Sinh học 9 Bài 54: Ô nhiễm môi trường

Qua nội dung Bài 54: Ô nhiễm môi trường học sinh được tìm hiểu về các vấn đề ô nhiễm môi trường, các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và sự tác động của nhân tố con người có ảnh hưởng như thế nào đến môi trường sống cũng như hệ sinh thái tự nhiên. Từ đó giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sống, cũng như các hoạt động làm hạn chế sự ô nhiễm môi trường.

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Định nghĩa

- Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường bị bẩn, đồng thời các tính chất vật lí, hoá học, sinh học của môi trường bị thay đổi, gây tác hại tới đời sống của con người và các sinh vật khác.

Nghành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường

- Nguyên nhân: Ô nhiễm chủ yếu do con người gây ra. Ngoài ra, ô nhiễm còn do một số hoạt động của tự nhiên: núi lửa phun trào, lũ lụt, thiên tai, …

Lũ lụt gây ô nhiễm môi trường

1.2. Các tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu

a. Ô nhiễm không khí

+ Ô nhiễm do các chất khí CO, SO2, CO2, NO2, … và bụi thải ra từ các hoạt động đốt cháy nhiên liệu dùng trong công nghiệp và sinh hoạt.

Ô nhiễm không khí

b. Ô nhiễm do hoá chất bảo vệ thực vật và chất độc hóa học

- Các chất bảo vệ thực vật như: thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ … bên cạnh hiệu quả làm tăng năng suất cây trồng còn có tác động bất lợi tới toàn bộ hệ sinh thái, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Các chất độc hại được phát tán và tích tụ 

  • Hóa chất (dạng hơi) → nước mưa → đất → tích tụ trong đất → ô nhiễm mạch nước ngầm.  
  • Hóa chất (dạng hơi) → nước mưa → ao, hồ, sông suối, biển → tích tụ trong nước.   
  • Hóa chất còn bám và ngấm vào cơ thể sinh vật.

c. Ô nhiễm chất phóng xạ

- Nguyên nhân: Từ chất thải các công trường khai thác chất phóng xạ, các nhà máy điện nguyên tử và các vụ thử vũ khí hạt nhân.

Ô nhiễm phóng xạ từ chất thải chưa qua xử lí thải trực tiếp ra môi trường của các nhà máy, xí nghiệp

- Tác hại: gây đột biến ở người và sinh vật, gây ra 1 số bệnh di truyền, ung thư.

Hậu quả do ô nhiễm phóng xạ: Gây bệnh, tật ở người bị nhiễm chất phóng xạ

d. Ô nhiễm các chất thải rắn

- Chất thải được thải ra từ quá trình sản xuất và sinh hoạt.

  • Các chất thải công nghiệp như đồ cao su, đồ nhựa, giấy, dụng cụ kim loại, đồ thủy tinh, tro xỉ …
  • Các chất thải từ hoạt động nông nghiệp chủ yếu là rác thải hữu cơ như thực phẩm hư hỏng, lá cây …
  • Chất thải từ hoạt động xây dựng gồm có đất, đá, vôi, cát …
  • Hoạt động y tế thải ra bông băng bẩn, kim tiêm …
  • Các gia đình thải ra nhiều loại rác như nilon dùng đựng đồ và gói thức ăn, thức ăn thừa …

Ô nhiễm do rác thải sinh hoạt.

e. Ô nhiễm do các sinh vật gây bệnh.

- Bên cạnh nhiều nhóm sinh vật có ích, nhiều nhóm sinh vật gây bệnh cho người và các sinh vật khác.
- Nguồn gốc: chủ yếu do các chất thải như phân, rác, nước thải sinh hoạt, xác chết của sinh vật, nước và rác thải từ các bệnh viện … không được thu gom và xử lí đúng cách → gây bệnh cho người và động vật. 

+ Một số bệnh do sinh vật gây ra

  • Bệnh sốt rét.
  • Bệnh tả, lị, giun sán.

+ Nguyên nhân do thói quen ăn uống, sinh hoạt của con người: ăn gỏi, ăn tía, ngủ không mắc màn …

Ô nhiễm do sinh vật gây bệnh ở động vật

2. Bài tập minh họa

Bài 1: Những hoạt động nào của con người gây ô nhiễm môi trường?

Hướng dẫn giải: 

Có nhiều hoạt động của con người gây ô nhiễm môi trường: trong sinh hoạt hàng ngày, việc đốt cháy nguyên liệu trong các gia đình nhưu đun than, củi, dầu mỏ khí đốt, các chất thải trong sinh hoạt, các chất thải của bệnh viện, đặc biệt là các chất thải có nhiễm phóng xạ do các vụ thử khí hạt nhân gây ra. Việc phun thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, diệt nấm không đúng liều lượng và quy cách, rồi các chất độc hoá học do chiến tranh, các chất thải của các nhà máy, xí nghiệp, giao thông vận tải đã thải vào không khí nhiều loại khí độc như CO, CO2, SO2…. Hậu quả của các hoạt động trên gây nên ô nhiễm môi trường, làm suy thoái hệ sinh thái, có hại đến sức khoẻ của con người.

Bài 2: Tác hại của ô nhiễm môi trường?

Hướng dẫn giải: 

Việc gây ô nhiễm môi trường có hại đến đời sống con người và các sinh vật khác. Tạo điều kiện cho nhiều loài sinh vật gây bệnh phát triển. Làm suy thoái hệ sinh thái và môi trường sống của sinh vật. Các chất độc hoá học, các chất phóng xạ ảnh hưởng đến hệ sinh thía, gây các bệnh di truyền, ung thư.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Hãy lấy ví dụ minh họa: - Chất thải từ các nhà máy làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên - Rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường - Mạch nước ngầm bị ô nhiễm

Câu 2: Hãy cho biết nguyên nhân của việc ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật sau khi ăn rau và quả.

Câu 3: Ô nhiễm môi trường là gì? Các tác nhân nào gây ô nhiễm môi trường?

Câu 4: Những hậu quả nghiêm trọng mà con người tác động vào môi trường tự nhiên trong xã hội công nghiệp là gì?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Hiện tượng tự nhiên gây ô nhiễm không khí là

A. cháy rừng.

B. núi lửa.

C. sự phân huỷ xác động, thực vật.

D. cả A, B và C.

Câu 2: Chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường có nguồn gốc từ các hoạt động nào sau đây của con người?

A. Sản xuất công nghiệp và nông nghiệp

B. Sinh hoạt hằng ngày.

C. Hoạt động y tế (bông, băng, kim tiêm ,... đã dùng)

D. Cả A, B và C.

Câu 3: Câu nào sai trong các câu sau:

A. Hiện nay, ô nhiễm môi trường là vấn đề toàn cầu mà tất cả các nước đều quan tâm.

B. Ô nhiễm môi trường chủ yếu do con người gây ra.

C. Vấn đề ô nhiễm môi trường không là mối quan tâm của học sinh lớp 9.

D. Nếu thu gom và xử lí rác thải hợp lí sẽ hạn chế ô nhiễm môi trường.

Câu 4: Nguyên nhân gây ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật sau khi ăn rau quả là

A. người trồng rau đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách.

B. người trồng rau đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng.

C. người ăn rau không thực hiện tốt việc “ăn sạch".

D. cả A, B và C.

Câu 5: Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là gì?

A. Cháy rừng.

B. Thải khói, khí độc từ các nhà máy ra không khí.

C. Sử dụng phương tiện giao thông và đun nấu trong gia đình.

D. Cả A, B và C.

4. Kết luận

- Sau khi tìm hiểu xong bài này học sinh cần nắm được những yêu cầu sau:

  • Chỉ ra được các hoạt động của con người làm thay đổi thiên nhiên từ đó ý thức được trách nhiệm của bản thân, cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường cho hiện tại và tương lai.
  • Rèn cho hs kĩ năng thu thập thông tin từ sách báo, hoạt động nhóm, khái quát kiến thức. Từ đó giáo dục cho hs lòng yêu thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên.
Ngày:21/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM