Lý 7 Bài 3 : Ứng dụng định luật truyền thẳng của ánh sáng

Từ thời xưa, con người đã biết nhìn vị trí bóng nắng để biết giờ trong ngày. Vậy bóng nắng đó do đâu? Nội dung bài học hôm nay giúp các em giải quyết vấn đề đó. Mời các em cùng tìm hiểu bài học, làm quen với các khái niệm mới về bóng tối, bóng nửa tối, giải thích được vì sao có hiện tượng nhật thực và nguyệt thực trên Trái Đất. Chúc các em học tốt!

Lý 7 Bài 3 : Ứng dụng định luật truyền thẳng của ánh sáng

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Bóng tối và bóng nửa tối

a) Bóng tối

- Vùng nằm ở phía sau vật cản, không nhận được ánh sáng từ nguồn sáng truyền tới gọi là bóng tối.

  • Đặt một đèn pin trước một màn chắn (E), trong khoảng từ đèn đến màn chắn đặt một miếng bìa (MKIN). Vùng không nhận được ánh sáng là M’K’I’N’.

Thí nghiệm bóng tối

b) Bóng nửa tối

Vùng nằm ở phía sau vật cản, chỉ nhận được một phần ánh sáng từ nguồn sáng truyền tới gọi là bóng nửa tối.

Bóng nửa tối

1.2. Hiện tượng nhật thực và nguyệt thực

a) Nhật thực

Nhật thực

- Nhật thực xảy ra vào ban ngày

- Khi đó Mặt Trời, Mặt Trăng,Trái Đất cùng nằm trên một đường thẳng.

- Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất. 

- Vùng tối (hay bóng nửa tối) trên Trái Đất cho ta thấy hiện tượng Nhật thực toàn phần (hoặc 1 phần)

  • Nhật thực toàn phần:  Đứng trong vùng bóng tối không nhìn thấy mặt trời
  • Nhật thực một phần: Đứng trong vùng nửa tối nhìn thấy một phần mặt trời.

b) Nguyệt thực

Nguyệt thực

  • Nguyệt thực xảy ra ban đêm.
  • Khi đó, Mặt Trời,Trái Đất, Mặt Trăng cùng nằm trên một đường thẳng.
  • Mặt Trăng bị trái đất che khuất không được Mặt trời chiếu sáng.

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Giải thích thời gian xuất hiện nguyệt thực

Vì sao nguyệt thực thường xảy ra vào đêm rằm Âm lịch?

Hướng dẫn giải

Vì đêm rằm âm lịch Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất mới có khả năng nằm trên cùng 1 đường thẳng. Trái đất có thể chắn ánh sáng Mặt Trời không cho chiếu xuống Mặt Trăng.

2.2. Dạng 2: Giải thích về hiện tượng ánh sáng

Ban đêm, dùng một quyển vở che kín bóng đèn dây tóc bóng đèn đang sáng, trên bàn sẽ tối, có khi không thể đọc sách được. Nhưng nếu dùng quyển vở che đèn ống thì ta vẫn đọc sách được. Giải thích sao lại có sự khác nhau đó.

Hướng dẫn giải

Khi dùng quyển vở che kín bóng đèn dây tóc đang sáng, bàn nằm trong vùng tối sau quyển vở. Không nhận được ánh sáng từ đèn truyền tới nên ta không thể đọc được sách.

Dùng quyển vở không che kín được đèn ống, bàn nằm trong vùng nữa tối sau quyển vở, nhận được một phần ánh sáng của đèn truyền tới nên vẫn đọc được sách.

3. Luyện tâp

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Vì sao khi đặt bàn tay ở dưới một ngọn đèn điện dây tóc thì bóng của bàn tay trên mặt bàn rõ nét, còn khi đặt dưới bóng đèn ống thì bóng của bàn tay lại nhòe?

Câu 2: Đêm rằm, ta quan sát thấy gì khi Mặt Trời đi vào bóng tối của Trái Đất?

Câu 3: Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng nguyệt thực là gì?

Câu 4: Một vật cản được đặt trong khoảng giữa một bóng điện dây tóc đang sáng và một màn chắn. Kích thước của bóng nửa tối thay đổi như thế nào khi đưa vật cản lại gần màn chắn hơn?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Đứng trên Trái Đất, trường hợp nào dưới đây ta thấy có nguyệt thực?

A. Ban đêm, khi ta đứng không nhận được ánh sáng từ Mặt Trời.

B. Ban đêm, khi Mặt Trăng không nhận được ánh sáng Mặt Trời vì bị Trái Đất che khuất.

C. Khi Mặt Trời che khuất Mặt Trăng, không cho ánh sáng từ Mặt Trăng tới Trái Đất.

D. Ban ngày khi Trái Đất che khuất Mặt Trăng

Câu 2: Tại sao trong lớp học, người ta lắp nhiều bóng đèn ở các vị trí khác nhau mà không dùng một bóng đèn lớn? Câu giải thích nào sau đây là đúng?

A. Để cho lớp học đẹp hơn.

B. Chỉ để tăng cường độ sáng cho lớp học.

C. Để tránh bóng tối và bóng nửa tối khi học sinh viết bài.

D. Để học sinh không bị chói mắt.

Câu 3:  Yếu tố quyết định tạo bóng nửa tối là:

A. Ánh sáng không mạnh lắm         B. Nguồn sáng to

C. Màn chắn ở xa nguồn                 D. Màn chắn ở gần nguồn.

Câu 4: Chọn câu trả lời sai?

Địa phương X (một địa phương nào đó) có nhật thực toàn phần khi địa phương đó:

A. hoàn toàn không nhìn thấy Mặt Trời.

B. bị Mặt Trăng cản hoàn toàn ánh sáng từ Mặt Trời truyền tới.

C. nằm trong vùng bóng tối của Mặt Trăng và ở đó hoàn toàn không nhìn thấy Mặt Trời

D. hoàn toàn không nhìn thấy Mặt Trăng.

4. Kết luận

Qua bài giảng Ứng dụng định luật truyền thẳng của ánh sáng này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Nhận biết được bóng tối, nửa bóng tối và giải thích. Giải thích được vì sao có hiện tượng nhật thực và nguyệt thực.
  • Vận dụng định luật truyền thẳng của ánh sáng, giải thích một số hiện tượng trong thực tế.
Ngày:22/07/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM