Lý 7 Bài 18: Hai loại điện tích

Nội dung bài giảng giúp các em hiểu về cấu tạo của nguyên tử và sự tương tác giữa các điện tích. Từ đó các em có thể giải được các dạng bài tập từ dễ đến khó. Mời các em tham khảo. Chúc các em học tốt!

Lý 7 Bài 18: Hai loại điện tích

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Hai loại điện tích

 - Có hai loại điện tích đó là điện tích âm và điện tích dương. Vật nhiễm điện là vật mang điện tích.

  • Vật nhiễm điện dương được gọi là vật mang điện tích dương (+).
  • Vật nhiễm điện âm được gọi là vật mang điện tích âm (-)
  • Hai vật nhiễm điện cùng loại thì đẩy nhau.
  • Hai vật nhiễm điện khác loại thì hút nhau.

Hai vật nhiễm điện cùng loại

Hai vật nhiễm điện khác loại

Chú ý: Quy ước điện tích của thanh thủy tinh khi cọ xát vào lụa là điện tích dương (+), điện tích của thanh nhựa khi cọ xát vào vải khô là điện tích âm (-).

1.2. Sơ lược cấu tạo nguyên tử

  • Ở tâm nguyên tử có một hạt nhân mang điện tích dương.

  • Xung quanh hạt nhân có các êlectrôn mang điện tích âm chuyển động tạo thành lớp vỏ của nguyên tử.

  • Tổng điện tích âm của các êlectrôn có trị số tuyệt đối bằng điện tích dương của hạt nhân. Do đó bình thường nguyên tử trung hoà về điện.

  • Êlectrôn có thể dịch chuyển từ nguyên tử này sang nguyên tử khác, từ vật này sang vật khác.

Cấu tạo nguyên tử

Kết luận:

  • Nguyên tử gồm hạt nhân mang điện dương và các êlectrôn mang điện âm chuyển động quanh hạt nhân.

  • Một vật nhiễm điện âm nếu nhận thêm êlectrôn, nhiễm điện dương nếu mất bớt êlectrôn.

1.3. Tổng kết

Sơ đồ tư duy về hai loại điện tích

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Trước khi cọ xát, có phải trong mỗi vật đều có điện tích dương và điện tích âm hay không? Nếu có thì các điện tích này tồn tại ở những loại hạt nào cấu tạo nên vật?

Hướng dẫn giải

Trước khi cọ xát, trong mỗi vật đều có điện tích dương và điện tích âm.

Các điện tích dương tồn tại ở hạt nhân của nguyên tử, còn các điện tích âm tồn tại ở các electron chuyển động xung quanh hạt nhân.

Câu 2: Tại sao trước khi cọ xát, các vật không hút các vụn giấy nhỏ?

Hướng dẫn giải

Trước khi cọ xát, các vật không hút các vụn giấy nhỏ vì các vật đó chưa bị nhiễm điện, các điện tích dương và điện tích âm trung hòa lẫn nhau.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Tổng điện tích hạt nhân của nguyên tử sắt là 26 nên khi trung hòa về điện thì tổng số electron của nguyên tử sắt này là bao nhiêu?

Câu 2: Một vật như thế nào thì gọi là trung hòa về điện?

Câu 3: Thanh thủy tinh tích điện dương khi cọ xát vào lụa, mảnh pôliêtilen tích điện âm khi cọ xát vào len. Đưa mảnh lụa và mảnh len lại gần nhau thì chúng tương tác với nhau như thế nào?

Câu 4: Đặt nhanh nhựa sẫm màu lên trục quay sau khi đã được cọ xát bằng mảnh vải khô. Đưa mảnh vải này lại gần đầu thanh nhựa được cọ xát thì chúng hút nhau. Biết rằng mảnh vải cũng bị nhiễm điện, hỏi mảnh vải mang điện tích dương hay điện tích âm? Tại sao?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Một thanh kim loại chưa bị nhiễm điện được cọ xát và sau đó trở thành vật mang điện tích dương. Thanh kim loại khi đó ở vào tình trạng nào trong các tình trạng sau?

A. Nhận thêm electron       B. Mất bớt electron

C. Mất bớt điện tích dương       D. Nhận thêm điện tích dương

Câu 2: Thanh thủy tinh sau khi cọ xát với lụa thì:

A. Thủy tinh mang điện tích dương, lụa mang điện tích âm.

B. Thủy tinh mang điện tích dương, lụa mang điện tích dương.

C. Thủy tinh mang điện tích âm, lụa mang điện tích âm.

D. Thủy tinh mang điện tích âm, lụa mang điện tích dương.

Câu 3: Chọn phát biểu sai:

A. Vật bị nhiễm điện có khả năng hút các vật nhẹ.

B. Hai vật nhiễm điện cùng dấu thì hút nhau.

C. Hai vật nhiễm điện khác dấu thì hút nhau.

D. Vật nhiễm điện là vật mang điện tích.

Câu 4: Vật chất được cấu tạo bởi các nguyên tử. Nguyên tử gồm:

A. Hạt nhân ở giữa mang điện tích âm.

B. Hạt nhân không mang điện tích.

C. Hạt nhân mang điện tích dương, các electron mang điện tích âm quay xung quanh hạt nhân.

D. Hạt nhân ở giữa mang điện tích dương, lớp vỏ không mang điện.

4. Kết luận

Qua bài giảng Hai loại điện tích này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Nêu được dấu hiệu về tác dụng lực chứng tỏ có hai loại điện tích là điện tích dương và điện tích âm, hai điện tích cùng dấu thì đẩy nhau, trái dấu thì hút nhau

  • Nêu được cấu tạo nguyên tử gồm hạt nhân mang điện tích dương và elec tron mang điện tích âm quay quanh hạt nhân nguyên tử, nguyên tử trung hoà về điện.

Ngày:20/08/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM