Ôn tập phần Làm văn Ngữ văn 12

Bài học dưới đây nhằm giúp các em ôn tập các kiến thức chung về văn bản đã học, đồng thời giúp các em nắm được cách viết các loại văn bản. eLib mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Ôn tập phần Làm văn Ngữ văn 12

1. Ôn tập các tri thức chung

a. Các kiểu văn bản

- Văn bản tự sự

- Văn bản thuyết minh

- Văn bản nghị luận

- Văn bản báo chí

- Văn bản hành chính

b. Cách viết văn bản

- Nắm vững đặc điểm kiểu loại văn bản và mục đích, yêu cầu cụ thể, các thao tác nghị luận của văn bản.

- Hình thành và sắp xếp thành dàn ý cho văn bản.

- Viết văn bản theo dàn ý.

2. Ôn tập tri thức văn nghị luận

a. Đề tài cơ bản của văn nghị luận trong nhà trường

- Đề tài có thể chia thành 2 nhóm:

+ Nghị luận xã hội: một tư tưởng đạo lí, một hiện tượng đời sống.

+ Nghị luận văn học: ý kiến bàn về văn học, một tác phẩm, một đoạn trích.

- Nhận xét:

+ Đặc điểm chung: Đều trình bày tư tưởng, quan điểm về vấn đề nghị luận, đều sử dụng các bước nghị luận.

+ Điểm khác biệt:

  • Nghị luận xã hội: Cần có vốn hiểu biết xã hội phong phú.

  • Nghị luận văn học: Cần có kiến thức văn học, khả năng cảm thụ.

b. Lập luận trong văn nghị luận

- Cấu tạo của lập luận gồm luận điểm, luận cứ và các phương tiện liên kết lập luận.

- Cách xác định luận cứ:

+ Lí lẽ phải có cơ sở, chân lí phải được thừa nhận.

+ Phù hợp với luận điểm.

+ Dẫn chứng phải chính xác, tiêu biểu, phù hợp.

- Các thao tác lập luận cơ bản:giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích, so sánh, bác bỏ.

c. Bố cục của bài văn nghị luận

gồm mở bài, thân bài, kết bài  thống nhất, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

d. Diễn đạt trong văn nghị luận

- Cần diễn đạt thuyết phục cả lí trí và tình cảm,phải dùng từ, viết câu chính xác.

- Giọng văn trang trọng, nghiêm túc.Cần thay đổi giọng điệucho thích hợp với nội dung cụ thể: sôi nổi, mạnh mẽ hay trầm lắng.

- Sử dụng biện pháp tu từ và câu một cách hợp lí.

3. Luyện tập

Câu 1. Đọc các đoạn kết bài sau và cho biết bài văn bàn về vấn đề gì và cách kết bài theo kiểu nào ?

a) Cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp nhận và xử lí thông tin một cách kịp thời, chính xác để không còn bị lừa mị bởi những tin đồn thất thiệt. Cũng cần có thái độ và xử lí kiên quyết những phần tử đầu cơ, tung tin thất thiệt, bởi chẳng ai dám chắc là sẽ không còn tin đồn nhảm nữa.

b) Tự ti hay tự phụ đều không lợi cho sự trưởng thành của mỗi con người. Ngày nắng đẹp cũng có thể rơi xuống vài giọt mưa, bãi cỏ đẹp vẫn có thể có những cây gai xen lẫn. Khi được khen vẫn biết mình còn nhiều khiếm khuyết, khi bị chê vẫn tự hiểu mình có chỗ mạnh riêng. Biết được chỗ mạnh, chỗ yếu của mình để phát huy và khắc phục mới đảm bảo cho mình những thành công trong tương lai.

c) Nhưng tác giả Người lái đò Sông Đà cũng không phải là con người duy mĩ. Ta trọng sự tinh tế của ông trong cảm xúc về cái đẹp. Nhưng qua thiên tuỳ bút, ta hiểu rằng cái còn đáng trọng hơn nữa ở ông vẫn là tình yêu thiết tha với thiên nhiên đất nước, là sự tôn kính công sức lao động của con người.

Gợi ý làm bài:

Kết bài phải phù họp với mở bài và thân bài. Chính nhờ mối quan hệ này và nội dung của từng kết bài mà người đọc có thể biết được vấn đề được nghị luận trong bài viết.

a) Bài văn bàn về vấn đề chống luận điệu tuyên truyền giả dối của địch. Kết bài theo lối mở rộng.

b) Bài văn bàn về thái độ tự ti và tự phụ. Kết bài theo lối không mở rộng.

c) Bài văn bàn về cái đẹp trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân. Kết bài theo lối mở rộng.

Câu 2. Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau:

"những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn

 

Tây Ban Nha

hát nghêu ngao

bỗng kinh hoàng áo choàng bê bết đỏ

Lor-ca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du

 

tiếng ghi ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy"

(Thanh Thảo, Đàn ghi ta cúa Lor-ca)

Gợi ý làm bài:

Anh (chị) cần thể hiện được cảm nhận của mình về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích. Sau đây là một số gợi ý:

- Hình ảnh Lor-ca, con người tự do, nghệ sĩ cách tân trong khung cảnh chính trị và nghệ thuật của Tây Ban Nha.

Nhà thơ Thanh Thảo đã từng viết : “Lor-ca là nhà thơ của những giấc mơ, của những linh cảm nhoi nhói; một nhà thơ có thể biến những giấc mơ thành nhịp điệu, có thể biến những linh cảm thành ngôn từ. Lor-ca siêu thực một cách tự nhiên và hiện thực một cách tự nhiên” (Lor-ca trong tôi). Vì thế, mở đầu bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca, Thanh Thao viết:

"những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn"

Nói đến Tây Ban Nha, ngoài hình ảnh cây đàn ghi ta, còn có một hình ảnh nữa cũng rất đặc trưng cho đất nước nay. Đó là hình ảnh những dũng sĩ đấu bò tót với chiếc áo choàng đỏ rực rỡ, chói chang. Vì vậy, chỉ bằng mấy nét chấm phá, phần nào chịu ảnh hưởng của trường phái tượng trưng, siêu thực: một chiếc đàn ghi ta với những âm thanh “li-la li-la li-la”, một chiếc áo choàng đỏ, yên ngựa,... Thanh Thảo đã làm sống dậy, hiện lên trước mắt người đọc hình ảnh chàng thi sĩ Lor-ca, người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường chiến đấu cho tự do, cho khát vọng cách tân nghệ thuật giữa một nền khung cảnh mang đậm bản sắc văn hoá Tây Ban Nha. Những hình ảnh tương phản vừa giúp cho ta hình dung về Lor-ca, vừa gợi liên tưởng đến khung cảnh của đấu trường. Nhưng đây không phải là cuộc đấu giữa một đấu sĩ tài ba, kiêu dũng vói con bò tót hung dữ mà là cuộc đấu giữa khát vọng dân chủ của người nghệ sĩ - công dân yêu tự do Lor-ca với nền chính trị độc tài Phrãng-cô ; cuộc đấu giữa khát vọng cách tân nghệ thuật trong chàng thi sĩ Lor-ca với nền nghệ thuật bảo thủ, già nua. Trong cuộc quyết đấu đó, con người yêu tự do và nhà cách tân nghệ thuật Lor-ca thật đơn độc. “Li-la li-la li-la” - câu thơ toàn là âm thanh của tiếng đàn ngân vang gợi cho ta hình ảnh một dũng sĩ, một nghệ sĩ với tâm hồn và phong thái vô tư, phóng khoáng đang hát ca giữa đất trời Tây Ban Nha tươi đẹp, bao la. “Những tiếng đàn bọt nước” gợi cho người đọc liên tưởng đến những tiếng đàn trong trẻo, mát lành mà cũng mong manh dễ vỡ như bọt nước tròn phập phồng hiện ra rồi lại tan đi. Đối lập với nó là hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” - tượng trưng cho sự dữ dội, gợi liên tưởng đến tai hoạ, chết chóc. Trong tương quan đối lập ấy, số phận người nghệ sĩ Lor-ca thật mong manh. Chàng “đi lang thang về miền đơn độc - với vầng trăng chếnh choáng - trên yên ngựa mỏi mòn”. Phải chăng con đường về “miền đơn độc” mà Lor-ca đang đi cũng là miền lí tưởng của cuộc đời, của nghệ thuật, của cái đẹp ?

- Lor-ca bị sát hại và nỗi xót xa về sự dang dở của khát vọng cách tân.

Cái chết đã đến bất ngờ với Lor-ca. Con người thanh cao, trong sáng, rất yêu tự do và cái đẹp ấy đã luôn bị ám ảnh về cái chết của mình nhưng có lẽ vẫn không thể nghĩ nó lại đến một cách đột ngột, bất ngờ đến thế. Giây phút bi thương và thảm khốc nhất trong cuộc đời Lor-ca được Thanh Thảo diễn tả thật ngắn gọn và đầy ấn tượng. Lor-ca đang "hát nghêu ngao” một cách hồn nhiên và vô tư lự, ấy thế mà bỗng nhiên tai hoạ ập đến thật bi thảm : “áo choàng bê bết đỏ”. Bắt đầu từ đây, bài thơ đi sâu nói về cái chết bi thảm, đầy oan khuất của Lor-ca. Cảnh người nghệ sĩ bị hành hình được diễn tả bằng hình ảnh thực “áo choàng bê bết đỏ”. Sự kiện đau lòng ấy tạo thành cú sốc dây chuyền được diễn tả theo lối tượng trưng, liên tục chuyển đổi cảm giác qua hệ thống âm thanh vỡ oà thành màu sắc, hình khối, dòng máu chảy. “Tiếng ghi ta nâu”, “tiếng ghi ta lá xanh biết mấy - tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan - tiếng ghi ta ròng ròng - máu chảy”. “Tiếng ghi ta nâu” gợi lên màu sắc của cây đàn vẫn vang lên những âm thanh ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người và của tình yêu. Đó còn là màu của suy nghĩ, của nỗi buồn day dứt, của đất đai quê hương xứ sở : “bầu trời cô gái ấy”. “Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy” là tiếng đàn của sự sống thanh bình, của ước mơ tình yêu bất diệt. “Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” là tiếng ghi ta tròn đầy, tuyệt vời nhưng cũng thật mong manh. Những âm thanh của “tiếng ghi ta ròng ròng - máu chảy” như những dòng máu tuôn chảy từ trái tim tử thương của Lor-ca, nó làm ta nhớ tới tiếng đàn vô cùng ai oán, đau thương của nàng Kiều : “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay” (Nguyễn Du - Truyện Kiều).

"tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy"

Câu thơ bị bẻ ra làm hai như tiếng đàn vỡ đôi, như sự sống đang độ căng tràn bất ngờ bị một lưỡi gươm bạo tàn chặt đứt đột ngột. Nó càng khiến người ta thêm đau xót trước cái chết bi thảm của nghệ sĩ thiên tài Lor-ca.

4. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Hệ thống hóa tri thức về cách viết các kiểu văn bản được học ở THPT.

- Viết được các kiểu văn bản đã học, đặc biệt là văn bản nghị luận.

- Tư duy tổng hợp, khái quát.

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM