Địa lí 8 Bài 31: Đặc điểm khí hậu Việt Nam

Nhằm giúp các bạn ôn tập thật tốt kiến thức về đặc điểm khí hậu Việt Nam trong chương trình Địa lí 8, eLib.vn xin gửi đến bạn đọc nội dung bài 31 Địa lí 8. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo tại đây!

Địa lí 8 Bài 31: Đặc điểm khí hậu Việt Nam

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm

Lược đồ khí hậu Việt Nam

- Nhiệt độ trung bình năm cao > 21oC.

- Bình quân 1m2 nhận được trên 1 triệu kilo calo nhiệt năng.

- Số giờ nắng đạt từ 1400 - 3000 giờ/ năm

- Một năm có 2 mùa gió:

  • Gió mùa đông: lạnh, khô.
  • Gió mùa hạ: nóng, ẩm. 

- Lượng mưa trung bình năm lớn trên 1500mm/năm.

- Độ ẩm không khí > 80%. So với các nước trong cùng vĩ độ nước ta có một mùa đông lạnh hơn và một mùa hạ mát hơn.

1.2. Tính chất phân hoá đa dạng và thất thường

  • Khí hậu nước ta phân hoá từ Bắc vào Nam, từ Tây sang Đông, từ thấp lên cao.
  • Miền khí hậu phía Bắc: có mùa đông lạnh, tương đối ít mưa, nửa cuối mùa đông ẩm ướt, mùa hè nóng và mưa nhiều.
  • Miền khí hậu Đông Trường Sơn: Có mùa mưa lệch hẳn về thu đông.
  • Miền khí hậu phía Nam: nhiệt độ quanh năm cao, mùa mưa và mùa khô tương phản sâu sắc.
  • Miền khí hậu biển Đông: mang tính chất gió mùa nhiệt đới hải dương.
  • Khí hậu có sự phân hoá theo mùa.
  • Tính chất thất thường của khí hậu nước ta thể hiện rõ ở chế độ nhiệt và chế độ mưa.
  • Chế độ nhiệt: Càng lên cao nhiệt độ càng giảm.
  • Chế độ mưa: Lượng mưa cũng thay đổi theo mùa
  • Ngoài tính đa dạng, khí hậu Việt Nam còn mang tính thất thường, biến động mạnh.

2. Luyện tập

Câu 1: Những nhân tố chủ yếu nào đã làm cho thời tiết, khí hậu nước ta đa dạng và thất thường?

Gợi ý làm bài

Những nhân tố chủ yếu  làm cho thời tiết, khí hậu nước ta đa dạng và thất thường:

- Vị trí địa lí và lãnh thổ: làm cho khí hậu nước ta phân hóa Bắc - Nam rõ rệt, khí hậu thất thường, thường xuyên đón bão nhiệt đới, các thiên tai khác (lũ lụt, sương giá...).         

- Địa hình và hoàn lưu gió mùa:

+ Địa hình tạo nên sự phân hóa khí hậu theo độ cao.

+ Địa hình kết hợp với hướng gió làm cho khí hậu nước ta phân hóa Đông Tây (Đông Bắc và Tây Bắc ranh giới là dãy Hoàng Liên Sơn; phân hóa giữa sườn Đông và sườn Tây Trường Sơn; mùa mưa-khô đối lập nhau giữa khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên và ven biển Trung Bộ....)

Câu 2: Vì sao hai loại gió mùa trên lại có đặc tính trái ngược nhau như vậy?

Gợi ý làm bài

Hai loại gió mùa có nguồn gốc xuất phát và hướng thổi khác nhau nên có đặc tính trái ngược nhau:

- Gió mùa đông bắc thổi từ cao áp Xi-bia, đi qua vùng nội địa rộng lớn ở Trung Quốc với đặc tính lạnh, khô.

- Gió mùa tây nam xuất phát từ khối khí chí tuyến vịnh Bengan, đi qua vùng biển vào nên có tính ẩm, gây mưa lớn.

Câu 3: Sự thất thường trong chế độ nhiệt chủ yếu diễn ra ở miền nào? Vì sao?

Gợi ý làm bài

Sự thất thường trong chế độ nhiệt chủ yếu diễn ra ở miền Bắc, do nhịp độ và cường độ gió mùa tạo ra.

Mùa đông, mỗi khi gió mùa Đông Bắc tràn về sẽ làm hạ thấp nền nhiệt của miền Bắc, thời tiết lạnh và có thể xảy ra rét đậm rét hại, băng giá, sương muối...

3. Kết luận

Sau bài học cần nắm các nội dung sau:

- Trình bày và giải thích được đặc điểm chung của khí hậu Việt Nam.

- Biết một số ảnh hưởng của khí hậu đối với đời sống sản xuất của người dân.

- Biết thời tiết khí hậu của VN trong những năm gần đây có những diễn biến phức tạp và nguyên nhân của nó.

- Biết 1 số biện pháp bảo vệ bầu không khí trong lành.

Ngày:03/08/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM