Đồ án

Chuyên mục Đồ án được eLib chia sẻ sau đây tổng hợp các hướng dẫn chung về Đồ án, hướng dẫn Đồ án theo ngành, Đồ án mẫu và các lưu ý khi làm Đồ án. Hy vọng sẽ giúp cho các bạn nắm được những cấu trúc chung của một bài Đồ án. Mời các bạn cùng tham khảo!

1. Đồ án là gì?

Đồ án tốt nghiệp là một công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên các trường đại học thực hiện vào học kỳ cuối để tốt nghiệp ra trường.

Đồ án tốt nghiệp là chuyên khảo mang tính tổng hợp sau khi kết thúc chương trình đại học kỹ thuật chuyên môn, bao gồm: những nghiên cứu về một vấn đề kỹ thuật hoặc toàn bộ công nghệ, công trình kỹ thuật thiết kế mang tính tổng hợp về toàn bộ dây chuyền công nghệ hoặc một công trình kỹ thuật.

Kết quả đánh giá đồ án tốt nghiệp là cơ sở để nhà trường công nhận tốt nghiệp cho sinh viên.

Đồ án tốt nghiệp là một loại luận văn khoa học và được xem như một công trình nghiên cứu khoa học. Vì vậy người viết đồ án tốt nghiệp cần chuẩn bị không chỉ nội dung khoa học mà còn cả phương pháp luận nghiên cứu.

Tài liệu hướng dẫn này dung chung cho cả đồ án và luận văn tốt nghiệp sau đây gọi chung là Đồ án tốt nghiệp.

2. Yêu cầu về hình thức của đồ án

2.1 Trình bày đồ án

Đồ án phải được in trên giấy A4 với font chữ Unicode; và có quy định cụ thể về lề trên; lề dưới; lề trái; lề phải. Tổng chiều dài của đồ án thông thường khoảng 100 đến 200 trang (với quy định giãn dòng), không kể phần phụ lục.

2.2 Cách liệt kê và trích dẫn tài liệu tham khảo

Có nhiều cách để liệt kê tài liệu thao khảo, thường sử dụng cách liệt kê tài liệu tham khảo theo quy định của IEEE. Tài liệu tham khảo được đánh số thứ tự, số thứ tự được đặt trong ngoặc vuông (ví dụ [1]). Thứ tự liệt kê là thứ tự tài liệu được trích dẫn trong đồ án. Về nguyên tắc chung, không phải dịch ra tiếng Việt tiêu đề cũng như nguồn gốc của tài liệu tham khảo có nguồn gốc tiếng nước ngoài;

Ví dụ:

[1] J. H. Watt and S. A. van der Berg, Research Methods for Communication Science. Boston, MA: Allyn and Bacon, 1995.

[2] J. W. DuBois, S. Schuetze-Coburn, S. Cumming, and D. Paolino, "Outline of discourse transcription", in Talking Data: Transcription and Coding in Discourse Research (J. A. Edwards and M. D. Lampert, Eds.). Hillsdale, NJ: Lawrence Erlbaum Associates, 1993, pp. 45–89.

[3] Ngô Diên Tập, Lập trình bằng hợp ngữ, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật, Hà nội 1998.

Các nguồn tài liệu tham khảo chính là sách, bài báo trong các tạp chí, bài báo trong các hội nghị khoa học và các tài liệu tham khảo trên Internet. Các thông tin này phải đầy đủ để giúp cho người đọc có thể dễ dàng tìm lại được các tài liệu tham khảo trong trường hợp người đọc muốn tìm hiểu kỹ hơn về các thông tin được trích dẫn trong đồ án;

Thông tin được trích dẫn nguyên văn phải được đặt trong dấu ngoặc kép;

Số thứ tự của tài liệu được trích dẫn có thể được đặt ngay sau thông tin được trích dẫn hoặc đặt trước thông tin được trích dẫn;

Nếu tham khảo tài liệu trên Internet phải ghi rõ url của trang web và ghi ngày truy cập cuối cùng mà trang web đấy vẫn còn có hiệu lực;

Cách trình bày các tài liệu tham khảo phải nhất quán và theo một format chung. Ví dụ nếu đặt tên bài báo trong ngoặc kép thì phải nhất quán từ đầu đến cuối cho tất cả các bài báo, hoặc nếu tên tác giả nước ngoài có phần tên riêng được viết tắt thì không nên viết đầy đủ tên riêng của 1 tác giả nào.

3. Lưu ý khi viết đồ án tốt nghiệp

Lựa chọn đề tài sớm nhất có thể

Việc lựa chọn đề tài sớm sẽ giúp cho bạn có nhiều thời gian chuẩn bị hơn. Thời gian làm đề tài thường là 6 tháng nhưng lại sát với kì nghỉ tết. Nhiều người cho rằng qua tết mới bắt tay vào lựa chọn đề tài thì quả là sai lầm, nó sẽ ảnh hưởng tới kết quả vì thời gian quá gấp rút. Tốt nhất, bạn hãy lựa chọn ngay từ học kỳ 1 của năm cuối. 

Khi chọn đề tài bạn đừng quá băn khoăn về tên cụ thể của đề tài là gì. Thay vào đó, hãy chọn hướng đề tài bạn định đi. Sự định hướng này là rất quan trọng để cho bạn có thể tiếp cận được thông tin chính xác. Đồng thời, thu thập tài liệu và bổ sung những kiến thức còn thiếu về đề tài này.

Tích cực bổ sung kiến thức

Để có một đồ án hoàn hảo nhất thì việc bổ sung kiến thức đối với mỗi sinh viên là không thể thiếu. Việc bổ sung kiến thức này muộn nhất cần phải thực hiện ngay từ thời gian bắt đầu thực tập. 

Các bạn phải biết rằng những gì học trên lớp là chưa đủ để tạo ra được đồ án chuyên sâu và gây được ấn tượng mạnh với giám khảo chấm thi. Chính vì vậy, hãy thu thập kiến thức bổ sung tài liệu về đề tài mà bạn đã chọn.

Chọn tên chi tiết đề tài

Ở thời điểm tiếp theo, khi đã lên được hướng đi cho đề tài và bổ sung kiến thức cần thiết thì hãy tiến hành lựa chọn tên chi tiết cho đề tài. Bạn hãy nhớ chọn một cách kỹ lưỡng tuyệt đối không được đến gần lúc thực hiện đồ án đó lại đổi ý.

Khi chọn tên cho đề án hãy chọn cách viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, đồng thời phải bám sát với nội dung của đề tài. Bạn cần tránh một số lỗi như:

- Tên một đằng nhưng nội dung lại một nẻo.

- Cẩn trọng với những khái niệm mới dễ gây tranh cãi, tốt nhất không nên đưa vào tên đề tài.

Nên nhờ người hướng dẫn

Thực tế cho thấy có khá nhiều bạn sinh viên bí ý tưởng khi làm đồ án nhưng lại không dám hỏi ý kiến của thầy cô hướng dẫn hay nhờ ai đó chỉ bảo. Như vậy, thì chắc chắn đồ án của bạn sẽ chẳng đi tới đâu.

Thay vào đó, bạn đừng sợ hãi bất cứ vấn đề gì hãy mạnh dạn nhờ thầy cô hướng dẫn giúp đỡ. Ngoài ra, có thể nhờ đến bạn bè hoặc những người đã thực hiện việc làm đồ án này trước đó. 

4. Các bước tiến hành khi làm đồ án tốt nghiệp

- Nhận đề tài

- Tìm tài liệu tham khảo. Đây là khâu rất quan trọng. Có tài liệu tham khảo tốt sẽ đảm bảo đồ án thành công tốt.

- Nghiên cứu sơ bộ tài liệu và đề tài, sau đó viết đề cương (sơ bộ) của đồ án và thông qua giáo viên hướng dẫn, bộ môn có trách nhiệm duyệt đề cương chính thức. Đề cương sẽ giúp sinh viên khái quát vấn đề trước khi đi vào chi tiết. Cái tổng thể phải được hình dung trước, làm trước cái chi tiết.

- Tiến hành nghiên cứu lý thuyết, làm thực nghiệm theo nội dung đề tài đã được vạch ra trong đề cương. Vừa làm vừa viết đồ án để thực nhiện đúng tiến độ do giáo viên hướng dẫn đề ra.

- Hoàn chỉnh đồ án tốt nghiệp.

- Nộp đồ án cho thầy hướng dẫn duyệt lần cuối.

- Nộp 04 đồ án cho bộ môn (1 cho giáo viên hướng dẫn, 1 cho bộ môn, 1 cho phản biện, 1 cho phòng Đào tạo quản lý sau chuyển sang thư viện).

- Bộ môn tổ chức đánh giá, xét duyệt lần cuối kết quả từng đồ án (quyển và test chương chình, phần cứng, sơ đồ thiết kế vv…), chuyển kết quả duyệt của Bộ môn và nộp đồ án (02 bộ) cho phòng đào tạo.

- Phòng đào tạo chuyển đồ án cho phản biện (trong khoảng 03-05 ngày phản biện chấm, và nộp bản nhận xét của phản biện về cho Phòng đào tạo).

- Hội đồng xét tư cách bảo vệ tốt nghiệp họp ra quyết định danh sách chính thức được bảo vệ tốt nghiệp. Các trường hợp sau sẽ không được bảo vệ:

- Sinh viên cả đợt làm đồ án tốt nghiệp không gặp thầy giáo hướng dẫn sau lần giao nhiệm vụ đầu tiên, hàng tuần không báo cáo tiến độ thực hiện sẽ bị xử lý như là không làm đồ án và bị đình chỉ, không được bảo vệ đồ án.

- Đến hạn không nộp báo cáo.

- Đồ án không đạt yêu cầu khi thông qua duyệt lần cuối ở bộ môn.

- Phản biện không đề nghị cho bảo vệ tốt nghiệp trước Hội đồng.

- Sinh viên chưa hoàn thành đóng học phí theo quy định, đang trong thời gian thi hành án do vi phạm pháp luật.

- Chuẩn bị bảo vệ tốt nghiệp: chuẩn bị pp chiếu, bảo vệ thử, viết tóm tắt nội dung bảo vệ, chuẩn bị máy tính và máy chiếu, bản vẽ các loại.

5. Hướng dẫn chung trình bày đồ án tốt nghiệp

5.1 Yêu cầu chung

Đồ án phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, sạch sẽ, không được tẩy xoá, có đánh số trang, số bảng biểu, hình vẽ, đồ thị.

Riêng trang Bìa đố án (xem Phụ lục 2):

- Dòng Title chữ in hoa, cỡ 11.

- Dòng chữ: ĐỒ ÁN TỐT NGHIỆP: chữ in hoa, cỡ 28.

- Các dòng chữ Ngành, chuyên ngành, tên đề tài: chữ in hoa, cỡ 12.

- Các dòng chữ khác: chữ thường, cỡ 16.

5.2 Nội dung đồ án

Đồ án tốt nghiệp phải được thể hiện bằng một văn bản trình bày kết quả nghiên cứu một vấn đề lý luận hay thực tiễn, trong đó có những kiến giải mới, những đóng góp mới, những đề xuất và ứng dụng sáng tạo có giá trị trong lĩnh vực liên quan đến đề tài. Đồ án phải được trình bày súc tích, đảm bảo tính lôgic chặt chẽ theo trình tự sau:

Phần mở đầu

Lý do chọn đề tài (tính cấp thiết của đề tài).

Khách thể và đối tượng nghiên cứu.

Giới hạn và phạm vi nghiên cứu.

Mục đích nghiên cứu.

Nhiệm vụ nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu.

Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài (những đóng góp mới của đề tài).

Phần nội dung

Đây là phần cơ bản, chủ yếu nhất của đồ án, nội dung đồ án bao gồm:

Tổng quan vấn đề nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu và phân tích kết quả.

Đồ án có thể chia thành chương, mục số lượng chương, mục phụ thuộc vào đặc điểm của đề tài, khối lượng nội dung, cách trình bày của tác giả...). Song đồ án tốt nghiệp bao gồm ít nhất 3 chương:

Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu

Chương 2: Nội dung và phương pháp nghiên cứu

Chương 3: Các kết quả nghiên cứu.

Phần kết luận và khuyến nghị

- Kết luận của đồ án phải khẳng định được những kết quả nghiên cứu và chất lượng của đồ án, những đóng góp và những đề xuất mới. Kết luận phải có cơ sở khoa học và thực tiễn, được trình bày súc tích, cô đọng, sâu sắc, không có lời bàn và bình luận gì thêm.

- Đề xuất ý kiến: Nêu các khuyến nghị được rút ra từ kết quả nghiên cứu phù hợp, đề xuất các vấn đề mang tính bức xúc và triển vọng, những giải pháp mang tính khả thi…

5.3 Phần tài liệu tham khảo

- Tài liệu tham khảo là những ấn phẩm bao gồm: sách, tạp chí, ... đã đọc và được trích dẫn hoặc được sử dụng về ý tưởng vào đồ án, cần được chỉ rõ việc sử dụng đó trong đồ án.

- Các tài liệu tham khảo phải được xắp xếp riêng theo từng khối tiếng (Việt, Nga, Pháp, Đức....). Tài liệu đã đọc, tham khảo, trích dẫn, sử dụng trong đồ án bằng thứ tiếng nào thì xếp vào khối tiếng đó. Giữ nguyên văn không dịch, không phiên âm các tài liệu bằng tiếng nước ngoài, kể cả các tài liệu bằng tiếng Trung, Nhật, Lào...

- Trình tự sắp xếp danh mục tài liệu tham khảo theo từng khối tiếng theo nguyên tắc thứ tự ABC của họ, tên tác giả; cụ thể như sau:

+ Tác giả nước ngoài: Xếp thứ tự ABC theo Họ tác giả (kể cả các tài liệu đã dịch ra tiếng Việt và xếp ở khối tiếng Việt).

+ Tác giả Việt Nam: Xếp thứ tự ABC theo Tên tác giả mà không đảo lộn trật tự họ tên tác giả. Ví dụ: Nguyễn Văn An thì xếp ở vần A.

+ Tài liệu không có tên tác giả thì xếp theo thứ tự ABC theo từ đầu của tên tài liệu.

- Các tài liệu tham khảo khi liệt kê vào danh mục phải đầy đủ các thông tin cần thiết và theo trình tự sau:

+ Số thứ tự, Họ và tên tác giả, Tên tài liệu, (sách hoặc tạp chí – in nghiêng). Nguồn (tên tạp chí, tập, số, năm, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản, trang hoặc số trang đối với sách).

+ Số thứ tự được đánh số liên tục từ đầu đến hết qua tất cả các khối tiếng (không đánh riêng từng khối).

+ Trích dẫn vào đồ án: tài liệu tham khảo trích dẫn trong đồ án cần được trích dẫn theo số thứ tự của tài liệu ở danh mục các tài liệu tham khảo của luận án và số thứ tự đó được đặt trong ngoặc vuông.

+ Đối với tài liệu là các bài tạp chí hay báo cáo trong kỷ yếu hội nghị, số trang của bài đó trong danh mục đã được chỉ rõ từ trang nào thì trích dẫn chỉ cần đặt số thứ tự của bài đó trong ngoặc vuông, ví dụ [ 15 ].

+ Đối với tài liệu là sách, khi đặt số thứ tự của tài liệu đó cần chỉ rõ đoạn vừa được trích dẫn ở trang nào của sách với số đầu tiên trong ngoặc là số thứ tự của tài liệu, số thứ hai là số trang của đoạn trích dẫn, ví dụ [ 25; tr.105] hoặc [25; tr.132 – 137]

+ Đối với phần được trích dẫn từ nhiều loại tài liệu khác nhau, số thứ tự của các tài liệu được đặt độc lập trong từng ngoặc vuông, ví dụ [ 15 ],[ 16], [23].

5.4 Phần phụ lục

Phần này bao gồm những nội dung cần thiết nhằm minh hoạ hoặc bổ trợ cho nội dung đồ án như số liệu, mẫu biểu, tranh ảnh,…Nếu đồ án sử dụng những câu trả lời cho một bản câu hỏi thì bản câu hỏi mẫu phải được đưa vào phần Phụ lục ở dạng nguyên bản đã dùng để điều tra, thăm dò ý kiến; không được tóm tắt hoặc sửa đổi. Các tính toán mẫu trình bày tóm tắt trong bảng biểu cũng cần nêu trong phụ lục của đồ án. Phụ lục của đồ án không được dày hơn phần chính của đồ án. Phụ lục không được đánh số trang.

Việc sắp xếp phần phụ lục nên theo trình tự sau:

- Các công trình (bài viết) đi sâu từng khía cạnh của vấn đề nghiên cứu (nếu có).

- Bảng hướng dẫn, chỉ dẫn hoặc ước chú.

- Các biểu bảng số liệu, biểu đồ, đồ thị, hình vẽ...

- Nếu có nhiều phụ lục thì phụ lục được đánh số thứ tự bằng số la mã hoặc số ả rập.

Trên đây là bài viết tham khảo về Đồ án, hy vọng qua bài viết, bạn sẽ có thêm được nhiều kiến thức cũng như áp dụng chúng vào bài đồ án của mình. Chúc bạn thành công!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM