngưỡng đau có thể làm điếc tai là bao nhiêu dB?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Âm phát ra càng to khi

A. nguồn âm có kích thước càng lớn.

B. nguồn âm dao động càng mạnh.

C. nguồn âm dao động càng nhanh.

D. nguồn âm có khối lượng càng lớn.

Câu 2: Khi biên độ dao động càng lớn thì:

A. âm phát ra càng to         B. âm phát ra càng nhỏ

C. âm càng bổng                 D. âm càng trầm.

Câu 3: Dùng búa cao su gõ nhẹ vào một âm thoa thì nghe được âm do âm thoa dao động và phát ra âm thanh. Hãy chọn câu kết luận đúng sau:

A. Gõ càng mạnh âm thanh phát ra càng to.

B. Gõ càng nhiều âm thanh phát ra càng to.

C. Gõ càng mạnh âm thanh phát ra càng cao.

D. Âm thanh phát ra càng to khi âm thoa càng lớn.

Câu 4: Khi truyền đi xa, đại lượng nào sau đây của âm đã thay đổi?

A. Biên độ và tần số dao động của âm.

B. Tần số dao động của âm.

C. Vận tốc truyền âm.

D. Biên độ dao động của âm.

4. Kết luận

Qua bài giảng Độ to của âm​ này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Nêu được mối quan hệ giữa biên độ dao động và độ to của âm.

  • So sánh được âm to, âm nhỏ

Ngày:12/08/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM